|
|||||||||||||
|
Đi chơiMang gì đây khi được bạn mời dùng cơm nhà? 3 May, 2024Sáng ÁnhTuần trước, tôi được bạn Tây mời dùng cơm nhà cùng gia đình bạn. Những chuyện mời ăn thế này, dù quan hệ với chủ thân sơ như thế nào, quen biết trong công việc hay là bạn bè, lối xóm cùng đi câu cá hay cùng chơi trong ban nhạc của thị xã, điều quan trọng là buổi mời này vào lúc nào. Ăn trưa trong tuần khác với ăn tối chiều thứ Bảy. Còn trưa Chủ nhật với người Pháp là chuyện rề rà, kéo dài 4-5 tiếng và 5-7 món, khai vị, “phó mát và tráng miệng” chứ không phải “phó mát hoặc tráng miệng” như khi đi ăn vội ở nhà hàng.Thường những bữa như vầy, có dâu có rể, ông bà nội ngoại thì mỗi người một phận sự được sắp đặt và phân công trước. Có món nhậu uống Apero lúc 12 giờ. Sau đó vào bàn có món đầu, món chính, sa lát, phó mát và tráng miệng. Hôm đó là một bữa họp gia đình và tôi ngoại đạo, nghĩa là không phải bà con máu mủ. Được mời đến là một cử chỉ thân mến, được “coi như là trong gia đình”. Đây chẳng phải sinh nhật, ngày kỷ niệm 30 hay 50 năm cưới, hay chúc thọ gì hết nên cũng chẳng có gì đặc biệt và dĩ nhiên khách được mời phải biết để tùy cơ ứng biến theo hoàn cảnh và chủ đề của bữa ăn chung. Dễ nhất, trong những việc như vậy, là mang rượu đến, nếu không phải là một gia đình Hồi giáo loại bàn thờ. Nói qua, cỡ 90% người Hồi mà tôi biết đều uống rượu, có thể lên đến 99%. Điều này không có ý nghĩa thống kê gì sất, chẳng qua người Hồi mà tôi giao tiếp thuộc vào thể loại này. Nhưng ý nghĩa là cũng những người bạn Hồi này, thì 99% không ăn thịt heo. Con tôi, chẳng hạn, chỉ biết nấu có mỗi một món, là món Pot au feu, thịt bò súp rau. Khi đi học ở Malaysia, chàng mời các bạn đến nhà. Các bạn Trung Quốc, Tây, Mã Lai thì chẳng sao nhưng bạn Ấn Độ hỏi, thịt này thịt gì! Cho nên, mời Ấn Độ ăn không nên nấu thịt bò, cũng như đến nhà Hồi đừng có mang giò chả. Đến nhà người Pháp thì mang rượu là phải phép rồi.Nhưng đây gặp trở ngại là rượu trong bữa thì tất họ đã lo sẵn. Bạn có thể mang “thêm”, nhưng nó lại tùy thuộc vào món ăn hôm đó mà bạn lại không nắm trước. Dễ nhất là mang rượu khai vị, thí dụ, bạn lấy cớ mới đi Trung Quốc thì có thể lẻn ra chợ Tàu mua chai Mao Đài gì đó hay Mai Quế Lộ tửu. Cũng dễ tính là mang Champagne đến vì Champagne có thể uống chơi, uống trong mọi hoàn cảnh, đám cưới cũng uống mà ly dị lại càng nên uống để quên đời đau thương. Nhưng đây là bữa cơm gia đình bình thường, không có cháu nào mới thi đỗ nên mang Champagne không phù hợp và kém tế nhị, tức là có hơi lố. Bạn cũng có thể đặt ra cớ để ăn mừng, như khui chai và tuyên bố đây là dịp chúng ta lâu ngày mới hội ngộ. Champagne còn một vấn đề khác là uống lạnh và bạn phải ướp trước đúng độ, tùy đường xa gần và thời tiết, đến nơi phải vào bếp nhờ tủ lạnh của gia chủ. Tính nhẩm, cỡ 4 đầu người thì 1 chai Champagne, nếu là tiệc do bạn tổ chức thì 1 chai 2 người. Xin nhắc, muốn lố lăng cho trót, thì mang 4 chai đến bằng cái túi “Noe” của nhà Vuitton vì bây giờ dùng làm giỏ đầm nhưng nguyên thủy nghe đâu là để vận chuyển các chai rượu này. Một quà thông dụng khác trong những dịp thế này, là hoa. Đây là điều làm phụ nữ nào cũng hài lòng, và quý ở chỗ là nó sẽ tàn và nó không ăn được. Cái này cũng như rượu, lôi thôi và khệ nệ. Sáng chủ nhật ở Pháp, các tiệm hoa đều mở cửa để phuc vụ nhu cầu thăm viếng nhau này nhưng ở Pháp tiệm hoa ít hơn tiệm rượu. Nó đặt ra một vấn đề khác, là nhà bạn đến có bình đựng thích hợp hay không. Tốt nhất là bạn mua luôn bình có sẵn ở cửa hiệu. Hoa không thuận tiện trong chuyên chở công cộng, xe con cũng khó thích hợp, bó lớn thì nhét vào nó gãy mất vài bông, bó nhỏ thì trong khi bạn đang lái nó trôi dạt như lục bình, lại đổ cả nước và rơi vãi tung tóe. Trở lại bữa cơm đó, là một gia đình người Pháp tam đại đông đủ, thì lựa chọn ngày hôm đó của tôi là trái cây. Đây là món “ăn thêm” vì ăn tất nhiên là họ đã phải có đủ. Nếu bạn không giành trước là sẽ mang bánh ngọt đến thì hẳn đã có bánh ngọt rồi. Tôi là người Việt và họ là người Pháp nên trái cây nhiệt đới và hương xa sẽ là thích hợp. Loại này ở Paris cũng khó kiếm bên ngoài các phố Tàu, và họ đi chợ Tây thì không thấy. Vậy một ngày trước, tức là thứ Bảy, tôi phải thân hành lên quận 13. Đây là ngày tôi rất sợ, vì anh Ba chị Bảy dắt các con đi ăn phở hay mì sủi cảo, phố đông đúc, không có chỗ đậu nhưng thôi thì phải vậy. Nếu chuyện tặng hoa phải có bình thì chuyện tặng quả phải có mâm. Vậy là lại phải đi tìm một cái mâm vừa tầm, bằng nhựa coi không được, mà cũng phải bằng sành bằng sứ. Có cái thì Trang Tử hóa bướm, có cái thì Tây Thi múa quạt v.v. đi mất mấy cửa hàng mới chọn được một cái vừa trang nhã nhưng vẫn vẻ hương xa Đông Á. Quả thì ở khu này nhập từ Việt, từ Thái rất nhiều. Tôi mua nhãn, chôm chôm, bòn bon, mận, vải, măng cụt, vú sữa… màu xanh màu đỏ cốt là đẹp mắt hài hòa. Nhà gọi bảo đang cần hành tây, tôi mua một bịch. Các thứ này nằm trên thảm từ từ chạy đến chị thâu ngân ở quày tính tiền. Bịch hành tây là gói chót, tôi nhấc lên và hỏi chị. – Còn cái này, ăn có ngon không? Bữa ăn hôm đó, tôi ngồi giảng giải cho các bạn Tây ở nhà chủ là nhãn, vải, thì có hột, bóc ra mời họ và hướng dẫn. Vũ sữa thì tôi cắt, có bạn ăn luôn phía có nhựa và nói cũng ngon. Nhưng không ai ăn vỏ măng cụt cả. Như vậy là quà của tôi thành công mỹ mãn và mọi người rất vui, ngon thì không biết họ nghĩ gì nhưng với họ là vật lạ và hương xa nhiệt đới. Nếu đảo ngược lại vị trí, thì câu hỏi của tôi với cô hàng cũng chẳng quá quắt gì. Nếu tôi lần đầu thấy củ hành tây thì cũng đâu có biết ăn làm sao? Và ở chỗ ngồi của chị, Tây vẫn vào ra cả ngày hỏi ăn thanh long ra sao và múi mít nó thế nào. 11. 12. 2019 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|