|
|||||||||||||
|
Kinh tế-Địa ốcKỷ lục nghỉ mát của Tiens: chiến lược “biển người đông-vui” của Trung Quốc? 15 August, 2024Sáng ÁnhTiens là một công ty Trung Quốc, làm gì thì cũng chẳng ai biết, hình như là dược phẩm, mỹ phẩm, lại còn du lịch và doanh thương trên mạng gì đó, mới thành lập có 10 năm. Đây là một công ty tầm vừa vừa, năm 2013 có 8.000 nhân viên nhưng đang phát triển mạnh, giờ thì đã có đến 12.000. Chủ tịch Tập đoàn này, ông Li Jinyuan, thì cũng có tiền tuy không có không có xe sưu tập xe con xịn hay sưu tập người mẫu, ca sĩ nổi tiếng. Tiếng của ông là tiếng từ thiện, 1 quỹ 100 triệu và 1 trường tư thục 3.400 sinh viên ông đầu tư mất thêm 100 triệu nữa. Năm 2011 trên danh sách tỉ phú của Forbes, ông đứng hàng 993 với có trên 1 tỉ thôi, phải ngồi kéo mãi màn hình mỏi cả tay mới thấy mặt. Nhưng giờ thì ai cũng biết công nhân của Tiens mặc đồng phục xanh da trời, và Li Jinyuan sang Pháp được ngoại trưởng Fabius đón tiếp. Để kỉ niệm 10 năm thành lập công ty, chủ tịch tập đoàn đãi 6.400 công nhân viên 4 ngày sang Pháp du lịch, thăm Louvres, tháp Eiffel, xem biểu diễn ở Moulin Rouge rồi kéo nhau cả đám xuống bờ biển miền Nam phá kỉ lục Guiness! Nước Pháp hiện vẫn là nước nhiều du khách nhất thế giới, 83 hay 87 triệu người thăm mỗi năm, đại đa số là các hàng xóm trong vùng. Vì vị trí chiến lược trên bản đồ, mỗi kỳ nghỉ, người Đức, Bỉ, Hà Lan sang Tây Ban Nha đều phải lái xe, đi tàu ngang nước Pháp; người Anh thăm nước Ý hay Croatia cũng vậy. Tuy nhiên, xét về điểm đến (không phải chỉ là nơi đi qua) thì thu về cũng nhiều, mang lại 7% GDP cho nước Pháp. Hàng năm, 3 triệu du khách là từ Mỹ, và hiện nay 1,7 triệu là từ Trung Quốc. Du khách Trung Quốc ra nước ngoài là một hiện tượng mới, 109 triệu người trong năm qua và tiếp tục tăng trưởng. Đây lại là du khách tiêu nhiều nhất thế giới, chủ yếu là mua sắm và mua sắm hàng hiệu. Giờ thế này nhé: du quốc nhiều nhất thế giới là Trung Quốc, lại thích mua sắm hàng hiệu, mỗi người bình quân tiêu nhiều hơn là bất cứ du khách nước nào. Quốc gia nhận nhiều du khách nhất thế giới và bán nhiều hàng hiệu nhất thế giới thì là Pháp. Chẳng cần ai mai mối và tán vào thì hai nước này vẫn tự nhiên phải gá nghĩa cầm kỳ với nhau. Dưới thời Tổng thống Sarkozy, khi lãnh đạo Trung Quốc sang thăm nước Pháp mấy năm trước, đã có 15.000 du học sinh Trung Hoa. Ông Sarkozy bèn mạnh miệng mà hứa, sang năm tôi sẽ cho tăng số du học sinh này lên gấp 3! Không phải để họ ngồi tràn các hàng phở của người Việt tại quận 13 mà đây là cách một nước như Pháp có thể giữ ảnh ưởng văn hóa, kỹ thuật, thương mại của họ tại nền kinh tế (sắp hay là đã) số 1 của thế giới này. Hè năm ngoái, ngoại trưởng và bộ trưởng Nội vụ Pháp sáng sớm đã ra tận phi cảng để đón du khách Trung Quốc và trấn an họ sau vài chuyện họ bị lưu manh trấn lột cả đoàn. Công an Trung Quốc xuất hiện trên đường phố Paris để tiếp tay cho công an Pháp (kiểu công an Anh quốc phải ra nước ngoài ‘kèm’ các cổ động viên bóng đá). Ở mức cá nhân người viết này ghi nhận, các hàng phở Paris nếu rặt khách sinh viên Trung Quốc du học Pháp thì giờ đã lác đác du khách Trung Quốc, biết đâu phong trào phở Việt Nam sau này sẽ tràn sang Trung Quốc qua ngả Paris ! Du khách Trung Quốc là một hiện tượng toàn cầu và đâu cũng được chào đón niềm nở, số 1 tại Thái Lan, 400.000 tại Maldives (dân số quần đảo này là 350.000); Nhật Bản, Hàn Quốc và ngay cả Đài Loan đều có sắp xếp để phục vụ riêng cho họ theo sở thích. Cơ quan du lịch Nhật cách đây mấy năm từng mời 1000 người Trung Quốc sang Nhật chơi miễn phí để điều nghiên và đáp ứng nhu cầu của du khách nước này. Một bận người viết đang vơ vẩn ở Yodobashi (cửa hàng máy ảnh ở Nhật) thì nhân viên lại thăm hỏi. Thấy mình trả lời tiếng Anh, anh bèn vẫy một cái, hiện ra ngay một nhân viên nói rành mạch tiếng Trung Quốc phổ thông! Chẳng những ở các cửa hàng bách hóa Nhật mà ở Pháp cũng thế, đội ngũ nhân viên nói tiếng Quan thoại hùng mạnh, ở phi cảng duty free thì khỏi kể. Số lượng du khách Trung Quốc ở nước ngoài ngày càng đông khiến có những biểu hiện va chạm văn hóa không tránh khỏi hay là chưa tránh khỏi. Ăn nói ồn ào, đứng nhồi nhếch nhác khiến ngay ở Hàn, ở Nhật, ở Đài ta nhận ra ngay ai là Trung Quốc ai là địa phương. Nhưng phần lớn, va chạm là vì du khách Trung Quốc còn khờ khạo cũng có, dễ gạt và dễ bắt nạt hơn du khách Mỹ, Nga. Trở lại chuyện đoàn 6.400 người của công ty Tiens, thuê 4750 buồng trong 140 khách sạn 4 sao và 5 sao, tổng chi phí của công ty cho chuyện này là 30 triệu euros, thì mọi việc diễn ra tốt đẹp. Công ty muốn nhấn mạnh quan hệ đặc biệt của họ với miền Nam nước Pháp (chuyên trồng hoa và các loại cây y học) nên kéo về đây phá kỉ lục xếp chữ bằng người. Về mặt dư luận, người Pháp chậm hiểu chuyện gì chứ chuyện nghỉ mát thì họ hiểu rất nhanh và chia sẻ ngay lập tức. Hình ảnh của công nhân viên Trung Quốc là tối mặt tối mày trong xưởng máy ngồi lắp ráp Iphone chứ không phải là đi dạo Promenade des Anglais nên chiêu này PR quốc tế của ô Li Jinyuan thật là xuất sắc và độc đáo. Nó đánh dấu giai đoạn bước vào siêu cường thế giới của Trung Quốc một cách nhẹ nhàng và vui vẻ, không cần đến mang mẫu hạm ra mà đe dọa hay diễn quân ở quảng trường. Gửi một nửa công nhân viên của họ sang Pháp chơi là việc rất hay và hoàn toàn đáng để hưởng ứng. Miễn là, xin họ đừng gửi nửa còn lại ở nhà sang Trường Sa. 10. 05. 2015 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
|
|||||||||||
|