Cũng một bộ phim mà từ Thái Lan sang Philippines, lại là phim Việt Nam thì mới lạ. Sao không làm tại Việt Nam ?
Cái đó phải hỏi bố tôi, hay là hỏi mẹ tôi cũng vậy. Bố tôi là người Việt, lấy vợ Việt, và ngược lại, mẹ tôi thì cũng thế, là người Việt, lấy chồng Việt. Sao ông bà không về Viêt Nam mà lấy nhau, lại lấy ở Pháp ? Cái đó gọi là duyên, và phim ảnh cũng như lập gia đình, không duyên thì khó thành, khó lắm, tính cũng không được. Mỗi bộ phim mà ta được xem, hay dở, tồi tác hay là tuyệt tác bất kể, nó lên được màn hình thì đã là một phép lạ.
Bộ phim Đường thứ 11 (Tang le 11e) của Đới Tư Kiệt (Dai Sijie) là một chuyện Trung Quốc với bối cảnh Trung Quốc và nhân vật Trung Quốc do một người Trung Quốc biên kịch (cũng là Kiệt) và một đạo diễn Trung Quốc thực hiện. Phim này lại là phim Pháp, vì quốc tịch của một bộ phim không tùy thuộc vào cốt truyện, nhân vật, diễn viên hay đạo diễn, đoàn quay, bối cảnh nơi quay… hay gì hết mà thuộc về công ty sản xuất và sở hữu pháp lý của nó là sản xuất. Tôi quên mất rồi, nhưng hình như các nhân vật trong phim Đường tăng thập nhất này lại nói tiếng Việt vì quay ở Việt Nam với dàn diễn viên Việt.
Tôi hỏi Kiệt, sao bạn không quay ở Trung Quốc cho nó tiện? Bạn giải thích là bọn Trung Quốc nó vênh lắm, phim nước ngoài mà xin phép nó chỉ thích phim tấn mà mình thì phim con. Sản xuất Pháp lại là người lúc đó có mối ở Việt Nam, biết đường biết lối, biết nhân viên, biết giá thành, nên quay ở Việt Nam là rẻ nhất. He he, thế sao phim của tôi lại không tìm cách quay ở Việt Nam? Có tìm chứ, nhưng Trung Quốc thế nào thì Việt Nam cũng định hướng đại loại, có nghĩa là phim của tôi muốn yên thân thì nên sang Cam Bốt mà làm, chuyện này có nghĩ đến chứ.
Đạo diễn Đới Tư Kiệt với diễn viên Xun Zhou trong khi quay “Cô thợ may và Balzac”, ảnh ở đây
Vào thời điểm đó, các bộ phim nước ngoài quay tại Việt Nam gặp khó khăn thực hiện, đầu tiên là về khâu duyệt. Được cấp giấy phép, đoàn đã thành lập, vì lý do nào đó lại thu hồi, bảo đợi một tí, có gì đâu. Thành phần đoàn đã có hợp đồng lao động với sản xuất, họ đâu phải là nhân viên nhà nước quanh năm mà là hợp đồng một chuyến, từ mùng 3 tháng 7 đến 15 tháng 8, sang tháng 9 thì họ phải làm phim khác, hợp đồng đã ký sẵn với hãng phim khác. Sản xuất phải vỗ vai đoàn bảo, thôi em lỡ sang Việt Nam rồi, mình đợi thêm vài tháng là bấm máy, ta ra quán uống bia hơi vui lắm, góc Phạm Ngũ Lão ấy. Và bồi thường thiệt hại, trả thêm lương chứ không phải chỉ trả tiền bia hơi.
Chuyện này xảy ra một vài bận, có sản xuất cắt điện thoại riêng. Có sản xuất đóng cửa phòng lại, bốn góc đốt hương trầm và quay mặt vào tường mà thiền, có sản xuất cắt tóc đi tu biệt xứ. Đây chẳng phải nói chơi, ông này không đi tu nhưng biệt xứ, ông bỏ nghề sang Indonesia làm tùy viên văn hóa đại sứ quán! Rủi ro làm phim kiểu này, không có sản xuất, không có đầu tư nào chấp nhận được. Vì bất cứ bộ phim nào, cho dù trơn tru chót lọt, đầu tư vào đã là một cá cược rủi ro rồi.
Thái Lan thì cũng có khâu duyệt. Duyệt phim bản xứ thì tôi không biết có cần hay không, nhưng phim nước ngoài là phải duyệt. Đây là duyệt đại cương kịch bản, dịch sang tiếng Thái những nét chính độ 5-7 trang. Hội đồng xem rất nhanh, một vài tuần là đóng dấu xanh dấu đỏ nếu không có vấn đề. Vấn đề ở Thái, thứ nhất là hoàng gia, thứ nhì là đĩ, đừng có động đến. Kịch bản tôi thì có chị em vào ra, là nhân vật sắc nét, ngang hàng với nhân vật nữ sinh trường đầm không được trong trắng mấy, và tuy thượng lưu xã hội nhưng may là không phải hoàng gia. Thế mà phía đối tác Thái nhận ra chi tiết đó ngay, mới liếc mắt trên giấy đã giãy nảy, phim này có đĩ!
Tôi nói ngay, đây là phim Việt Nam nhe, và đĩ Việt Nam chứ đâu có phải đĩ Thái Lan, ở Việt Nam cũng có đĩ ấy các anh chị ạ. Họ thở phào, tại thói quen, ai cũng sang Thái Lan đòi làm phim có nhân vật đĩ, ở khâu duyệt nó rất căng.
Nói thế, chứ chuyện duyệt phim nước ngoài ở Thái là thủ tục hành chánh và không duyệt chi tiết, kiểu câu thoại này ý nghĩa sâu xa và thầm kín của nó là gì, tới bố của biên kịch (tứ là bố tôi) còn không giải thích được. Tôi là nghệ sĩ, sáng tạo theo bản năng chứ nào có phải thày đời mà hỏi tôi ý nghĩa! Hội đồng Thái thì chỉ xem đề cương kịch bản thôi, và không duyệt khi quay hay cắt dựng, thành phẩm ra sao lúc đó đoàn đã cuốn gói cao bay xa chạy, ấy bọn Thái nó tắc trách thế và lơ là như thế.
Một cảnh ở Thái Lan giả Việt Nam của “Tomorrow Never Dies” với Pierce Bosnan và Michele Yeoh, ảnh ở đây
Còn ở Philippines thì hoàn toàn tự do, ai muốn quay gì thì quay, giấy phép là địa phương, công an phường nếu có ngãn trở lưu thông hay Cứu hỏa huyện cần phòng cháy. Nếu có ý nghĩa sâu xa của bộ phim nào đó ở Philippines, là để cho các nhà phê bình điện ảnh ở trên mục báo cuối tuần.
Thái Lan rất tiện vì là nơi đã được dùng làm cảnh Việt Nam vô khối, kể cả phim James Bond “tại Việt Nam” vì lúc đó 007 chưa nặng cân bằng khỉ đột. Thái Lan là giải pháp ai cũng nghĩ tới, kiểu lối mòn rồi. Tôi họp sơ khởi với phía sản xuất Thái lần đầu, có bạn đối tác đã hỏi ngay bao nhiêu trái khói màu? Phim chiến tranh Việt Nam mà không có trái khói màu bốc lên trong chiều ở giữa rừng nguyên sinh ba tán thì kể như là vất đi. Lý do khói màu vì nó rất là điện ảnh, ăn ảnh hơn diễn viên người mẫu hoa hậu, tay quay phim nào cũng thích hết và cảnh nào cũng đòi phải xịt cho vài trái, ban ngày thì màu cam, ban chiều thì màu xanh cuồn cuộn, làn thu thủy, nét trái khói.
Tôi nói ngay, phim này không có trái khói. Bạn hụt hẫng, chắc trong kho còn một két chưa dùng đến, bèn đưa ra bảng giá cho thuê xe thiết giáp, trực thăng và xe Taxi Sàigòn (Renault 4, 2 màu vàng xanh), với lại xích lô là những thứ ở Thái đã có sẵn. Tôi bị bảng giá này ám ảnh, từ sau mỗi lần xem phim chiến tranh quay ở Thái là lẩm nhẩm tính tiền. Trực thăng là đà bốc lên 3 chiếc là 9.000 USD, dưới đất 4 cái xe bọc sắt nổ máy là 1.200, từ đâu trên đường cái có một cái taxi chạy ngang là 200, thêm 2 cái xích lô đạp ngược chiều là 200 nữa, tổng cộng đạo cụ đã là 10.600 USD.
Ngọc Trinh đâu? Giờ em vén quần cao lên và bò từ ruộng lên nhe. Em có coi Silvana Mangano trong phim Italy “Gạo đắng” (Riso amaro, 1949) chưa?
Silvana Mangano trong bộ phim Italy “Gạo đắng”, ảnh ở đây
Chưa hả, không sao, giờ em hai tay ôm hai lai quần, đừng để nó tụt xuống thấp nhe, cái này cực kỳ thẩm mỹ đó! Em vừa chạy vừa lúc lắc cái đầu cho tóc bay bay, anh cho nổ mấy trái khói màu vàng cho nó nổi bật làn môi Louboutin đỏ số 01, ờ vậy đó, cong thêm môi trên một chút nữa, mà em nhớ dòm đường nhe, coi chừng đâm vô cái xích lô đang trờ tới, phải quay lại toàn cảnh, mà anh hết trái khói rồi.
Vậy tại sao có chuyện làm phim này ở Philippines? Tại đây không có thủ tục giấy tờ, không duyệt nội dung câu chuyện hay hình ảnh lõa lồ, ai muốn quay gì thì quay. Công nghệ điện ảnh ở Philippines lại phát triển hơn ở Thái, hiệu năng và rẻ hơn, chuyên nghiệp và chuyên gia sản xuất, kỹ thuật thì đấy rãy nhưng những đặc tính đó nào có ai hay. Cái này là duyên như đã nói.
Sản xuất phim của tôi đi LHP Cannes, một bận đi nhầm lối nên đâm vào một hành lang ngõ cụt có một đạo diễn Philippines đang ngồi với lại một nữ diễn viên. Ông không đi tiếp được vì đường cùng, bèn chào hỏi bắt chuyện. Cô này trong nước là sao đang lên, và lên đến hàng đầu rồi thì biết đi đâu, đi Cannes thôi. Bước tiếp của cô là đóng phim nước ngoài nên theo đạo diễn này (Martin Arnaldo) nghe ngóng. Sản xuất bảo đang có dự án làm phim về Việt Nam quay tại Thái, thế là kết duyên nên chuyện.
Ông sang Philippines xúc tiến, lại có đại gia ở trong nước bảo trợ cho cô này, bỏ tiền đầu tư vào bộ phim phần kinh phí tại Philippines. Thế là mình lại hì hục máy tính vùi đầu vào kịch bản, uống càfé tí tách qua đêm. Vai ca sĩ trong phim mình có 3 cảnh thôi, mình tăng cường lên thành 7, đầu phim, giữa phim, cuối phim đều có cô qua lại cho đẹp mắt người xem. Sản xuất bốc với cô diễn viên, bảo đây là một dạng vai chánh đấy, vì vai chánh là Sài Gòn, là thành phố, chứ không có nhân vật nào chánh cả. Thế là cô vui ra mặt. Đại gia trong nước cũng vui theo và sẵn sàng xé lụa, bỏ tiền ra cho tiền sát, tiền cảnh. Mình thấy thầm là cũng hơi bất nhẫn, thôi, gắng tăng cho cô thêm mấy câu thoại nữa, nhưng việc lừa tình lừa tiền là việc của sản xuất, không phải là của đạo diễn.
Tiền hô là hậu dạ, kỳ này đi Philippines không phải đi Economy và cầu thầm lại được upgrade. Tài xế mang xe oách ra đón mình ở sân bay hãnh diện đưa tay chỉ, ông biết không, Jean Claude Van Damme từng ngồi đúng chỗ ông đang ngồi đây trên xe này, làm director là mình đang oai chễm chệ lại đâm ra xấu hổ là không biết đá vòng cầu quay ngược chân phải.