Bài học từ “The Room” (phần 1): Dở không tả được
4 August, 2024
Sáng Ánh
Năm 2003, một diễn viên-biên kịch-đạo diễn, Tommy Wiseau, chẳng hiểu kiếm đâu ra một mớ tiền và trở thành nhà sản xuất phim tại San Francisco. Dĩ nhiên, bộ phim anh sản xuất lần đầu tiên bằng tiền của anh là do anh lần đầu tiên biên kịch, do anh lần đầu tiên đạo diễn và do anh lần đầu tiên đóng vai chánh.
Đó là câu chuyện của một người đàn ông (Johnny) sống với cô vợ sắp cưới (Lisa) trong một khu hộ tập thể trung lưu thành phố. Anh rất yêu cô và đi làm để nuôi cô ở nhà dũa móng tay. Anh còn bảo trợ và giúp đỡ một thanh niên trẻ (Denny) được anh coi như là con nuôi hay con đỡ đầu và cũng sống trong khu hộ. Bạn thân nhất của anh (Mark) cũng sống trong khu hộ và hình như ai cũng sống trong khu hộ này, trừ bà mẹ của nhân vật nữ, là người xuất hiện chỉ để khuyên con gái nên mau cưới Johnny làm chồng vì theo bà đó là con rể và người đàn ông lí tưởng: kiếm ra tiền, định mua nhà sắm xe cho cô và bảo đảm cho cô một cuộc sống tốt đẹp.
Khu nhà của Johnny (và hình như của tất cả mọi người)
(Nhưng nếu là một chuyện như thế thì cũng chẳng có gì hay đặc biệt hay dở đặc biệt, đầy dẫy ra, Hàn Quốc, Hong Kong. Nhưng chỉ có cách thực hiện độc đáo của đạo diễn-sản xuất và diễn viên Tommy Wiseau mới đưa “The Room” được lên hàng quỉ khốc thần sầu! )
Tiếp tục: Lisa vì chán cuộc sống giản đơn này và nhàn cư vi bất thiện, nên quyến rũ thành công bạn của chồng vào cơn lốc của dục vọng mặc dù Mark kháng cự. Ngoài ra còn có một số tình tiết bên lề, như bà mẹ bị ung thư vú, Denny thiếu nợ tay buôn ma túy hay Johnny có một chuyến làm ăn to.
Từ trái sang: các diễn viên đóng Lisa, Johnny, Mark ngoài đời
Quan hệ tình cảm giữa bạn mình và vợ sắp cưới được Johnny biết, và sau khi gây gổ với Mark, anh mất Lisa. Anh đập phá đồ đạc trong nhà và dùng súng tự sát. Giờ thì Mark và Lisa tự do nhưng Mark bỏ đi vì hối hận, để lại em Denny và Lisa cạnh xác của kẻ đã chán đời và kết kiễu mạng mình. Thế là hết chuyện và hết phim.
Phim bắt đầu bằng Johnny đi làm về và mang cho Lisa một cái áo ngủ đỏ làm quà. “Em có thích không?” và “Bởi vì em là công chúa của lòng anh”. Lisa mặc thử, họ kéo nhau lên phòng thì em Denny (18-20 tuổi) xuất hiện và theo họ lên tận giường để đập gối tay ba, họ phải đuổi mấy lần em mới chịu về nhà.
Lisa trong áo ngủ đỏ với em Denny vô duyên cản anh Johhny
Em Denny đi rồi thì cái áo mới được cởi ra và Lisa với Johnny chìm đắm trong luyến ái. Họ làm tình tha thiết, có nến đốt lung linh, có nhạc đệm mềm mềm, có mưa rơi lất phất, có màn voan bập bềnh, có ra giường nhàu nát, có cả núm vú của Lisa mồn một, cô trợn mắt và anh thở hắt. Đây là cảnh làm tình đầu trong phim và còn 5 hay 4 lần nữa, nhiều đến nỗi mà một pha phải dùng lại những cảnh quay của lần đầu. Thì cũng nến, cũng voan, cũng nhạc đệm, v.v. và v.v., nào có hại gì.
Phòng ngủ có voan và ánh nến
Đến đây, người đọc bài đã đoán được đây là một bộ phim tệ. Bạn đọc bài này có thể nghĩ đó là một phim kích dục rẻ tiền, thực hiện năm 2003 tại Mỹ nhưng lại giống như là thực hiện vào năm 1990 ở một nước đang phát triển. Và đang phát triển cái gì thì không biết, nhưng nhất định không phải là đang phát triển về điện ảnh. Nhưng đó là nghĩ sai, đây không phải là phim kích dục vì kích dục kiểu này thì bố ai mà xem. Theo tác giả-đạo diễn-diễn viên và sản xuất thì đây là một bi kịch tâm lí xã hội kiểu theo lối của kịch tác gia Tennessee Williams. Và có khi còn ấn tượng hơn chẳng biết chừng, ai ở đó mà dám nói. “The Room” (Căn phòng) là một vũ trụ, một thế giới thu hẹp lại mà Johnny là trung tâm.
Johnny và Denny
Phim ra mắt khán giả tại hai rạp hát ở Hollywood. Lần chiếu đầu tiên, chưa đến 30 phút, đa số khán giả bỏ ra đòi tiền lại. Ngày thứ nhì, rạp đề bảng báo trước là “Không hoàn tiền lại” và “Xem phim này như là bị dao đâm vào đầu” để quảng cáo. Doanh thu của bộ phim sau 2 tuần là $1.800 (USD). Trong mấy năm liền, mặc dù phim không còn chiếu rạp, tại Hollywood vẫn bất di bất dịch một bảng quảng cáo bộ phim được thuê với giá $5000 một tháng. Tác giả-đạo diễn-diễn viên-sản xuất là Tommy Wiseau, khi được hỏi vì sao, đã trả lời tại vì tôi thích thế, tôi thích áp phích này, và tôi thích vị trí đặt bảng và phim không chiếu nữa thì tôi vẫn bán DVD.
Phim dở thì cũng khối, và phim thất bại cũng nhiều nhưng The Room được gọi là kiệt tác của phim tồi hay là bộ “Citizen Kane của phim dở”. Trước khi phim ngưng chiếu, ngay trong 2 tuần đầu này, một nhà làm phim khác đã phát hiện tính giải trí của bộ phim này vì nó dở không thể tả được, bắt buộc phải xem thôi và bắt buộc phải cười. Ông rủ bạn, có đến trăm người, và trong 3 ngày cuối, xem phim này 4 bận. Phong trào xem phim The Room từ đó ra đời, khiến bộ phim được liệt vào hàng đặc biệt, “Cult Movie” (Phim hiện tượng), và đi vào lịch sử điện ảnh loại B.
Trong bài sau, ta sẽ đi kỹ hơn ngoài kịch bản nó còn dở ở chỗ nào.
Lưu ý: tác giả Sáng Ánh ngoài ra còn viết về chính trị, về các nước Hồi giáo. Các bạn chỉ cần gõ Sáng Ánh vào mục tác giả ở “Tìm Kiếm” là sẽ ra danh mục bài của tác giả này.