|
|||||||||||||
|
Chính trịNhật hoàng thoái vị. Nhật hoàng vạn tuế! 26 May, 2024Sáng ÁnhTheo lời một bạn Nhật sống tại Nhật, thì người Nhật có tính rất tuân thủ và thượng tôn, cho nên khách đến Nhật ai cũng thấy trật tự, ổn định, quy củ, sạch sẽ; và lại còn dễ mến nữa, thí dụ như giúp đỡ người lạ đi lạc, hỏi đường họ sẽ cầm tay bạn dắt đến tận chỗ; Nhưng đó là vì xã hội đòi hỏi họ phải hành xử như vậy, chứ không đòi hỏi họ dắt người lạ ra chỗ khuất và trấn lột. Bạn Nhật này không có dịp ra nước ngoài nhiều nên bạn đoán là ở một nơi khác, không có áp lực của xã hội để phải tuân thủ, thì người Nhật sẽ hành xử khác hẳn. Bạn hỏi tôi, là người đã từng gặp người Nhật nhiều nơi khác trên thế giới, rằng có phải thế không? Người Nhật có nói to trên điện thoại di động khi dùng phương tiện công cộng ở Paris hay New York thì tôi không biết và cũng không quan sát kỹ. Nhưng điều chắc chắn là khi ở Nam Kinh (1937), ở Manila (1945), ở Cao Ly trong mấy thập kỷ, người Nhật không dễ mến chút nào và gặp ai họ cũng chặt đầu, cỡ ISIS (Quốc gia Hồi giáo) chẳng có gì ví với họ được. Họ hành xử như vậy, bởi vì như người bạn Nhật của tôi nhận xét, họ phải tuân thủ lệnh trên và thượng tôn, bảo giết là giết ngay không cần suy nghĩ. Và điều người Nhật trước đây thượng tôn nhất hạng là thiên hoàng của họ, cũng là giáo chủ đứng đầu đạo Shinto. Trước thời Minh Trị Nhật hoàng, theo truyền thống là nối dõi của Thần Vũ Thiên Hoàng (Jimmu), con cháu của Thái dương thần nữ và lên ngôi năm 660 trước Công nguyên. Họ này làm vua liên tục 125 đời theo huyền thoại hoang đường, là 2679 năm, nhưng có vết có tích lịch sử là từ đời vua thứ 29, hoàng đế Kinmei, lên ngôi 539 trong kỷ nguyên này, sao thì cũng được 94 đời và đến nay là 1,480 năm. Riêng chuyện lâu dài này cũng đã cho thấy tính cách tuân thủ của người Nhật vì ở nơi khác, năm mười đời đã là phúc lớn, thường chấm dứt bởi việc mất beng đầu. Trong lịch sử thế giới, để sánh với, chỉ có giòng nhà Solomon tại Ethiopia. Tại đây, hoàng tộc được cho là tiếp nối nữ hoàng Sheba từ thế kỷ 10 trước Tây lịch, tức là 2900 năm, và chí ít có chứng từ là từ 1270 Tây lịch cho đến 1974, được 704 năm. Vào một ngày xấu của năm 1974 này, hoàng đế cuối cùng Ethiopia là Hailé Sélassié được Hội đồng Cách mạng (DERG) mời lên xe con cóc Volkswagen ra đi và phát hiện, tịch thu luôn 40.000 USD (?) tiền mặt ngài giấu dưới tấm thảm trong phòng làm việc. Như vậy, chỉ còn giòng họ của Nhật hoàng là làm vua lâu đời nhất trong lịch sử thế giới. Nhờ chức lãnh đạo tôn giáo Shinto và lãnh đạo tinh thần (Thái dương) nên Nhật hoàng mới tồn tại lâu dài như thế. Trong nhiều giai đoạn, vai trò chính của nhà vua là biểu tượng của quốc gia và của đất trời. Thời đại 1185-1868, quyền bính của đời ở trong tay các sứ quân (Shogun) hay các chúa thi nhau quần với các quí tộc đại chủ (Daimyo). Vua cúng tế gì mặc ngài, còn phi ngựa chém nhau, giành dân, đánh thuế là chuyện của hạ thần chúng tôi. (Nói qua, dưới thời phong kiến áp bức, thần dân Nhật tấc sắt trong tay cũng không có và bị cấm đoán. Các bạn xem phim võ hiệp, nếy thấy Lý Tiểu Long sử dụng tài tình nunchaku – côn nhị khúc – là vì đây là một dụng cụ đập lúa nông nghiệp, như chày tonfa, được nông dân dùng làm vũ khí khi chống lại kiếm, mác của các võ sĩ samurai. Tại Cao ly, mấy nhà mới được một con dao chặt thịt, khóa bằng dây xích ở tại phường, ai muốn dùng thì đến đó mà sử dụng. Lần đầu người viết này sang Nhật, bị hải quan hỏi là có mang kiếm trong hành lý không!) May nhờ hiến pháp thời Minh Trị… Năm 1868, sứ quân Tokugawa xuống ngôi để cho Nhật hoàng Meiji (Minh trị) chấm dứt thời đại phong kiến nhiễu nhương và mở đầu thời đại canh tân. Các Daimyo, các võ sĩ, xếp kiếm đi làm kỹ nghệ theo gương của Tây phương. Thiên hoàng Minh trị trở thành đồng nghĩa với cải cách và tiến bộ, nếu trước kia cầu trời mà ban mưa móc và lúa gạo thì vào thời cận đại đặt ra nền móng cho Toyota, Sony. Hiến pháp Minh trị (1890) quy định một chế độ quân chủ nửa vời, theo mẫu của nước Phổ (Đức) tức là trên thực tế chia quyền với nội các và thủ tướng, quốc hội, và các vị này tuy vâng vâng dạ dạ thiên hoàng nhưng vẫn có rộng lối để mà cai trị. Hiến pháp này tồn tại qua các thời Đại chính (Taisho) và Chiêu hòa (Showa, Nhật hoàng Hirohito) và bị bãi bỏ vào 1947 sau khi Nhật thua trận. Một phần do người Mỹ lúc đó đã quay ngay sang địch thủ mới (và bạn cũ) là Liên xô, nên để yên cho hoàng tộc và không lật đổ họ hay đưa ra xử tội. Phần kia, là vì sự lắt léo của Hiến pháp Minh trị khiến trách nhiệm chiến tranh không rõ về phần ai, nội các hay là Thiên hoàng. Vương Asaka, đứng đầu một chi của hoàng tộc, lúc đó thượng tướng và tư lịnh mặt trận Nam kinh, được Mỹ tha, không bị truy tố, mặc dù quân dưới quyền ông giết hại 200.000-300.000 người tại thành phố này. Đại tướng Yamashita (Hùm Mã Lai Á) có quân dưới quyền trái lệnh của ông, sát hại 100.000 người tại Manila nhưng chẳng phải vương tước gì tất nên Mỹ xử tử hình. Phải nói, “Nhật hoàng” vào thời điểm đó, không có niên hiệu gì, cũng chẳng con cháu Thái dương thần nữ, chỉ thích đeo kính đen và hút ống tẩu, chính là tướng Mỹ MacArthur. Binh hòa Hiến pháp tước mất quyền vua Hiến pháp (do Mỹ thảo) 1947, tức Bình hòa Hiến pháp, đặt lại Nhật hoàng vào vị trí biểu tượng, và tước khỏi tay nhà vua “chủ quyền” của đất nước. Nước Nhật không có quyền tuyên chiến và không có quyền duy trì quân đội (Điều 9). Đến nay, quân đội Nhật vẫn mang tên trá hình là “Lực lượng Tự vệ” và quốc hội 2015 mới sửa đổi để cho phép lính Nhật tham gia vào các hoạt động quân sự ngoài nước. Vai trò của Hirohito đến lúc ông mất 1989 vẫn bị thế giới phê bình vì ông là Thiên hoàng trong thời kỳ chiến tranh, mà tàn sát dưới triều ông thì cũng lắm. Con ông, Akihito (niên hiệu Biền thành, Heisei) là một trang mới, không vấy bởi tội ác chiến tranh, và hoàng gia Nhật trở thành kiểu Anh quốc, mua vui cho quần chúng. Hoàng đế sắp lên ngôi Naruhito (niên hiệu Lệnh hòa, Reiwa) là người sanh sau thế chiến (1959). Ông này vui tính rõ rệt và có thể nói là diễn biến từ đời Hirohito qua đời Akihito đến đời Naruhito là tiến hóa từ vẻ mặt trầm trọng đến chuyện cười toét cả miệng. Naruhito leo núi, đánh banh tennis, lấy vợ gốc Công giáo (phải cải đạo theo chồng) và có con muộn, lại là con gái, khiến nước Nhật định đổi Hiến pháp để công chúa có thể lên ngôi. Tuy nhiên, em trai ông có con trai năm 2006 nên chuyện sửa đổi này không còn cần thiết. Quyền lực thật sự trong tay ai? Quyền lực từ 1947 hoàn toàn ở trong tay chính phủ và quốc hội, đường sống của hoàng tộc giờ là cười tươi vào những ngày quốc lễ. Chuyện niên hiệu cũng phải tranh cãi là vì do thủ tướng chọn, chứ vua chẳng có quyền, và thủ tướng Abe được coi là muốn phục hồi quân đội, xóa sổ luôn các tội ác mà nước Nhật chưa từng, chưa hề ăn năn hay xin lỗi, như là thảm sát vui vẻ đây kia, bắt mấy chục ngàn hay mấy trăm ngàn phụ nữ Cao ly, Philippines, Trung Quốc làm gái giải sầu (ủy an phụ) cho lính Nhật sau khi họ vung kiếm chặt đầu các nạn nhân Nam. Phải nói, sự “xuống cấp” của hoàng gia hiện nay không có nghĩa là sự xuống cấp của quí tộc. Ngay từ thời đại Minh trị, quí tộc Nhật từ cầm kiếm nắm ruộng không biến mất đi mà chỉ thức thời chuyển qua việc cầm điện thoại nắm cổ phiếu hay cầm phiếu tại quốc hội nắm thực quyền như là vào thời của các sứ quân ngày trước. Vẫn chỉ là truyền thống Con vua thì lại làm vua, nhưng con của đại biểu Đế quốc Nghị hội thì lại làm… đại biểu. Đây là một đặc điểm của Nhật, nếu ta trở về chuyện tuân thủ và thượng tôn xã hội ở đầu bài. 30% đại biểu Nhật hiện nay, 40% đại biểu thuộc đảng cầm quyền, là con hay cháu mấy đời của các đại biểu tiền nhiệm và các ghế đại biểu truyền đời này thường đắc cử vẻ vang. Trong 30 thủ tướng chính phủ thời hậu chiến, chỉ có 3 thủ tướng là không biết từ đâu rơi xuống, còn 27 vị có ông nội, ông ngoại, bố hay bố vợ từng làm thủ tướng trước đó hay bộ trưởng. Đương Kim thủ tướng Abe là cháu 4 đời của một hầu tước, cháu nội của một đại biểu quốc hội, cháu ngoại của một thủ tướng và con ruột của một ngoại trưởng. Thủ tướng tiền nhiệm Koizumi là cháu nội của một đại biểu và bộ trưởng bưu chính, con của một đại biểu và bộ trưởng quốc phòng. Thủ tướng trước đó nữa, ông Mori, có cả cha lẫn ông nội làm chủ tịch UBND một thành phố. Đây chẳng phải là vì họ gian lận bầu cử gì cả, nhưng bởi vì cái nước Nhật nó như thế, người dân trọng vọng kẻ có chức vị và đã kính ai thì kính cả họ đến mấy đời sau. Chuyện này không hẳn gì riêng tại Nhật, nhưng hiếm thấy ở mức độ phổ thông này tại một quốc gia có chế độ bầu cử dân chủ và trong sáng. Làm chính trị ở Nhật, cũng như mọi chuyện, phải có truyền thống. Hành lý Louis Vuitton được họ chuộng là vì vương Oyama nhập vào đầu tiên sau khi ông làm quan sát viên quân đội Nhật hoàng trong chiến tranh Pháp-Phổ năm 1871, và các giòng dõi hiệp sĩ Phù tang là những người đầu tiên trong nước đeo túi LV rồi mới đến quần chúng. Và truyền thống lâu đời nhất tại Nhật là làm vua. Như vậy, Nhật hoàng Naruhito ((đăng cơ vào 1.5.2019) chẳng có gì phải lo ngại. Nếu giả tưởng, vị trí làm vua là do dân chúng bầu lên, hẳn ông sẽ đắc cử dễ dàng, lẽ là bố ông, ông nội ông v.v. Nhà ông, đến 125 đời trước đã làm vua cơ mà, về mặt này chẳng có ai hơn được. Chỉ nói gần đây thôi, trong thời kỳ cận đại, canh tân và đổi mới đã có ông cố Minh trị, bành trướng và xâm lăng đã có ông nội Chiêu hòa! Đời ông, sẽ “bình dân”, như ông từng thấy ở nữ hoàng Anh vào một dịp lúc Naruhito còn du học Oxford. Ông ngạc nhiên và thích thú nhận xét “Nữ hoàng tự rót trà cho mình và đưa bánh mời mọi người!” Hẳn là Naruhito sẽ học lỏm và áp dụng thuật bình dân đó lúc lên ngôi vào thế kỷ thứ 21. Như vậy, lại cũng là giữ gìn truyền thống. Tổ 5 đời của ông là Minh trị Thiên hoàng, đã chẳng nhất nhất cái gì cũng bắt chước nữ hoàng Anh quốc Victoria đó sao? * 30. 04. 2019 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|