Chính trị

Bác tài Bashar và cuốc xe Ghouta 4 July, 2024

Sáng Ánh

Người đàn ông ung dung cầm lái chiếc xe con bằng một tay trên phố. Ông đeo kính mát và mặc áo sơ mi không cài nút cổ, vừa điều khiển xe vừa nói chuyện trên đường đến Ghouta, ngoại ô Damascus. Nhưng bạn này không phải tài xế Uber hay Lyft mới vào nghề ở một quốc gia có đến 50% thất nghiệp, mà là Tổng thống “bất đắc dĩ” của Syria từ 17 năm nay. Ghouta là thành đồng của các lực lượng phiến loạn từ 2012 và vào ngày 18.3.2018 mới được quân đội nhà nước “hoàn toàn giải phóng”, bằng chứng là ngay cả Tổng thống còn tự lái xe Honda Civic một mình như trên hình để vào thăm.

Có bằng bác sĩ, có bằng lái xe và có kính mát, Bashar Al Assad lại có cả cử tri tín nhiệm nhưng hơi thụt lùi chút xíu (2000: 99,7% số phiếu; 2007: 97,6%; 2014: 88,7% đủ xài rồi). Video ở đây

Có bằng bác sĩ, có bằng lái xe và có kính mát, Bashar Al Assad lại có cả cử tri tín nhiệm nhưng hơi thụt lùi chút xíu (2000: 99,7% số phiếu; 2007: 97,6%; 2014: 88,7% đủ xài rồi). Video ở đây

Syria thuộc khu vực là cái nôi của văn minh nhân loại, nơi con người bỏ săn bắn và lang thang để phát minh nông nghiệp, trồng trọt tại Lưỡng Hà (“Lưỡi liềm sung túc”) cách đây 11.000 hay 12.000 năm trước. Các thành phố cũng bắt đầu xuất hiện là tại đây và Iraq, thủ đô Damascus được coi là thành phố cổ xưa nhất thế giới có cư dân liên tục, từ thiên niên kỷ thứ nhì trước Công nguyên (3500 năm nay). Lịch sử của khu vực này là lịch sử của nhân loại, và con đường tài xế Bashar Al Assad bẻ bánh lái đã trải qua bao biến cố, từ con chó con cừu hay lạc đà, con bò được thuần hóa đến phát minh chữ viết (tại Sumer), từ buôn bán gia vị và tơ lụa đến vó ngựa Mông Cổ. Nhưng bác tài này không hướng dẫn lịch sử xa xưa, anh chỉ nói là kiểm soát Ghouta và mở lối phi trường là một luồng sinh khí cho chế độ do anh đứng đầu đấy chứ còn ai nữa.

Thành phố Ghouta ở ngoại ô Damascus dưới bom, ảnh ở đây

Thành phố Ghouta ở ngoại ô Damascus dưới bom, ảnh ở đây

Dưới thời bảo hộ Pháp (Ủy nhiệm bởi tiền thân của Liên Hiệp Quốc năm 1920), các quan tây dựa vào giáo phái Alawite là một hệ phái ly khai của nhánh Shia đạo Hồi. Đây là một giáo phái, không phải là một dân tộc, (dân tộc thì vẫn là Ả Rạp), và thiểu số, vào khoảng 10% dân số tại Syria ngày nay. Người Alawite thường nghèo và được mộ làm khố xanh khố đỏ bởi mẫu quốc để cai trị đa số giáo phái Hồi Sunni. Có lúc, Pháp đã định thành lập một quốc gia riêng biệt cho họ, như Lebanon được thành lập cho riêng người Ả Rạp Kitô giáo. Nhưng lập quốc gia riêng thì lấy lính đâu mà cai trị cả Syria, nên vào ngày độc lập quốc gia, nếu chính trường là do người Sunni lãnh đạo thì nòng cốt của quân đội thoát thai từ thời Pháp là người Alawite. Trong thập niên 70, khi quân đội nắm quyền thì thành phần giáo phái này trở thành chủ chốt tại đất nước. Trước đa số Hồi Sunni (75%), họ được sự ủng hộ của các thiểu số dân tộc (Kurd, Turcoman, Assyrian…) và các thiểu số tôn giáo khác (Kitô, Druze). Tướng Hafez al Assad dần dà thống lãnh và đời người có hạn, trước khi chết đi thì ông lo để lại đất nước cho con.

Nghĩa quân chống Pháp 1925 tại Ghouta, bên trái có 2 phụ nữ. Năm 1920, Pháp đuổi Hoàng đế cuối cùng của Syria là Feisal. Ông này sang Iraq làm vua ở bên đó vậy. Ảnh ở đây

Nghĩa quân chống Pháp 1925 tại Ghouta, bên trái có 2 phụ nữ. Năm 1920, Pháp đuổi Hoàng đế cuối cùng của Syria là Feisal. Ông này sang Iraq làm vua ở bên đó vậy. Ảnh ở đây

Vai này về cậu cả Bassel al Assad. Nhưng thay vì điềm tĩnh tay lái như cậu ba Bashar Honda Civic thì Bassel thích phóng xe Mercedes. Cậu bị tai nạn chết, và bác sĩ nhãn khoa Bashar đang tu nghiệp tại London bị bố gọi về tập việc làm lãnh đạo Syria. Năm 2000, khi đăng quang vào tuổi 35, ông là một người nhút nhát và thiếu quyết đoán, đổi mới kiểu vài centimét rụt ra lại rụt vào bên cạnh cô vợ Asma (còn được gọi là “Bông hồng sa mạc ”). Đằng sau ông còn có các chú các bác (theo nghĩa bóng), ông anh rể cầm an ninh quân báo, cậu em Mahar nắm vệ binh quốc gia và Sư 4 Cơ giới. Năm 2011, khi Mùa Xuân Ả Rạp nảy lộc tại Syria thì trong khi Bashar ngơ ngác, Mahar đích thân đeo súng vào đi dẹp loạn. Phe ủng hộ chính quyền, khi diễn hành trên phố 4 ngàn năm văn hiến Damascus, có câu hô khẩu hiệu “ Mahar nắm chính quyền – Bashar về bệnh viện ” !

Tháng 3, 2011, trước khi có biến, tạp chí Vogue hớ hênh đăng một bài tán tụng phu nhân tổng thống Bashar, gọi bà là “ 1 bông hồng trong sa mạc ”. Ảnh ở đây

Tháng 3, 2011, trước khi có biến, tạp chí Vogue hớ hênh đăng một bài tán tụng phu nhân tổng thống Bashar, gọi bà là “ 1 bông hồng trong sa mạc ”. Ảnh ở đây

Nội chiến Syria, tuy làm chế độ lung lay nhưng lại củng cố vị trí của Bashar trong chế độ này. Anh rể của ông bị đánh bom chết, em trai ông bán thân tê liệt và sau đó không ai thấy đâu nữa. Chị ruột ông bị Bông hồng sa mạc Syria đuổi sang sa mạc Dubai. “ Mỗi sa mạc chỉ có một bông hồng, chị sang đó mà nở hoa ” là lời bà đưa tiễn khi từ biệt. Đám bà con bên phía mẹ (họ Makhlouf) là vây cánh làm ăn của cậu em hùng hổ cũng mất vị thế. Mẹ ông sang Dubai ở với con gái. Cánh Makhlouf của mẫu hậu, cũng người Alawite, là cánh bố ông Bashar từng dựa vào để nắm quyền. Ông là tướng, nhưng tướng nhờ vợ chứ đừng có tưởng. Đến Maher cũng phải lấy vợ băng đảng Alawite. Bashar lấy cô Asma này là Syria-kiều Anh quốc, người Sunni chẳng có băng đảng gì hết nhưng ông nào cần. Chiến tranh và hoàn cảnh đã đưa cậu tổng thống miễn cưỡng vào vai chắc nịch.

Bashar gặp chống đối ngay trong phe Alawite và quân đội, ngay trong gia đình như đã thấy. Chế độ của ông không sập tiệm trước hết là nhờ tổ chức Hezbollah (Lebanon) đã gửi quân sang cứu giá trong lúc hiểm nghèo chứ quân đội Syria thì ích lợi gì. Hezbollah chẳng ưa gì Bashar hay Alawite (đây là một giáo phái ly khai Shia vào thế kỷ thứ 9 tức là còn tệ hơn là người ngoại đạo). Nhưng Syria là con đường huyết mạch giữa phong trào Lebanon này và cha đỡ đầu của họ là Iran. Iran, sau khi thắng lợi tại Iraq nhờ Hoa Kỳ lật đổ Saddam, giờ lại ảnh hưởng lớn tại Syria qua Hezbollah và qua quân “ tình nguyện ” gốc Afghanistan do họ chỉ huy và tổ chức ở dưới đất. Trên trời thì nước Nga bị thất thế và khinh miệt trong khu vực có cơ hội để lấy uy tín lại bằng phi cơ vần vũ ném bom. Tóm lại, Bashar hiện nay vững không phải là nhờ quân đội Syria hay giáo phái Alawite. Ông lái xe con Nhật do Nga đổ xăng và nó chết thì Iran đẩy.

Sau khi chính quyền chiếm lại Palmyra, Nga gửi giàn nhạc giao hưởng đến hòa tấu tại di tích cổ vào tháng 5.2016, ảnh ở đây

Sau khi chính quyền chiếm lại Palmyra, Nga gửi giàn nhạc giao hưởng đến hòa tấu tại di tích cổ vào tháng 5.2016, ảnh ở đây

Trong 6 năm qua, trên dân số 22 triệu thì 480.000 thiệt mạng, 1,9 triệu mang thương tích. 540.000 người nửa sống nửa chết tại các khu vực bị vây hãm. Trên ½ dân số phải bỏ nhà lánh nạn, 28,6% (6,3 triệu) là tỵ nạn trong nước và 24,1% là tỵ nạn ở nước ngoài. Nếu số tỵ nạn 987.600 người tại Âu Châu là ngất trời (Âu) thì nó cũng chưa thấm thía gì so với các quốc gia trong khu vực. Turkey (80 triệu dân) có 3,3 triệu tỵ nạn Syria. Lebanon (4,5 triệu dân) có 1 triệu tỵ nạn Syria. Jordan (10 triệu dân), có 655.000 người. Iraq chưa ổn, có 250.000. Ai Cập chứa 126.000. Trong lịch sử lâu đời và dài hơi của khu vực, có thể nói đây là là một giai đoạn tức thở đáng kể nhất, kể từ khi Đại đế La Mã Aurelien hạ thành Palmyra (TK 3 trước Công nguyên) và bắt sống Nữ hoàng Zenobia. Bà này chắc có tìm đường đến sông Euphrates tự tử nhưng Palmyra giữa sa mạc và sông xa quá.

Ngày mai sẽ ra sao, chẳng ai biết được, chỉ chắc có một điều là đối lập Syria với 1000 lực lượng vệ binh khác nhau sẽ không thống nhất được để vừa lòng Tây phương, Turkey, Qatar, UAE. Giải pháp nào cũng sẽ phải qua Iran và Nga và trong tương lai ngắn, vài tháng hay vài tuần tới, bác tài Bashar sẽ vẫn an toàn trên phố Damascus mà đón khách.

 

29. 03. 2018

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả