|
|||||||||||||
|
Kinh tế-Địa ốcHoa Kỳ – hoa rụng tơi bời và cơn mộng tan rồi? 4 August, 2024Đỗ Kh.Vào năm 2015, cuồc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới được coi như là giữa một bà Hillary Clinton Dân chủ và một ông Jeb Bush Cộng hòa, và ai thắng thì nước Mỹ cũng chẳng có gì thay đổi, mọi việc vẫn thế và điều hòa, chẳng qua hào hứng hay không hào hứng là về mặt biểu tượng, hoặc phụ nữ đầu tiên, vợ một cựu tổng thống đầu tiên, hay là chẳng những ông già tôi đã làm tổng thống rồi, mà cả anh hai tôi cũng đã là tổng thống nữa, cũng lại lần đầu trong lịch sử chứ sao, chí ít là trong lịch sử Hoa Kỳ. Kết quả, sang 2016, như ta biết, là ông Jeb và 15 ứng cử viên khác nghiêm túc và kinh nghiệm có thừa của đảng Cộng hòa bị một tỉ phú phường tuồng loại ở vòng sơ bộ Đảng. Bà Hillary, ứng viên “năng lực” nhất, với quỹ tranh cử cao nhất và sự ủng hộ nhất trí của guồng máy Đảng Dân chủ, suýt nữa thì toi về tay một thượng nghị sĩ cả đời ở ngoại vi và dám tự xưng là “xã hội chủ nghĩa ”, tức là một thứ phường tuồng đối với dư luận Mỹ. Hiệp chót, là ông Trump bất ngờ đắc cử vào chức vụ này. Một yếu tố khiến ông thành công, cũng như thành công tương đối của thượng nghị sĩ Sanders, là sự hiện diện của một thế hệ mới cử tri, được gọi là Millenials, tức là thế hệ trẻ, trưởng thành vào đầu thiên niên kỷ, và sinh ra trong các thập niên 80 với 90. “Giấc mơ Mỹ quốc ”, một khái niệm thành hình trong thập niên 30-40 cho rằng quốc gia này là một nơi có nhiều cơ hội và công bằng về mặt này, bất cứ con sãi chùa nào bỏ chổi mà đi thành lập tập đoàn, nhà máy v.v. cũng có thể trở thành tỉ phú. Giờ, ai cũng có thể kể ra 10 người, hay 100 người như vậy nếu lướt qua danh sách tỉ phú của tờ Forbes. Danh sách này, tuy dài đấy, nhưng so với tổng số dân cư cả nước (330 triệu) thì chẳng có là bao cả, rất là bé xíu. Nói rộng ra, “Giấc mơ Mỹ quốc”, nếu ta không thành tỉ phú hay triệu phú, nếu con ta không thành tỉ phú hay triệu phú thì đây cũng là nơi có công bằng về cơ hội, và đời con ta sẽ khá hơn đời ta. Giấc mơ ở đâu cũng thế, con hơn cha là nhà có phúc, riêng ở Mỹ còn có thêm tài nguyên, nhân lực, cơ hội dồi dào và công bằng (nhấn mạnh phần này) trước những lợi điểm đó. Nhưng nếu đời sau mà kém đời trước thì là “Giấc mơ tan”, vãn tuồng Ấn Độ, hạ màn, ngày tàn của đế quốc La Mã. Nhóm nghiên cứu của Raj Chetty tại Đại học Stanford mới vừa công bố kết quả của một công trình nhiều năm, dựa trên số liệu khai thuế của nhiều thế hệ sinh từ 1940 đến 1980 . Chetty là một sao trẻ trong làng kinh tế, từng được huy chương John Bates Clark là giải dành cho những nhà kinh tế dưới 40 tuổi. Giải này còn được gọi là “Nobel của những nhà kinh tế trẻ” vì non nửa số kinh tế gia được vinh danh bởi giải Bates sau này lại đoạt thêm Nobel (như Samuelson, Friedman, Kutsnetz, Arrow, Tobin, Stiglitz, Krugman, v.v.). Chetty được phong giáo sư tại Harvard khi mới 29 tuổi. Ông là chuyên gia trong lãnh vực “mức di động trong xã hội” tại Mỹ, tức là leo thang kinh tế của các cá nhân trong xã hội này: thí dụ, sinh ra trong một hộ thu nhập ở mức 20% cao nhất thì có bao nhiêu leo được lên mức 20% ở trên… Đây là một công trình nghiêm túc. lần đầu định lượng được chỉ số này (dĩ nhiên định lượng nào cũng có những bất cập của nó và kinh tế không phải là một khoa học chính xác). Bàng hoàng kết quả của công trình là thế hệ Millenials thiệt thòi nhất tuy chưa có số liệu về những người sinh ra năm 1990 (và hẳn là còn tệ hơn?) Nếu 92% sinh ở Mỹ năm 1940 có phúc, nghĩa là con hơn hay bằng đời cha, thì những người sinh năm 1980 (hiện 36 tuổi) chỉ có 50% lợi tức và thu nhập bằng hay hơn cha mẹ họ. Tóm tắt lại, theo thập niên của năm sinh, thì như sau : Để định lượng việc này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng mấy triệu hồ sơ khai thuế lợi tức cá nhân của các hộ trong nhiều thập niên và tìm cách gắn liền hồ sơ của vợ chồng một ông Nguyễn Văn B sinh năm 1940 với hồ sơ của chính cha mẹ ông, rồi với hồ sơ của chính con ông là Nguyễn Văn C, cháu ông là Nguyễn Văn D sau đó. Xin nói rõ là những con số thống kê trên là kết quả từ hàng triệu trường hợp đơn lẻ và đích xác chứ không phải là thăm dò vài ngàn người kiểu “bạn có nghĩ là đời cha đời mẹ cuộc sống có khá hơn là cuộc sống của bạn hiện nay ? ”. Công trình này một phần thực hiện được nhờ những dữ liệu mà nhóm nghiên cứu đã tích lũy được ở những điều nghiên trước về “mức di động trong xã hội ”. Bạn xem tiếp biểu đồsau thể hiện số % con cái thu nhập nhiều hơn cha mẹ mình, theo năm sinh và chi tiết hơn. Số ở dưới là hàng thu nhập (income percentile) của cha mẹ khi bạn sinh ra. Thí dụ (đường màu vàng) nếu bạn sinh ra năm 1980 trong một gia đình thu nhập thuộc nhóm 1% cao nhất nước thì sác xuất bạn thu nhập cao hơn cha mẹ mình là 79%. Nếu bạn sinh ra 1940 trong gia đình thuộc 1% cũng cao nhất này thì sác xuất bạn thu nhập cao hơn bố mẹ là 94%. Nhưng nếu bạn sinh 1940 trong một gia đình thu nhập hàng thứ 80 thì sác xuất bạn khá hơn cha mẹ vẫn là 92%. Trong khi đó, một người sinh 1980 trong một gia đình đứng thứ 80 chỉ có sác xuất 37% là khá hơn cha mẹ. Biểu đồ trên cho thấy giai cấp trung lưu Hoa Kỳ ngày càng thụt lùi theo các thập niên và tuột dốc không phanh. Ta biết là trong giai đoạn 1940-1970, nước Mỹ đã có phát triển nhanh về mặt kinh tế nhưng sau đó khựng lại, lần mò qua vài giai đoạn khủng hoảng. Nhưng dẫu sao, dù phát triển chậm hơn thì vẫn có phát triển và GDP đầu người hiện nay vẫn cao gấp 2 so với thập niên 80, tức là vẫn giàu lên nhúc nhích nói chung. Nói chung là thế nào, là kể cả danh sách tỉ phú đã nói đến. Lý do nào mà mặc dù người Mỹ, tức là GDP mỗi đầu người tăng lên gấp 2 mà ½ con cái vẫn nghèo hơn cha mẹ? Theo giáo sư Nathaniel Hendren (cũng trong nhóm nghiên cứu trên nhưng thuộc Đại học Harvard), thì đó bởi sự bất công bằng tăng dần sau thập niên 70 vì chính sách. Bãi bỏ quy định, thị trường hóa mọi thứ, tập trung tập đoàn và suy thoái của nghiệp đoàn, chính sách thuế má từ thời Reagan (Thatcher) khiến phát triển rơi vào tay một thiểu số, cái gọi là “1%”. Điển hình là lương tối thiểu. Hồi 2015 là 7,25 USD/giờ và bằng tương đương với lương tối thiểu của 1950 (7,35 USD). Trong 60 năm qua lương tối thiểu không nhúc nhích? Có nhúc nhích chứ, ở điểm cao 1968 của 47 năm về trước, lương tối thiểu là 10,86 USD. Biểu đồ này tương ứng với biểu đồ trước về lương tối thiểu 1968, thu nhập của 1% đầu sổ chiếm 8-9% của tổng số và tới 2013 thì 1% thu nhập của đầu này bằng 22.5% của tổng số tức là có tiến bộ đấy chứ. Hiện thì tài sản của 0,1% đầu bảng tại Mỹ tương đương với tài sản của 90% cuối bảng. Bạn xem tiếp biểu đồ dưới đây: màu xanh đậm là tài sản của 90% dân số cuối sổ so với tổng số. Năm 1970, tuyệt đại đa số dân Mỹ, tức là 90%, nắm giữ được 30% tài sản của cả nước, và là hướng đi lên liên tục từ thập niên 30. Từ 1985 là liên tục đi xuống. Màu xanh nhạt là tài sản của 0.1% giàu nhất nước Mỹ. Họ đã đạt được lại vị trí của đầu thế kỷ, thời kỳ tiền Đại khủng hoảng hay thời kỳ của “Chùm nho uất hận”! Về việc bất công bằng hô tiến lên thà chết chứ không lùi này, Paul Krugman (Nobel 2008) đã viết nhiều (điểm sách bằng tiếng Việt ở đây, hay gần đây sách kinh tế 700 trang và bán được 1,5 triệu cuốn (!) của Thomas Pikkety còn đang được dự định chuyển thể dựng thành phim! Nhóm nghiên cứu trên giả định, nếu phát triển kinh tế vẫn tăng theo đà 1940 dưới chính sách bất công bằng (hậu 1970) thì số con bằng/hơn cha mẹ là 62%. Còn với đà phát triển đã qua (chậm lại so với 1940) mà không có chính sách bất công bằng (hậu 1970) thì con số con thu nhập hơn hoặc bằng cha mẹ là 80%. Nhưng kinh tế đã chậm lại, mà bất công lại gia tăng, cho nên thế hệ sinh 1980 đến 1/2 là nghèo hơn đời cha mẹ. Điều đáng quan tâm ở đây, “Giấc mơ Mỹ” mà người Mỹ (cũng như nhiều người ngoài nước Mỹ) đeo đuổi không phải là sống qua ngày, miễn sao nhờ trời các con còn có được miếng ăn và không chết đói, như có thể là giấc mơ Nam Sudan chẳng hạn (xin lỗi Nam Sudan). Giấc mơ Mỹ cốt lõi là giấc mơ của bình đẳng trước cơ hội, từ khi lập quốc đã khiến người Đức, người Anh, và tứ xứ vượt biển sang đây khai hoang hay tìm vàng. Đó là giấc mơ tự do và công bằng kinh tế, tay trắng làm nên triệu phú hay vào hang chém mãng xà Dollar. Chí ít nó là đời sau khá hơn đời đi trước và là động lực lên tàu của người Ireland, động lực bỏ ruộng đồng cha ông của người Greece hay là Italy. Nó là tấm gương và huyền thoại của thế giới. Nhưng như nghiên cứu này xác định, thế hệ sinh năm 1980 này là thế hệ đầu tiên thụt lùi hay là ở ngưỡng cửa (50%) của thoái hóa. Ngắn gọn và dễ hiểu, là trong khi kinh tế Mỹ phát triển chậm lại từ 1940 thì bất công (do chính sách) lại gia tăng đẹp từ sau những năm 70. Đây là một yếu tố khiến thế hệ Millenial bất mãn và bày tỏ trong kỳ bầu cử qua bằng cách đầu phiếu cho những ứng viên ngoại vi và hô hào thay đổi như ông Sanders hay là ông Trump, tất nhiên là mỗi người một cách. Vậy phải làm gì? Một là gia tăng ào ạt về kinh tế, như Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Tanzania, Ivory Coast? Việc này rất khó nhé. Hai là giảm bớt bất công? Nhưng thiết nghĩ việc này còn khó hơn tại ven sông Potomac (thủ đô Washington), cho dù có thay đổi mới với một chính quyền Trump. * * Tên bài lấy từ ca từ “Hoa rụng ven sông”, Phạm Duy 29. 12. 2016 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|