|
|||||||||||||
|
Chính trịNgười tỵ nạn Syria: gánh nặng đè ngay trong xóm 3 September, 2024Sáng ÁnhThảm cảnh thuyền nhân và người tỵ nạn từ Trung Đông và Bắc Phi hiện đang gây bàn cãi cũng như mâu thuẫn giữa các nước EC, giữa các nước tuyến đầu tiếp nhận (Italy, Hy lạp) và các nước còn lại, giữa các nước không muốn nhận (Anh quốc) và các nước không muốn người tỵ nạn mượn đất để đi ngang (Hungary). Nhưng ở đây xin không đề cập đến vấn đề Âu Châu vội, có nóng hổi thì là với dư luận Tây phương. Cũng xin chỉ nói riêng về Syria là đa số tuy trong làn sóng (xin lỗi phải dùng đến cụm từ này), trong làn sóng tỵ nạn cũng có người Erytrea, Afghanistan, Iraq, Somali, Yemen, Lybia v.v. Nội chiến tại Syria từ 2011 (có ai còn nhớ những hân hoan của “Mùa xuân Ả rạp” xin đứng dậy giơ tay) khiến đến giờ khoảng 250.000 thiệt mạng trên dân số 22 triệu. Con số này chỉ tạm thời và sẽ còn đếm nữa. 1 triệu người thương tích và 6.5 triệu phải bỏ nhà bỏ cửa ra đi lánh nạn ở trong nước và 3.5 triệu lánh nạn ở nước ngoài. Nói kiểu thống kê thì 1% thiệt mạng, 4% bị thương, 30% bỏ tỉnh này sang tỉnh khác, 15% bỏ ra nước ngoài. Một nửa dân số, 50% còn lại thì ở đâu vẫn ở đó (như Tổng thống Bashar Al Assad, ông vẫn ở trong dinh) và chỉ nghe đì đoàng, bom đạn sướt qua đầu vì vèo. Thế còn muốn gì nữa? Nói tóm lại, một nửa dân số Syria là nạn nhân của chiến tranh, hoặc thiệt mạng, hoặc thương tật, hoặc bỏ ruộng vườn nhà cửa, hoặc bỏ nước mà đi. Dư luận Tây phương có thể gọi người Syria là di dân muốn đến được thiên đường (Âu châu) để hưởng phúc lợi nhưng gọi họ là người muốn thoát khỏi địa ngục để lánh nạn cũng không phải là lạm từ. Bằng chứng là, trước 2011 và cuộc chiến tranh này, có ai bao giờ thấy hay nghe nói đến người tỵ nạn Syria và dùng chữ cho đúng thì Âu châu không phải là đang đương đầu với một cuộc khủng hoảng về di dân (immigration) mà với một cuộc khủng hoảng về tỵ nạn. Tiếp cận vấn đề, là tùy theo vị trí. Âu châu nhìn đây như là một cuộc di dân mới, người Syria nhìn đây như là một cuộc bỏ chạy, bỏ nước, bỏ của chạy lấy người. Nửa đêm, nếu có tiếng đập cửa xin vào, bạn có thể không mở vì bạn sợ liên lụy. Bạn có thể nghĩ hay bạn có thể viện cớ là nhà tôi có TV cáp, điều hòa, vừa mát vừa được xem bóng đá. Kẻ gõ cửa xin trú thì chỉ lo bị cướp đuổi. Đây cũng không bàn đến lí do, trách nhiệm của cuộc chiến. Chỉ xin phép mở một dấu ngoặc cá nhân là trong tất cả rất nhiều dân tộc mà tôi được tiếp cận, dù là sơ sài (thì sơ sài), người Syria đứng đầu về mặt dễ mến với đức tính hiền hòa, ngay thật, trung tín và hiếu khách đến mức khó tin. Đi sâu vào chuyện cá nhân thì có bạn sẽ bảo “thằng này (người viết) có vợ Lebanon, thảo nào nó chẳng bênh hay là nịnh Syria”. Đó là nhầm to vì đây tương đương với phát biểu “thằng này có vợ người Việt, thảo nào nó chẳng bênh Trung Quốc” hay là phát biểu “Thằng này có vợ Cam bốt, thảo nào nó chẳng bênh Việt Nam”. Đóng dấu ngoặc đời tư lại, Syria là nước lớn (22 triệu), trong lịch sử từng liên tục ảnh hưởng, bắt nạt, ăn hiếp và cho đến rất gần đây (1976-2005) còn có quân đội chiếm đóng tại Lebanon (dân số 4.5 triệu). Trở lại vấn đề tỵ nạn Syria, nếu 29 nước EC (dân số 500 triệu) phải đang phát sốt thì ta nhìn thử hoàn cảnh chịu đựng của các nước trong khu vực. Tại Lebanon Đây là một quốc gia rất bé, 4.5 triệu dân số, diện tích 10.000 km2, mật độ cao. Mức phát triển tầm trung (18.000 USD bình quân PPP, so với Việt Nam là 5.600 và cùng tầm với Mexico, Venezuela hay là Bulgaria). Vào 2011, Syria GDP bình quân là 5.100 (hiện nay không có con số, đố các bạn biết tại sao), tức là bằng 1/3 của Lebanon ở cạnh. Số người lao động Syria tại Lebanon dao động khoảng 100.000 hay 200.000, tùy theo nhu cầu lao động tại địa phương. Lao động Syria cũng không định cư ở hẳn mà tạm thời vài tháng làm nghề xây dựng hay vụ mùa rồi trở về nhà. Hiện nay, số người Syria tỵ nạn tại Lebanon là 1.15 triệu (theo số liệu của LHQ, tháng 8 2015). Theo con số này thì họ chiếm ¼ dân số của Lebanon, kiểu Việt Nam phải gánh 20 triệu người Trung Quốc sang ta lánh nạn. Con số này thực ra cao hơn, vì Cao ủy Tỵ nạn không nắm được thành phần tỵ nạn chui, và có thể lên đến 1.5 triệu. Thường thì Cao ủy lập các trại tỵ nạn nhưng riêng tại Lebanon việc này là cấm kỵ. Đây là một quốc gia có chính quyền trung ương rất yếu, với 1 quân đội và lực lượng an ninh có tính cách biểu tượng phần nhiều. Thời gian 1948-1975, nửa triệu người Palestine tỵ nạn tại Lebanon trong các trại dần dà không những trở thành tự trị với tổ chức chính trị và quân đội, vệ binh riêng trong những trại này mà còn can thiệp trực tiếp vào chính trị của quốc gia trong thời kỳ nội chiến (1975-1992). Phần Syria lại là một số lượng đông gấp 3 thì chính quyền Lebanon chết khiếp, nếu tập trung thành trại thì không thể nào quản lí nổi. Về mặt an ninh và chủ quyền quốc gia, 40.000 quân Syria vừa mới rút khỏi cách đây 10 năm thì giờ 1.5 triệu người tỵ nạn tràn sang! Tình hình tại Lebanon sau nội chiến vẫn còn tiếp tục bấp bênh và lềnh bềnh giữa các phe phái. Hiện Quốc hội không chịu giải tán và bầu cử mới, hơn 1 năm nay không có chủ tịch nước vì chưa tìm ra giải pháp. Phe Shia (Hezbollah) là phe mạnh nhất về mặt quân sự thì gửi vệ binh sang giúp Assad, phe Sunni thì có chí nguyện quân giúp phe nổi loạn. Người Lebanon như vậy hiện đang đánh nhau tại Syria và họ có thể đánh nhau, nội chiến trở lại, ngay tại trong nước họ vào bất cứ lúc nào, việc gì mà phải đi xa. Ngay tại các trại tỵ nạn Palestine ở Lebanon cũng có vấn đề. Tại Syria cũng có trại tỵ nạn Palestine. Khi có nội chiến Syria, người Palestine trong các trại này bỏ sang các trại tại Lebanon để lánh nạn. Phe Palestine thân và phe chống Assad mang theo hằn học và dao búa sang các trại tỵ nạn Palestine tại Lebanon khiến các trại này từ lâu đã giải giới phải thành lập lại các lực lượng an ninh vũ trang. Ngoài đe dọa về mặt an ninh quốc gia, số tỵ nạn khổng lồ này ắt phải đè nặng lên hạ tầng y tế, giáo dục, kinh tế của Lebanon. Về mặt xã hội, Lebanon giờ vẩn vơ đầy đường đầy ngõ thanh thiếu niên vô gia cư thất nghiệp người Syria, trẻ em ăn xin bán dạo (là một hiện tượng đã biến mất tại Lebanon trước đây). Lebanon là một quốc gia tiến bộ về mặt lao động, có nghiệp đoàn, có tổ chức, giờ rối loạn vì nhân công rẻ mạt Syria giành giật. Tệ nạn trộm cắp, trước đây hầu như không có, nay gia tăng vì hoàn cảnh, và mại dâm không còn là độc quyền của phụ nữ chân dài đến từ Đông Âu. Tại Jordan Đây cũng là một nước nhỏ, 6.5 triệu dân, GDP bình quân (vẫn PPP) 12.000 USD (tầm Thái Lan, Trung Quốc). Số người tỵ nạn Syria tại đây hiện lên 600.000 tức gần 10% dân số địa phương. Phần lớn số tỵ nạn được tập trung trong các trại một cách nghiêm ngặt vì Jordan cũng có vấn đề an ninh quốc gia. Chính quyền và hoàng tộc tại đây dựa vào người Bedouin, dạng hung hãn đeo kiếm cỡi lạc đà, trong khi đến nửa thần dân là gốc Palestine. Năm 1948, trong cuộc chiến với Israel, vương quốc này chiếm được phần Tây ngạn (West Bank) của Palestine (phần còn lại của Palestine bị Israel chiếm). Thì mạnh ai nấy chiếm chứ sao, Israel tuyên bố lập quốc trên một mảnh thì Jordan tuyên bố mảnh kia thuộc về vương quốc, cho dù có bị khối Ả-rạp lên án, và khiến vua Abdallah Đệ nhất bị người quốc gia Palestine ám sát. Nói cho rõ, là Palestine bị chia cắt bởi hai thế lực, Israel và Jordan. Trong chiến tranh 1967, Jordan mất Tây ngạn và Jerusalem và quan hệ giữa chính quyền với các phong trào giải phóng Palestine tiếp tục càng thêm căng thẳng. Tháng 9-1970 (“Tháng 9 Đen” của người Palestine), quân đội hoàng gia dẹp tan và tận diệt các phong trào này tại Jordan. Một đoàn chiến xa của Syria tiến sang Jordan để giải cứu vệ binh Palestine thì Israel cho không lực đến dọa (theo lời yêu cầu của Hoa Kỳ) khiến chiến đoàn này nhanh nhẹn triệt thoái về nước và làm tròn nhiệm vụ là thoát hiểm. Đây không phải để đi sâu vào chi tiết lủng củng của khu vực nhưng để thấy là cân bằng chính trị tại Jordan cũng rất mong manh và sự hiện diện của 600.000 tỵ nạn từ Syria đến là một vấn đề không phải thuần túy về kinh tế hay cưu mang mà còn là đe dọa chính trị cho chế độ hay quốc gia họ đến để lánh nạn. Jordan không phải là một quốc gia “anh em” của Syria mà là một nước đã có thỏa ước với Israel và đường lối triệt để thân Tây phương Anh, Mỹ từ ngày được dựng thành một vương quốc mới, với mầm mống bất mãn từ ½ dân số gốc người Palestine. Tại Iraq Khỏi cần giới thiệu dông dài, ai cũng biết thiên đàng Iraq như thế nào. Tại thiên đàng này hiện nay có gần 400.000 người Syria tỵ nạn trong khi có 400.000 người Iraq tỵ nạn tại nước ngoài và 3.5 triệu người Iraq tỵ nạn ngay tại trong nước họ! Phần lớn người Syria tỵ nạn ở tại miền Bắc Iraq vì đây là khu vực tương đối an ninh và hẳn là tương đối an ninh hơn tại Syria. Khu vực tự trị này (và trên thực tế gần như là độc lập) của người Kurd tại Iraq không có vấn đề xung đột giữa các giáo phái Hồi, người Kurd tuyệt đại đa số theo Sunni, chỉ có vài ba phần trăm là Shia và rất ít Ki-tô. Người Kurd Syria sang tỵ nạn tại khu vực Kurdistan tại Iraq thì quá đúng, nhưng 400.000 không phải là gánh nhẹ cho dân số 8.5 triệu của khu vực. Ngoài ra, Kurdistan còn có 1.5 triệu người Iraq từ các khu vực khác sang đây lánh nạn, mang tổng số tỵ nạn lên gần 2 triệu! Vấn đề khác là chính tại khu vực đã từng có nội chiến (1996-1998) giữa các lực lượng giải phóng Kurdistan ngay dưới thời Saddam Hussein. Hai đảng KDP và PUK sau đó hòa giải và bầu củ đến nay vẫn là tám lạng nửa cân, bên ảnh hưởng Nam và bên ảnh hưởng Bắc. Số tỵ nạn Kurd-Syria là tại miền Bắc Kurdistan khiến tương quan này thay đổi về mặt chính trị và bộ tộc. Mặt khác, Kurdistan mặt Đông (giáp Turkey) lại là nơi đóng quân của lực lượng Kurd-Turkey (chống chính quyền Turkey) lâu lâu lại bị Turkey tràn quân qua đánh. Mới đây, hướng Tây thì bị IS đe dọa, chắc là phải mượn từ “tứ bề thọ địch” của ta dịch sang tiếng Kurd để mang về mà dùng. Sự hiện diện của một số lớn đồng bào họ tỵ nạn từ Syria chỉ có thể gây thêm khó khăn trong bối cảnh này. Tại Turkey Đây là nước lớn trong khu vực, 80 triệu dân và GDP bình quân 20.000 USD, hậu thân của một đế quốc từng thống trị từ Á sang Âu và Bắc Phi. Số tỵ nạn Syria tại đây là gần 1 triệu người. Đây là một con số lớn nhưng vấn đề đối với Turkey không phải chỉ ở chỗ đó. Tại Turkey, người Kurd là thiểu số lớn nhất, khoảng 15-30% dân số, không được rõ (và không muốn rõ). Người Kurd sống trên lãnh thổ của 4 nước Iraq, Iran, Turkey và Syria. Khi đế quốc Ottoman tan rã, Tây phương đã quên lời hứa thành lập một quốc gia thống nhất Kurdistan. Tại Iraq, hiện họ gần như là độc lập và hoàn toàn tự trị. Tại Syria, khu vực Kurd (giờ được họ gọi là Rojava), nhân những bối rối trong nhà của chế độ Assad, đã tách ra đứng riêng, không can dự trong chuyện chống hay theo Assad. Chỉ có IS là không tha cho họ và năm ngoái thị trấn Kobani đã chặn được bành trướng của phong trào này, và chiến tích được thế giới biết đến nhờ những tay súng phụ nữ (là 30% của lực lượng vệ binh Kurd). Kobani và Rojava (khu vực Kurd tại Syria) đố các bạn là lại gần khu vực nào tại Turkey? Gần khu vực Kurd tại Turkey! Người Kurd sống hai bên biên giới, phía Syria thì nhờ tình hình rối ren mà trở thành tự trị, phía Turkey vẫn còn dưới kiểm soát và cai trị của chính quyền trung ương. Các cuộc nổi dậy Kurd ở Turkey từng bị đàn áp đẫm máu và đường lối quốc gia Turkey là đồng hóa dân tộc Kurd, xóa ngôn ngữ và văn hóa của họ. Phong trào tự trị Kurd từ thập niên 70 do Đảng Lao động Kurdistan (PKK) lãnh đạo, chống lại nhà nước Turkey bằng bạo lực. Đố các bạn là Rojava do ai lãnh đạo? Là một phong trào na ná, đổi tên chút xíu nhưng cũng chiều hướng thế tục, mác xít và XHCN y như là PKK tại Turkey. Điều này giải thích là khi Kobani bị IS công thủ và vây hãm 3 mặt, trừ mặt biên giới