Chính trị

Chuyện Syria: Lắm mối tối nằm không 7 October, 2024

Sáng Ánh

Tiếp theo phần 1

Đã điểm qua các thế lực trong nội bộ gia đình tổng thống Bashar, giờ ta bàn đến các phe phái ngoài.

1.
Nói đến đối lập, thành phần đầu tiên là thành phần ly khai chính quyền (FAS – Free Syrian Army, thuộc quân đội cũ nhưng theo giáo phái Sunni và ly khai). Trước hết có chú Rifaat al Assad, là em của vua cha, một thời điều binh khiển tướng, có cả đạo quân riêng, Lực lượng Đặc biệt (còn tục gọi là “Beo hồng Rifaat” vì mặc đồ bông có sắc hồng).

Đội beo hồng

Đội beo hồng

Tất nhiên là ông này muốn thế vị, khiến vua cha phải mang tăng mà giải giới lực lượng này để giữ ngôi cho con. Giờ thì ông già yếu và lưu vong ở Âu châu, đang gặp phải lôi thôi trong việc bán bất động sản 208 triệu USD tại Paris vì được cho là nguồn gốc bất chính. Chuyện này gồm một miếng đất 45 héc ta, 40 căn hộ ông đầu tư tại quận 15 và 16 tại Paris (trị giá 52 triệu), một biệt thự ông đòi bán với giá 117 triệu nhưng chưa ngã ngũ vì người mua là một oligarch Nga bắt chẹt hoàn cảnh cùng quẫn của ông mà trả giá bèo là có 91 triệu thôi. Có lẽ Rifaat cần tiền để nuôi quân đối lập. Giờ cha con ông chui rúc ở Park Lane, London tại hai căn hộ cạnh nhau, mỗi căn 15 triệu USD gọi là be bé.

Căn nhà của ông chú Rifaat al Assad ở Paris bị coi là của mờ ám

Căn nhà của ông chú Rifaat al Assad ở Paris bị coi là của mờ ám

Con trai ông, nối dõi để lãnh đạo thành phần chống đối này, là người lúc trẻ từng hung hăng rút súng ra tại một hộp đêm Pháp. Nhà Rifaat kết hôn đúng chỗ, có chỗ tựa bên phía vợ trong nước và ngoài. Rifaat được Saudi ủng hộ, bá vai. Ông là anh em cọc chèo với vua Saudi Abdallah, chí ít là vô ưu về mặt xăng dầu.

Ribal al-Assad, con trai của Rifaat al Assad (còn được gọi là “tên đồ tể của Hama”). Ảnh: Nick Ray

Ribal al-Assad, con trai của Rifaat al Assad (còn được gọi là “tên đồ tể của Hama”). Ảnh: Nick Ray

Trong nhóm ly khai này còn có mấy chính khách gì gì và một cựu Phó Tổng thống của vua cha. Ngay cả đương kim Phó Tổng thống của Bashar nghe đồn là cũng có lúc định bỏ chạy theo đối lập (nhưng ông vẫn còn tại vị, không biết đến lúc nào). Các ngài này lắm tước nhưng hậu thuẫn trong nước không nhiều.

Đáng kể là trường hợp Thiếu tướng Manaf Tlass. Ông này mà sang Việt nam hẳn có lắm fan cuồng đội mưa đi đón vì quá đẹp trai.

Manaf Tlass là bạn nối khố của anh Hai Bassel rồi anh Ba Bashar, từng kế vị Bashar chỉ huy đơn vị « Ngự lâm » của chế độ (Biệt đoàn 104 của Vệ binh Cộng hòa, cũng là đơn vị của anh Hai Bassel trước đây). Sau khi khuyên can bạn mình không được, ông bèn chạy sang Pháp ở nhờ nhà chị ruột (là góa phụ của tỉ phú buôn gươm, người Saudi, Akram Ojeh).

Thêm một cái ảnh đẹp trai nữa nhé các bạn.

Thêm một cái ảnh đẹp trai nữa nhé các bạn.

Cha của Manaf là tướng Mustafa Tlass, công thần của chế độ vua cha, bộ trưởng quốc phòng kinh niên dưới thời trước, nhờ thế con trai ông và anh trai ông Manaf là nhà thầu độc quyền của quân đội. Ông bố Mustafa này nổi tiếng về phát biểu, một thí dụ : “(Chủ tịch Palestine) Arafat là đứa con của 4.000 con đĩ“. Một thí dụ khác “Tôi ra lệnh đánh bom quân Mỹ ở Beirut (1982) nhưng không được động đến quân Ý vì tôi không muốn có một giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt của (diễn viên Ý) Gina Lollobrigida“. Nếu có dịp gặp Mustafa Tlass, bạn hỏi xem lá thư bà Gina này viết “chỉ có anh mới là người em yêu thật” tất ông sẽ cho xem ngay (và mời bạn ở lại dùng bữa). Gia đình này giờ lưu vong ở Pháp, có hậu thuẫn của (cũng lại) Saudi và có một đơn vị be bé quân chống đối (FSA, Free Syrian Army) tại quê nhà.

Mustafa Tlass và diễn viên Ý Gina Lollobrigida

Mustafa Tlass và diễn viên Ý Gina Lollobrigida

Nói chung các đơn vị FSA cầm súng chống Bashar không thống nhất và còn đang trong tình trạng thập nhị hay là tam thập lục sứ quân (thời nội chiến Lebanon ở bên cạnh, có lúc đếm được 69 vệ binh khác nhau). Hiện giờ, trong thành phần FSA trên đất Syria chưa có nổi một anh hùng thống nhất các thành phần này.

Nhờ biên giới chung của Syria với lại Turkey, lực lượng FSA này được tiếp tế, hậu thuẫn, và dùng đất của Turkey. Đầu tiên, một vị đại tá ly khai sớm được chỉ định làm lãnh đạo, về sau ùn ùn các tướng bỏ ngũ kéo sang, nhưng ai mà chịu dưới cái quyền mới mẻ của một ông cựu tổng kho căn cứ Không quân này. Giờ, lãnh đạo tổ chức FSA là một vị tướng nào đó, nhưng ngay trong tổ chức này tại Turkey còn nhốn nháo thì nói gì đến các binh đoàn kháng chiến tại nội địa, nhất là tại các địa bàn xa biên giới và không nhận quân trang vũ khí từ nước ngoài thì làm sao bảo được họ.

2.
Thành phần võ trang khác là thành phần Anh em Hồi giáo, từng bị vua Assad cha thảm sát. Thành phần này có truyền thống, ý thức hệ và tổ chức chặt chẽ nhưng tại Syria không được mạnh như tại Ai Cập, nhất là sau khi 10.000 hay 40.000 người tại Hama bị tận diệt (1982). Lãnh đạo cuộc tận diệt này lúc đó lại là những Mustafa, những Rifaat đồ tể giờ đối lập ở trên, chẳng lẽ Anh em Hồi giáo lại kém trí nhớ đến thế. Sau khi chính quyền Morsi ở Ai Cập bị lật đổ, Anh em Hồi giáo không có chỗ tựa ngoại giao ở bên ngoài. Về mặt ý thức tôn giáo, họ là kẻ thù của các vương triều vùng Vịnh, Saudi, UAE, Kuwait và có lẽ vì thế nên được chút tiền hay chút súng đạn từ một vương triều vùng Vịnh khác, là Qatar.

3.
Thành phần thứ ba là tôn giáo cực đoan, được gọi là phong trào « Al Qaeda », với đầy sự phân hóa. Hiện có hai tổ chức này tại Syria: xuất hiện đầu tiên là Mặt trận Al Nusra (Chiến thắng). Mục đích của Mặt trận này là lật đổ chính quyền Bashar tại Syria, và còn là một tổ chức lỏng lẻo vài ba chục binh đoàn địa phương mỗi nơi một lãnh đạo.

Các chiến binh của Mặt trận Al Nusra

Các chiến binh của Mặt trận Al Nusra

Tranh thương với Al Qaeda ở Syria là lực lượng ISIS, đuợc gọi là lực lượng thống nhất Al Qaeda Iraq và Syria. Lúc đầu, lực lượng chủ chốt là thành phần Iraq mất đất sống tại quê nhà, nhưng khi lan rộng thành công thì thành phần Syria lại mạnh. Tuy vậy, và ngoài mâu thuẫn nội bộ này, mục đích của tổ chức là kết hợp Hồi giáo toàn cầu và sức mạnh của họ là các tình nguyện từ khắp nơi đổ đến từ Âu từ Á và các nước khác trong khu vực, cùng một ý chí và niềm tin.

Thiện chiến, kỷ luật và kinh nghiệm, lực lượng võ trang này tuy ít ỏi (10.000 quân trên tổng số 150.000 chống đối ?) nhưng hữu hiệu. Tuy vậy, họ không có hậu thuẫn đáng kể của nước ngoài (hay hậu thuẫn kín đáo của Saudi) và khó có thể nương tựa lâu dài vào quần chúng địa phương cũng chính vì tính cách quốc tế này. Sòng phẳng, không tơ hào, tuyệt đối trong sạch, lại còn giúp đỡ người dân nhưng họ vẫn là người lạ, từ Bosnia, Chechnya hay Tunisia và mưu cầu một mục đích khác, mượn chiến trường Syria để thực thi “Thánh chiến” toàn cầu. Về lâu dài, những giáo điều tôn giáo của họ gây cho dân chúng địa phương (thí dụ cấm hút thuốc lá, biết đâu mai kia cấm nghe nhạc, đàn hát), nói chung là nhiều khó chịu.

Một tay súng của lực lượng ISIS

Một tay súng của lực lượng ISIS

4.
Sau cùng, là các lực lượng người Kurd, là một dân tộc thiểu số thuộc gốc Turk chứ không phải là Ả Rập, đại đa số Hồi giáo Sunni. Thành phần này có thể xem là thống nhất trên vấn đề sắc tộc nhưng không hẳn trên vấn đề chính trị. Người Kurd sống trên bốn quốc gia lân cận, Iran-Turkey-Syria-Iraq, với những vấn đề cá biệt của từng nơi. Tại Iraq họ giờ thảnh thơi và tự trị, gần như là độc lập. Tại Iran và Turkey họ khi chiến khi đàm, và tại Syria thì tạm thời họ lo giữ các địa phương nơi mình cư ngụ, còn nếu ngồi vào một bàn quốc tế thì ắt có phe đòi ở lại với Syria, phe người muốn sát nhập vào Iraq hay thực hiện giấc mơ một Kurdistan độc lập và thống nhất.

Một di dân Syria vẫy lá cờ tộc Kurd trong một cuộc tuần hành ngày 8. 1. 2012 chống lại chế độ của tổng thống Bashar al-Assad. (Ảnh: AFP – Nikolay Doychinov)

Một di dân Syria vẫy lá cờ tộc Kurd trong một cuộc tuần hành ngày 8. 1. 2012 chống lại chế độ của tổng thống Bashar al-Assad. (Ảnh: AFP – Nikolay Doychinov)

*
Như vậy, nếu có hòa đàm thì ai sẽ nói chuyện với ai? Các áp lực quốc tế là một đằng, chưa nói đến là tất cả các thế lực trong vùng hay quốc tế đều muốn có hòa bình tại Syria hay không. Khả năng hòa bình tại Syria là nhờ lại gần giữa Iran và Hoa Kỳ. Đây không hẳn là một việc hay ho đối với Israel, là quốc gia cho đến giờ vẫn biện minh cho sự hiện hữu của mình bằng cái “bị đe doạ”: dân tộc Do Thái bị Âu châu đe dọa nên mới phải có Israel, sau đó Israel bị các nuớc Ả Rập đe dọa, giờ thì sợ Iran xóa khỏi bản đồ bằng nguyên tử, còn nếu Iran không nguyên tử nữa thì sao?

Hòa bình tại Syria sẽ như thế nào, hẳn sẽ không là như trước nữa, với chế độ Assad là một kẻ thù chơi được và chấp nhận được, nếu không nói là kẻ thù quá tốt. Trong thời kỳ nội chiến Lebanon (1975-1992), chế độ Assad từng can thiệp vào để giúp phe Ki tô, sau đó lại giúp phe cấp tiến và Palestine, rồi ngược đi, rồi ngược lại v.v. Có lẽ, nếu không nắm được kết quả và hậu vận, thì cứ để mồi lửa này bừng bừng là tốt nhất?

20. 10. 2013

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả