|
|||||||||||||
|
Điện ảnhBài 2 – Nhật ký (không) làm phim: Niềm tự hào tại quán bar 19 October, 2021Đỗ Kh.(Tiếp theo bài 1) Tôi thì không thích hoàng gia, còn kỳ thị họ là đằng khác, nhưng cũng biết tính toán lợi hại. Làm phim, mình thích làm xinh xinh be bé, càng đỡ tốn kém thì càng tài. Nhưng dự án này là phim lớn, có đại cảnh đì đùng và Bangkok có một khúc ngang Hoàng cung rất giống Sài Gòn. Chốn này từng được dùng trong “Good Morning Vietnam!” và khi xe tăng đi ngang, dân cư Bangkok đã tưởng có đảo chánh (là chuyện thường ngày ở huyện tại Thái Lan)! Phần kịch bản của tôi thì chỉ cần hai nhân vật mặc áo chim cò rảo xe máy ngang cho nó có không khí, nhưng phía sản xuất Thái xúi, ở xứ này, quen biết với hoàng gia thì làm chuyện gì cũng được hết, nhanh và gọn. Vì thế nên mới có chuyện bà công chúa này, chẳng hiểu vào hàng nào Công tằng nhưng yêu nghệ thuật, quen với bà, khi bấm máy rủ rê bà đi xem thì giấy phép gì cũng có và cầm ô cho bà đứng cạnh thì chẳng ai dám đuổi. Phải nói, công chúa Thái thì oai lắm, đi đâu cũng cờ quạt, đây là nói nghĩa đen. Mỗi ông mỗi bà có “chúa kỳ” riêng, họ đến đâu thăm là phố cắm hai bên, không phải chuyện đùa. Cơ hội năm đó là Non trong ban giám khảo hoa hậu, tôi lại có một bạn khác diễn viên (và GS.TS!) cũng là giám khảo, mời tôi đến xem, cốt chỉ để giới thiệu với bà công chúa. Hôm đó mưa to và tôi thì đã không có quần áo tử tế, lại phải trùm cái áo tơi Timberland thể thao chui đầu màu cam chói kiểu rơi xuống biển người ta còn thấy để mà vớt. Ngờ đâu, thế nó mới ra dáng nghệ sĩ (như chuột lột) giữa quần hùng áo vét thắt nơ. Bà công chúa đưa tay ra bắt, vì mình là người nước ngoài, được giới thiệu là đạo diễn “Pháp” và đâu đây còn vất vưởng hơi hướm của đoàn Annaud (merci Jean-Jacques!) Không hiểu từ đâu xui khiến, mình nghiêng người hôn luôn cái hột xoàn rất to bà đang chìa ra! Giờ, các bạn nào từng thấy vẻ mặt của bà Condoleeza Rice (ngoại trưởng Hoa Kỳ) khi được tổng thống Pháp Chirac hôn tay thì hiểu ngay. Bà Rice tít cả mắt không cưỡng được nụ cười thỏa mãn. Cái này ta gọi là “nịnh đầm” và bà công chúa thì cũng thế, chứ vái bà và quỳ xuống là chuyện thường rồi. Bà bắt chuyện ngay bằng tiếng Pháp, là thứ tiếng ở Thái không ai biết, cứ tưởng như là công chúa… Nga. Ấy tiếng Pháp nó lợi hại thế, phần lớn quyền quí Thái theo học là tiếng Anh, chẳng hiểu sao bà này lại nữ sinh nội trú Geneva lúc trẻ vào nửa thế kỉ trước. Thế là bà tíu tít chuyện bờ hồ Leman và Canton de Vaud, dắt tôi theo vào… hậu trường khiến tôi hồi hộp muốn đứt tim. Thú thực là lúc đó tâm thần rối loạn nên tôi không còn nhớ rõ là thí sinh có đang thay áo tắm hay không, chỉ thấy các cô rạp người vái. Mình thì đi chung với công chúa nên mặt họ cũng không thấy, họ cúi đầu vái thì chỉ thấy được có mái tóc và đường ngôi, khổ thế. Bà bảo anh có cần tuyển diễn viên không, đây các cô xinh lắm, tôi đáp nghiêm túc, đó là việc của bạn Non đang đứng cạnh gật vâng gật dạ. Đến phần tiếp tân sau cuộc thi, bà gọi đâu ra một cô em họ Công huyền, bảo nó ở Chieng Mai, anh có quay cảnh gì trên đó thì nhờ nó. Cô này ngoại tứ tuần thôi, nhan sắc dưới trung bình, không phải đẹp như công chúa và không phải cứ công chúa là đẹp. Cô có dinh thự gì đó, nhất định chiều ý bà cô hay bà chị, bắt tôi lên đó phải đến ở nhà cô để cô vời tỉnh trưởng Chieng Mai đến dùng bữa làm quen! Sau, tôi có đến Chieng Mai làm việc, nhưng ở khách sạn với đoàn chọn cảnh, chứ vào ra chào vái các vị “mụ mẫu chi dân” này tôi rất ngại, và công hầu khanh tướng thì mình chỉ dám ở ngưỡng cửa mà lạy. Ở Chiang Mai, khi tìm ra một cảnh, trong dự án phim là có người lính ôm lục bình tạt vào bờ sông, thì hóa ra là ngay trong một resort bà Clinton từng ở chơi với cô Chelsea, đó là do phía quản lý resort kể lại. Chẳng hiểu nơi trăng mờ bên bờ suối này có phải là nơi bà Hillary nảy ra ý định hết chồng thì đến vợ, sau nữa là con gái, ta sẽ làm tổng thống Hoa Kỳ. Nhưng nó rất tiện để uống bia lạnh ngay bể bơi, kéo dây điện đèn và đi 100 bước là tới cảnh hoang vu mịt mù! Thì điện ảnh mà, cái gì cũng phải tính, dây kéo đèn và máy phát điện. Thì điện ảnh mà, cái gì cũng dàn dựng, trên hình xem trùng điệp, chứ nhích máy sang 5 độ thì lồ lộ resort 5 sao lấp lánh đèn. Tại Chiang Mai là toán tiền trạm. Kể cả tôi, tổ chỉ có 3 người từ Bangkok lên, thêm tài xế là người địa phương đưa đón. Cô trợ lý sản xuất trẻ rất siêng năng cần mẫn, sống với 11 con chó. Tính bạn này không không có õng ẹo gì cả, oong đơ cắn bút mà làm thôi. Người thứ nhì là một anh chuyên gia “cây xanh” đi đâu cũng diện cái áo phông “A Bright Shining Lie” (Việt Nam mình dịch là “Lời nói dối tỏa sáng), chẳng hiểu anh có mấy cái giống nhau mà ngày nào anh cũng mặc một cái. Đây là phim về Việt Nam cũng quay ở Thái, tức là “Thái giả Việt Nam”, mà anh mới vừa cộng tác xong. Vì cảnh Chieng Mai là cảnh rừng núi nên anh đi theo, tuy có hơi thừa thãi. Việc của anh là xếp đặt cây cảnh, cần lục bình trôi nổi thì anh lôi lục bình ở trong túi anh ra. Thí dụ, có một xen phục kích trong rừng. Một bên là diễn viên thì một bên là máy, diễn viên di chuyển gầm gừ tay súng thì máy chuyển theo gầm gừ ống kính. Vậy là phải quang lối cho máy, đến chỗ nó quang quá là quang, thì phải đặt cây giả vài cành cho nó lớt phớt chạm vào đầu kính chứ. Dạo ấy, đầu thiên niên kỷ, phim còn làm bằng phim nhựa, dự tính là ngoại cảnh quay khổ super 16 cho gọn nhẹ, cái Aaton Mini coi rất dễ thương so với máy 35mm nhưng cũng mấy kilô, có khi traveling còn phải đặt đường ray chạy trong rừng đẩy cái xe bé bé, gặp quay phim khó tính là tổ 3 người, phải có chỗ cho họ làm việc. Chuyện vui điện ảnh khi nói đến đường ray xe quay: trong cảnh họp đầy đủ 7 chàng võ sĩ đạo trong kiệt tác “The Seven Samurai” của Kurosawa, máy động đúng một vòng tròn 360 độ. Động máy kiểu này là lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh, nhưng bạn nào tinh mắt sẽ thấy một khúc rai đặt ở dưới đất lòi ra trên hình. Tôi đi chọn cảnh, cô trợ lý thì lo tính đoàn ăn ở thế nào, bãi xe cách bao nhiêu mét, điện vào đến đâu, và giấy phép nếu cần của chủ đất hay công viên nhà nước. Anh cây xanh thì đứng ngắm, hỏi máy đặt hướng nào và hí hoáy họa đồ. Ở giai đoạn này, việc của anh chưa hẳn là cần thiết nhưng biết đâu anh là bà con của cô vợ mới cưới của giám đốc sản xuất Thái và đằng nào họ cũng phải trả lương tháng cho anh thì gửi anh theo cho nó thêm vui thôi. Thừa chẳng có sao, và các nhân viên này là của đối tác Thái, do họ xếp đặt, tôi không có ý kiến. Sáng dậy sớm, ăn chung rồi lên xe rong ruổi, trưa ăn chung, về đến khách sạn là cũng một ngày 12 tiếng họ làm việc rồi nên tôi chia tay cho họ nghỉ. Tôi ăn tối riêng mình tôi và suy nghĩ, sau đó lang thang làm việc tiếp, nếu có gì hay ho khám phá ra trên phố lúc tản bộ thì cho họ biết vào ngày hôm sau. Mỗi tối tôi tìm một nơi chưa đến, vừa ăn vừa quan sát, làm phim nó khổ thế, nuốt cũng không yên. 10 giờ đêm thì tôi đi bar hay vũ trường, tất nhiên là những nơi có thể dùng trong phim được. Đến đó, tôi ngồi một chỗ mắt láo liên, tưởng tượng ánh sáng, góc kính gì đó, mắt thì mơ màng, miệng thì lẩm bẩm (“Bắt đầu!”). Chị em chỉ cần thấy dáng tôi ngồi là không dám xun xoe hỏi đến, tưởng là thằng điên đang thất tình, thôi để mặc nó yên. Hỏi nó me love you short time (đi khách ngắn), dám nó nhe răng ra cắn. Cái vũ trường rất lớn, dạng xập xệ quá đát của thập niên 70. Thì phim tôi là thời điểm tháng giêng 1975 tại Sài Gòn, chỗ nào tân kỳ quá thì khó mà ngụy trang cho phù hợp. Nó có tới vài trăm khách địa phương, đủ loại, nhân tình các cỡ, bạn bè công sở, chứ không phải là hộp đêm gái gọi của Tây. Tuy nhiên, hộp đêm nào thì chẳng có gái hành nghề đợi khách, duỗi chân dài ra đài các, thường là gần phòng vệ sinh, tại vì nơi đây có ánh đèn để nhìn rõ mặt mày. Tối hôm đó mươi cô nhốn nháo chị em, kẻ lại môi son và tôi lại má phấn, ngồi túm tụm nói chuyện gẫu. Tôi lại bar lấy nước, xong tránh các cô, đến ngồi một chỗ khuất cho yên, bên cạnh chỉ có vài ba anh đang duỗi người ra thầm lặng. Vị trí này rất chiến lược, nó ngoài vòng huyên náo và cho phép quan sát như là pháo thủ đề lô (De Liaison Officer, DLO, sĩ quan tiền sát pháo binh), tỉa tia nhìn tứ tán mà không ai phiền nhiễu tới. Tôi giữ nguyên vị trí đó cả buổi, chăm chỉ mà đặt hồn vào công việc. Nếu sau này, bộ phim “Sài Gòn thứ Bảy” của tôi có thực hiện, thì ắt sẽ có một xen như sau: Một ông trung niên mặc đồ đại cán xám, đeo kính và mặt giống như thủ tướng Cam Bốt Hun Sen từ phòng vệ sinh ra, rút cái lược và chải lại mái tóc có xoa dầu một cách máy móc nhưng có khéo léo và tự mãn. Cánh cửa phòng vệ sinh khép lại, ánh sáng từ bên trong đi ngang qua khuôn mặt và đi ngang hành động “đời tôi trang điểm” này. Không cần mắt giả như Hun Sen nhưng cần kính gọng sắt loại dầy thì nó mới hắt chút sáng chạy chạy. Đây là một nhân vật quần chúng vô tội vạ, chẳng có vai gì trong bộ phim, chỉ là nét phác phảng phất của bầu không khí. Trong trường hợp này, chắc phải gọi casting director là Non vào lúc 2 giờ sáng, và thầm thì, không phải là “Tôi không ngủ được”, nhưng mà là « Tôi cần 1 trung niên giống Hun Sen. Chột mắt”. Cả một buổi ngồi này, tôi chỉ chớp được có vậy. Tôi đứng dậy. Anh thanh niên ngồi cạnh tôi tự nãy giờ mới nói với tôi gì đó. Tôi không hiểu tiếng Thái, khiến anh phải giải thích “Thế ra anh là người nước ngoài. Nãy giờ tôi cứ tưởng anh như tụi này đến đây ngồi đợi khách ! Cả buổi mà chẳng có ma nào đến nhìn!” Thì ra tôi ngồi ở khu vực dành cho trai bao! Giờ thì là trai bao đồng tính, khác tính hay lưỡng tính, có khách thì đi không phân biệt, tôi chẳng biết được. Nhưng trong tôi nổi lên một niềm hãnh diện lâng lâng (chứ gọi nó là vô biên thì hơi quá). Tôi chỉ sang phái đồng nghiệp nữ còn 5,7 cô đang ngồi ngáp vặt. Nếu các cô là người Việt thì đã đang chồm hổm mà binh tá lả chứ không có ở đó mà duỗi chân ra duỗi chân vào. “Thì các bạn nữ cũng vậy, đâu phải riêng mình, có khách nào đâu!” Thoáng qua trong đầu tôi ý định vớt một cô về làm phước và để đức cho con cháu, cái cô trề môi đang nhìn tôi câng câng, mặt thấy mà ghét. Nhưng mai 6 giờ là tôi đã phải dậy, gật gà trên xe lúc lắc những đường làng trong khi nghe cô trợ lý nói chuyện về mấy con chó. Đó là bổn phận và trách nhiệm của đạo diễn. (Còn tiếp phần 3: Joey Luna tháo vát và ấm áp) Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
|
|
|||||||||||
|