|
|||||||||||||
|
Kinh tế-Địa ốcDu học để làm gì? (bài 2): Học môn gì? Học ở đâu? 28 May, 2024Sáng Ánh(Tiếp theo bài trước) Có mấy loại trường? Hoa Kỳ có 3 hệ đại học. Đầu tiên là các đại học cộng đồng (Community College) chương trình 2 năm, lấy chứng chỉ Associate Degree (AA hay AS). Các trường này có khắp hang cùng ngõ hẻm, thường là bước đạp rồi vào đại học 4 năm ở trong vùng để lấy bằng cử nhân, BA hay BS. Lý do là học phí giá chỉ bằng ½ ($20.000/năm thay vì $40.000), và bằng AA-AS của một đại học cộng đồng (2 năm học) sẽ được các đại học lớn trong khu vực công nhận, coi như thế cho 2 năm đầu trong chương trình cử nhân 4 năm của họ, với một số điều kiện như điểm tốt, lớp phù hợp v.v. Thí dụ, nếu bạn học 2 năm đầu ở Santa Monica Community College (California) thì bạn có thể chuyển sang UCLA (vào mà mặc áo phông này ưỡn ngực đi các bờ biển khắp thế giới, không có ngực để ưỡn thì vẫn có tên trường cũ). Thứ nhì là các đại học bán công lập, có tài trợ của tiểu bang. Ở Cali là các trường UC (University of California) rải rác, được đánh giá cao hơn các trường CSU (California State University) cũng trong bang đây đó. Bán công lập tiểu bang không có nghĩa là hay hoặc dở, còn tùy. Sau cùng (hay trên hết) là các trường đại học tư, tại Cali là Stanford hay USC (University of Southern California). Du học ở đâu? Thì du học Mỹ, nhưng ở đâu, trường nào, học gì? Hồ sơ hàng năm của US News tại Mỹ là công phu và khả tín nhất . Hồ sơ này chi tiết hạng thứ từng môn, từng vùng, có thông tin về giá sinh hoạt, lương trung bình khi tốt nghiệp v.v. và rất bõ công tham khảo, và nếu bạn có ý tiêu $40.000/năm tiền học phí, thì dành $39,95 để vào phần tham khảo kỹ rất đáng đồng tiền. Nhưng du học Mỹ không phải là lựa chọn duy nhất, tuy là lựa chọn tốn kém nhất. Đây là xếp hạng trong nước Mỹ và US News cũng có hồ sơ xếp hạng thế giới (Global Rankings) nhưng xếp hàng này thiếu uy tín toàn cầu và nhiều thiếu sót. Đây là một cái nhìn Anglo-saxon, và phản ánh cái nhìn của một tập đoàn hay công ty Mỹ, đại khái, tao là cha thiên hạ, và thằng Anh là thằng ông nội, bố tao đấy, nên tao vái nó một cái. Theo định kiến này, US News xếp hạng giáo dục đại học 1: Anh, 2: Mỹ, 3: Canada, 4: Đức, 5: Pháp. Bảng xếp quốc tế, cập nhật mỗi năm, thông dụng nhất là Quackarelli-Simmonds (hay QS). Bảng nào thì cũng có vấn đề và không thể áp dụng được cho tất cả mọi trường hợp. Tiêu chí của QS dựa trên số các bài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học chẳng hạn, và tất nhiên một đại học 30.000 sinh viên hẳn phải có nhiều bài hơn một đại học chỉ có 3.000 sinh viên. Trong trường hợp của nước Pháp, các đại học là nơi đào tạo chứ không phải là nơi nghiên cứu, và việc này là trọng trách của CNRS (Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia). Đại học Paris chẳng hạn, theo hành chánh lại được chia thành 12 đơn vị đại học tự lập, riêng việc này cũng làm cho xuống cấp trong bảng QS. LSE (London School of Economics) là một ví dụ. Trường (chỉ) có 10.000 sinh viên và xếp hạng 37 (2019). Nhưng nếu vào chi tiết từng bộ môn thì LSE đứng hạng 20 về Nghệ thuật & nhân văn, hạng 7 về Kinh tế, hạng 5 về Chính trị và Quốc tế toàn cầu. Sciences-Po (Viện chính trị học) tại Pháp, theo QS là đại học thứ 221 nhưng (vẫn theo QS) về môn Chính trị và Quốc tế thì đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Như vậy, phụ huynh không nên chỉ căn cứ vào thứ hạng của trường mà còn thứ hạng của môn theo học. Lấy thí dụ khác mà tôi rõ, là Trường Đông Phương và Phi Châu học (SOAS) của đại học London làm cụ thể. Đây là trường có 4.821 sinh viên thôi. SOAS là “Trường thuộc địa” của Anh quốc khi thành lập 1916, để đào tạo nhân viên phục vụ Đế quốc ở Á và Phi. Khi thực dân giải thể, nó là trường của giai cấp cai trị của các nước mới độc lập khỏi Anh quốc, cho nên là trường nhiều sinh viên nước ngoài nhất theo tỷ lệ. Người Anh học ở đây chỉ có 3 đầu ra là báo chí, ngoại giao và nếu chết đói thì vẫn còn MI6 (tình báo nước ngoài của Anh quốc và cơ quan chủ quản của điệp viên 007 như ai cũng biết). Thứ hạng thế giới của SOAS là 288, phần lớn là vì số sinh viên ít ỏi so với các trường khác. Nhưng về Phát triển học (các nước kém mở mang) SOAS đứng hạng 4, về Chính trị học đứng 23. Vậy nếu bạn quyết định học về Miến Điện chẳng hạn, để phát triển kinh tế và chính trị, thì bạn nên theo học LSE và SOAS, chứ đừng đi đâu hết. Đây cũng là quyết định đúng đắn của một cô Aung San Suu Kyi. Nhưng trong khi theo học tại hai trường này, hình như cô bỏ tiết về người Rohyinga vì lý do hay dậy trễ. Học môn nào? Nhưng như đã nói, còn tùy môn học nữa chứ! Còn cần phải tìm hiểu, và bạn là nghiên cứu sinh về Đông Nam Á, thì tại University of Malaya môn học này có giá trị hơn là tại Thụy Sĩ hay là Canada. Bạn không nên đến University of Malaya theo đuổi Thần học Ki tô giáo nhưng nếu là Thần học Hồi giáo thì đây là bước sau hợp lý, còn nếu là môn Văn chương Mỹ La tinh thì nên tìm trường khác, nơi khác mà mài mực. Như vậy, nếu theo đuổi vi tính, thì các Viện Kỹ thuật Ấn Độ cũng tốt (51-100). Học Nông Lâm thì nhì UC Davis ở Cali, nhất là Wageningen ở Hà Lan. Ngành khách sạn thì nhất Las Vegas ở Mỹ, nhì Lausanne Thụy Sĩ. Nha khoa hạng nhất là tại University of Hong Kong, còn nếu theo học Vũ khí Hóa học thì hạng bét phải là Đại học Iraq, 15 năm nay Hoa Kỳ bỏ bao nhiêu công sức mà vẫn không tìm ra tại đây 1 dấu hiệu nào về loại vũ khí này. Đời nhiều chuyện kỳ lạ, Harvard, là đại học đầu tiên của Mỹ và khỏi giới thiệu, nhất về nhiều thứ nhiều môn. Nhưng về cái cổ kính, Harvard kém những 25 tuổi và là hậu sinh của đại học Santo Tomas (1611) tại…Philippines. Trung Quốc có bảng xếp hạng thế giới của Jiaotong-Shanghai (ARWU) nhưng sơ sài. Anh quốc có Time Higher Education cũng xếp hạng các đại học thế giới, nhưng nên tham khảo là về các trường Anh quốc . Các trường tại Anh thôi, nên xem thêm bảng xếp hạng của The Guardian. Thế còn vấn đề tiền? Tiền thì để bài sau. 04. 10. 2018 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|