Gia đình

Từ xe Rolls đến xe đạp 1 June, 2021

Đỗ Kh.

Bố tôi khoảng 1965 với chiếc Ford Fairlane bỏ mui (Sunliner bản 1956). Cài này về sau mui hỏng, vì thuộc dạng tự động lên xuống bằng máy chứ không phải bằng tay nên rất khó chữa ở Việt Nam do không có phụ tùng.

Bố là một người giản dị và xuề xòa, dễ ăn dễ mặc, nói chung là dễ tính.

Năm 1975, có bận ông vào thăm tôi tại Tổng Y viện Cộng hòa, khi ông ra về, Trung sĩ nhất trưởng phòng ngoắc tôi lại hỏi “Bố mày là nghệ sĩ phải không?” Tôi bảo sao Trung sĩ đoán hay quá vậy, anh cười tươi, tao nhìn là biết ngay mà! Tôi nói, khi có dịp, mời Trung sĩ đi phòng trà Maxim’s, ông già em trong ban nhạc, tối nào cũng ở đó thổi kèn saxo. Anh Trung sĩ này thích lắm, và lơ là cho tôi những dịp điểm danh vắng mặt khi tôi leo rào ra ngoài đi chơi và chưa kịp về tới. Rất tiếc là tôi nợ sếp buổi uống rượu đó, và tuy là không có bố tôi ò e Hạ trắng (làm sao mà có được) thì tôi cũng có bàn ngồi tại đó mà không phải trả tiền để giật le.

Thủa đó, bố tôi có tóc dài che đến cuối tai, kiểu gọi là Beatles (Paul McCartney), là một trường hợp hiếm hoi ở địa vị của chàng tại miền Nam. Trẻ hơn ông mươi năm thì đây là kiểu thông dụng mô-đen. Cỡ tuổi của ông thì tôi chỉ biết có Đại sứ Hàn quốc lúc đó, ông Kim Vinh Khoan, lạ hơn nữa vì vị này từng là Đô đốc Tư lịnh Hải quân mà đeo kiếng mát vào thì người ta tưởng là anh cả nhún nhảy của Lý Tiểu Long!

Xã hội miền Nam rất bảo thủ và có nhiều quy định bất thành văn. Thí dụ, từ 1970 bố tôi dùng một cái xe con cũ kiểu tàng hình, Peugeot 203 mui sắt, dạng xe khách, ví von thì như xe máy Simson sau này. Đây là một điều gây phiền toái và gai mắt, trước hết là cho nhân viên thuộc quyền của văn phòng. Họ bỗng nhiên phạm tội “gác cơ” vì ai cũng đi xe con bảnh hơn sếp lớn. Quản lý văn phòng luật sư của bố là bác Bảy. Ông này dùng một chiếc xe con Peugeot 504 đời mới trắng toát, có tài xế quần áo trắng thắt nút đồng lên đến tận cổ và đội nón két có viền! Tôi không chạy xe máy, chỉ đi xe ôm, nên mỗi bận lên bàn giấy bố là bác hỏi đi đâu và bắt anh tài phải đưa đi nên tôi rất ngại. Tuy vậy, lần nào bác cũng tuồn cho tôi một tút Dunhill hay là Sobranie nên tôi đành chấp nhận ngượng ngùng để cho anh ăn mặc phường tuồng kiểu dũng tướng bảo vệ khách sạn này lái chở đi đây đó.

Người Mỹ đã rút quân khỏi năm 1973 và giảm quân viện, kinh viện, nên miền Nam phồn vinh từ đó đi vào giai đoạn xuống cấp. Phó thủ tướng (đặc trách kinh tế) Nguyễn Văn Hảo ban hành chính sách kiệm ước. Hàng ngoại như rượu, thuốc lá và xe con đánh thuế xa xỉ phẩm ngút trời mây khói là lên đến 600%. Có lúc trên nguyên tắc là thuốc lá ngoại cấm hẳn (kiểu Nam Hàn trong thập niên 1950) nhưng nguyên tắc là nguyên tắc, còn thực tế thì vẫn khác. Thuốc ngoại có cấm thì chỉ cấm ở trên phố Nguyễn Huệ tức là không bày ra và giấu dưới sạp. Nó lậu thuế ra sao và đến nơi này bằng cách nào thì tôi không biết, nhưng xe con thì khó mà giấu diếm sau quầy hàng như một cây thuốc lá và buôn lậu xe con thì dễ bị phát hiện hơn. Chiếc xe con của bác Bảy lúc đó trị giá 11 triệu. Bố tôi mới một bán căn biệt thự với gía 7 triệu đồng và bố tôi cho giá của một phương tiện di chuyển như thế là vô lý. Thời gian này, có lúc ông mỗi ngày đi xe đạp đến văn phòng, từ cầu Bình Lợi vào trung tâm phố.

Tại Sài Gòn lúc đó không có phong trào thể thao. Muốn thể thao thì đi Quân khu 2 mà trấn biên bình hải và vác thùng đạn đại liên leo núi! Vào thời của tôi, tức là thập niên 70, quan điểm thẩm mỹ ngay đối với đàn ông vẫn còn là dáng dấp thư sinh ăn hại. Như tôi chẳng hạn, có chút cơ bắp chân thì bị các bạn phê bình là giống đạp xích lô. Nhưng bố tôi thuộc thế hệ của thập niên 40, thời mà thanh niên ái quốc có phong trào chống lại kiểu lụ khụ ông đồ. Dưới thời Pháp thuộc, thể thao là một hình thức hội đoàn ít bị thực dân kiểm soát, nơi thanh niên tụ tập để cử tạ nhưng lại bàn chuyện độc lập, là bước đầu của các tổ chức bán quân sự trá hình. “Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia, đoàn thanh niên ta góp tài ba” là tư tưởng duy tân cơ bắp, khác với bạc nhược nho sĩ dài lưng tốn vải. Thí dụ, cùng thời tại một thuộc địa khác như Lebanon cũng háo hức độc lập, phong trào thể thao là tiền thân của các lực lượng bán quân sự sau này, hữu cũng như tả. Đầu tiên là cử tạ, xong rồi mới nghĩ đến việc giải phóng nước nhà. Chẳng phải vô tình mà anh Vọi làng chài trong “Trống mái” (1936) của Khái Hưng cởi áo sắn quần thì cường tráng như một pho tượng cổ Hy Lạp.

Đây nhé, ngay đến phái nữ thời tiền chiến: “nàng đưa tay nắm cặp đùi chắc nịch và xoa bộ ngực nở nang khoan khoái, sung sướng thở ra một hơi dài. Cử chỉ ấy nhắc nàng nhớ đến tập thể thao.” Cô Hiền này rất khác với lại những thiếu nữ rụt cổ so vai mang từng ngón tay dài miên man của thập niên 70.

Bố tôi và người anh ruột là bác Phúc lúc trẻ là dân đua xe đạp đường dài. Có khi hai anh em đi xe “cuốc” (xe đạp đua) từ Hà Nội về đến Xuân Trường, Nam Định. Nhưng thập niên 70 là thời của xe máy, xe đạp được coi là dành cho người khốn khó hay là cho trẻ em dưới 13 tuổi. Ở địa vị ông, đến văn phòng bằng xe đạp thì rất khó coi. Sau mấy bận xe bị mất cắp thì bố mới chừa cái tật lập dị này, để mọi người trong bàn giấy thở phào.

Nhưng không phải là ông không thích xe con. Có dạo tôi thấy ông cũng quan tâm như đàn bà thích hột xoàn. Lúc tôi chưa lên 10, sứ quán Anh nhập xe mới cho đại sứ và bán lại cái cũ. Ông đưa anh em tôi lên xem, ra điều thích thú. Chúng tôi vào ngồi sau ngồi trước thử, cũng thích chẳng kém. Đó là một cái Rolls Royce Silver Cloud của thập niên 50 hay Bentley S1 giờ tôi không dám chắc, vì đời đó Bentley và Rolls Royce còn là một, khác nhau chỉ ở chỗ cái lưới tản nhiệt to đùng trước mũi. Về đến nhà, ông mới ngỏ ý cùng với phu nhân thì mẹ tôi mắng luôn và chuyện xe Bentley này tan tành giấc mộng, đừng có mà nhắc tới!

Phụ nữ thường hay thực tế và mãi đến 1973 cũng thế. Lần này, nhân bố tôi sang Pháp, bác Trần Tâm nhắn đặt hộ một mặt hàng. Đó là đến tận hãng Mercedes mua một cái 600 Limousine, nệm ghế bọc vải có đề hai chữ TT để lỡ bị đánh cắp còn chỉ vào được để mà đòi, thì tên tôi đây này. Mẹ tôi cho là vớ vẩn, bao chuyện còn phải làm. Chẳng lẽ phải sang đến Stuttgart sao đó tận Tây Đức, mà thời đó không phải là dễ dàng. Chưa có Schengen, người Việt đi lại sang biên giới còn phải xin chiếu khán, mất nửa ngày chực ở lãnh sự quán Tây Đức. Cho nên dù không phải là xe cho bố mà là người ta nhờ, bà cũng xua tay! Bác Tâm là một chủ ngân hàng thì bác mua xe mới cũng chẳng quá đáng. Nhưng hẳn là một chiếc Limousine thì rõ bác có ý đồ, sắm hoàng bào năm 1973 là bác đã ngạo Thiên tử.

Sau này, khi bố tuôi lớn tuổi rồi, ở nước ngoài, tôi có ‎ý muốn được nhìn ông cầm lái một tay, miệng ngậm xì-gà và tóc tai tuy đã bạc nhưng còn dài trong gió chiều lất phất. Nhưng thằng con bất hiếu đã không thực hiện được. Đó là sắm cho ông một chiếc Mercedes 220 S 1957 bỏ mui 4 chỗ ngồi giống chiếc mà Robert Mitchum trong phim truyện “The Big Sleep” (1978) lái, trong vai thám tử Philip Marlowe.

Philip Marlowe là nhân vật nhà thám tử tư hư cấu của Raymond Chandler. “The Big Sleep” được dựng thành phim lần đầu 1939 với Hunmphrey Bogart trong vai thám từ. Lần thứ nhì, năm 1978 (có chiếc xe Mercedes nói trên) là với Robert Mitchum.

Áp phích bộ phim có trước “Fast and Furious” này với Robert Mitchum

Người em tôi nói gạt ra, mày thích thì mua cho bố cái Mercedes bỏ mui 4 chỗ ngồi hiện nay! Nhưng thế thì nói làm gì, mày biết Philip Marlowe là ai không? Nhà Marlowe ở trên Franklin Avenue gần đường North Kenmore! Em tôi bảo đường Franklin (ở Los Angeles) thì tao biết còn Marlowe thì không biết! Mua xe cho bố mà anh lắm chuyện quá!

Tôi nghĩ là bố tôi cả đời không phô trương. Có chăng là phải đợi đến sau khi ông đã mất, con nó mới viết ký mà phô trương hộ ông như ở đây. Nhưng xe đẹp thì có lúc ông cũng thích, tuy ở cái dạng sưu tập “classic”. Lập luận này mẹ tôi nghe không lọt, không phô trương mà lại đi cái xe độc nhất ở tại cả nước, mà ngay đại sứ Anh quốc còn phải thay vì nó dáng vẻ thực dân phụ mẫu của thời trước trịnh trọng phất ba toong. Phải nói là dạo ấy, cái Rolls Royce/Bentley này bán tháo và giá cả vừa phải, luật thuế xe chưa lên đến 100% hay 200%, 300% rồi 600% theo nhu cầu của chiến tranh. Việc mẹ tôi không đồng ý chẳng phải là vì nó quá tầm tay với, nhưng là vì nó kỳ cục trên phố! Còn lập dị xe đạp thì chẳng sao hết, chấp nhận được vì chẳng ai nhìn.

Mẹ tôi ở trong Nam thì không có lái xe. Một là gồng gánh, hai là có tài xế, giữa hai thái cực này không có giải pháp nào khác. Giai cấp trung lưu vẫn chưa định hình và chỉ nổ máy phun khói từ 1965 với ào ạt xe máy. Chẳng hiểu sao, đầu năm 50, ở Hải Phòng bà đã là người tiên phong tự lái cái Traction 11 sắm lấy trước khi có chồng. Nhưng vào Nam thì đi đâu phải đưa đón, bởi vì cái xã hội nó như thế, chứ không phải tại bà. Mãi về sau, trong thập niên 70, đi xe ở Pháp tôi còn phải đi với mẹ vì tôi không có năng khiếu cầm tay lái, thi trượt bằng mãi, vì bằng bên Pháp rất khó và đòi hỏi cao. Một đêm tôi đang ngồi ngủ gật cạnh mẹ trên đường cao tốc xuống biển miền Nam, mở mắt thấy bà đang phóng, đồng hồ chỉ gần 200 km/giờ mà tôi không dám nói gì, bèn nhắm mắt trở lại. Đây là tốc độ mà bản thân tôi đến ngày nay chưa bao giờ đạt khi điều khiển xe và là một kỷ lục gia đình mà tôi không muốn phá. Bố tôi, thì tôi chỉ từng thấy vào lúc bé một bận ông đạt vận tốc 100km/giờ! Thì ông là người kém vợ.

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả