|
|||||||||||||
|
Gia đìnhMẹ tôi, giữa vòng vây 9 June, 2021Đỗ Kh.Vào khoảng 1961 hay 1962, mẹ tôi tiếp một nhân vật tại nhà. Tôi chỉ nhớ là bà ấy đẫy đà, mặc áo dài và cùng đi với vài phụ nữ khác như kiểu một phái đoàn chị em. Đó là bà Bút Trà, chủ báo Saigonmới và việc bà đến thăm khiến mẹ tôi đâm ra lo lắng. Mẹ tôi tốt nghiệp trường giáo viên (École Normale) ở Grenoble tại Pháp sau khi đi kháng chiến. Khi vào Nam thì bà không làm giáo chức mà ngồi cặm cụi viết bài cho nhật báo Ngôn Luận và tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong. Hai tờ này của anh Nguyễn Thanh Hoàng, trạc tuổi mẹ nhưng là vai cháu. Mẹ tôi hay nhắc là những ngày khó nhọc này, nhờ có anh Hoàng giúp đỡ mà tôi có cam vắt để uống. Anh là dòng bà cả hay bà hai, bà ba, của ông cố ngoại tôi, còn mẹ tôi dòng bà tư. Con bà cả, chỉ là vai anh hay chị của con bà năm nhưng lại lớn hơn em những 40 tuổi. Tôi gọi bằng anh nhưng lúc tôi mới biết lật thì anh Hoàng, đã là chủ báo lớn nhất tại miền Nam. Tờ Ngôn Luận được coi là loa phường của chế độ về mặt tư tưởng nghiệm túc. Nhưng tờ Saigonmới là tiếng nói của chính quyền về mặt giải trí bình dân với những chuyện rất đắt kiểu thiếu nữ đất Mũi bị khỉ hiếp rồi sau đó quen mùi và mủi lòng, sao thì anh ấy cũng vạm vỡ và lắm lông, họ lấy nhau và sinh con*! Trong khi tờ Ngôn Luận giữ vai tại miền Nam của tờ New York Times thì Saigonmới là một tờ báo giật tít ăn tiền kiểu tờ New York Post. Cũng cùng một sự cố, tờ New York Times đặt tựa là “Chủ một quán rượu bị bắn chết, nghi phạm bị bắt giữ” thì New York Post lên trang nhất thần sầu “Thân không đầu trong bar không (đeo) nịt vú” (“Headless Body in Topless Bar”, đây là loại bar các cô phục vụ ở trần hở ngực)**. Trước đó, Saigonmới cũng chẳng tung hô gì chế độ Diệm hơn người, đại khái thôi, vì làm báo dưới thời như thế thì thế thời phải thế. Năm 1960, nhóm Nhảy dù Vương Văn Đông-Nguyễn Chánh Thi đảo chính tổng thống Diệm và Saigonmới lỡ đăng ngay tuyên cáo của nhóm này. Họ đăng có thể vì lý do đây là thông tin chính đáng, người ta đảo chánh bắn súng ầm ầm thì có một cái tuyên cáo, mình tiếc gì lại không đăng cho người ta. Hay là tại vì Saigonmới tưởng nhầm là đã đến ngày tàn của đế quốc La Mã? Tuy nhiên, đây là đảo chánh… hụt, phe chủ mưu bỏ chạy sang Cao Miên và tờ báo gặp khó khăn với chính quyền. Bà Bút Trà bèn chuộc tội bằng cách mỗi sáng thức dậy tự nhắc mình là hôm nay phải thơn thớt đưa chế độ lên tới đỉnh, tại lỡ nếu không có ngày mai thì mất đi một dịp. Vào một Tết, Saigonmới bày ra việc tặng đọc giả xa gần một phụ bản đặc biệt offset 4 màu in chân dung cả gia đình của “Vị Lãnh Tụ Tối Cao và Duy Nhất của Dân Tộc Việt Nam”. Dạo đó, ảnh in offset màu là kinh hoàng lắm. Tôi còn nhớ chuyện ‘chơi hình’ là lên các kiosque của Nguyễn Huệ mua tấm ảnh Gregory Peck chạy Vespa ở Roma chở Audrey Hepburn mà cũng chỉ có đen trắng! Một chi tiết là bà Nhu đội khăn vàng nhưng màu in báo dạo ấy lem nhem không