Gia đình

Cô gái cứu quốc và thày ký cắn bút bi 5 August, 2021

Đỗ Kh.

Một hôm, vào lúc tuổi đã ngoài 70 hay gần 80, tự dưng mẹ tôi hỏi:

“Con cho mẹ một khẩu súng ngắn.”

Đây là một đòi hỏi ít thấy ở một bà mẹ Việt nam. Thường thì ở tuổi này, các cụ bà đòi lịch Tam Tông Miếu hay lọ Nhị Thiên Đường, gói cao Salonpas Nhật Bản. Mẹ tôi thì đòi một cây súng súng be bé. Chuyện này dễ hơn là chuyện tôi từng tính mua xe bỏ mui Mercedes 1957 220 S Coupe bỏ mui cho bố.

Người lớn tuổi thì tay yếu, kéo cu-lát nặng để lên đạn không nổi. Tôi bèn tìm cho mẹ một khẩu Beretta bán tự động ca líp 22 LR, rất bé vào loại Mata Hari có thể nhét vào dây găng vớ đùi mang ở dưới váy. Dạo đó, ngoài 70 tuổi, tôi không còn thấy mẹ tôi mặc váy hay mang vớ đùi có dây găng ren đỏ nhưng cụ có thể để súng ở đầu giường cạnh chai dầu Con Ó. Mới vừa đưa cho bà, tôi chưa kịp hướng dẫn thì bà đã cầm lấy, ấn nút tháo băng đạn ra kiểm tra, hạ chốt an toàn và mở khóa nòng. Tôi mới nhớ ra là bà từng đi kháng chiến, và hôm bà vác ba lô lên để rời nhà, ông ngoại tôi tặng con gái một khẩu Baby Browning 6,35mm mang theo để độ đường.

Trải nghiệm chiến tranh hay chiến trường, dưới bom dưới pháo hay đạn bắn lẹt đẹt, thì tôi thua mẹ tôi đứt tới năm hay bảy mức. Việc bà làm là công tác tuyên truyền phụ nữ hay huấn luyện chứ không phải là đặc công cầm bộc pha đánh đồn Tây. Tôi nghĩ là bà không có dịp bắn ai với khẩu súng gọi là “súng chuột nhắt” này. Bà không dùng nó để bắn rơi máy bay. Nhưng bà cũng bị oanh kích và bị đỉa cắn, sao thì cũng rất khác với lại lối sống tiểu thư phong kiến ngồi nhà đợi lấy một ông chồng nuôi có sợi râu rất dài ở một cái mụt ruồi. Bà ngủ hầm nghỉ hố, ngày lội ruộng, đêm băng đồi và cũng từng bị địch rượt đuổi. Nó bắn cái đọp trúng phải thì chết tươi không kịp kẻ lại môi son.

Cho đến giờ tôi vẫn còn lạ là sao ông bà ngoại lại chấp nhận dễ dàng cho mẹ tôi thoát ly vào mùa Thu năm ấy. Phần tôi, mới vừa đăng lính là bố tôi đã cuống quít, tìm cách chạy chọt ngay chứ nào có tặng cho tôi khẩu súng ngắn nào! Lúc mẹ lên 17 hay 19, như thông lệ vào thủa ấy, có ai đó mai mối và nhà có nhận lời gá hỏi của một ác bá nào đó trong vùng. Mẹ tôi nghe nói bèn đóng cửa phòng lại nhịn cơm. Nhịn được một bữa hay hai thôi, thì bà ngoại tôi xót con và dự tính hôn nhân này tan vỡ ngay, không dám đề xuất nữa.

Nhưng chiều con, không ép gả chồng là một chuyện. Để nó đi kháng chiến là chuyện khác. Khi cách mạng bùng nổ, ông bà ngoại tôi sốt sắng ủng hộ. Con trai có bỏ nhà đi cầm gươm ba thước mà xông pha đèo cao núi cả cũng chẳng sao, nhưng để con gái leo xuống khỏi cửa sổ (“Ai bảo em leo xuống khỏi cửa sổ”) và cất vợt đánh banh đi để lận súng vào trong bụng thì thủa đó, ở thành phần đó, giai cấp đó, là phóng khoáng lắm và tôi vẫn phục ông bà tôi về việc này.

Mẹ tôi, chắc là thời điểm ngay trước chiến tranh, 1944 hay 1945.

Mẹ tôi được “chị Sáu” (Hoàng Ngân) đỡ đầu vào Đảng. Lúc đó bà Hoàng Ngân là Bí thư Đoàn Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Hải Dương. Bà hơn mẹ 4 tuổi đời và 7 tuổi Đảng. Bà cất nhắc mẹ tôi vào công việc vận động và tổ chức phụ nữ kháng chiến. Hoàng Ngân sau là Bí thư Trung Ương đầu tiên của Phụ nữ Cứu quốc. Bà là người tổ chức đội nữ du kích đầu tiên của Việt Minh, “Đội quân tóc dài Minh Khai”, còn gọi là du kích Hoàng Ngân.

Dưới đây, theo bà Lý‎ thị Trung có nhắc đến trong một bài viết năm 2019:

“Đội tuyên truyền được thành lập gồm 12 người. Hà Tường đang là Bí thư phụ nữ huyện Tứ Kỳ, chị Hoàng Ngân rút Tường về làm Đội trưởng Đội tuyên truyền, Lan Vinh cán bộ Hội phụ nữ thị xã Hải Dương làm đội phó.

“Đang say mê với công việc, đột ngột Hà Tường bị rút lên khu hội, Lan Vinh thay Tường làm đội trưởng. Sau đó ít lâu cả đội được triệu tập lên khu hội ở Thái Bình.

“Đội chúng tôi lên khu hội còn đang bỡ ngỡ thì may sao gặp Tâm Ninh (Tâm Ninh tên thật là Tâm, đi công tác đổi là Ninh, về sau là Bạch Diệp – NSND điện ảnh). Tâm Ninh vốn là Bí thư phụ nữ thị xã Hải Dương, thân với Tường và Vinh nên hay đến chơi với đội tuyên truyền và thân với tôi. Ngồi nói chuyện với nhau tôi mới biết chị Hoàng Ngân đã phân công Tường làm Bí thư phụ nữ hai tỉnh Hải Phòng – Kiến An gọi là Hải Kiến và phải nhận công tác ngay. Lan Vinh thay Tâm Ninh về thị xã Hải Dương. Tâm Ninh cười bảo tôi:

– Vinh về thay mình. Mình lên khu hội mà chưa biết sẽ đi đâu. Các cậu sẽ được gặp chị Hoàng Ngân nhưng có thể phải sáng mai cơ, vì có mấy chị hoạt động trong vùng địch ra báo cáo. Chị Ngân bận lắm nhưng gặp thì rất vui.”

Mẹ tôi là Lan Vinh ở đây. Cô Bạch Diệp sau làm đạo diễn và vợ của nhà thơ Xuân Diệu thì 1993 trở đi, tức là gần 50 năm sau đâu đó, mẹ tôi có gặp lại nhiều bận ở Hà Nội và cả tôi cũng biết cô. Cô Hà Tường thì tôi không biết là ai và về sau ra sao, mất còn trong cuộc chiến.

