Chính trị

“Con trai vị tướng”: một người lương thiện với bản thân 6 June, 2024

Sáng Ánh

Miko Peled là một người Israel dạng con nhà nòi, sinh ra và lớn lên tại Jerusalem với những đặc quyền, nếu không phải là của giai cấp thì cũng là những đặc quyền hộ tịch (xem phần sau) như ông lúc nào cũng tự nhận. Ông ngoại của Miko là trong nhóm người khai quốc công thần, kí‎ tên trong bản tuyên ngôn dựng nước và đại sứ đầu tại Liên Hiệp Quốc. Cha của Miko tham gia kháng chiến chống Anh quốc huyền hoặc (Hagana) và là sĩ quan trẻ trong cuộc chiến sơ khai 1948. Thế hệ này là thế hệ đã gầy dựng quân đội quốc gia trở nên dũng mãnh để chiến thắng Ả Rạp vẻ vang năm 1967. Trong chiến tranh này, cha của Miko Peled là tướng Matti Peled, sau chiến thắng được bổ nhiệm làm thống đốc giải Gaza.

Miko Peled

Miko Peled

Xã hội Israel là một xã hội tôn vinh quân lực và đề cao người lính. Khi đến tuổi, Miko gia nhập quân đội và được tuyển vào binh chủng ưu tú Biệt kích. Đội nón đỏ, đi giày nâu tại Israel đại khái như ngày nay ở Việt Nam đi giày chạy Adidas Superboost màu vàng chanh nhé, hay là tốt nghiệp đại học tối ưu. Trong trường hợp này, thì tốt nghiệp trường ưu mới được mang Superboost.

Năm 1998, bi kịch xảy ra với gia đình ông: đứa cháu gái con bà chị cả chưa lên 14 tuổi bị thiệt mạng cùng với 2 em khác trong một vụ đánh bom người.

Cuốn “A General’s Son” (Con trai vị tướng) là một quyển tự truyện, lớp lang kể từ những ngày thơ ấu và cho thấy tư duy của thành phần xã hội này. Đây là một nước nhỏ, và môi trường của tầng lớp ưu này lại càng nhỏ hơn, ai cũng biết ai. Bà chị của Miko là bạn học thân thiết của thủ tướng Netanyahu, thí dụ. Nhà của Miko các lãnh đạo chính trị và quân đội vào ra không gõ cửa. Nhưng tướng Matti lúc về già lại đâm ra lẩn thẩn. Ông học tiếng Ả Rạp, không phải là để chuyển ngành sang quân báo mà trở thành chuyên gia văn chương Ả Rạp, giáo sư đại học. Chết chửa, tướng lãnh mà lại đi dạy văn chương của kẻ thù thì chỉ có thể là kẻ hiếu hòa; tụi đó văn chương con mẹ gì mà phải học. Matti là nhân vật hiếu hòa sớm nhất, khi cai trị vùng đất mới chiếm được (Gaza), ông là thống đốc nhẹ tay, ngăn chặn thảm sát thường dân và được người Palestine gọi là Abu Salam1 tức Bố Hòa bình . Khi PLO còn được coi là khủng bố thì Matti là người bí mật trung gian liên lạc giữa PLO và chính quyền (thế ra thằng hiếu hòa cũng có ích đến khi phải nói chuyện! Trong sách, Miko kể lại sự hãnh diện của thằng bé mỗi lần khi nhấc máy nghe điện thoại “Bố con có nhà không?” từ lãnh đạo PLO bí mật gọi để đàm phán). Nhưng càng đọc văn chương của “chúng” thì Matti càng bị đầu độc và tiêm nhiễm như trẻ thơ (trẻ thơ hay người già thì cũng vậy). Lúc cuối đời, tướng Matti vì mang quan điểm “quá khích thân Ả Rạp” nên bị xã hội Israel coi như thằng dở hơi. Nên nhắc lại, mấy mươi năm về sau, giải pháp “Hai quốc gia” là do ông tiên phong đề xướng.

Bìa sách “Con trai vị tướng” của Miko Peled

Bìa sách “Con trai vị tướng” của Miko Peled

Bà mẹ của Miko, vợ tướng Matti, là con người nguyên tắc. Năm 1948, khi Israel lập quốc và đuổi người Ả Rạp ra khỏi khu vực, bà chứng kiến cảnh người Do lũ lượt đến các nhà bỏ trống hôi của lớn của bé ngay trong xóm. Nhà cửa bị tịch thu và phân chia cho các người Do hữu công, trong đó gia đình Peled cũng có phần nhưng bà từ chối “Tôi không thể nào ẵm con thơ đến chiếm một ngôi nhà mà người mẹ khác (Ả Rạp) đã phải bồng con ra đi”. Bà thà ở với mẹ chồng và phụ nữ nào cũng biết, ở với mẹ chồng là điều ngày này sang ngày khác khó vui2.

Phần chị ông Miko, có con gái bị đánh bom chết, trong đám tang khi cựu thủ tướng (lúc đó và đương kim thủ tướng hiện nay) Netanyahu và thủ tướng (lúc đó) Barak đến viếng, thì lại không đổ lỗi cho khủng bố tham tàn mà đổ lỗi tận mặt các vị này là “chính sách của các ông đẩy người ta vào con đường cùng”!

Nói thế để biết về Miko không phải là con hoang nổi loạn. Mầm móng phản bội tổ quốc của ông đã nhen nhúm từ môi trường gia đình. Thằng bố thì cầu hòa (sau khi oanh liệt đánh nó thiếu chết), con mẹ thì chê của để lại, con chị đã mất con lại còn bênh khủng bố, thì thằng Miko này sao nên người được. Nhưng đoạn đường ý‎ thức của Miko là từ bản thân. Khi mũ đỏ giày nâu, vũ trang tận răng, ông được phái đi trị an con nít Palestine (1981) thì ông thấy nó hơi bị kém. Đây là một quân đội chiếm đóng và đàn áp chứ không phải một quân đội bảo vệ tổ quốc, ông nghĩ thầm. Sang 1982, khi chính quyền lừa cả Quốc Hội để xâm lăng Lebanon thì ông và nhiều người khác trong quân đội càng thất vọng. Thảm sát trại tỵ nạn Sabra và Chatila khiến nhiều binh sĩ chống đối ra mặt và thành phong trào. Phải nói, nếu trận chiến này thành công thì ai chẳng ăn mừng, nhưng nó đưa quân lực vào sa lầy và dây dưa chiếm đóng, kết cục là không kèn không trống mà rút khỏi miền Nam nước này năm 2000 vào một đêm không trăng.

Alain Louyot – người đi sau, là một trong những nhà báo đầu tiên đến trại Sabra và Chatila, sau cuộc thảm sát tháng Chín, 1982. Ảnh: Michel Philippot

Alain Louyot – người đi sau, là một trong những nhà báo đầu tiên đến trại Sabra và Chatila, sau cuộc thảm sát tháng Chín, 1982. Ảnh: Michel Philippot

981 cũng là lần đầu Miko tiếp xúc với “đồng hương” Ả Rạp, kiểu tao cho mày báng súng, dang ra! Trung đội trưởng của ông ra lệnh, đứa nào mà chỉ nhìn mình 1 cái thôi là đánh nó gãy xương! Khác với cha mẹ ông từng chung sống với láng giềng, qua lại, mua bán với người Ả Rạp trong phố, thế hệ của Miko lớn lên biệt lập với người Ả Rạp và toàn nghe nói xấu, và bài xích đến độ ông phải khó chịu. Như trường hợp ông kể một bận ở Nhật Bản, gặp người Israel xa nhà túm tít nhau lại, cách 8000 km, nói với nhau chuyện gì vui? Là khinh miệt người Ả Rạp! Mà người Ả Rạp là ai, có gặp bao giờ chưa? Miko phải đợi đến khi ông định cư tại San Diego (California, Hoa Kỳ) mới lấy được quyết định là đến gặp “kẻ thù”. Là thày võ (6 đẳng Karate) tốt nghiệp trường biệt kích, nhưng ông kể ngực đánh Loto khi lái xe đến nhà một gia đình Palestine. Ngạc nhiên thay, họ không ăn tươi ông ngay và dần dà Miko có dịp thêm trao đổi. Khi trở về nước, ông làm liều một thân một ngựa “phiêu lưu” sang Tả ngạn, một chuyến đi hồi hộp mặc dù hết sức bình thường. Tác giả nhận ra là dư luận, môi trường Do Thái đã nhồi vào đầu ông mấy chục năm qua những điều ngáo ộp và có nhận thức ra được ở tuổi đó (dù) chậm trễ thì mới hết trẻ con.

Miko tham gia chống chiếm đóng, chiếm đất chiếm nhà của người Palestine, và tự truyện của ông đề cập những việc này không qua bản đồ, con số mà qua trải nghiệm cá nhân. Trong một bận tham gia chống chiếm đất ở Tả ngạn là việc bất hợp pháp từng bị Liên Hiệp Quốc lên án không biết bao nhiêu bận (và cả Hoa Kỳ trừng mắt), Miko chứng kiến cảnh một binh sĩ Israel trẻ gốc Nga mới sang đây định cư và chưa nói tiếng Hebrew sõi bắt một ông già 70 tuổi người địa phương, sinh ra và lớn lên tại chỗ đó mấy mươi đời. Miko cũng bị bắt, và ông không khỏi nhận xét là mấy thằng lỏi bắt ông đi giày trận đen chứ không phải đi giày nâu như ông thủa nào! Mày đi giày đen mà cũng còng tao! Khi được trao cho công an, công an nhắc mấy anh lính “Đây là người Do Israel, có luật pháp bảo vệ, không phải muốn làm gì thì làm”. Miko thì bị truy tố ra tòa án, còn người Palestine thì sống dưới Thiết quân luật, thích thì bắt giữ họ “tự do” trong 6 tháng, hết 6 tháng lại đến 6 tháng khác có thể mãn đời mà không qua xét xử nào cả. Cùng chung sống tại một quốc gia gọi là dân chủ nhất khu vực nhưng có gần 100 đạo luật phân biệt người Do và người Ả Rạp Israel. Dân chủ chỉ có cho người gốc Do và đây là chế độ phân biệt như da trắng-da màu tại Nam Phi dạo trước (apartheid)3.

Miko Peled (áo đen) thăm Mufid Abdulqader ở nhà tù liên bang. Sinh năm 1960, Mufid Abdulqader là em cùng cha khác mẹ với thủ lĩnh tối cao của Hamas, Khaled Mashal. Hình từ trang này

Miko Peled (áo đen) thăm Mufid Abdulqader ở nhà tù liên bang. Sinh năm 1960, Mufid Abdulqader là em cùng cha khác mẹ với thủ lĩnh tối cao của Hamas, Khaled Mashal. Hình từ trang này

Ưu điểm của quyển sách là hành trình cá nhân của Miko với lương tâm của ông qua những sự việc gọi là nho nhỏ này. Đến thăm nhà một người Palestine ở Mỹ, lái xe một mình sang Tả ngạn dưới những rặng ô liu là những việc hết sức bình thường. Ông chứng kiến bất công từ việc xúm nhau lại kể chuyện tiếu lâm về người Ả Rạp ở mãi tận Nhật Bản, đến việc khi biểu tình bị bắt thì kẻ giữ người tha. Miko là một con người dũng cảm, không phải vì ông xông pha gì đó mà là vì ông lương thiện với bản thân. Điều này khiến chúng ta khâm phục và khiến người đọc phải tự vấn.

Kết luận của Miko là chỉ có thể có hòa bình và công lý khi có một quốc gia mang tên Palestine (tại sao lại mang tên Palestine nhỉ, vì nó là Palestine). Tại đó, mọi người bình đẳng sinh sống trong dân chủ. Ông cho rằng giải pháp tiên tri của thân phụ ông là “Hai quốc gia” là bất khả thi hiện nay và con đã như vậy hơn cha một bước. Ông từ chối lên án “khủng bố” Palestine4 vì “tôi chẳng là gì, sống ở một vị thế ưu đãi của kẻ chiếm đóng mà lại dạy họ phải thế này thế kia, khuyên bảo họ dùng vũ lực hay không”. Đường lối của Miko ta có thể bàn cãi, phê bình hay bất đồng nhưng điều mỗi người chúng ta có thể học được ở ông là kẻ thù không ở bên kia tuyến mà là đồng đội chung quanh, và chính là kẻ ở trong ta, cần phải nhìn thẳng mặt và chinh phục.

13. 12. 2017

*

1. Abu là cách gọi đàn ông trung niên Ả Rạp, Khi có thằng Tí con trai đầu lòng, thì bình dân thông dụng không gọi người cha bằng tên nữa mà gọi là “Bố Tí”

2. Năm 1982, trong số mấy ngàn người Palestine bị thảm sát tại trại tỵ nạn Sabra và Chatila ở Lebanon, có một gia đình 8 người Do Thái. Gia đình này, tuy là Do, nhưng đã không ở lại Israel để chiếm nhà người bị đuổi mà còn bỏ nhà họ đang ở để ra đi lưu vong nơi đất người. Có lẽ họ là trong những người hiếm hoi tự nhận đầu tiên tôi là người Do-Palestine chứ không phải người Do-Israel, mất Palestine thì tôi đi.

Người viết này (SA) không biết thêm về họ nhưng có bạn là người Do-Lebanon, hiện nay vẫn ở Lebanon yên lành như từ bao đời trước. Năm 1979, giữa thời gian nội chiến phía khu vực Hồi kiểm soát, còn có biết một bạn Do-Lebanon mang tên Israel Israel, khi nói ra ai cũng bật cười và chẳng ai đánh bạn ấy cả.

Người Do, ở Trung Đông hay Bắc Phi, sống trong các công đồng hay quốc gia Hồi giáo trong nhiều thế kỷ trước đây, chẳng có vấn đề gì. Kỳ thị, tàn sát họ là bởi Tây phương Ki tô, ở Tây Ban Nha, Ba Lan, Hungary, Nga, Đức.

3. Từ “Apartheid” này Tây phương rất kiêng kị khi được dùng để chỉ chế độ Israel, ngoại trừ vài trường hợp như cựu tổng thống Carter. Trong thời gian da trắng lãnh đạo Nam Phi và áp dụng chính sách này, Israel cũng là quốc gia hiếm hoi tiếp tay và bán vũ khí cho họ khi họ bị thế giứi cấm vận.

4. Tướng Matti Peled cũng từng tham gia lực lượng khủng bố Do Thái dưới thời Anh quốc. Phong trào Do Thái Irgun đánh bom khách sạn King David năm 1946 khiến 91 thường dân thiệt mạng.

 

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả