|
|||||||||||||
|
Nhiếp ảnhNhân nói đến chiếc Nikon nhỏ của Héctor Garcia 9 August, 2024Đỗ Kh.Héctor Garcia là nhà nhiếp ảnh nổi tiếng của Mexico vào thế kỷ trước. Ông tự nghĩ ông là một nhà báo và các ảnh của ông là để phản ánh xã hội tuy ông nổi tiếng nhờ chân dung chụp các nghệ sĩ cấp tiến và thiên tả cùng thời. Theo dư luận sau này thì máy chính ông sử dụng là một máy Nikon nhỏ (“snapshot”, tức là máy thông dụng của quần chúng để chụp ảnh gia đình) và mình không biết rõ nên chỉ có thể nói như sau: Trên chân dung của Héctor Garcia, ông cầm máy Speed Graphic của công ty Graflex, dùng film to từng tờ (5×7, 4×5 phân Anh hay phim cuộn 120 khổ 6×9 cm). Đây là máy săn ảnh của nhà báo trong các thập niên 1930-1950, điển hình là nhà báo Weegee, đầu đội nón phớt và miệng ngậm xì gà, trên máy bao giờ cũng có đèn chớp vì hoàn cảnh của săn tin không thể dùng đèn rọi, đánh sáng, và bất kể ngày đêm. Các máy “Press” này, với khổ phim to và đèn chớp đã khai sinh trường phái ảnh “Press”, tức là “ảnh vồ”, “ảnh đè ra mà chụp” rất dễ nhận vì tốc độ sử dung phải cao (nếu không ảnh run và mờ), độ tương phản giữa sáng tối cũng cao nốt (ít các tông màu ghi) là đặc tính của fim Kodak Super Panchro. Cuối đời của loại máy này, mẫu Pacemaker Speed Graphic có thể chụp 6 pô liên tiếp với tốc độ 1/1000 giây. Nghệ thuật bao giờ cũng tương tác với kỹ thuật, không có búa thì khó có điêu khắc. Trong nhiếp ảnh cũng thế thôi, không có điện thoại không thì không có loại ảnh “selfie”. Trong thập niên 30 xảy ra một cuộc cách mạng cơ khí trong lãnh vực này. Ở Đức nhà Leica và Contax phát minh ra loại máy bé cao cấp. Ở Mỹ, nhà Kodak, để tiêu thụ fim, phát minh ra loại máy bé dễ sử dụng. Trong khi trên thế giới, nhiếp ảnh nghệ thuật, cảnh, chân dung (tức là chuyên môn) vẫn dùng máy khổ fim lớn (4×5, 5×7, 8×10 phân anh) nạp từng tờ, thì trong lãnh vực “chơi ảnh”, các khổ fim nạp cuộn tiện lợi 120, 620, 135 ra đời cho người tiêu dùng. Thế chiến thứ nhì là một bước ngoặt, điều kiện của phóng sự chiến tranh khiến trong lãnh vực báo chí, săn hình, nhà Leica (khổ fim 135, tức là 35mm, khung ảnh 24x36mm) lên ngôi tuyệt đối. Đây cũng là thời điểm cao nhất của công nghiệp cơ khí Đức. Nếu xe Mercedes cực tốt thì xe Ford cực rẻ ở Hoa Kỳ, và đây cũng là khác biệt giữa Leica/Kodak. Như nhà kinh tế Triệu Hà Chuẩn, người Hàn Quốc giảng dạy ở Cambridge, nhận định: bắt chước và làm nhái là giai đoạn đầu và giai đoạn bắt buộc của phát triển. Hàng Nhật Bản lúc đầu là hàng nhái, hàng Hàn Quốc bắt đầu là hàng nhái cũng như hàng Trung Quốc hiện nay là hàng nhái và hàng Mỹ vào thế kỷ 19 là hàng nhái của Anh Quốc, hàng Anh Quốc thế kỷ thứ 18 là hàng nhái của Pháp, Hà Lan. Trong lãnh vực máy hình, sau 1945, quân nhân Mỹ chiếm đóng Nhật phát hiện ra máy ảnh của các hãng Canon, Nikon. Nếu Canon nhái Leica thì Nikon nhái Contax. Máy Nhật là máy rẻ gấp bội máy Đức mà chụp cũng… ra hình. Trong bối cảnh của một quốc gia như Mexico thập niên 50-60 thì Hector Garcia dùng Nikon cũng dễ hiểu trong khi ở Pháp Henri Cartier-Bresson sử dụng Leica. Ngày nay, Nikon là máy tốt nhưng 50-60 năm trước thì Nikon là máy dùng được. Ngày nay Leica là máy sang trọng (tức là máy “thừa”, kiểu xách LV để ra chợ mua cá mua rau) vì ta đã bước sang giai đoạn công nghệ số và tinh vi công nghệ cơ khí của đồng hồ Thụy Sĩ thì cũng chẳnh chính xác được hơn đồng hồ điện tử. 1948-1967 là giai đoạn Nikon nhại và cải tiến, phát huy mẫu Contax tiền chiến của Đức (Nikon 1, Nikon M, Nikon S, Nikon S2) . Ta có thể dùng máy Nikon và đầu Contax hay ngược lại. 1967 là năm ra đời của máy Nikon F là máy chụp Reflex với những ứng dụng mới về đầu kính mà trở thành tiêu chuẩn mới của nhiếp ảnh fim khổ nhỏ (như tele cao hơn 135mm, hay đầu rộng hơn 21mm, hay lãnh vực chụp rất cận). Nikon F, F2 trở thành dụng cụ chuyên của làng báo và phóng sự trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, gắn liền thương hiệu với thời sự của giai đoạn ấy. Héctor Garcia, nhà nhiếp ảnh Mexico của ta ở đây, thuộc về giai đoạn trước và khi nói ông sử dụng Nikon, có nghĩa là vào thời ông, ông sử dụng máy dưới chuẩn của nghề nghiệp ở tầm quốc tế. Ông dùng hàng rẻ và hàng nhái, ông chạy xe con Hyundai. Nhưng xe Hyundai của Héctor Garcia thì cũng chở được Diego Riviera và Frida Kahlo hay diễn viên siêu sao Dolores del Rio đến bến. Một trong những ảnh nổi tiếng nhất của Héctor Garcia là chân dung họa sĩ vẽ tường David Alfaro Siqueiros ở trong tù năm 1960. Siqueiros là một nghệ sĩ trung kiên của đảng Cộng sản Mexico, sang tham chiến tại Tây Ban Nha chống phát xít năm 1938 và 1940 là người dẫn đầu đội ám sát dùng thượng liên và mìn tấn công tư dinh của lãnh tụ Đệ tứ Cộng sản Leo Trostky đang tỵ nạn tại Mexico City*. Khi mới sang Mexico thì ông Trotsky lại ở nhà của ông Diego Riviera và có quan hệ với bà Frida Kahlo nên dọn ra ở riêng. Ám sát kiểu tường vẽ ồ ạt này của Siqueiros bất thành, đến mấy tháng sau một ninja đơn độc mới thành công khi ra tay. Giao du với họ, Hector Garcia thực ra quan tâm nhiều đến quần chúng nghèo lao động và vất vả hơn là các nghệ sĩ tiếng tăm cánh tả. Là nhà nhiếp ảnh “Chân Chó”, ông tả khó khăn của ông trong nghề này là “Con chó có hai miếng bánh, bánh nghệ thuật và bánh thông tin, không biết chọn bánh nào”. Tập phóng sự đắc ý của ông là về phong trào sinh viên năm 1968 khi họ nổi loạn nhân dịp chống Thế Vận hội tại Mexico: Cuối đời chẳng hiểu ông dùng máy gì vào loại tồi, nhưng ý nguyện cuối cùng của ông là được đặt xác trong một quan tài có ô kính, trên một đồi cao để ông tiếp tục nhìn xuống và quan sát việc đời**. Đây chỉ là ý nguyện do vợ ông kể lại, còn ông được chôn cất như mọi người. * Blanca Luz Brum có lúc là nhân tình của tổng thống Argentina Juan Peron (tức phu quân của bà Evita “Don’t cry for me Argentina” Peron), lại có lúc hú hí với nhà thơ Chile Pablo Neruda trong chòi của một bể bơi mà người đứng ngoài canh cho họ là nhà thơ Spain Federico Garcia Lorca. Lúc về già, fan cuồng kính trọng bà lại là nhà độc tài Chile Pinochet! 15. 08. 2016 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|