|
|||||||||||||
|
Điện ảnh“Vắng mặt không phép”, phim được giải mà lại không được chiếu 3 September, 2024Đỗ Kh.“Absent Without Leave” (Bất tức bất ly) là một phim tài liệu dài của đạo diễn Malaysia gốc Hoa Lau Kek Huat. Ông trước là một giáo viên trong nước, sau khi sang Đài Loan học thì đeo đuổi ngành điện ảnh phim tài liệu và từng đoạt nhiều giải phim ngắn tại đây, giải đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Kim Mã ở Đài Bắc. “Bất tức bất ly” vừa được giải quần chúng tại Liên hoan phim Singapore 2016 nhưng Malaysia mới cho biết là sẽ cấm chiếu phim này ở rạp. Nhà sản xuất thông báo, vì lý do trên, họ sẽ phát phim trên mạng miễn phí cho người xem tại Malaysia trong 1 tuần lễ kể từ ngày 28. 2. 2017. Bộ phim kể lại hành trình đi tìm quá khứ của một nhân vật trong gia đình đạo diễn. Đó là ông nội của anh, một chân dung trên bàn thờ nhưng bí ẩn và không được ai nhắc đến. Ông mất vào lúc cha của Kek-Huat mới lên 3 tuổi, chẳng hiểu ở đâu và vì lí do gì mập mờ. Để thực hiện bộ phim, Kek Huat mất 5 năm trời với kinh phí 18.000 USD, quay phim và phỏng vấn các bạn cũ cùng thời với ông nội còn sống sót tại Đài Loan, Hong Kong, Singapore, Trung Quốc và đi tìm dấu chân của thanh niên này 60 năm về trước ở trong nước. Đây là một bộ phim tài liệu về gia tộc và nguồn gốc, thế thì việc gì mà lại gặp phải cấm đoán tại Malaysia ? Nó đi dự nhiều Liên hoan phim quốc tế, lại được giải quần chúng tại Singapore ngay bên cạnh. Singapore không phải chỉ là láng giềng của Malaysia. Quốc gia-thành phố này từng thuộc Liên bang Malaya, sau đó ra riêng nhưng với bán đảo này gắn bó về nhiều mặt, địa dư và kinh tế và cùng một lịch sử dưới thời kỳ thực dân Anh quốc. Vậy tại sao Singapore tuyên dương mà Malaysia lại cấm? Malaysia là một quốc gia đa chủng, trong đó sắc tộc thổ dân chiếm 12%, Mã Lai 50%, Hoa là 22% và gốc Ấn là 7%. Trong thời kỳ trên 100 năm thuộc địa Anh quốc, chế độ thực dân đã nhập vào đây công nhân hầm mỏ và cao su từ Trung Quốc và Ấn Độ theo nhu cầu khai thác của họ. Xã hội Malaysia trước độc lập ngự trị trên cùng là thực dân cai trị da trắng, khéo léo duy trì địa chủ phong kiến và quí tộc Mã Lai ở nông thôn; thành phần thổ dân thì xa cách trong rừng. Thợ thuyền công nghiệp và tiểu thương thị thành chủ yếu là người Hoa, người Ấn, tức là giai cấp công nhân và tiểu tư sản. Singapore khi ấy là một thành phố tại bán đảo này, có công nghiệp và buôn bán, dĩ nhiên không có rừng với thổ dân, không có ruộng với địa chủ Mã Lai. Nó ngày nay là một quốc gia đa chủng, người Hoa chiếm 72%, Mã Lai 13% và Ấn là 9%. Về mặt dân tộc, Singapore là âm bản của Malaysia, đa số Hoa, thiểu số Mã, Ấn. Malaysia thì ngược lại, đa số Mã, thiểu số Hoa, Ấn. Có thể ví von, nếu Malaysia là Lục tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc, thì Singapore là quận 5 Sài Gòn, đến thời kỳ thực dân ra đi thì thành lập một quốc gia riêng có nhiều tiệm mì xá xíu. Giờ thì ta rõ hơn là tại sao người Mã Lai Lau Kek Huat lại sang tận Đài Loan để làm được một bộ phim nói tiếng Trung quốc phổ thông và tiếng Phúc Kiến (của cha ông anh). Vấn đề dân tộc tại Malaysia (cũng như tại Singapore) là một vấn đề nhức nhối ngấm ngầm, thỉnh thoảng lại đến chu kỳ giết chóc. Bầu cử 1969, đối lập tại Malaysia (thiên tả, quần chúng gốc Mã thành thị và gốc Hoa, Ấn) đánh bại đảng cầm quyền (quần chúng Mã Lai nông thôn). Người Mã Lai nổi lên chống đối và dấy loạn, khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Đảng cầm quyền giữ được vị trí và ấn định chỉ tiêu vẫn còn hiệu lực đến ngày nay, là thổ dân và dân tộc Mã (tức đa số 62%, gọi là bumiputera hay “con dân nguyên thủy của đất nước”) được ưu tiên trong học vấn, quân đội, công nhân viên nhà nước v.v. Các hộ chung cư chẳng hạn, phải có một cơ số dành cho bumiputera với giá nâng đỡ. Tại Singapore thì tất nhiên ngược lại, tuy không có chính sách nâng đỡ hay kỳ thị ra mặt nhưng không phải là không có mâu thuẫn sâu sắc giữa các thành phần dân tộc lâu lâu lại nổ bùng. Ông nội của đạo diễn Lau Kek Huat, và đề tài của bộ phim, tại sao lại bí ẩn? Thời thực dân, ông đi theo lực lượng vũ trang của đảng Cộng sản Mã Lai giành độc lập và thiệt mạng trong chiến tranh 1948-1960 (được gọi là “Cuộc nổi loạn Mã Lai”). Trong những năm đó, những người Cộng sản bị diệt trừ hay tử trận, gia đình không dám nhận xác. Họ ra đi và biến mất trong một thứ quá khứ lờ mờ và một lịch sử khuất lấp, khói nhang là trên những bàn thờ gia tộc thì thầm. Malaysia là một kinh nghiệm chống du kích thành công, khiến miền Nam Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh đã gửi sĩ quan sang theo học “Trường rừng Malaysia” về chiến thuật này. Chuyên gia Anh quốc Robert Thompson từ Malaysia sang Việt Nam vào thời Diệm, lập Phái bộ Cố vấn Anh quốc (BRIAM) tại Sài Gòn và là cha đỡ đầu của chương trình Ấp chiến lược, tiếp tục cố vấn cho Hoa Kỳ dưới thời Nixon và tại miền Nam cho đến thời Thiệu. Tuy nhiên, nếu Thompson được coi là người đã thắng du kích Cộng sản tại Malaysia thì không phải là nhờ cái tài chiến thuật của ông, và cái tài này nếu có cũng chẳng áp dụng ở nơi khác được. Sự thất bại của phong trào Cộng sản tại đây là bởi vì nó không được nông dân Mã Lai hay thổ dân địa phương ủng hộ mà chỉ dựa trên thành phần công nhân và tiểu tư sản thành phố, tức là thành phần chủ yếu thiểu số gốc Hoa. So sánh cho dễ hiểu, nếu phong trào Cộng sản ở Việt Nam chỉ được Chợ Lớn và chủ tiệm tạp phô Cần Thơ ủng hộ thì chẳng cần đến Thompson, nó cũng đã tự nó chìm xuồng tại Năm Căn, Cà Mau mà không cần đến biệt kích huấn luyện tại Trường rừng Malaysia ra tay. Đây là một quá khứ Malaysia vẫn còn phải đối diện, và nếu mâu thuẫn chính trị tại đây đã mờ nhạt bớt thì về mặt sắc tộc nó vẫn còn gay gắt tuy không được bộc lộ. Nhưng nhắm mắt lại với quá khứ và nhắm mắt không xem phim chắc cũng không phải là một giải pháp lâu dài. Nhất là trong tương lai, vấn đề dân tộc, sắc tộc tại đây, tại hai nơi này, Malaysia cũng như là tại Singapore, lại có một yếu tố mới không thể tránh khỏi. Đó là di dân mới và người lao động nước ngoài. Họ hiện chiếm 35% lao động tại Singapore (theo thứ tự số nhiều là đến từ Malaysia, Trung Quốc và Ấn Độ). Tại Malaysia, người nước ngoài hiện là 22% của lao động (theo thứ tự, từ Indonesia, Bangladesh, Nepal, Myanmar, Ấn Độ và Việt Nam) và đà này đang tăng trưởng cùng với kinh tế của hai nước. Ông nội của Lau Kek-Huat là ai? Thực ra, ông cũng chỉ là người 70 hay 80 năm về trước sang bán đảo để lao động và để tìm sống , như 200.000 lao động Nepal hay 80.000 lao động Việt Nam hiện nay. Con cháu của họ, nếu ở lại, sẽ có ngày nói đến họ trong một bộ phim Malaysia. 27. 02. 2017 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|