Cho đến ngày mẹ tôi mất, bà vẫn coi Hoàng Ngân này là gương, là người chị lớn lý tưởng, nhắc đến lúc nào cũng với kính trọng và trìu mến. Mẹ tôi có nhiệt huyết và có khả năng, các thiếu nữ như bà lúc đó trong phong trào độc lập lại hiếm. Cho nên trong tổ chức bà lên như diều trong chỉ có 2 năm, làm đại biểu phụ nữ Liên khu 3. Nhưng từ 1948-49 trở đi thì vấn đề lý lịch được đặt nặng sau khi cách mạng Trung Quốc thành công hay là sắp sửa thành công. Tinh thần toàn dân cứu quốc bắt đầu va chạm và mâu thuẫn với tinh thần giai cấp. Nhưng theo bà thì vì dầm sương dãi nắng nên bà lâm bịnh nặng sắp chết chứ không phải là vì bà đọc “Thực hành Luận” và “Mâu thuẫn luận” của Mao Trạch Đông (lúc đó chưa được Slavoj Zizek bình). Cải cách ruộng đất chưa chính thức phát động nhưng đã bắt đầu rục rịch. Ông bà ngoại tôi thì sau khi tiêu thổ kháng chiến đã dinh Tê về trú ở Hải Phòng. Mẹ tôi đổi chữ lót tên, thay ngày sinh tháng đẻ để về Thành chữa bệnh. Vào cùng lúc thì chị Sáu cũng lâm bịnh nặng và mất vào năm 1949. Có lẽ vì thế mẹ tôi khi phục hồi không trở lại bưng biền và cuộc đời đẩy bà về một hướng khác. Bà đi Pháp, chắc có phần để đoạn tuyệt với quá khứ cũng giống như bố tôi rời nước để tránh những hệ lụy đảng phái quốc gia.

Bố tôi, vào thời điểm mới trở về nước, có lẽ 1955-1958

Bố tôi từ một thành phần xã hội khác, tạch tạch sè (tiểu tư sản) trí thức thành thị chứ không phải là địa chủ phong kiến nông thôn. Khác với mẹ tôi, ông không bao giờ chạm đến súng và toàn bộ gia đình ông theo Việt Cách Việt Quốc. Nhưng phần ông thì thái độ lừng khừng và hợp tác mềm mại vừa đủ với chế độ tại miền Nam sau 54, giữ được khoảng cách chừng nào tốt chừng đó, vì thế khiến ông bị nghi ngờ cũng phải thôi. Đầu thập niên 80 tại Washington, tôi có dịp tiếp xúc với tướng Nguyễn Ngọc Loan. Lần đầu gặp, ông nói ngay “Tôi cũng có biết bố anh”. Tôi nghĩ là ông nói, biết ở đâu đây vùng thủ đô Hoa Kỳ sau này, thì ông nhận ra ý này của tôi nên chua thêm “Tôi có đọc cả hồ sơ!” và ông cười khảy thấy mà khiếp! Tướng Loan cầm Trung ương Tình báo cho đến 1968, chẳng lẽ bố tôi đã có hồ sơ xấu từ dạo ấy? Tôi không biết được. Những bận đó, ông Loan cũng không nói gì thêm về bố. Sau, tôi có kiểm tra lại với bố, thì ông cho biết ở Mỹ không hề gặp tướng Loan mà ở Việt Nam thì ông này thuộc diện phải né, thấy ông ta là phải băng qua đường hay đi vòng! Như vậy thì ông Loan có biết bố tôi là chỉ qua hồ sơ như ông đã kể.

Về mặt tư tưởng, bố tôi là một người cởi mở, người Mỹ gọi là “liberal”. Về mặt này, ông là hậu duệ của Cách mạng Tư sản 1789, nói kiểu thành ngữ Pháp là “một người lương thiện của Thế kỷ thứ…19”. Kinh ông nhật tụng là Voltaire và Diderot. Khi ở nước Pháp, chiều hướng chính trị của ông dưới Đệ tứ Cộng hòa là “Radical” hay “Radical-Socialiste”, nôm na Trung Tả, dù thành phần này cũng loay hoay Trung Hữu nếu cần. Tổng thống chế và Đệ ngũ Cộng hòa dưới tướng De Gaulle được bố tôi cho là một thụt lùi về mặt dân chủ so với chế độ đại nghị trước đó. Năm 1973, khi sang Pháp, ông được gặp Edgar Faure, lúc đó Chủ tịch Quốc hội và là một nhà chính trị ông rất thích. Nói tóm lại, bố tôi một là Faure, hai là Mendès và ba, ngả nón chào kính nể (từ xa) là Mitterand*.

