|
|||||||||||||
|
Đi chơiOman: đàn bà đi may áo, đàn ông vào khách sạn làm gì? 23 April, 2024Sáng ÁnhXe đã rời thủ đô Muscat (600.000 dân cư) hơn tiếng đồng hồ, trên cao tốc và mỗi chiều 3 làn xe vắng ngắt. Bên đường vẫn có cột đèn cứ 50 mét lại một cái. Tôi hỏi anh lái xe hướng dẫn, thế chừng nào mới hết cột đèn? Anh ngạc nhiên. Cột đèn trên cao tốc băng đồi đá, băng núi, băng sa mạc sẽ đến tận miền Nam, Salalah, cách đây 1045 km, chỗ nào có đường thì có cột đèn thôi! Đây đối với tôi là một khái niệm lạ, vì ngoài những trấn thỉnh thoảng đèo heo ẩn hiện bên cạnh lộ, thì cần gì phải có cột đèn trên cao tốc, xe thì đã có đèn xe và đèn đường chẳng lẽ để nhìn thấy lạc đà băng qua? Nước duy nhất mà tôi nhớ có cột đèn soi cao tốc khắp nơi là nước Bỉ, diện tích 30.000 km2 và mật độ 376 người/km2. Ở đây diện tích là 309.000 km2 (ngang với Việt Nam) và mật độ là 15 người /km2. Tức là, mỗi km2 có 1 ông, 4 bà và 10 đứa con với lại 20 con cừu và 2 con lạc đà! Nói thế, bởi vì cứ kể đến Hồi giáo là không trật vào đâu, thế nào cũng có người hỏi về vấn nạn đa thê. Tôi chưa hề gặp một người Hồi nào 2 vợ nhưng tôi có bạn Việt, hai anh em là con của một ông hai bà ở chung nhà; và ông cố ngoại tôi có chính thức 5 bà thê và 2 bà thiếp. Nói đến chuyện này, việc đa thê được Thiên sứ đạo Hồi khuyến khích là vào thời chiến, để các góa phụ và cô nhi có người lo chăm sóc, là một nghĩa vụ chứ không phải là một đặc quyền. Tôi tiếc là tôi không trúng thầu xây dựng cột đèn tại đất nước 1001 cột đèn này. Nếu hợp đồng về tay tôi, cứ 50,5m tôi mới dựng một cái, ai đến đó mà đo nào, và như vậy ăn gian cũng được bộn tiền. Ở đây những chỗ đường băng qua núi hay đồi, hai bên đồi được cắt xẻ ra ngay ngắn, gắn đường thoát nước lót bằng đá rồi phun bê tông ra ngoài như là núi giả Disneyland, chỗ đồi nâu thì bê tông màu nâu, đồi xám thì bê tông màu xám để tránh núi bị lở. Việc này chưa hoàn tất khắp nước, nên trên 150 km tôi có dịp quan sát chỗ này chỗ kia đủ các giai đoạn của công trình. Oman là nước vùng Vịnh cũng có tiền, mức sống ngang Anh Pháp, và có nghĩa là mang chút mặc cảm thua kém Saudi hay các tiểu bá vương vùng Vịnh ở bên cạnh, UAE, Bahrein, Qatar, Kuwait. UAE là đứa hàng xóm, gì cũng có “nhất thế giới” v.v. nhưng chỉ có cát và biển. Oman có núi và 50 năm dưới triều vương Qabous (vừa mất tháng 1.2020) được coi là có một phát triển thông minh. Đây đầu tư vào hạ tầng và về đường dài, không có chọc trời cao nhất thế giới, đảo san hô nhân tạo hào nhoáng như các bạn. Nhà cửa ở phố không có cái nào được quá 8 tầng, ở thôn xã vẫn giữ vẻ truyền thống kiểu pháo đài con, có tường bọc sân ở 4 bên và ít cửa sổ vì nắng và cát. Những nơi giữa hoang vu này tất nhiên có điện nước, có cống rãnh, sóng phủ 4G và có mạng, trường học to như dinh thự và xe đưa rước học sinh. Về mặt xã hội, phụ nữ bị vương Qabous cấm che mạng nơi công sở, quốc gia có vài bà đại biểu quốc hội và vài bà bộ trưởng. Tuy chẳng là gì, nhưng vậy đối với các nước láng giềng thì cũng là trời vực. Người Oman rất hãnh diện với các khác biệt này tuy họ cũng nằm trong CGC (Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh). Họ quấn khăn đầu cũng khác các bạn, và vị trí về phía cực Đông của họ khiến buôn bán và giao tiếp của quốc gia trong lịch sử là về phía biển, tức là khu vực Ấn Độ và bờ biển Đông Phi. Thủ đô Muscat cách Balotchistan (Pakistan) 800 km đường biển trong khi cách Damascus (Syria) hay Baghdad (Iraq) là những trung tâm văn hóa Ả rạp những 2.500km đường sa mạc. Trong thế kỷ 15-16 đế quốc Oman lan sang bên kia bờ của Vịnh Ba Tư và đến tận Zanzibar (Tanzania), Mombasa (Kenya) ở châu Phi. Ngày nay người Oman da ngăm lai châu Phi vẫn nhiều. Tiếng Swahili, ngôn ngữ Đông Phi phổ biến bởi bài