chính xác, khiến có lời đồn bà mang khăn trắng là điềm tang tóc chẳng may! Bà Bút Trà đến là để nói chuyện vời mẹ tôi tham gia Phong trào Phụ nữ Liên đới của bà Cố vấn. Việc mời này chẳng khác gì việc ra lệnh phải tham gia, ở chức vụ gì thì tôi không biết, có khi là vén hai tà áo dài lên quấn ngang bụng và chỉ cho Thanh nữ Cộng hòa cách bắn súng ngắn. Mẹ tôi có biết bắn súng ngắn khi bà đi kháng chiến năm 1946, biết đâu bà Bút Trà nghe nói nên đến vời mẹ tôi lãnh đạo Thanh nữ Quyết tử. Nhưng gia đình tôi thì không ưa chế độ, và phần riêng tôi thì bé bỏng nên cũng lây bệnh lập trường này. Năm 1960 thì tôi còn bé quá để thấy râu ông Nguyễn Chánh Thi là vểnh đẹp nhưng ký ức 1962 là sau khi chính mắt một sáng trông thấy Phạm Phú Quốc lượn tàu qua lại sấm sét trên bầu trời Sài Gòn thì tôi tôn vinh ông là thần tượng*** vì chí ít là hôm đó tôi được nghỉ học! Tôi nhớ là ngày hôm sau tờ Ngôn Luận còn cho chi tiết là giặc lái này khi bị bắn rơi và nhảy dù ra thoát hiểm, lúc bị bắt giữ trong túi áo bay còn một gói kẹo cho con. Ông bố đoảng này thay vì mang về nhà cho bé thì lại cho họ Ngô một nắm kẹo đồng kèm một quả bom bị tịt ngòi! Mẹ tôi lo sợ vì “Ngoài ta là địch”, và không theo sau bà Cố để cầm tà cho bà tức là chống lại chứ gì nữa! Mà chống bà Cố thì nhan sắc dễ bị hư hao. Bố mẹ tôi thầm thì và mẹ tôi bèn cáo bệnh, bệnh tâm thần nhé, tức là bệnh nhập nhằng nhưng khó mà xác định và có chụp quang tuyến cũng không thấy được. Bà công khai nhập viện ở Grall để khám nghiệm. Nói cách khác là bà cẩn thận mà giả điên có giấy bác sĩ! Giờ mà được gọi vào Sở thú để bác sĩ Trần Kim Tuyến chẩn bệnh là rồi đời. Ông mà xuất hiện, cầm ống nghe là chết lặng, ông mà cầm ống tiêm thì chết luôn! Dưới nhà Ngô, bác sĩ Tuyến là giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị, tức là trùm mật vụ của chế độ, và số phận ông có thăng có trầm nhưng ông nhe nanh ra là hãi hùng, thằng bé cũng nín khóc! Sau 1963, tôi có một lần thấy mặt ông, đã quên là ở đâu, hình như là tại nhà một bà cô. Trong ký ức của tôi thì bác sĩ Tuyến rất khó coi chứ chẳng được giống Sean Connery tức điệp viên 007 trong bộ phim “Dr No” (1962). Tuy còn bé thế nhưng nghe đến ông, tôi phải dạt ngay sang một bên nép sau lưng bố, khi trông thấy hung thần (một thủa). Theo tôi thì chức danh hung thần cũng như chức danh “nhà thơ” vậy, đã đạt rồi thì mãi mãi hung thần, như chẳng có ai là “cựu nhà thơ” cả. Tôi chẳng hiểu bác sĩ Tuyến có ý thức được điều này không trong cuộc sống về sau. Như Vũ Hoàng Chương thán “Ta đã làm chi đời ta?” để đứa bé trông thấy còn chết khiếp ôm lấy chân bố! Trong thời gian mẹ tôi nằm viện ở Grall này tôi chứng kiến một chuyện vui. Mẹ tôi đang ở trong phòng thì chị giúp việc vào báo có người đến thăm. Dạo đó nằm viện còn mang theo người giúp việc để sai vặt. Mẹ tôi hỏi là ai thì chị có vẻ bối rối, thưa không biết nhưng có hai ông cha Công giáo. Lễ mễ là hai người bưng một lẵng hoa to hơn cái cửa phòng, phải đánh vật mới mang nó vào đặt được ở bên trong. Sau đó hai cha sắc phục vào, mẹ tôi dậy ra mời ngồi để tiếp. Chị giúp việc đi pha nước, mẹ tôi thấy vẻ bối rối cũng như chị vì không biết các cha và không hiểu chuyện gì. Hai cha an vị rồi sau khi nói chuyện thời tiết ở Vatican, hỏi sang mẹ tôi chuyện bệnh tình. Đến mãi một lúc, cạn một tuần trà, hết phần xã giao từ tốn như là phim Hầu Hiếu Hiền chiếu chậm, mới bật ra là chuyện đi nhầm phòng! Các cha này đi lộn buồng! Họ đến thăm một bà phu nhân bộ trưởng nào đó tôi không rõ, đang an dưỡng đâu đó chắc ở kế bên! Hai cha đỏ mặt, xin lỗi và triệt thoái, các đệ tử lại phải vần cái lẵng hoa khổng lồ ra lại khỏi phòng! Đây xin ghi chú, thời Ngô trào, các cha rất có thế lực và đến thăm bà phu nhân bộ trưởng bị bệnh là âm mưu gì đó áp phe, may mà chưa khai hết ra thì phát hiện mẹ tôi không phải là đối tác đối tượng! Việc này tôi chứng kiến và có mặt lúc đó tại hiện trường chứ không phải nghe kể lại. Bố mẹ tôi phao tin với họ mạc và bạn bè, ngay cả với các con, là điều trị tâm thần tại Việt Nam khả năng thấp, không đủ phương tiện, và mẹ tôi phải đi Pháp để chạy chữa. Tóm lại, được bà Cố gọi đến, có chưa cắt tóc cũng chẳng được yên, phải giả điện đi ra nước ngoài điều trị! Bà ở dí bên Pháp và vài ngày trước chính biến 1.11.1963 mới trở về nước. Tôi còn đang mê mẩn với mặt nạ người nhái, chân vịt đạp nước và quà lạ mẹ mang về từ Paris thì đì đoàng đảo chánh. Nhà Ngô gặp nạn thì mẹ tôi lại thoát, được yên thân làm công chuyện của bà. Phần bà Bút Trà thì phận “nhà báo An Nam khổ như chó”! Ngày 1.11.1963 bố tôi có đưa anh em tôi đi xem và ủng hộ đảo chánh nhà Ngô. Tôi chứng kiến cảnh quần chúng, sinh viên học sinh, đốt phá tòa soạn báo Ngôn Luận của anh Hoàng và Saigonmới của bà Bút Trà trên đường Phạm Ngũ Lão. Nghe đâu là một người giúp việc đưa cho bà chiếc nón lá để bà che mặt và bỏ chạy cửa sau. Phần anh Nguyễn Thanh Hoàng thì tôi rõ hơn. Sau khi reo hò vỗ tay cảnh tòa báo anh bị phá, bố con tôi về nhà thì thấy anh ngồi thù lù trong bếp! Tôi nhắc lại là trong bếp chứ không phải trong phòng khách. Thứ nhất là bếp nhà tôi sạch đẹp không thua gì phòng khách. Thứ nhì là nó kín đáo hơn phòng khách và anh Hoàng đang mất vía vì đâu biết chuyện gì sẽ xảy ra, quân đội đè anh ra đọp một phát cũng nên. Hôm đó ai đưa anh đến nhà tôi, anh không dùng chiếc xe Triump TR6 bỏ mui màu đỏ lộ liễu! Anh ở lại một đêm và sau đó ai đến đưa đi Vũng Tàu lánh nạn nhiều phần hơn là tắm biển. Tháng 4.1964, chính quyền Nguyễn Khánh ra lệnh đóng cửa tờ Ngôn Luận và tờ Saigonmới. Anh Hoàng giữ được Văn Nghệ Tiền Phong và tái bản nó sau đó ở hải ngoại. Toàn bộ tài sản, tòa soạn của Ngôn Luận được chuyển qua thành tờ Chính Luận cho ông Đặng văn Sung để tiếp tục là tờ nhật báo thân chính của chế độ cho đến 1975. Đến 1967, mẹ tôi mới được vỗ vai lần nữa. Lúc này bà là chủ báo Gia Đình, đe dọa hay là vượt qua tờ Văn Nghệ Tiền Phong của anh cháu họ Hồ Anh (bút hiệu của anh Hoàng). Miền Nam có tuyển cử và tôi chứng lại kiến cảnh một phái đoàn đến nhà rủ bà, lần này là vào danh sách Liên danh Bông Huệ của luật sư Nguyễn Văn Huyền. Thể thức của Hiến pháp 1967 là Thượng viện có 60 người, được bầu theo liên danh 10 người trong 6 năm. Năm đó kèn trống Hạ Thượng gì cũng lắm ứng viên, đường phố đầy khẩu hiệu (“Yêu gà dồn phiếu cho gà, gà vào Quốc hội gà càng gáy to” là một câu tôi còn nhớ). Riệng Thượng viện có 48 liên danh tranh tài và liên danh nào, Bông Sen, Bông Huệ, Bông Lài, Bông Lai ơn từng cành đỏ chơi, thì cũng phải có một hay hai phụ nữ để làm bông kiểng. Lần này thì không có khác biệt về tư tưởng hay chống đối, ông Huyền là người bố tôi rất trọng và qua lại thường xuyên cho đến những ngày cuối 4.1975. Năm 1974, tôi còn theo bố đến văn phòng bác nhưng tại vì tôi đã lớn nên phải đợi ở ngoài. Lúc còn bé, có cái lợi của trẻ con là người lớn coi mình như không có luôn và nghe lỏm được họ bàn đại sự hay tiểu sự. Nhưng vào bầu cử 1967 (Tổng thống lẫn Thượng Hạ nghị viện) mẹ tôi không có ý đăng đàn và bà từ chối nhỏ nhẹ. Liên danh này đắc cử, và luật sư Huyền lên làm Chủ tịch Thượng viện sau này cho đến 1973. Ngược lại, trong các liên danh khác có một cái giáo sư Nguyễn Cao Hách, viện trưởng trường Luật, đứng đầu. Cậu con út của ông là bạn chí thiết của tôi. Chúng tôi ra trước nhà sách Khai Trí hô hào cho liên danh này, Bông gì tôi quên rồi. Người qua đường nhìn chúng tôi hô hào vận động tưởng là mấy đứa bé khùng! Miền Nam thủa đó, tranh cử thì đi gặp cán bộ thôn xã vuốt ve họ, kẻ cả hứa hẹn hay giúi cho một nắm tiền chứ làm gì có học sinh cấp 2 ra phố để quảng bá nghị quyết! Đúng là rồ, nhưng tôi kể chuyện này để cho thấy đầu óc thành phần con nít chúng tôi thuộc giai cấp thống trị xa rời với thực tế thế nào. Thật ra chúng tôi lấy cớ vận động cho liên danh để đi chơi và vào nhà sách xem sách cọp thôi, xem xong rồi thì cũng phải phát mấy tờ rơi. Tôi nhớ vào đúng dịp đó, tôi xem ở Khai Trí một quyển dạy võ chỉ cách tay không chống súng. Sư phụ này viết và minh họa bằng hình là “tiến nhanh về phía đối phương để chụp tay và bẻ”! Ông Hách lần đó tiến hơi có chậm và chụp tay không kịp, nên liên danh của bác không tước được súng cho nên lãnh đạn và thất cử. * *Câu chuyện này không phải chỉ lăng nhăng thiếu khoa học mà theo tôi còn phản ánh số phận của người đàn bà vào thời ấy. Khi bị hiếp lên hiếp xuống, phụ nữ không đi thưa kiện, không mài kiếm dưới trăng hay tìm súng săn để phục hận mà chỉ có cách lấy về làm chồng! Khỉ mà còn phải vậy, thì nói chi đến chuyện bị hiếp bởi người! **Người đặt tựa này là nhà báo Vincent Musetto, và chạy tít trên vào ngày 15 tháng 4 1983 trên trang nhất tờ New York Post. ***Thủa ấy, chưa có thần tượng K-pop, mà với tôi thì chỉ có thần tượng pop-pop-pop bắn súng liên thanh: “Anh là anh lính trung liên-Bắn liên miên-Bắn liên miên vẫn còn hai viên”. Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|