Nhiếp ảnh

So sánh hai bức ảnh: ba mươi phút với nửa giờ 23 April, 2024

Sáng Ánh

“(Một bức ảnh) là một một lời tiên tri lộn ngược: như Cassandra*, nhưng mắt dán chặt về quá khứ, không bao giờ gian dối; hay đúng hơn nó có thể gian dối về ‎ý nghĩa của sự vật, bởi bản chất tự nhiên của nó là có xu hướng (dối trá), nhưng không thể nào (dối trá) về sự hiện hữu của mình.” – Roland Barthes, ”Camera Lucida”.

“(Một bức ảnh) là một một lời tiên tri lộn ngược: như Cassandra*, nhưng mắt dán chặt về quá khứ, không bao giờ gian dối; hay đúng hơn nó có thể gian dối về ‎ý nghĩa của sự vật, bởi bản chất tự nhiên của nó là có xu hướng (dối trá), nhưng không thể nào (dối trá) về sự hiện hữu của mình.” – Roland Barthes, ”Camera Lucida”. Hai thời điểm, hai bức ảnh chụp hai tổng thống Mỹ và một sự việc, trùm khủng bố bị đột kích và giết chết. Bức đầu tiên (2011, của Pete Souza) theo đúng quy tắc thẩm mỹ của nhiếp ảnh, cái gọi là “Luật 1 phần 3”. Ảnh được chia làm 3 phần, chiều ngang cũng như chiều dọc và chủ đề hay “trung” điểm phải nằm trên 1/3. Quy tắc này phổ biến, khiến một số máy chụp trên màn hình có cài đặt sẵn các đường 1/3 này để giúp người chụp định khung.

.

Hai thời điểm, hai bức ảnh chụp hai tổng thống Mỹ và một sự việc, trùm khủng bố bị đột kích và giết chết.

Bức đầu tiên (2011, của Pete Souza) theo đúng quy tắc thẩm mỹ của nhiếp ảnh, cái gọi là “Luật 1 phần 3”. Ảnh được chia làm 3 phần, chiều ngang cũng như chiều dọc và chủ đề hay “trung” điểm phải nằm trên 1/3. Quy tắc này phổ biến, khiến một số máy chụp trên màn hình có cài đặt sẵn các đường 1/3 này để giúp người chụp định khung.

Có người cho rằng nó phản ánh sự khiêm tốn nào đó vì ông Obama không “to” nhất trên hình, ông không ngồi trên ghế hay ngai nào cao nhất, phù hiệu tổng thống Hoa kỳ không ngay trên đầu ông để tỏa hào quang. Những nhận xét này đúng. Nhưng luật 1/3 làm cho bức ảnh thẩm mỹ hơn và ấn tượng. Ở 1/3 đối diện với ông Obama là… bà Clinton.

Bà mới là “trung tâm” của bức ảnh do bà “sáng” nhất, vì mắt người xem không tìm chỗ tối. Bà là người ”động” trên hình, đưa tay lên miệng trong khi mọi người khoanh tay trước ngực, buông tay bên mình hay tướng Mike Mullen chắp tay sau đít theo thế “nghỉ” của quân đội. Cũng chỉ có mình bà có hồ sơ, cả tập nhé, chứ không phải vài tờ giấy ghim, tay đặt lên trên và thêm sổ ghi chép (màu đen tương phản), phải chi kẹp thêm một cây bút đỏ nữa là tuyệt đẹp, bà sẽ trở thành nhân vật nắm được (đặt tay lên) nhiều thông tin nhất theo nghĩa đen của bức ảnh. Nói thêm, với các văn hóa quen đọc từ phải sang trái (Ả Rạp, Do Thái, Ba tư, Urdhu Sindhi…) thì bà Clinton là 1/3 đầu tiên khi “đọc” ảnh rồi mới đến ông Obama. Bà cũng là phụ nữ hiếm hoi giữa đám mày râu, trừ “con bé” kiễng chân ở phía sau (Audrey Tomason, giám đốc chống khủng bố của Hội đồng An ninh Quốc gia).