Nhưng tại sao, để nói về quan điểm của bố, tôi phải nói đến chính trường Pháp 1946-58?

Bởi đó là vì thời của ông được đào tạo và nhào nặn. Người đọc có lẽ quên, nhưng nước Pháp vào lúc đó, gương xấu hay gương tốt, thì cũng ảnh hưởng có hơi bị nhiều đến Việt Nam. Tại Việt Nam, thì bố và các bạn đồng chính kiến không có quan điểm gì hết! Ông đại diện cho một tầng lớp tiểu tư sản èo uột và suy dinh dưỡng, đôi chân không mang nổi cái mình. Đây có thể ví như chiến thuật quân sự “Đầu to đít bé” của ông Thiệu vào năm 1975, tức là chỉ có chết! Tầng lớp này bị quan lại nối dài đè bẹp về mặt chính trị những năm đầu của miền Nam. Về mặt kinh tế, nó không tự phát triển mà chỉ được thổi phòng lên như bong bóng bởi sự hiện diện của người Mỹ và tiền họ bơm vào. Họ ra đi thì nó xẹp chứ sao! Quyền lực cũng không về tay tầng lớp này vì hoàn cảnh của chiến tranh.

Nếu trước 1963 Miền Nam là phong kiến nối dài, nhà Ngô thay nhà Nguyễn thì từ 1963 trở đi nó là một chế độ “kaki làm chủ” (khakitocratie). Như tướng Kỳ từng tuyên bố, đảng mạnh nhất là đảng kaki. Những người như bố tôi, hoặc là ngồi bó gối trùm chăn. Nếu hợp tác, bắt buộc hay tự nguyện, thì túi áo ngực dắt bút bi xanh đỏ, lon ton cầm xấp giấy chạy đằng sau các vị đeo súng, chuyên môn và học vị thì dắt ở giây lưng quần kêu leng keng như chùm chìa khóa của các thày ký. Đó là phận của các phó xã trưởng biết đọc biết viết nhưng không biết võ ở cấp xã, của phó quận trưởng hành chánh ở cấp quận. Đó là số phận của phó thủ tướng đặc trách kinh tế hay bộ trưởng chuyên gia gì đó ở cấp quốc gia.

Mơ ước của tầng lớp này, là một đất nước trung lập và hòa bình, phát triển về kinh tế và tiến bộ về xã hội, trong đó họ đóng vai trò chủ chốt để hoàn thành đúng đắn nhiệm vụ được lịch sử giao phó lúc thực dân ra đi. một giấc mơ con nhưng quá tầm của họ. Thế lưỡng cực toàn cầu và chiến tranh lạnh, (tại Việt Nam là nơi chiến tranh nóng như napalm) là bi kịch của họ khắp nơi trên thế giới đang đà giải thực. Các quốc gia mới độc lập này tại châu Phi, châu Á nghiêng ngả, và thời cuộc khiến mầm móng của giai cấp trung lưu đáng lẽ được định hình thì họ phải cầm chổi mà đứng trong cánh gà. Khi nào kép độc đào thương trên sân khấu cần lên ngựa thì họ ngừng cắn bút bi và đưa chổi lông gà ra.

Tiết Đinh San hô, bớ ba quân, thì họ dạ.

*

* Trong phong trào Radical Pháp, ba vị này xếp hàng từ hữu sang tả. Edgar Faure dưới Đệ tứ Cộng hòa hai bận làm thủ tướng. Pierre Mendès-France làm thủ tướng một bận và là người ký Hiệp ước Geneva năm 1954. Francois Mitterand nhiều bận làm bộ trưởng. Dưới Đệ ngũ Cộng hòa, ông Faure hợp tác với chính quyền De Gaulle và hai ông kia đối lập. Mitterand dưới cờ của Đảng Xã hội, trở thành tổng thống 1981-1995.

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả