|
|||||||||||||
|
Chính trịBầu cử Mỹ 2016: không chọn Trump, không chọn Hillary, tôi chọn bình minh 10 April, 2024Sáng ÁnhLưỡng đảng nhất sắc Thể thức bầu cử ở Hoa Kỳ là ứng viên độc danh, bỏ phiếu một vòng và ai được nhiều phiếu nhất thì thắng. Thể thức này chỉ cho phép dự hiện diện của 2 chính đảng, ngược lại với thể thức bầu cử ứng viên liên danh, và đại diện theo tỷ lệ như ở Thụy Điển, Đức, Ý hay bỏ phiếu 2 vòng như ở Pháp. Vì thế, quốc hội Mỹ chỉ có 2 đảng có thể tồn tại. Đảng Cộng hòa hiện nay, khi ra đời năm 1854, đã phải diệt đảng Whig để thay thế nó. Việc này xảy ra trong một giai đoạn lịch sử biến động, bất an và cách mạng, đòi hỏi một lựa chọn lớn và đưa đến nội chiến Hoa Kỳ chứ không phải chuyện thường ngày, sáng xách ô ra quốc hội, chiều xách ô về nhà. Tại Mỹ, 36 năm vừa qua là một thời kỳ chuyển động, cái gọi là “cách mạng Reagan” (Thatcher ở Anh) với chủ nghĩa tân-liberal trong gần 4 thập niên này đã định hướng kinh tế và đưa giới tư bản tài chánh lên hàng quyết định. Phục vụ cho họ là hai đảng thay nhau cầm quyền, Cộng hòa rồi Dân chủ, Dân chủ rồi Cộng hòa, cùng một mục đích, khác nhau chăng ở phần tiểu tiết và phần trang phục. Hai đảng này không phải xanh và đỏ đối chọi nhau mà cùng một màu xanh, xanh trời hay xanh biển, cái nhạt cái đậm. Thời gian sau này, màu sắc lẫn lộn đến nỗi khi phóng mắt về phía chân trời, phải nheo mắt mãi mới nhận ra được đâu là trời và đâu là biển. 40 năm trước đó (1940-1980), kinh tế Hoa Kỳ ở 1 giai đoạn khác, kinh tế công nghiệp sản xuất và làm chủ là giới tư bản nhà máy trong nước chứ không phải là tư bản ngân hàng toàn cầu. Đó cũng là thời gian huy hoàng của nước Mỹ, thời gian phát triển của 1 giai cấp trung lưu vững chắc và đồng đều. Khoảng cách thu nhập những ngày xa xưa ấy giữa một tổng giám đốc và nhân viên công ty của ông là 15 lần hay 17. Ngày nay, khoảng cách này là 300 lần hay là 500. Trong khi lương tối thiểu năm 1968 là 10,74 USD/ giờ (tính tương đương với 2013) thì lương này 45 năm sau là 7,25 USD/ giờ. Giai đoạn hiện nay là giai đoạn lần đầu trong lịch sử của nước Mỹ, đời sống của con cái khó khăn hơn đời cha mẹ. Bất quân bình kinh tế ở mức cao nhất từ ngày có con số tức là từ 100 năm nay, tập trung quyền lực nhiều hơn và lớn hơn vào tay một thiểu số ngày càng nhỏ lại. Thời gian 1940-1980 cũng là thời gian tiến bộ về mặt xã hội và nhân quyền, Biên giới mới (New Frontier) của Kennedy hay Xã hội lớn (Great Society) của Johnson tiếp nối chính sách New Deal của Roosevelt, Truman. Tất nhiên là phải qua đấu tranh quyết liệt, nhưng Cộng hòa của ông Eisenhower hay Nixon ngày đó, về những mặt này, cấp tiến hơn là Dân chủ của ông Clinton hay Obama nửa thế kỷ về sau. Kí ức của thời đại hoàng kim này giải thích câu “Makes America Great again” (Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) của ứng viên Trump 2016, khi công nhân lao động của hãng xưởng Hoa Kỳ có việc, lương cao, tậu nhà và sắm xe, tươi cười trên những biển quảng cáo. Đó là thời kỳ tăng trưởng về kinh tế, thời kỳ thành lập an sinh xã hội (Roosevelt) và y tế (Johnson) cho quần chúng. Đó là thời kỳ giáo đục đại học miễn phí và đào tạo hàng chục triệu cựu quân nhân của Thế chiến thứ nhì (GI Bill). Đó là thời giải Nobel Hòa bình được trao là cho Martin Luther King chứ không phải là trao cho Barack Obama. Ngoại nhân giả vờ hòa sắc Thể chế lưỡng đảng trên khiến năm 2016, thay đổi chỉ có thể đến từ bên ngoài khi hai màu xanh đảng phái đều nhàn nhạt và cùng một tiêu chí. Ông Trump là người hoàn toàn “ngoại đạo”, không hề phục vụ một ngày nào cho chính quyền hay quân đội, chưa hề qua một chức vụ dân cử chính trị. Ông được cử tri tin tưởng vì ông không có kinh nghiệm chính trị và ông không hành xử hay phát ngôn như một nhà chính trị, là vì ông tay mơ chứ không phải tay nghề như bà đối thủ của ông. Phần ông Bernie Sanders là một biệt lệ chính trị tại Mỹ, là thượng nghị sĩ độc lập duy nhất của nước Mỹ trong một bang xó xỉnh, 30 năm qua hiện diện trên chính trường với tư cách”độc cô ngoại nhân”. Nói cách khác, với tinh hoa cầm quyền, với thể chế, nếu Trump là một tên hề kệch cỡm, thì Sanders là một lão gàn lẩm cẩm. Cả hai, mỗi người một vẻ, đều không thuộc vào guồng máy và đi lạc từ đâu đến. Thể chế lưỡng đảng khiến năm 2016 thay đổi chỉ có thể đến từ bên trong. Để thành công, ông Sanders phải đội lốt đảng Dân chủ. Trước khi là ứng viên của đảng này, ông là thượng nghị sĩ độc lập. Sau khi là ứng viên của đảng này, ông về Thượng viện làm nghị sĩ độc lập trở lại. Cũng vì thế ông không được sự ủng hộ của guồng máy và được coi như là tên toan cướp tàu của bà Clinton. Ông Trump, để thành công, phải đội lốt đảng Cộng hòa. Một năm trước khi mượn tên đảng này ra ứng cử, ông còn ghi danh là thuộc đảng Dân chủ. Cũng vì thế mà guồng máy coi ngay ông là con ghẻ và ruồng rãy. Kết quả, ông Sanders thất bại trong sự nghiệp cướp tàu này, tuy thất bại của ông ở mức đe dọa cho đảng, ở trên mức báo động và có lẽ biết đâu là bước đầu đánh đổ cơ chế đó, đánh dấu ngày tàn của đảng và sự thành hình về sau của một đảng mới thay thế nó. Ông Trump thành công trong sự nghiệp trở thành tổng thống nhưng tương lai sẽ cho biết là đảng Cộng hòa sẽ trở thành công cụ của ông hay là ông trở thành công cụ của nó, củng cố nó thay vì đánh đổ trong cuộc tình hoàn cảnh và vay mượn này. Màu của bình minh Nếu hai đảng tại Mỹ này là hai màu xanh gần như tương tự, thì đến lúc một đảng thứ ba phải xuất hiện như trong thời kỳ trước nội chiến của thế kỷ thứ 19. Những nỗ lực lẻ tẻ này, phá bỏ cái gông hai đảng, trong các cuộc bầu cử tổng thống, từ cá nhân John Anderson (1980), Ross Perot (1992, 1996, có thể coi ông Perot là một tiền thân “mềm” của ông Trump), Ralph Nader (2000) hay các phong trào Libertarian, đảng Xanh… chưa thấy hiệu quả. Điều chắc chắn, là 2016 đánh dấu một thay đổi, đảng Dân chủ ngỡ ngàng với hiện tượng “xém chút nữa” Sanders. Cả giới chính trị sáng ô Dân chủ đi, chiều ô Cộng hòa về, guồng máy vận hành với nguồn tài chính, cỗ truyền thông của nó, ngỡ ngàng với hiện tượng Trump đánh bại bà Clinton. Thay đổi bao giờ mà chẳng ngỡ ngàng. Lần này, và cho đến phút này, với ông Trump, chân trời có vẻ nhuốm kinh dị màu tím chập chờn, đêm tối đe dọa. Thật ra, những ưu điểm của nước Mỹ thời kỳ phát triển 1940-1980 cũng là quan tâm của ứng viên Sanders. Thời kỳ công nghệ thông tin, toàn cầu hóa là nhất định rồi nhưng không có nghĩa tư bản tài chánh phải là chúa tể thế giới. Ông Sanders ngược lại với ông Trump, không nhìn lui, mà đòi mang lại những điểm tốt này đến cho thời kỳ mới, một rạng đông trên màu xanh cố hữu của biển thay vì một hoàng hôn không đèn. Tôi thì nghĩ thế, nên tôi bỏ phiếu cho bình minh. 11. 11. 2016 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|