Điện ảnh

Bài 1 – Nhật ký (không) làm phim: nhớ Non nhân xem Two Brothers  13 January, 2021

Tôi lên cơn sốt, đứng dậy rồi lại nằm cả sáng cả trưa.

Vào cỡ 15 giờ có việc định ra xe mà mệt quá, hoa mắt, bèn vào nằm trở lại, sao thì cũng không đi đâu được, nào ngờ mê man luôn tới 19 giờ.

Nghe như có tiếng mèo gọi, mở mắt ra trên màn hình đặt trước giường có hai con cọp. Đây là cọp con, trong phim “Two Brothers” của Jean-Jacques Annaud, bèn xem, cũng cute, trời, dễ thương hết biết nghe. Phim xong vẫn còn lơ mơ sốt, mới nhớ lại vài mẩu chuyện bèn quyết định từ giờ ghi lại, trước sau gì thì cũng chết (ho húng hắng), lỡ hôm nay sốt luôn không… tỉnh lại thì uổng quá.

*
Trong thời gian 1998-2003, tôi có tham vọng làm phim trong khu vực Đông Nam Á nên đi lại Thái thường xuyên, đến độ mỗi bận check-in là nhân viên hàng không ở Don Muang bảo, ông phiền đợi tí nhé và nhắc máy gọi điện lên cấp trên. Tôi chẳng phiền gì vì mỗi bận như vậy là được Royal Air Thai đá lên khoang thương nhân, duỗi chân ra mà ngủ. Chặng đi thì không bao giờ được lên cấp miễn phí, chẳng hiểu sao mỗi bận về đều được như vậy.

Hôm nay xem hết phim, đến đoạn credits cuối mới nhớ lại là có quen biết một bạn tên Non, là giám đốc tuyển diễn viên phần Thái trong đoàn phim của “Two Brothers”. Bộ phim này tuy phát hành năm 2004 nhưng tiền kỳ, bấm máy, quay lại gì đó cộng lại mất vài ba năm để thực hiện, và từ 4 con cọp trong phim phải dùng đến 28 con, nhập từ Pháp sang Cam Bốt, vì lên hình thì cọp nào cũng như cọp nấy.

Chuyện hai anh em nhà họ Hổ, quay tại Cam Bốt

Non cộng tác với phim “Two Brothers” trong việc tuyển các vai địa phương và quần chúng, đưa từ Thái sang bên kia biên giới. Điện ảnh Cam Bốt lúc đó chưa có nền tảng kỹ thuật và chưa có nền tảng gì hết, nên chuyện gì cũng phải qua Thái Lan, từ diễn viên đến đạo cụ, máy móc. Tuy họ có đắt hơn nhưng biết cách làm việc, và thời gian với một đoàn phim chính là tiền bạc.

Dạo ấy Non ngoài 30 gần 40, là mẹ đơn thân của một cậu con 15 tuổi. Đó lại là vào một dịp Songkran (Hội té nước và Tết đầu năm của người Thái), đứa con Non bị cảm sau cả ngày đi té nước nên mẹ con Non ở lại Bangkok không đi đâu. Dịp lễ hội thế này, dân thành phố hay ra ngoài hết, về quê hay đi chơi, kẻ Pattaya người Phuket và công việc bị đình trệ; khô ngày giỗ cha, ướt 3 ngày té nước. Tôi thân thêm với Non là nhờ thế. Việc là cô giới thiệu cho tôi mấy vai diễn, trong đó có một bạn ca sĩ làm “đại sứ” cho thuốc gội đầu nhưng đại sứ này không gội đầu ở Bangkok vào dịp Songkran bằng nước té mà đi ra biển gội bằng nước mặn.

Vậy là sau khi cho cậu con uống thuốc, tôi và Non lân la trong một thủ đô tự nhiên dễ chịu hẳn vì vắng người, những con đường thênh thang thì thầm lá me. Chuyện về “Two Brothers” cô kể, là vì lý do gì thì tôi không còn nhớ, cả đoàn phải cấp tóc hồi hương về Thái vì biến hay thiên tai bão lụt gì đó tại Siem Reap. Cái tôi còn nhớ là khi đó nhạc xập xình quán rượu, có cô ca sĩ Philippines gào “Put me up, put me down, put my feet back on the ground! Ayayaya Coco Jambo ayayaii!” trong nhà hàng Italy trên New Pechtburi Road, ăn pasta, tươi hơn là London trong những thập niên trước của ông Paul Krugman, người đoạt giải Nobel kinh tế. (Ông này có mộy bài viết ngắn rất hay phân tích lý do tại sao nước Anh ẩm thực dở cho đến cuối thế kỷ 20. Nói tóm tắt, theo Krugman, đó là bởi vì Anh Quốc phát triển về kỹ nghệ sớm và bởi hoàn cảnh địa lý, xã hội của hòn đảo lớn này, cho nên mãi sau này mới có pasta tươi!)

Cũng nhờ cô Non này mà một bận khác tôi được biết một bà công chúa, chánh chủ khảo một cuộc thi hoa hậu Toyota, có Non là thành viên trong ban giám khảo. Bà này lúc trẻ học nội trú tại Thụy Sĩ, còn nói được tiếng Pháp nên rất quý tôi. Bà nghe nói tôi đi Chieng Mai bèn giới thiệu cho một cô công chúa đàn em khác ở tại đó. Cô này mời tôi đến nhà cô ở, sẽ giới thiệu tỉnh trưởng địa phương để dễ dàng cho tôi việc dựng máy! Nhưng rất tiếc là cuộc đời nghệ sĩ thứ bảy của tôi không đến đâu, chứ đến đâu biết đâu tôi đã gặp được tạng mẹ nuôi, anh nuôi của Lý Nhã Kỳ ở Philippines hay là Indonesia, nếu cứ tiếp tục thăng tiến như vậy.

Hai con hổ trong “Two Brothers”

Cũng vào thời điểm đó, Vương Gia Vệ có quay một phân đoạn của “In the Mood for Love” (2000) tại Cam Bốt. Đây trong phim này, là lúc Lương Triều Vỹ cầm tình thư thủa ấy nhét vào một bức tượng ở Angkor. Non có cộng tác tuyển diễn viên cho Vương Gia Vệ. Ông này quay phim chỉ cần đề cương đại khái, hứng đến đâu ông quay đến đó, hết hứng thì ông chữa lại kịch bản và thêm thắt vào câu chuyện. Đó là kiểu của ông.

Một cảnh Hong Kong của bộ phim “In the Mood for Love”

Vào lúc 23 giờ ở trong bar, với cô Philippines gào thét Coco Jambo làm nền, Non ngồi kể cho tôi nghe là một đêm vào lúc 2 giờ sáng, đạo diễn gọi điện cho cô bảo:

Tôi cần hai cô điếm, khỏa thân!

Tất nhiên, đây là công việc, ý của Vương Gia Vệ là cần hai diễn viên nữ đóng vai gái điếm khỏa thân vào ngày hôm sau. Và giữa đêm thao thức, chàng mới nghĩ ra nhu cầu điện ảnh này! (Phần tôi nhờ lúc đó uống Margarita buốt lên đến tận óc nên trong một lần hiếm hoi nhanh trí tôi nói ngay: “Non khỏi lo. Nếu 2 giờ sáng mà tôi cần đến hai cô điếm khỏa thân thì tôi biết tìm ở chỗ nào rồi chứ sẽ không gọi Non dậy!”)

Non là người nghiêm túc công việc, nghe thấy thế, cô không cười mà nét mặt nghiêm lại. Nhanh trí chỉ tổ lỡ lời chứ được gì. Non không thích những chuyện đùa như vậy. Chuyện đùa phù hợp với tạng cô là “In the Mood for Love” có đến hai quay phim, Christopher Doyle và Lee Bing Ping. Tôi đố Non biết cảnh nào là ai quay? Cô suy nghĩ theo kiểu nghề nghiệp, theo phân đoạn logic của các cảnh thì Chris quay các cảnh trong phim trường Hong Kong, Lee thì là ngoại cảnh Singapore?

Tôi bảo, sự thực dễ đoán hơn nhiều. Cứ cảnh nào mà hình run run là do Chris cầm máy!

Non không hiểu, tôi giải thích là Chris nghiện rượu và đưa tay ra làm động tác run run cho cô thấy. Lúc quay bộ phim, anh này chè chén lè nhè đến nỗi phải thay anh bằng ông Lee. Khi ấy Non mới chịu mỉm cười, nhưng những chuyện tiếu lâm điện ảnh thì tôi chẳng có bao nhiêu, mà ngược lại là những chuyện buồn phiền và độc giả nào thích nước mắt thì hẵng nên đọc tiếp.

*
Giờ đây, tiếp theo “Two Brothers” thì phim truyền hình tôi đang trùm chăn nằm trên giường xem là xê-ri Mỹ “Law and Order”.

Vào năm 1990, nhà sản xuất cho dự án phim “Sài Gòn thứ Bảy” của tôi là người từng làm việc và thân với diễn viên Sam Waterston trong một bộ phim tại Nga (“A Captive in the Land”). Ông này nảy ra ý dụ dỗ Waterston sang Philippines đóng một vai trong 4 ngày thôi để bảo trợ cho dự án “Sài Gòn thứ Bảy”. Tôi phải ngồi viết lại vai và kịch bản cho phù hợp với diễn viên top này và lịch quay tối thiểu cho phần tham dự của Waterston. Tôi thì dễ thôi, tự nhiên đâu lòi ra một nhân vật Mỹ già thì tôi chèn ông vào chứ có sao đâu, và sau này có trở thành một ông Pháp già, một cô Pháp trẻ hay gì gì tôi đều chèn được hết, 3 cảnh hay là 7 cảnh, miễn sao là các tên tuổi này giúp phim gây được quỹ thực hiện. Tôi là nghệ sĩ dễ tính, chắc vì thế mà đến giờ phim chưa thành. Nghệ sĩ thì phải khó tính chứ!

Phim truyền hình “Law and Order” là phim nhiều tập dài kỷ lục ở Mỹ, 20 năm liên tục. Sam Waterston là người đứng đầu bên phải.

Sản xuất cất công sang Mỹ, nói năng thế nào mà lịch của Waterston 4 ngày không được, 3 ngày cũng không, vì ông vướng đêm vướng ngày với “Law and Order”. Vậy là dẹp chuyện ông này, ta bày keo khác. Nói chung, đây là việc của sản xuất, miễn sao phim làm được thì thôi, Tây già bụng phệ hay là Ngọc Trinh vòng eo 56, cần đến họ thì tôi vẽ cho đi qua đi lại, chẳng hại gì.

*

Như vậy, hôm nay là một ngày ốm buồn, bật TV lên toàn những kỉ niệm thất vọng. Mỗi lần thấy mặt Waterston mình lại rủa thầm số mệnh. Nhật ký làm phim hay đúng hơn, “Nhật ký không làm phim”, thì còn dài.

(Còn tiếp, bài 2: “Niềm tự hào tại quán bar”)

Ý kiến - Thảo luận

adminweb says:

Khi nào bác viết thêm về cô công chúa Thái trong bài đi.

1 bình luận trong “Bài 1 – Nhật ký (không) làm phim: nhớ Non nhân xem Two Brothers ”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả