|
|||||||||||||
|
Kinh tế-Địa ốcỞ Hoa Kỳ, muốn tiết kiệm thì sang Thái chữa xổ mũi? 28 May, 2024Sáng Ánh(Tiếp theo bài trước và để trả lời câu hỏi của riengchung) Thái: đi khám bệnh như đi du lịch Điều chắc chắn là kỹ nghệ du lịch y tế tại các nước như Thái Lan, Malaysia là một kỹ nghệ phát triển tuy khách Mỹ không hiểu chiếm tỷ lệ bao nhiêu. Tại Thái, tại bệnh viện nơi tôi thường khám, rất nhiều người Việt trong nước là khách quen, như họ hay hỏi ủa tại sao ông không là họ Nguyễn? Bác sĩ của tôi tại Thái, mỗi lần gặp vẫn tưởng tôi ở Sài Gòn và cứ sổ mũi là sang Pattaya thăm ông ta. Tập đoàn Bumrungrad tại Bangkok sống là nhờ khách Ả-rạp thướt tha, đi ngang bệnh viện chỉ thấy người Ả-rạp. Ngay tại bệnh viện Bangkok Hospital Pattaya (Bangkok Hospital là tên của tập đoàn, họ có chi nhánh ở nhiều tỉnh có khách du lịch như Pattaya, Phuket, Samui…), tại đây còn có một phòng Ả-rạp để hướng dẫn loại khách này. Tại Malaysia, nhiều khách khám bệnh và chữa chạy là Trung Quốc. Mỹ: y tế cái gì cũng đắt Một cách tránh giá thuốc men cao đối với bệnh nhân và người tiêu dùng Mỹ là mua qua ngả Canada. Các công ty bào chế tại Canada không hoành hành được như ở Mỹ là nơi nhóm lợi ích của họ thao túng các cuộc bầu cử. Điều này khiến mới đây hai bang Hoa Kỳ đòi đặc quyền được mua thuốc từ Canada, chứ không thì hệ thống y tế bang chịu không nổi. Thí dụ thực tiễn là thuốc xịt dị ứng của con tôi, Hoa Kỳ giá $95. Tại Pháp, giá bán thẳng là $14, nếu qua bảo hiểm phổ cập thì tốn phí cho bệnh nhân là 10% hay 20% hay 0%. Nhưng dù không có bảo hiểm, so với giá ở Mỹ thì mua được với giá ở Pháp cũng tựa của rơi nhặt được, trông thấy mừng sáng cả mắt. Thuốc cảm nhức không cần toa bác sĩ cũng vậy, một bận vào nhà thuốc Anh Quốc, do thói quen của tôi ở Hoa Kỳ và do nhìn vội, tôi tưởng là 8,5 bảng Anh, khi ra trả tiền đưa tờ 20 bảng, họ hỏi thế ông không có tiền xu hay sao vì giá chỉ là 0,85 bảng Anh thôi. Một cách khác để giảm chi phí là thay vì người Mỹ sang các nước khác điều trị thì mang nhân viên y tế của các nước này sang Mỹ. Tại nơi tôi ở rất nhiều bác sĩ, nha sĩ Ấn Độ hành nghề. 20% của tổng số y tá tại Hoa Kỳ là người Philippines. Tại Philippines có bệnh viện sáng bạn đến gặp bác sĩ, chiều trở lại thấy chính những ông/bà này làm y tá, hết hiểu luôn. Các vị này khi đổi ca và thay áo trắng sẽ chuyển xuống làm y tá để có 2.000 giờ gì đó (tôi không rõ con số này) thực hành. Lý do là họ sắp sửa đi Mỹ hành nghề y tá và khi thi bằng tương đương phải cần có số giờ thực hành. Việc này họ làm trước tại Philippines cho nó tiện. Hoa Kỳ ưu tiên cho diện y tá. Philippines lại chung với Mỹ cùng một hệ đào tạo và chung ngôn ngữ. Nói về xuất khẩu lao động, năm 1975, tại trại tỵ nạn ở Hàn Quốc, tôi gặp nhiều y tá chăm học tiếng Đức. Lúc đó chưa có K-pop và phim bộ nhiều như bây giờ nhưng họ học tiếng Đức là vì trong thập niên 70 có 11.000 nữ Hàn Quốc sang Tây Đức làm y tá (cùng với 20.000 nam làm thợ mỏ). Việc xuất cảng lao động ngành y này rất phổ biến. Đây là lãnh vực mang về ngoại tệ hàng đầu cho Cuba: $8 tỉ. Nước này có 37,000 nhân viên y tế, bác sĩ và y tá làm việc ở 77 nước trên thế giới, riêng tại Brazil là 11.000, và tại Mỹ thì chưa có nhưng bước tới nữa của bang giao thì biết đâu đấy! Một cách khác nữa, là người Mỹ, vì chi phí học vấn rất cao trong ngành này, nên được đào tạo tại nước ngoài. Trong thập niên 70, tôi biết nhiều bạn Mỹ sang Pháp hay Thụy Sĩ để theo trường thuốc. Lý do là tại Pháp, giáo dục đại học hoàn toàn miễn phí khi một sinh viên y khi ra trường ở Mỹ là đã mất hơn ½ triệu USD. Hiện nay tại Anh số sinh viên Mỹ ở các cấp gia tăng (khoảng 5.000 ở cấp cử nhân). Học phí ở Anh cho người Mỹ là $15.000/năm. Nếu bạn được OxCam nhận thì bằng cấp chỉ tốn có ¼ của các đại học Ivy League ở Hoa Kỳ. Trường hợp của anh bác sĩ tim mạch Thái đã nói đến trong bài trước, sau khi ra trường UCI anh quần quật trả nợ học phí trong 10 năm, rồi trở về nước anh hành nghề thảnh thơi. Nước Mỹ là nước duy nhất phát triển cao mà không có một hệ thống bảo hiểm y tế phổ cập. Năm 1992, việc này là hứa hẹn của ứng cử viên thắng cử Bill Clinton, trọng trách được giao cho phu nhân Hillary. Bà thực hiện bản nháp đến đâu thì không biết nhưng đến 2010, luật ACA (Obamacare) là một hứa hẹn của ứng cử viên Obama mới được ban hành, không đầy đủ và phức tạp (đạo luật này dày 600 trang) nhưng bước tiến nhì nhằng này được bà gọi là “Hillarycare” khi ra tranh cử 2016. Tuy mình hổ lưng vượn và đầu voi đuôi chuột, nó cũng vẫn bị chính quyền Trump đe dọa đòi giết chết quái vật này. Đa số người Mỹ trong các cuộc thăm dò đều ủng hộ một chế độ y tế phổ cập theo một gương rất gần gũi với họ là Canada. Năm 2000, Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO) mở một cuộc điều tra toàn cầu về sức khỏe trên 191 quốc gia. Việt Nam, theo cuộc điều tra khủng và bị công kích, phê bình này, xếp hạng 160. Hoa Kỳ xếp hàng thứ 37, ngang cỡ Costa Rica (36) và Cuba (39), về nhất là Pháp và nhì là Italy. Sự phê bình khiến đến giờ WHO vẫn chưa có bảng mới nhưng cũng chưa ai đề ra được một phương cách đo đạc khiến mọi người đồng ý. 09. 09. 2018 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
|
|||||||||||
|