hát “Hakuna Matata” trong bộ phim Disney “Vua sư tử”, và tiếng Balocht được nhiều người sử dụng. Về mặt tôn giáo, Oman theo giáo phái Ibadite của Hồi, đứng ngoài cuộc tranh chấp giữa Sunni và Shia. Thế kỷ thứ 7, lập trường của giáo phái Ibadite trong việc thừa kế Thiên sứ là ai cũng có thể làm Giáo chủ, trong hay ngoài gia tộc của Thiên sứ, người Ả rạp hay người nước ngoài, trắng hay là đen. Việc đứng giữa can giả này cũng phản ánh thế đứng của Oman về mặt chính trị hiện nay, vô can giữa Saudi và Iran vì đó cũng là vị trí của Oman về địa lý. Oman xuất hiện trong lịch sử cách đây 26 thế kỷ như là một huyện lỵ của đế quốc Ba Tư. Trong thập niên 1970, vua Shah từng gửi quân Iran giúp dẹp loạn Dhofar đòi ly khai miền Nam. Hiện thì cũng thế, Iran có ảnh hưởng là ở đây, vì qua 2.600 năm, đế quốc Ba Tư, quân chủ Shah hoàng, hay thần quyền Shia thì cũng đều là… Iran cả. Nó vẫn lù lù ở bên kia eo biển Hormuz chứ không có nhúc nhích hay dọn nhà đi đâu. Như vậy về lắm mặt, Oman là một quốc gia vùng Vịnh khác với Saudi sắt đá hay UAE vênh váo, tiền thì Oman cũng có đủ tiêu dùng và chẳng cần gì mà phải nổi bật. Ở đây đời sống trung lưu bình thường, phố thôn phố xã không có cửa hàng LV và tìm giỏ Hermes phải lên tận thủ đô cơ. Các bà các cô rủ nhau đi may áo dài ngoài chợ huyện trong khi các ông phi Toyota Prado trên cao tốc đi tìm khách sạn 3 sao. Khách sạn tôi trọ tại trung tâm Muscat, phố Al Khuwair, thuộc vào loại tầm tầm và chẳng to lớn gì nhưng lại có một nhà hàng mở cửa 24/7 trong khi các vườn hút shisha và hàng quán chung quanh cỡ 2 giờ đêm là dọn bàn ghế. Đây rất nóng, ban ngày vào mùa hè có thể lên đến 48 độ, mùa đông là 25 độ nhưng nhịp sống vì thế là về đêm, kiểu lữ hành di chuyển trong sa mạc tránh đi vào ban ngày làm gì cho nó thêm khát nước. Nhưng tại sao các khách sạn lại có quán mở cửa 24/7? Rượu ở đây chỉ được bán trong các khách sạn và đây có khi là thu nhập chính từ người địa phương ở quanh quẩn trong vùng chứ chẳng phải là du khách đến trọ từ phương xa. Trong khi 4 bà rủ nhau đi may áo thì ông đi nhà nghỉ. Đây không phải ông hẹn cô thứ 5 nào đó mà là ông uống rượu Arak với các bạn và xem bóng đá. Ngoài chuyện giới hạn bia bọt ra, một điểm tương đồng với khu vực là Oman rất đông người lao động nước ngoài. Nếu số người ngoại quốc tại Qatar, UAE là 88% dân số, đến nỗi ra đường không bao giờ gặp người bản xứ, thì tại Oman lao động nước ngoài chỉ có khoảng 40% thôi. Chính sách của vương quốc là thúc đẩy người bản xứ tham gia lao động, thay vì ngồi nhà làm thơ và xem 4 vợ thi nhau múa rốn. Phụ nữ cũng được khuyến khích về mặt này, 35% lực lao động là phụ nữ và nếu Saudi mới cho phép đàn bà lái xe thì ở Oman họ bị cấm che mạng khi lái xe, đeo kính mát thì OK, không nhất thiết là phải hàng hiệu như là tại UAE. Tuy vậy, cửa hàng, nhân viên phục vụ rất nhiều người Ấn Độ rồi đến Philippines. Nhắc lại, cả khu vực Trung Đông trong thập niên 70 rất nhiều người lao động Hàn Quốc và đóng góp của họ vào kinh tế Hàn bằng kiều hối từ Trung Đông đã làm nên Hàn Quốc ngày nay. Sa mạc thì ở đâu cũng vậy, uống café Trung Đông (chứ không phải là Trung Nguyên) ở trong lều, rồi đi cỡi lạc đà hay cỡi ngựa. một bận ở Jordan, hai em nằng nặc dắt ngựa theo đứa con tôi một quãng dài để cho thuê nhưng vô ích. Em này bèn nói với em kia, tao đã bảo mày rồi, tụi này là khách Mông Cổ, ở nước họ đi ngựa cả ngày, chẳng lẽ sang đây lại thuê ngựa của mình! Ở nước tôi, tôi không cỡi lạc đà mỗi buổi, nhưng con này tôi cũng chẳng thích. Điều tôi thích là ngồi nhìn hoàng hôn xuống trên biển, và điều này, ở Muscat có bãi Qurum, sóng rì rào tuy màu xanh của nước là màu xanh rong biển.
14. 03. 2020 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
|
|||||||||||
|