Chi tiêt ảnh

Trung tâm của bức ảnh theo nghĩa đen là thiếu tướng Brad Webb, chỉ huy phó Hành quân Đặc biệt, và không được ai quan tâm. Ông ở giữa, ăn mặc sang cả và nghiêm nghị nhất, huân chương đánh võng trên ngực, trong khi chung quanh kẻ cà vạt, người không, cổ nút áo cởi và đô đốc tổng tham mưu trưởng sơ mi nhẵn nhụi đứng phía sau như là lính hầu. Ông cũng là người duy nhất nhìn xuống bàn phím trong khi mọi người đều nhìn về hướng trái của hình. Vị trí trung tâm của ông trên ảnh này chỉ định vai thấp nhất.

Thường người ăn mặc nghiêm chỉnh nhất trong một cuộc tiếp tân ở hồ bơi là anh phục vụ thắt nơ đen, nhìn chăm chú khay rượu anh đang cầm trong khi mọi người ở trần hay săn tay áo chăm chú xem ai đó đang múa rốn ngoài hình. Nếu đưa bức ảnh này cho một em bé miền núi (Kurd chẳng hạn) xem, thì chắc em nghĩ Brad Webb là nhân vật quan trọng nhất vì ông mặc đẹp và ông đang chăm chỉ làm việc trong khi cả “lớp” đang nhìn đi đâu đâu. Vì ông nhìn xuống lo công việc và ăn mặc khác người, ở đây giá trị của trung tâm bị đảo ngược và ông trở thành thấp kém nhất, coi như ngoại hình và không ai thấy nữa, kém cả bà đằng sau chót kiễng chân vì bà còn tham gia, như vậy là tích cực, vào sự việc đang diễn ra.

Chi tiết ảnh

Chi tiết ảnh

Bức ảnh của Souza rất thành công vì nó “thật”, hay ”như thật”, hay “diễn xuất”rất tài tình (đây lại là một chuyện khác “ngoài” ảnh). Các nhân vật phụ phía sau như bà Tomason kiễng chân và ông Tony Blinken (cố vấn an ninh của phó tổng thống) nghiêng đầu vì bị William Daley giám đốc Tòa Nhà trắng án ngữ, cũng như động tác “ồ” của bà Clinton làm bức ảnh sống động. Người xem phải tự hỏi ngay là họ đang chú ý đến việc gì gay cấn thế ở ngoài hình, Jean Claude Van Damme đá giò lái hay là tai nạn giao thông? Nếu không có các động tác này và không có các nét cuốn hút trên gương mặt thì người xem phải tự hỏi, bọn này đang thẫn thờ làm gì đây chung quanh một thằng cha đeo lon đang đánh máy.

*

Theo nhà nhiếp ảnh Gisèle Freund, nhiếp ảnh (trong chừng mực nào đó) có khả năng định nghĩa xã hội. Đó là tầm quan trọng của cái mà triết gia Pierre Boudieu gọi là “một nghệ thuật tầm vừa”. Xã hội nào, hay quần chúng nào, thì nhiếp ảnh ấy. Như fan cuồng của hotboy hay hotgirl K-pop không thích xem ảnh Idol của họ ngồi cạnh nhau trên ghế cẩn xà cừ, hay tay trên đầu gối thấy đủ 10 ngón và đằng sau là bàn thờ gia tiên có cắm nhang chưa đốt còn nguyên. Nó không phục vụ và không ảnh hưởng đến xã hội riêng của họ.

Tấm ảnh theo dõi cuộc đột kích Baghdadi (của Shealah Craighead, 2019) thuộc dạng “bàn thờ” này. Nó có hai phiên bản. Bản rộng, có tướng chỉ huy hành quân đặc biệt ưỡn ngực ra oai ở mép phải bị cắt trong bản hẹp. Ông này ngực to và mặt quan trọng làm “bé đi” ông Trump ở trung tâm. Tổng thống chiếm vị trí giữa trong hình thứ nhì, đến em bé miền núi giờ cũng thấy sự quan trọng. Trên đầu ông có phù hiệu quốc gia, và nói qua, nếu đây là Bắc Triều Tiên thì bà Craighead đã bị mang ra xử bắn bằng pháo phòng không vì cái phù hiệu này nó hơi chệch trên hình!

Phiên bản rộng

Phiên bản rộng

Nói riêng về tổng tham mưu trưởng, đại tướng Mark Milley trên hình giống như bị phạt phải ra đó ngồi vo hai tay trước giờ luận tội. Nên nhớ là ông này mới đạt hàng cao nhất trong binh nghiệp mà quân nhân nào cũng mơ ước mà mắt ông lại lấm lét đầy khổ sở, vai thiếu điều rúm ró, như tự nhắc “chụp hình đấy, ráng đứng thẳng lưng lên”. Ông khác hẳn với tướng thuộc cấp của ông ngồi cạnh đường đường như vừa ra lệnh xử bắn. Đối diện ông, cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien, trông như một chuyên gia bán bảo hiểm nhân mạng đi nhầm phòng. Hai điều đáng tiếc này làm tổng quan sứt mẻ mất đôi chút.

Đúng ra, theo thiển ý, trước hết phải dẹp mấy cái dây cáp ethernet ngổn ngang để ông Trump có thể đứng dậy nửa người nghiêng về phía trước, hai tay đặt trước mặt trên bàn trong tư thế này. Như vậy ông ra thêm dáng lãnh đạo và quả quyết, dạng đập tay xuống “Mang đầu Baghdadi về cho ta!”. Nét hình chỉnh ở trên gương mặt cương nghị có chút đăm chiêu này khiến phù hiệu tổng thống ngay sau đầu ông Trump như một hào quang! Quan trọng không kém, hai bàn tay ông đặt gần đầu kính hơn người ông nên sẽ “to” ra hơn dưới góc nhìn này, và hết bị thượng nghị sĩ Marco Rubio nhạo là hơi bị bé! Một tấm ảnh như vậy sẽ hoàn hảo và đi vào lịch sử, chí ít là của quần chúng chuộng ông Trump, sẽ được nhân bản trên áo phông, chuyển thể sang tranh sơn dầu cho thêm phần trang trọng bày trong phòng khách. Và chuyển thể luôn sang tranh trên gấm (Velvet Art) – một hình thức nghệ thuật bình dân ở Mỹ, để tối bật đèn “blacklight” lên thì nó sáng lấp lánh; hoặc mền trải giường v.v. để trở thành biểu tượng (“iconic”) phổ biến không kém bức hình cô Marylin Monroe bị gió làm tốc váy.

Phiên bản hẹp

Phiên bản hẹp

*

Ở đây, ta có hai nhiếp ảnh gia chính thức của hai Tòa Nhà trắng cùng cài mã chung quanh một sự kiện tương tự: nguyên thủ và bộ tham mưu của ông ta theo dõi trực tiếp từ xa việc loại trừ bằng vũ lực và thành công của một kẻ thù quốc gia. Sự hùng biện của nhiếp ảnh gia Sheala Craighead 8 năm sau có kết quả rất khác hùng biện của nhiếp ảnh gia Pete Souza. Không thể nói là cái nào “hay” hơn ; “hay” ở đây tức quan trọng hơn là cái nào hiệu quả hơn. Nó tùy thuộc vào cách giải mã của mỗi tạng cử tri và nói đơn giản là hình nào úp vừa vặn cái cặp mắt ấy. Nếu ta thử tưởng tượng việc hoán chuyển nhân vật Trump sang hình của Souza thì thấy ngay sự trúc trắc. Đây sẽ là một tấm ảnh tệ hại và không hay. Nếu hoán chuyển nhân vật Obama sang bức ảnh của Craighead thì còn tạm tạm, một thông tin chấp nhận được nhưng kém hay.

Như vậy, máy chụp nào thì Tòa Nhà trắng nấy. Kẻ tám lạng, người nửa cân. Pete Souza là Zero Dark Ba mươi và Sheala Craighead là Zero Dark Nửa giờ**.

*

* Cassandra trong thần thoại Hy Lạp được thần Apollon cho phép tiên tri. Vì cô từ chối gần gũi thần này nên ông nhổ nước bọt vào miệng cô khiến lời cô tiên tri thì đúng nhưng chẳng có ai tin và thế mới là bi kịch.

** Zero Dark Thirty là từ lóng của quân đội Mỹ để chỉ giờ T‎í hay Sửu, lúc còn tối trước khi mặt trời lên. Đây dược lấy để đặt tên cho bộ phim truyện (2012) về cuộc đột kích giết Osama bin Laden.

29. 10. 2019

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả