|
|||||||||||||
|
Đi chơiMột thoáng Tây hồ nhưng KHÔNG ăn mứt trái cây! 23 April, 2024Sáng ÁnhTử vi sảnh vào một tối thứ Bảy đông lúc nhúc. Chúng tôi không giữ chỗ trước và vợ tôi có chút lo lắng về việc ăn mặc. Ở một số cửa hàng và hộp đêm có “dress code”, tức là quy định về ăn mặc, thứ nhất không nhận khách quần cộc, thứ nhì không nhận khách giày thể thao. Có nơi bắt áo sơ mi cà vạt và áo vét, có nơi áo sơ mi phải màu nhạt, nhưng trong cuộc đời lang bạt tôi chưa từng thấy nơi nào bắt phải vớ màu gì, mặc dù việc này không kém phần quan trọng. Chúng tôi ra khỏi nhà đã được 2 tháng, di chuyển từ khí hậu nhiệt đới đến đây ôn đới đã khổ rồi. Áo quần giản tiện là chính, miễn sao khi đường xa khỏi ướt mưa và cảm lạnh, đi bộ nhiều nên chỉ có một đôi giày là giày chạy “chỉnh hình” đúng nhãn “Dr Kong”, loại y tá Philippines mang để cả ngày quần quật trong bệnh viện. Nhưng Tử vi sảnh hình như không có đòi hỏi gì hết. Quần chúng đứng đợi chỗ ăn có ông già, bà lão, tuyệt đại đa số người Trung Quốc, có cả xe đảy của trẻ em. Họ ăn mặc thì nhốn nháo, có cô rõ ràng là diện, các ông lớn tuổi thì trung lưu rủng rỉnh, áo polo hàng hiệu bỏ trong quần tây đeo dây lưng Christian Dior. Nhà hàng ưu tiên cho khách ngụ ngay tại nhà khách nên cô lễ tân cao 1m75 váy xẻ quần lãnh lắp bắp tiếng Anh gia ân cho chúng tôi là cỡ 30-45 phút mà không nói gì đến tóc rối và đầu bù chưa chải. Vợ tôi bảo, sang buffet xem tối nay có gì ăn được. Tử vi sảnh là nhà hàng của Nhà khách Tây hồ, năm 2016 là nơi họp thượng đỉnh G20, chắc có bán bên trong Mao đài cất mấy chục năm gì đó mà uống vào là (tôi) đau bụng chứ quí báu gì. Đây mới nói nghĩa đen thôi, chứ không phải đau bụng vì phải trả tiền! Buffet nằm ở Tòa 8 của nhà khách, cách mấy chục mét hành lang trang trí trạm trổ rất là đẹp và tại đây có ốc luộc, với tôi vậy là được, khỏi ra chợ cá Trần Quốc Toản. Nhà tôi ăn chay trường, thích rau muống xào tỏi vì cải làn dầu hào cũng chẳng phải là chay (hào là động vật nơi bờ biển). Chúng tôi bèn ngồi lại, lỡ mất trong đời món Đông Pha nhục tại đây, được đặt tên theo nhà thơ đời Đường. Chúng tôi có việc ở Thượng hải cả tuần, trước khi rời bỗng nảy ý đi thăm, tức là đi du lịch Hàng Châu hay Tô Châu. Tôi chẳng được mấy khi du lịch, tức là đến đâu đó vẩn vơ nhìn sông nhìn núi mà không có việc gì lớn nhỏ. Tô Châu ở phía Bắc, gần hơn tí, Hàng Châu ở phía Nam, cách 2-3 tiếng xe, kể cả tắc nghẽn giao thông. Mùa này, đầu tháng 11, là thu “y boong”, ban ngày 25 độ C, ban đêm 12 độ, thỉnh thoảng tí mưa lất phất thơ mộng, rất dễ chịu. Biết đến bao giờ mới trở lại đây và thế giới còn lại bao la, thôi 2-3 tiếng thì đi vậy. Nếu vào thời trẻ thì tôi đã đi tàu lửa, dám nhảy tàu mang một túi đeo vai và không trả tiền vé. Nhưng thời trẻ thì nói làm gì, nó đã qua rồi! Có tàu cao tốc Thượng Hải-Hàng Châu chỉ mất 35 phút nhưng như vậy phải đến ga Thượng Hải rồi từ ga Hàng Châu về đến nhà nghỉ. Chúng tôi hai người mấy tháng nơi mưa nơi nắng nên tổng cộng kể cả xách tay là 8 hành lý, vần từ buồng xuống đường đã phải nhờ nhân viên, trật khớp xương là nằm viện tại chỗ. Gọi xe đưa đón tận nơi là tiện nhất, mà phải là xe 8 chỗ, 6 chỗ kia để cho va ly. Thủa tráng niên, tôi đeo một cái túi một vai thôi, sách mang theo đọc hết chương nào thì tôi xé luôn chương đó vất cho đỡ nặng. Gặp bạn nào trên đường thiên lý mà đeo cái ba lô hai vai thì bị tôi khinh ngay là công tử nhà giàu. Nhưng chỉ có mỗi một thời trai trẻ mà cứ nói mãi! Tây hồ quốc Tân Quán không phải là nhà khách duy nhất nằm cạnh bờ hồ mà có đến 7-8 cái đủ loại quốc tế, Shangri-La, Four Seasons, Marriott, Sofitel… Nhưng các khách sạn quốc tế kia không có vết giày của Mao Chủ tịch; chỗ này thì ông ngồi học tiếng Anh, chỗ kia ông ngắm tuyết. Giờ nó vẫn là nhà khách quốc gia và khi tôi đến, nhà số 10 đang được trưng dụng cho vị nào đó trong chính quyền. Trong 10 căn, 180 buồng tổng cộng, căn số 10 là căn duy nhất có cột cờ sừng sững. Các lối dẫn đến căn này đều bị chốt bởi công an, mỗi lối đặt một cái bót gác có ô che mưa nắng, và một anh khỏe đẹp đứng ngây người như tượng đá có linh hồn, thỉnh thoảng đưa tay nghiêm chào cái cạch đôi giày ủng khiến kẻ đứng gần trong chu vi 10 mét phải hoảng hốt giật mình. Du thuyền đi chơi hồ của khách sạn ngày hôm đó không đậu ở bến vì lý do an ninh, và nhìn kỹ trong các lùm cây thì còn có quân nhân rằn ri ngụy trang cầm ống nhòm đêm đứng núp, đó đây đặt kín đáo máy quay hồng ngoại trên chân ba càng. Nhưng sự hiện diện của nhân vật này chẳng ảnh ưởng gì đến sinh họat của nhà khách nói chung, vì căn số 10 cũng chỉ chiếm một phần của khu vườn 36 héc ta. Tôi không gặp đoàn xe vào ra, vị này hừng đông đã dắt trâu ra đồng cày bừa công tác và khuya khoắt mới trở về nhà nghỉ hay sao đó, tuy có thấy xe của nhà bếp chở thức ăn đến để ông-bà lót dạ. Tôi đoán, căn số 10 là căn trước kia Mao sếnh sáng (tiên sinh) hay đến ngụ để đọc thơ Bạch Cư Dị. Thật ra, cái đẹp của Quốc tân quán này nằm ở 36 héc ta vườn hơn là ở các nhà xây dựng, công trình của kiến trúc sư Đới Niệm Từ (Dai Nianci) trong thập niên 50. Ông này nổi tiếng làm chủ công trình khách sạn Bắc Kinh phạn điếm trên đại lộ Tràng An, viện Bảo tàng quốc gia và khu hội chợ Bắc Kinh. Cuối thập niên 1990, rồi 2013, khách sạn được canh tân, lần chót là 2016 khi Hàng Châu đón hội nghị G20 nên tiện nghi rất mới và khéo léo, duy chỉ có phần Anh ngữ trên các bảng chỉ dẫn hay ngay trong các phòng ngủ là vụng về. Đây là Trung Quốc, tiếng Anh không sõi là bình thường. Đáng nói là thiên nhiên bên ngoài sắp đặt không cần đến ngoại ngữ, hài hòa và y như trong tranh…tàu. Mỗi non bộ, mỗi khóm cây, mỗi màu lá, mỗi màu hoa được xếp đặt tinh vi. Sen thì mũm mĩm, súng thì lao xao và liễu đua nhau mà ẻo lả, lúc gió lên thì uốn éo thì thào trong khi mặt nước lợi dụng cơ hội này để mà lăn tăn. Nhưng vậy mà cũng chưa đủ, sau khi vị quý khách của căn số 10 dời chỗ ngụ, tôi thấy cả tiểu đội lính khiêng đi trên hai xe tải nhỏ khoảng 50-60 chậu kiểng chắc là bày biện trong sân và trong nhà khi ông có mặt để cho ông mát thêm con mắt. Nhân viên làm việc ở đây cũng được tuyển chọn kỹ càng, thuộc vào dạng rớt thi người mẫu vài ba bận, hay tiếp viên hàng không mà lại bị say tàu. Nam chiều cao 1m80, nữ 1m70. Ai thuộc gia đình có công với cách mạng được hưởng 5 cm, và ai có bà con xa gần trong tổ chức được hưởng 10 phân. Nếu có ai lùn mà xấu xí, mặt mày câng câng hẳn là cháu ruột duy nhất của giám đốc quản lý. Mỗi người một kiểu áo, màu sắc dễ phân biệt và ngoại hình thế vận, ngay đến nhân viên làm phòng và bà lão quét sân cũng như từ tranh lụa bước ra. Nói chung, Quốc tân quán này li chi từng chi tiết như một trong bộ phim truyện, và thành phần quần chúng phục vụ cao tay diễn. Cầm cái chổi cũng có phải phong cách, và quét sân cũng phải nhẹ nhàng. Điều này không dễ dàng gì mà tập được, thế mới phải có kẻ phải đi học trường khách sạn ở Thụy Sĩ. Tây hồ thì… đẹp, tôi miễn tả vì đã có nói nhiều rồi. Thùy khai hồ tự tây nam lộ, (Bạch Cư Dị, Hàng châu xuân vọng) Cửa chùa ai mở đường tây méo (tôi tạm dịch) 04. 12. 2019 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
|
|||||||||||
|