|
|||||||||||||
|
Chính trịUkraine phần 1: Siêu cường thì giống nhau, và cuộc cách mạng đã phai màu 26 August, 2024Sáng ÁnhMột nước bé nọ, nằm trong khu vực ảnh hưởng của một siêu cường, cách biên giới của anh khổng lồ vài trăm dặm biển. Năm 1979, nội bộ quốc gia độc lập này phân hóa, chính phủ mới thay vì dặt dìu theo vũ điệu của sếp lớn sau lưng thì lại liếc mắt đong đưa ra ngoài, nào có phải về một phía chân trời vô định mà là về phía một siêu cường khác. Anh đừng có tưởng chỉ có mình anh đẹp trai. 1983, quốc gia này lục đục, đảo chính, thủ tướng phải bỏ trốn, phe này không chịu phe kia và máu đổ trên đường. Siêu cường ở cạnh, lấy cớ là công dân của họ tại quốc gia này bị đe dọa tính mạng, bèn ào ạt đổ quân sang và ổn định tình hình. Từ “ào ạt” trong trường hợp này là chính xác, số quân nước ngoài cao gấp 5 lần lực lượng vũ trang, quân đội và cảnh sát của quốc gia nói trên, và cao bằng đâu đó 8% của dân số địa phương. Ví von tương đương, như là Việt Nam gặp phải hơn 7 triệu quân tràn qua xâm chiếm. Mặc dù gặp phải vài trắc trở đến phì cười, như lực luợng tinh nhuệ này lúc đầu đi lạc và tìm không ra những kiều dân mà họ sang để bảo vệ, thì chỉ sau vài tuần họ cũng lừng lẫy đại thắng chứ và làm chủ tình được tình thế vô vàn khó khăn. Liên hiệp quốc tại Đại hội đồng, bỏ phiếu lên án hành động ngang ngược của siêu cường nọ với 109 phiếu thuận, 25 phiếu trắng vắng mặt và 8 phiếu chống. Trong các quốc gia phê bình siêu cuờng này, có Anh quốc và Canada. Được hỏi về việc này, tổng thống siêu cường bảo, “Chẳng vì thế mà làm tôi ăn điểm tâm bớt thấy ngon!” Vị lãnh đạo này là: Ronald Reagan Siêu cường này là: Hoa kỳ Và nước bị xâm chiếm là: quần đảo Grenada vùng biển Caríb, dân số 90.000 người, mang tội ở gần Mỹ mà lại nhìn sang Nga (hay là Cuba). Số kiều dân mà 7500 quân Mỹ đường không, đường biển vội vàng chạy sang cứu (nhưng đi lạc và không tìm ra) là 200 sinh viên y khoa Mỹ đang theo học tại đây. Ngoài các đảo tiểu quốc trong vùng, nước duy nhất ủng hộ Hoa Kỳ tại LHQ trong việc này là Israel. Khi tiếp điện của Margaret Thatcher hòng ngăn cản, ông Reagan còn hứa lèo là sẽ hủy kế hoặc xâm lăng (anh hứa mà, anh thề, không hề có chuyện như thế đâu) vì theo ông chẳng lẽ lại thú nhận với phu nhân sắt là chiến dịch lúc đó đã bắt đầu rồi và cản cũng bằng thừa. * Chuyện 30 năm về trước này, có nhiều điểm tương đồng với tình hình hiện nay tại Ukraine, tuy là thời tiết, phong thổ và khí hậu ở hai nơi khác hẳn. Ukraine, tuy bé, nhưng cũng khó mà bé hơn được Grenada, hay là bé hơn Nicaragua ở Trung Mỹ vào lúc có 4 triệu dân đã từng đe dọa an ninh lãnh thổ của Hoa Kỳ. “Quân Sandinista cách biên giới chúng ta có ba ngày đường bộ” là một phát biểu khác của ông Reagan, làm như là đạo quân này đi xe ôm Simson do Đông Đức cung cấp sắp băng qua Honduras, Guatemela và Mexico để đánh đồn Alamo tại bang Texas. Tuy nhiên, nước càng lớn thì người ta càng lo xa chứ sao, kiểu nhà có giàu mới sợ mất tiền, và Đại Nga không ra khỏi ngoại lệ. Giờ, hành động can thiệp sỗ sàng của ông Putin có bị LHQ lên án hay bạn bè can gián và ngay cả đồng minh chí thiết của ông phê bình, ông cũng sẽ không vì thế mà mất ngủ một đêm. Đây, chẳng phải nói để bênh ai hết, và cũng chẳng để chê ai, thói siêu cường là như vậy, đừng có mà bàn nguyên tắc với lại luật pháp quốc tế với những nước có quyền phủ quyết ở Hội đồng An ninh. * Trong khi chờ đợi truyền thông dòng chính (tức là truyền thông lề phải) tại Tây phương bớt căm phẫn, ta có thể nhìn lại Cách mạng Cam 10 năm về trước (xin mời những quý vị từng hồ hởi mừng cuộc Cách mạng này vào lúc đó giơ tay lên và thành thật cho biết cảm tưởng nhé). Năm 2004, bầu cử tổng thống tại Ukraine có hai đối thủ là cựu thủ tướng Yushenko và đương kim thủ tướng Yanukovich. Ông Yanukovich, dựa vào guồng máy chính quyền và thắng cử không minh bạch. Cử tri, nhất là thành phần xã hội dân sự (trí thức, sinh viên, giai cấp trung lưu đang định hình) biểu tình phản đối rầm rộ (Maidan 1) khiến có tái bầu cử công bằng hơn và ông Yushenko thắng, mở đầu cho kỷ nguyên tươi sáng của một Ukraine dân chủ Tây phương. Đồng lãnh đạo phong trào màu Cam này là một bà Tymoshenko tươi trẻ, mát mắt và bà được Yuvshenko chỉ định làm thủ tướng. Những tưởng con thuyền Ukraine từ đó lướt vào ấm no hạnh phúc Tây Âu, bắt kịp Anh quốc hay là Đức, Pháp nhưng không phải vậy, và không có chuyện hoàng tử lừa này. Chẳng bao lâu thì bà Tymoshenko và ông Yushenko gây gổ trong khi Ukraine thì vẫn ở lì một chỗ, với nạn cửa quyền, tham nhũng và quan liêu y như cũ, chỉ khác ở chỗ đã đổi chủ (hay là chỉ đổi cái màu). Nói qua, anh thư của dân chủ này bắt đầu sự nghiệp kinh doanh kinh tế thị trường bằng một Công ty trách nhiệm hữu hạn cho thuê băng video. Một người thuê băng, hai người rồi ba người thuê mà không sang đĩa lậu, thế là bà làm giàu? Cũng như mọi oligarch (đại gia) phất lên tiền tỉ tại Liên xô cũ bà trở thành một trong những người giàu nhất nước nhờ hôi được tài sản công cộng tức là tài sản của các công ty quốc gia, trong trường hợp này là trong ngành dầu khí chứ bán băng mà sống thì chỉ có Thuý Nga, làm gì đến Tymoshenko. Nhưng ngay sau khi hạ được bè lũ Kuchma/ Yanukovich và nắm quyền, thì các nhóm lợi ích chung quanh thủ tướng mới và tổng thống mới đánh nhau chảy máu… Cam. Bầu cử quốc hội 2006 lại mang thắng lợi về cho ông Yanukovich khiến ông nắm được chính phủ. Đến năm 2007, bà Tymoshenko lại trở về ghế thủ tướng cũ nhờ tài xoay sở ra một liên minh mới, trong khi ông Yuvshenko tụt dần vào bóng tối cô đơn ở dinh quốc trưởng. Để dùng từ thuê băng video, thì tua nhanh đến bầu cử tổng thống 2010, hai đối thủ giờ là bà Tymoshenko và ông Yanukovich. Ông này thắng cử suýt soát và hơn bà kia 3,5% phiếu. Nên biết, trong cuộc bầu cử này, nghe đâu là bà được Putin (vâng, Putin) ủng hộ (tuy ông này cho biết ông chỉ ủng hộ thủ tướng Tymoshenko chứ không hề ủng hộ ứng viên tổng thống Tymoshenko). Dưới nhiệm kỳ Yanukovich, bà Tymoshenko lãnh đạo đối lập (khiến chẳng có đối lập nào khác ngoài bà ngoi đầu lên được), và tuy là một tổng thống dân cử hẳn hoi, ông Yanukovich bắt đầu giở thói độc tài. Ông tống giam thành công bà này về tội lạm quyền và nhũng lãm. 2015 sẽ có bầu cử mới, và Yanukovich lo xa, bắt đầu củng cố vị trí bằng cách giới hạn các quyền dân chủ. Trì trệ kinh tế và bất bình xã hội, cộng lại với nạn tham nhũng (nói ngắn gọn là thời nào và màu nào cũng thế) khiến giấc mộng Tây Âu bừng trở lại và biểu tình tại thủ đô Kiev không ngừng và không dẹp nổi. Nên nhắc lại, biểu tình là ở thủ đô, không được các khu vực miền Đông hưởng ứng. Lúc đầu thì ôn hòa với các thành phần xã hội dân chủ nhưng sự cứng rắn của chính quyền sau lại gặp phải tổ chức của thành phần lửa máu dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Đây là Maidan 2, còn màu gì thì không ai thấy được, chắc phải là cực tím hoặc siêu hồng. 05. 03. 2014 Chú thích ngoài lề cho các bạn ưa thích quân sự: Các lực lượng Mỹ trong chiến dịch Grenada thuộc Trung đoàn 75 Biệt động (Rangers), Sư 82 Không vận, Đơn vị đổ bộ 22 Thủy quân lục chiến, Trung đoàn 60 Trinh sát, Delta Force của Lực lượng Đặc biệt, Hải kích (SEAL) 4 và Hải kích 6. Đây là những đơn vị sừng sỏ nhất của quân lực Hoa kỳ. Mở màn chiến dịch Grenada, Hải kích đổ nhầm xuống biển và chết đuối ngay mất 4 người, sau đó phát hiện là quên mang theo điện thoại vệ tinh nên không liên lạc được. Các đơn vị khác thì đi lạc và than phiền là phải tìm đường bằng bản đồ du khách do trẻ em xa mẹ bán dạo. May mà đảo Grenada chỉ có 400 km2 (tức là 20km trên 20km) nên sau cùng họ cũng vượt khó được và chiến thắng. Trong số 7500 quân nhân tham dự, 5000 được tưởng thưởng huân chương, có lẽ 2500 còn lại thuộc thành phần không tìm thấy đường nên không đến kịp lúc tuyên dương công trạng. Nói thêm, Delta Force huyền hoặc này chuyên về chiến thuật đi lạc (để lừa địch?), tại Somalia, Panama, Iran, có lẽ tại vì tiền thân của đơn vị đã giải cứu nhà tù rỗng tại Sơn Tây.
Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|