Turkey, thì Turkey khoanh tay đứng nhìn và khóa biên giới lại trong khi nước này thuộc khối NATO (tức là Tây phương chống IS). Có dư luận còn cho là Turkey tiếp tế vũ khí và để cho IS chuyển quân, nhân sự trong khi họ phong tỏa phong trào Kurd. Đối với Turkey, NATO thì NATO, nhưng ưu tiên đầu của họ là vấn đề Kurd. Ưu tiên thứ nhì là đánh đổ chế độ Assad (mà IS cũng muốn đánh đổ Assad). Mà ưu tiên 1 của Hoa Kỳ hiện giờ là đánh IS (cho nên phi pháo Mỹ mới yểm trợ cho lực lượng một đảng Lao động mác xít và XHCN ở Rojava!) Trong khi đó, uu tiên thứ nhất của người Kurd là tự trị và độc lập, thống nhất Kurdistan và thành lập quốc gia. Vậy thì dính dấp gì đến chuyện tỵ nạn? Một số lớn tỵ nạn Syria tại Turkey là người Syria Kurd (khác với người Syria Ả-rạp). Turkey tuy ủng hộ thành phần tỵ nạn chống Assad nhưng dĩ nhiên không muốn cưu mang thành phần Kurd mà chỉ muốn mượn tay IS để triệt đám này. Có quân đội hùng mạnh, Turkey không ở vào thế bấp bênh như Lebanon hay Jordan nhưng nhất định là không ưa thành phần tỵ nạn Syria gốc Kurd. Bị bạn Hoa Kỳ ép, mới đây thì Turkey cũng đánh bom IS bằng máy bay cho có phần, nhưng đánh IS bằng 2 phi vụ thì cùng lúc Turkey đánh PKK bằng 200 phi vụ! * Điểm qua 3 trường hợp người tỵ nạn Syria trong khu vực cho thấy gánh nặng không phải là tại Âu châu đang hoảng hốt. Đây là một cộng đồng 500 triệu người, GDP bình quân 35.000 USD, đủ khả năng và phương tiện. Bảo là các nước bạn ở cạnh sao không gánh thì không đúng vì họ đang gánh chứ, và gánh quá tải và Syria không hẳn là bạn họ như đã thấy mà còn là kẻ thù. Bảo là ở xa không ăn nhập gì đến châu Âu thì càng không đúng, 100 năm qua và cho đến nay, không ai can thiệp, chiếm đóng, bảo hộ, khai thác, gây rối tại Trung Đông ngoài các nước Tây phương. Chuyện Tây phương hớt hải và truyền thông của họ (tức là truyền thông thế giới) rùm beng không phải là vì Syria có vấn đề chiến tranh và loạn lạc. Đó cũng không phải là chuyện người tỵ nạn cuộc chiến này phải bỏ xứ mà đi. Nếu đi sang Lebanon, Jordan, Turkey thì mấy triệu cũng được cả và hoàn cảnh thế nào và có chết trên đường này bao nhiêu cũng chẳng ai quan tâm, nhưng đừng có tìm cách sang và chết trên bờ biển châu Âu! Vào năm 1997, loạn Congo khiến miền Nam của nước này có 150.000 người lên đường trốn chạy. Đoàn người này ba hôm sau bỗng biến mất, chí ít là biến mất trên truyền thông quốc tế. Họ đi đâu, thế nào, chẳng ai biết cả và muốn biết cả vì công nương Lady Di mới thiệt mạng giao thông tại Paris. Ngay cả nếu bà này không gặp nạn thì quan tâm đến 150.000 cũng sẽ rất ít. 150.000 người chạy đến Lubumbashi thì biết làm gì, miễn đừng chạy đến Italy. Một em bé 13 tuổi mới đây nói với phóng viên Al Jazeera rằng: “Chúng tôi không muốn sang Âu châu sinh sống, chỉ cần hãy ngưng chiến tranh tại Syria”. Điều mong ước này quả là khó, khó hơn nhiều việc đón nhận tỵ nạn và thuyền nhân. 07. 09. 2015 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|