Đi chơi

Bưu thiếp Trung Đông: Bữa Pork Adobo – cơm thịt heo kho 15 August, 2024

Đỗ Kh.
Cửa hàng Philippines tại công trường Rachid Karame, một ngày (thưa) trong tuần tại “Phố giúp việc”. Ảnh: Sáng Ánh

Cửa hàng Philippines tại công trường Rachid Karame, một ngày (thưa) trong tuần tại “Phố giúp việc”. Ảnh: Sáng Ánh

Ba cô làm phòng thấy tôi đang định ôm máy xuống nhà, bèn bảo “Ông cứ ngồi đó, chúng tôi dọn dẹp nhanh mà”.

Cô lớn nhất nói “Phòng ông ở rất sạch, có nhiều phòng, ông không biết đấy…”, cô lắc đầu. Tôi bảo “Cô nói cho vợ tôi nghe ấy nhé, vợ tôi sẽ phải bật cười”. Cô thứ nhì đang trải giường lại ngưng tay, nhìn tôi một lát và nói “Ông trông giống tổng thống của chúng tôi quá!” Tôi ngạc nhiên, hỏi “Tổng thống nào?”. Thì Ferdinand Marcos! Cái này thì vợ tôi sẽ chết ngất, tuy nàng không phải người Philippines. Tôi phương phi hay là trước khi đi tôi chưa kịp nhuộm lại tóc.

Ba cô này là quí tộc người Phi ở tại đây, lương cao, có nơi ở riêng rẽ, đi lại tự do và giờ giấc nhất định. 90% còn lại là giúp việc tại gia, ngày chủ nhật đáp xe có khi từ núi xuống, đi lễ nhà thờ và gặp chị gặp em. Ngoài ngày này ra, phố Phi rất vắng, kem trắng da, thuốc gội tóc cho xoăn và mì tôm nằm ngay ngắn trong các cửa hàng.

Trưa nay, vài ba cô vào ra, dùng điện thoại gọi về nước tại chỗ, anh chủ tiệm gửi tiền và gửi hàng kề bên ghé ngồi ăn cạnh tôi đĩa cơm thịt heo kho. Anh người Ilocos, cạnh quê hương Marcos, ở một làng nào đó cạnh Vigan. Vigan thì tôi có biết, đẹp một vẻ hoang tàn như một thiếu phụ trễ nải phấn son vào buổi sáng với bút chì mỡ kẻ lệch trên mi mắt.

Tôi nhìn những chai lọ thẳng hàng, cái quần đỏ nhè nhẹ lắc phất phơ treo ở cửa là để bán.

Cô chủ quay trở vào “Chắc anh ở xa phố. Hôm nay là ngày anh nghỉ việc hả?”

Tôi gật đầu bừa.

“Vậy tuần sau anh đến ăn nữa nhá”.

Theo cô làm phòng buổi sáng, Pork Adobo (với gà kho là món thông thường và quốc túy) ở quán này ngon nhất thành phố.

Số kiều dân Phi tại đây là khoảng 30.000, đến 95% hay 99% là phụ nữ? Như đã nói, đại đa số hành nghề giúp việc tại gia. Lebanon có 10 đến 15%? tổng số phụ nữ là người giúp việc gốc nước ngoài. Đây là một quốc gia tương đối phóng khoáng và bình quyền, nhưng đó là đặc quyền của phụ nữ bản xứ trung lưu chứ không phải của phụ nữ từ xa tít tắp đến làm thuê và ở mướn. Nhưng dù sao, ở đây có một thành phần xã hội cấp tiến và tích cực, thỉnh thoảng còn có biểu tình ủng hộ và bảo vệ giai cấp này, và gần đây quần chúng có vẻ ý thức và quan tâm hơn đến hoàn cảnh của họ, sau những chuyện nhảy lầu tự sát vì bị hiếp đáp (bởi bà chủ chứ cũng không hẳn là bởi ông chủ). Mặt khác, nhờ học vấn và thông thạo Anh ngữ, người giúp việc Phi được xếp bảng cao hơn các đồng nghiệp Sri Lanka, Eritrea hay là Ethiopia. Một dạo còn có vài ba trăm người Việt, nhưng sau đợt “di tản” 2006 vì chiến tranh với Israel hình như không thấy họ trở lại

Có dịp, tại trường bay Beirut, một chuyến tàu bị hoãn. Một nhóm hành khách nữ người Á châu đứng đợi bàn tán xôn xao với nhau và có lẽ không được thầm kín lắm kiểu chị em tâm sự, nên khiến một nữ nhân viên trường bay bắc loa mà nhắc nhở “Philippino people, stop talking”, tức là người Phi, ngưng lẻo nhẻo. Một ông hành khách người Lebanon bất bình bèn can thiệp, cho bà nhân viên người Lebanon này biết thứ nhất đây là một nhóm phụ nữ Nepal và thứ nhì, không nên chõ loa mà điểm danh họ như vậy. Bà này bật cười và không chịu tự kiểm, còn bắt loa nhắc lại, vẫn “Philippino” chứ không hề chữa lại, nếu thế, ờ thì bọn Nepal, bớt ồn ào đi. Sự việc xé to, trở thành nội chiến Lebanon, phe binh và phe chống, rốt cuộc là bà này bị đuổi việc, một số nhân viên khác nhảy vào bênh bà đồng nghiệp bị ban giám đốc của trường bay kỷ luật.

Tuy nhiên, theo thiển ý, đây là một vấn đề kỳ thị giai cấp chứ không phải thuần túy chỉ là một vấn đề kỳ thị sắc tộc. Nếu người giúp việc tại Lebanon là người bản địa, từ nông thôn nào đó lên phố hành nghề lau rửa, dọn dẹp, thì thân phận của họ có lẽ cũng sẽ chẳng cao hơn mấy và bà nhân viên nói trên cũng sẽ bắc loa trường bay mà bảo, này, bọn giúp việc kia, câm mồm lại!

*

(Những bưu thiếp từ Trung đông này gửi đến bạn đọc nhân chuyến đi mươi ngày sang Lebanon và Jordan vào đầu tháng 11. 2014 để giới thiệu tiểu thuyết “Saigon Samedi” của Sáng Ánh, tức Đỗ Kh. tham gia Hội chợ sách Pháp ngữ tại Beirut

Đây là một thành phố quen thuộc với tác giả, nhưng không gần gũi quá mức đến độ chán ngấy, và vừa ghét lại vừa thương. Bưu thiếp thì vài dòng, và phần ảnh cũng quan trọng, tuy là vớ vẩn cũng chẳng kém phần thư.)

29. 12. 2014

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả