Đi chơi

Bưu thiếp Trung Đông: Ra ngõ gặp Clooney 23 August, 2024

Đỗ Kh.
Phụ nữ Syria, nhận ra nhờ trang phục đặc thù của họ, ngồi hóng gió trên Corniche Manara, Beirut (Ảnh: Sáng Ánh)

Phụ nữ Syria, nhận ra nhờ trang phục đặc thù của họ, ngồi hóng gió trên Corniche Manara, Beirut (Ảnh: Sáng Ánh)

Ông nói một thứ tiếng Anh lưu loát với phát âm gì đó Pháp hơn là Ả Rạp. Trong cả tuần vừa qua, đây là lần đầu tôi thấy đường xá tại đây tương đối vắng xe, và Beirut loáng một vẻ yên bình. Sáng nay, 35.000 người vừa mới tham gia cuộc đua đường dài 43 cây số, phần còn lại của thành phố không biết chạy bộ marathon thì nằm nhà.

Đêm qua, đường cắt các lối, các barie giờ ngoan ngoãn vỉa hè.

Đây cần tổ chức thêm những chuyện như vầy, tăng tính quốc tế, ông bảo, chỉa ra một bàn tay có gì trễ nải.

Và ý thức là đi bộ cũng không chết, có lúc còn nhanh hơn là đi xe, tôi nói.

Ông gật đầu, lưu thông ở đây là một vấn đề, cầu đường, điện nước, nối mạng… và nhức nhối nhất là ba triệu người Syria.

Áo bỏ ngoài quần nhưng sơ mi sọc thẳng nếp, tướng ông taxi này toát một dáng gì đẳng cấp ung dung từ cách tựa lưng vào ghế lái. Con số của UN về người tỵ nạn tạm cư tại quốc gia 4.5 triệu dân này ít nhất là 1,2 triệu, có lẽ 1 triệu rưỡi, thế cũng là nhiều rồi.

Một cái xe máy giao pizza lách ngang, ông xe bảo, đây này. Một xe tải chở công nhân viên xây dựng, đây nữa. Một đám người phất phơ dọc biển, lại Syria. Vài ba bạn đứng ở vỉa hè, một cô gái áo chẽn dài thơ mộng (“ôi áo xưa lồng lộng”) ông lại bảo, “Syria” Tôi nhìn tôi biết, Syrians here, Syrians there, Syrians everywhere. Cứ theo thống kê chính thức, xác xuất đoán đúng đã là 25%, trò đoán này dễ.

Đây đâu phải nghề của tôi, ông đập khẽ vào tay lái. Không phải nghề của tôi, ông lộ vẻ chua chát. Sao lại không phải nghề của tôi. Tôi lái taxi. Thì nghề của tôi chứ còn gì.1 triệu người Syria trước ở đây lao động, thêm 2 triệu người sang tỵ nạn là 3. Con số của ông thoạt nghe hơi quá, giờ đã nhích lại gần với lại thống kê Liên Hiệp Quốc, biết đâu lại còn chính xác hơn, thì Liên Hiệp Quốc mà, bao giờ chả thận trọng.

Lebanon là một nước văn minh về lao động, có nghiệp đoàn, có an sinh, bảo hiểm y tế… Đó là với những người bản xứ. Tôi làm nghề khách sạn, ông kể, 35 năm kinh nghiệm, từ lúc 18 tuổi. Kinh nghiệm để làm gì, một hôm chủ gọi, đuổi hết 130 người, mướn thay vào bằng nhân viên Syria! Tôi đang làm service manager của khách sạn Meridien (à ra thế cái Anh văn âm tiếng Pháp), service là cái gì, chủ đâu cần biết, chỉ cần cuối tháng trong sổ sách phần lương lao động bớt được bao nhiêu, bao nhiêu, 50%. Kinh nghiệm phục vụ của tôi, tích lũy 35 năm, không quy ra được bằng con số. Tôi lại có lương thâm niên, phụ cấp vợ con, bảo hiểm y tế, giờ thế vào bằng một anh độc thân mới ra trường, sinh ngữ bập bẹ và chỉ biết thắt cà vạt cho thẳng thì cũng được vậy, còn tôi thì đi lái taxi chứ biết sao, ông cười thái thế hay là thế thái.

Tôi thấy ông giống George Clooney. Đây không phải lần đầu tôi gặp ở Lebanon người giống anh George. Hôm nọ, có một anh Syria tỵ nạn, tôi bảo anh giống diễn viên này. Anh không biết Clooney là ai, anh trước làm nghề trồng rau ở Alep, giờ anh làm nghề tỵ nạn, Clooney anh chưa từng nghe nói đến, cô bạn tôi phải lấy phone bắt mạng cho anh xem hình.

Giờ thì tôi hiểu, vì sao cô Amal là người gốc ở đây lại kết hôn với một anh Mỹ, chắc là vì nó gợi nhớ vườn rau hay là tay lái quê hương.

*
(Những bưu thiếp từ Trung đông này gửi đến bạn đọc nhân chuyến đi mươi ngày sang Lebanon và Jordan vào đầu tháng 11. 2014 để giới thiệu tiểu thuyết “Saigon Samedi” của Sáng Ánh, tức Đỗ Kh. tham gia Hội chợ sách Pháp ngữ tại Beirut

Đây là một thành phố quen thuộc với tác giả, nhưng không gần gũi quá mức đến độ chán ngấy, và vừa ghét lại vừa thương. Bưu thiếp thì vài dòng, và phần ảnh cũng quan trọng, tuy là vớ vẩn cũng chẳng kém phần thư.)

26. 11. 2014

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả