|
|||||||||||||
|
Chính trịHồi giáo thành “khủng bố” từ khi nào (bài 2): Khi không ưa nữa thì thành hà khắc và bạo chúa 4 August, 2024Sáng Ánh(Tiếp theo bài 1) Afghanistan: Hồi giáo là hà khắc Đây là một quốc gia sát nách Liên Xô và dễ nhột, với Liên Xô trực tiếp can thiệp, đổ quân vào từ 1979. Vì sát nách Liên Xô nên Mỹ mới thọc vào dưới chính quyền Reagan (1980-1988). Từ thập niên 50-60, đây là một quốc gia Hồi giáo nhưng thế tục, phụ nữ uốn tóc và mặc váy ngắn ra đường nhưng chống lại Liên Xô thì chỉ có các giáo sĩ bộ tộc nông thôn nên họ được Mỹ phong cho là “chiến sĩ tự do” và giúp quân lương vũ khí. Đắc lực trong việc này là trung gian Saudi, cũng Hồi giáo cực đoan mà lại thắm thiết với Mỹ. Hồi ấy có một công tử người Saudi lo việc chiêu mộ người Hồi trên thế giới để sang Afghanistan thánh chiến chống liên Xô vô thần. Anh em cậu vỗ bụng CIA, không những ở đây mà còn ở Nicaragua Trung Mỹ. Gia đình cậu là tỉ phú công ty xây dựng BLG (Bin Laden Group) và tên cậu là Osama Bin Laden. 1989, Liên Xô thất bại và rút khỏi thì Afghanistan loạn to giữa các phe phái kháng chiến. Ngay tại thủ đô Kabul, bộ Quốc phòng nã pháo vào dinh Chủ tịch v.v. hết biết! Một đồng minh khác của Hoa Kỳ ngay cạnh là Pakistan bèn lập ra một lực lượng giáo sinh do họ chu cấp, huấn luyện và uốn nắn. Lực lượng này hiệu quả nhờ lí tưởng tôn giáo, trong sạch và liêm khiết, đi chân đất nhưng không sợ đạp mìn mà chỉ sợ đạp bẩn và tên là Taliban (Talib tiếng Pashto có nghĩa là sinh viên). Sau này, khi thành công và trị nước, họ còn ơn nghĩa cho công tử nay đã thành ông Osama ở nhờ, biết nhau cả, trước anh làm với CIA Mỹ còn tôi làm với ISI tình báo Pakistan. Hình ảnh Hồi giáo khắc nghiệt là từ đây: truyền thông cho biết các bạn này cấm nghe nhạc, đá gà, ăn trộm thì chặt tay, ngoại tình thì tử hình sau khi họ chiếm thủ đô và đuổi các sứ quân năm 1996. Phiên bản Hồi giáo Wahabi của nhà Saud thì cũng thế, cũng chặt tay, xử trảm, và cấm rạp hát hay chụp ảnh nơi công cộng (cho nên chưa thấy điện ảnh Saudi khởi sắc, ngược lại với điện ảnh Iran*). Đó là bởi vì 1997, công ty dầu khí Unocol mời Taliban sang Texas bàn chuyện ống dẫn dầu mà bất thành chứ làm ăn được thì biết đâu Taliban đã trở thành đạo mạo và đáng kính. Như chúng ta biết, Osama trở mặt đánh Mỹ hồi 11. 9. 2001 và sự cố này thay hẳn hình ảnh của Hồi giáo tại Tây Phương. Mày đánh Liên Xô thì mày là anh hùng dân chủ. Mày đánh tao thì mày là khủng bố hung tàn. Iraq: Hồi giáo là bạo chúa 1968, vì sợ ảnh hưởng của đảng Cộng sản với chính quyền quân đội nên CIA giúp đảng Baath là một đảng quốc gia Ả Rập đảo chánh. Dần dà quyền lực Baath nằm gọn trong tay một chàng râu mép hiên ngang. Ông này độc tài nhưng chế độ của ông cấp tiến, về mặt phụ nữ (trừ các phụ nữ bị con trai ông ngó đến thì khốn nạn), về mặt giáo dục, y tế, an sinh xã hội đều tốt nhất trong khu vực. Để tồn tại độc tài, ông phải khích dân chúng về mặt ái quốc. Đồng thời cũng để dằn mặt thiểu số người Hồi giáo Shia ở trong nước, Saddam lên ngựa phạt Tống, tức là phạt Iran để giành lại mảnh Khuzestan của người Ả Rập năm 1980. Không lúc này thì còn lúc nào, chế độ Iran mới lao đao đổi chủ. trong sự nghiệp 10 năm này, ông được Mỹ hỗ trợ vì đánh thần quyền Iran thì Mỹ thích lắm sau khi gia nhân của họ là vua Shah mới bị các thày tu đuổi đi . Nhưng râu mép của Saddam không đủ cong lên và mặc dù dùng cả vũ khí hóa học (nhà máy do Hoa Kỳ thiết kế, máy móc của Tây Đức do chuyên gia Anh điều khiển, bảo trì) ông vẫn bị thất bại. Chiến tranh giữ đất giữ nước chính ra lại là động cơ đoàn kết người Iran dưới chế độ thần quyền. Saddam buồn quá, 10 năm tình cũ, phạt Iran không xong thì quay sang bình Kuweit tức là chiếm thằng Kuweit vậy*. Kuwait là trái độn giữa Iraq và Saudi. Đánh Iran thì cả Kuwait lẫn Saudi ủng hộ Iraq (vì Iran là dân tộc Ba Tư và giáo phái Shia),, nhưng đánh Kuwait thì Saudi phải ra tay, Mỹ phải nhảy vào, ngay cả Syria dưới chế độ Assad cha cũng phải gửi quân sang cứu Kuwait và giúp Hoa Kỳ. Saddam bị cô lập, lâm vào đường cùng và ngày càng bế tắc. Tây phương vây hãm và cấm vận, khiến 500.000 trẻ em thiệt mạng vì thiếu thuốc, thiếu ăn. Nhân dịp 11.9, ông Bush con đổ vấy cho ông Saddam này, nào là tội chứa chấp khủng bố, nào là tội vũ khí hủy diệt và ra oai tưởng là “mang lại dân chủ cho Trung Đông”… một cách ngon lành. Can thiệp trực tiếp của Hoa Kỳ sau đó là cơ hội để cho Al Qaeda vừa có đất, vừa có chính nghĩa để mà bành trướng. Nhưng trai thời loạn lắm anh hùng và chẳng những Al Qaeda không dẹp được mà tình hình bất ổn còn làm nảy ra một phong trào mới, một sớm một chiều lừng danh, là lực lượng ISIS (Quốc gia Hồi giáo Iraq và Syria) hay ISIL (Quốc gia Hồi giáo Cận Đông) hay IS, hay Daesh. Can thiệp trực tiếp của Hoa Kỳ đến nay còn là cơ hội để cho 1 triệu rưỡi người thiệt mạng, người còn sống thì bấp bênh trôi nổi từ 13 năm nay. Đây là giá để đánh đổ một bạo chúa nghênh ngang và giá này sau khi người dân phải trả vốn khủng khiếp thì đến lượt Tây phương phải trả tiền lời. Chuyện khủng bố đánh bom Đức Pháp vừa rồi thì kinh hoàng sao mà ví được, và chắc chắn là khủng bố đánh bom kinh hoàng còn kém xa Mỹ đánh bom. Như vậy, hình ảnh của Hồi giáo hậu Taliban tại Tây phương từ “chiến sĩ tự do” bảo vệ đức tin trở thành Hồi giáo khắc nghiệt, và hậu Kuweit từ “quốc gia chân chính” trở thành bạo chúa chứa chấp khủng bố và đe dọa khu vực, đe dọa thế giới với vũ khí hủy diệt. * * (Còn tiếp) 02. 09. 2016 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|