Chính trị

20 năm, 2 giải Nobel Hòa bình phương Tây đã trao lầm? 23 February, 2024

Đỗ Kh.

Từ cái chết của cô Amini…

Bà Narges Mohammadi. Hình từ trang này 

Giải Nobel Hòa bình năm 2023 được trao cho bà Narges Mohammadi, 51 tuổi, người Iran. Bà hiện đang trong chế độ giam giữ và từng bị kết án 5 lần với tổng cộng 31 năm tù và 154 roi (chưa thi hành) về nhiều tội danh chống phá. Việc trao giải này xảy ra một năm sau các vụ biểu tình phản đối cái chết của cô Mahsa Amini, 22 tuổi, là một thiếu nữ tử vong tại bệnh viện sau khi bị công an đạo đức bắt giữ vì không đeo khăn che tóc. Cái chết của cô Amini đã gây ra nhiều cuộc biểu tình khắp nước khiến có lúc truyền thông Tây phương cho rằng thần quyền sẽ nhân đó mà bị lật đổ. Điển hình là mới đây, tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc, đại sứ Israel cầm bảng có ảnh cô Amini gây rối trong khi tổng thống Iran đang đọc diễn văn khiến đại sứ này bị an ninh trục xuất khỏi phòng đại hội.

Biểu tình sau cái chết của cô Amini. Hình từ trang này 

Cô Amini là người dân tộc Kurd, một dân tộc thiểu số ở Iran đòi quyền tự quyết rộng rãi hơn tuy tại Iran họ không có tổ chức vũ trang như tại 3 nước láng giềng là Turkey, Syria và Iraq. Từ 44 năm nay chính quyền tôn giáo ở Iran là cái đinh nhức nhối của Tây phương và họ tìm cách khai thác mọi mâu thuẫn để lật đổ chế độ thần quyền. Vụ cô Amini nằm trên hai trục khai thác được, là vấn đề dân tộc và trước hết là vấn đề nữ quyền.

Tóm tắt sự cố, cô Amini từ quê cô lên thăm thủ đô. Cô bị công an đạo đức bắt giữ vì không tuân thủ lệ bắt phụ nữ phải che tóc. Trên xe của công an và tại trụ sở cô bị đánh đập và ngược đãi (?) Công an mang cô nhập viện và cô qua đời tại viện vì chấn thương lúc bị đánh hay vì bị đau tim? Lúc lên 8 cô từng bị giải phẫu một cái u trong óc và vì vậy theo chính quyền cô chẳng may qua đời thôi. Tại quê cô, tức khu vực Kurd, nổ ra bất mãn rầm rộ trên căn bản sắc tộc khiến nhà nước phải khóa internet. Phản đối khắp nước trên căn bản nữ quyền khiến nhà nước phải nhân nhượng, phủ dụ và giải tán công an đạo đức. Số người chết trong các cuộc phản đối này lên đến 185 (?) khiến Tây phương hy vọng chế độ sập đổ. Nhưng chế độ năm 2022-2023 không vì thế mà sập đổ và cái chết của cô Amini giúp phụ nữ tạm thời được dễ thở hơn. Khăn che tóc hiện nay không còn bắt buộc hay chí ít lơ là. Công an đạo đức không thấy hung hăng ngoài phố nữa.

… đến “cái gai” Iran

Tại sao Iran lại là vấn đề đối với Tây phương Âu Mỹ nói chung và Israel nói riêng tại khu vực, khiến đại sứ Israel tại Liên hiệp quốc tháng qua đòi “Tự do tức khắc cho phụ nữ Iran”?

Đây là một quốc gia có tài nguyên dầu hỏa và hoàn toàn phụ thuộc vào Tây phương trước 1979. Quốc vương Iran và chế độ quân chủ chuyên chế được Tây phương coi là mẫu mực và bênh vực, ca tụng. Nữ hoàng tha thướt là thành viên Hàn lâm viện nghệ thuật Pháp và đến Paris mua sắm rất là có “gu” cho nên phụ nữ Iran không có vấn đề bình quyền. Chồng bà một hôm phát hiện ra quân lực quốc gia về số chiến xa là hàng 5 trên thế giới, chỉ sau mỗi Tây Đức; ông bực mình bắt phải mua thêm cho được bằng người. Ông mua ở đâu? Ông mua ở Tây phương nên ông muốn gì có đó! Iran lúc đó tựa như Saudi ngày nay nhưng danh giá hơn và “văn minh” hơn các bạn lạc đà sa mạc. Nhà vua cũng lợi ích hơn, hợp tác với Israel trong khu vực và mang quân dẹp loạn hộ Anh quốc tại Oman.

Trong khi mọi việc đang tốt đẹp với Tây với Mỹ như thế thì ông bị quần chúng lật đổ! Đây không phải là cách mạng quốc gia chủ nghĩa vì phong trào này năm 1953 sau khi thắng cử đã bị CIA lật để giúp quốc vương lên ngôi trở lại. Đây cũng không phải do phong trào xã hội chủ nghĩa nào vì phong trào này đã bị quốc vương tận diệt trong thời gian ông cầm quyền. Đây là do một thày Hồi là giáo sĩ Khomeini dùng tôn giáo khơi được lòng tự trọng, tinh thần quốc gia dân tộc và bảo vệ tài nguyên. Tinh thần này là bảo thủ xã hội và “về nguồn”. Tinh thần này thường vẫn được Tây phương ưa chuộng như trong trường hợp Saudi chẳng hạn. Bảo thủ là tốt, là rất tốt. Hồi giáo khắt khe là tốt, như trong trường hợp Afghanistan chống Liên Xô vô thần hay quân phiệt Indonesia tàn sát Cộng sản. Nhưng bảo thủ và tôn giáo chống Mỹ thì không được. Cho nên Tây phương lập tức khai thác vấn đề phụ nữ và vấn đề tôn giáo tại Iran trong khi không đả động gì đến vấn đề đó tại Saudi và vùng Vịnh một mực phục tòng.

Ayatollah Khomeini, ở giữa, phát biểu tại Tehran, Iran, vào ngày 1. 2. 1979. Hình từ trang này 

*
Khác biệt giữa Saudi và Iran còn khiến Tây phương đau đớn hơn nữa. Tuy phục vụ Tây phương và phục tòng nhưng Saudi là thằng mọi khó coi và dạng gia nhân bẩn, khách đến nhà gọi nó ra rót nước (rót dầu hỏa) thì mình cũng hơi ngượng. Thằng Iran thời quốc vương ra hầu thì ôi thôi sang trọng khiến chủ được hãnh diện. Nó biết tiếng Tây và đày tớ nhà tôi có bằng IELTS! Trong thập niên 30, vua Iran đã tìm đủ cách Tây phương hóa quốc gia. Ông đổi tên nước từ Ba Tư (Persia) thành Iran cho nó nghe gần gũi. “Iran” là gì? Là người “Aryan” da trắng mẫu mực của Quốc xã đang thịnh hành vào thời đó! Ông cấm phụ nữ che mặt và công an của ông giật khăn của các cô các bà ngoài đường. Việc này cũng như công an dàn ra trên đường đi chùa Hương tịch thu giải yếm đào và nón quai thao! Khăn che mặt che tóc của phụ nữ là truyền thống của khu vực và là văn hóa của dân tộc. Nhiều người xấu hổ bèn tốc váy lên đầu để che mặt và che tóc tuy phải hở mông ra!

Con trai vị này tiếp tục con đường Tây phương hóa đó tuy không hẳn vì vợ ông phân biệt được Gucci và Vuitton mà phụ nữ Iran được giải phóng. Con đường này còn gây ra một phản ứng ngược lại nơi quần chúng. Tôn giáo và truyền thống là chỗ dựa của tinh thần quốc gia và dân tộc, là độc lập với ngoại bang và làm chủ tài nguyên. Như vậy, mặc đồ đen và che tóc là không chấp nhận nước ngoài định giá và định số lượng sản xuất dầu. Tây phương chẳng lẽ công khai chuyện họ cướp tài nguyên của Iran, bèn nhắm phê bình vào việc mặc đồ đen và che tóc của phụ nữ.

Trong 4 thập niên bị cô lập đó, Iran tuy khó khăn và giãy thì có giãy nhưng không chết! Thế có tức không! Ảnh hưởng của họ lại còn lan ra Lebanon, Syria, Iraq, Yemen. Riêng Iraq là nơi Hoa Kỳ mất nhiều xương máu và tốn kém để từ một nước dưới Saddam chống Iran lại trở thành một nước thân Iran! Bất kể chuyện Nobel Hòa bình có được trao xứng đáng hay không, đây là bối cảnh của việc trao giải này cho bà Mohammadi năm nay.

Bà Shirin Ebadi có khác bà Mohammadi?

Như rất nhiều phụ nữ Iran, bà Mohammadi xuất thân là kỹ sư vật lý. Iran là một trong những nước sản xuất nhiều nữ kỹ sư nhất thế giới, chí ít là nhiều hơn nước Mỹ (theo tỷ lệ dân số). Dấu ngoặc kể một chuyện riêng của người viết này, có bận ngồi hàng hút thuốc shisha tại Kual Lumpur, tôi được một cặp vợ chồng trẻ phì phà bắt chuyện. Anh là nhạc sĩ dương cầm và chị nhà là kỹ sư chứ sao nữa. Nếu là người Mỹ thì khả năng là ngược lại, chồng là kỹ sư và vợ đàn dương cầm. Trở lại bà Mohammadi, bà hoạt động nhân quyền và chồng bà là một nhà báo chống đối cũng từng vào tù 14 năm. Họ có 2 con và năm 2012 ông và 2 con sang Pháp sống trong khi bà ở tù. Mohammadi từng là phó chủ tịch (2012) của một hội do bà Shirin Ebadi đứng đầu, Trung tâm Bảo vệ Nhân quyền (Defenders of Human Rights Center, DHRC), và từng hợp tác với bà Shirin Ebadi chặt chẽ.

Bà Ebadi là ai? Năm 2003 tức là 20 năm trước, bà là phụ nữ Iran và Hồi giáo đầu tiên đoạt giải Nobel Hòa bình. Như vậy có thể nói, Iran chẳng những nhiều phụ nữ kỹ sư mà còn nhiều phụ nữ Nobel Hòa bình. Vì bà Mohammadi mới đoạt giải nên ta chưa rõ lắm về lập trường của bà nhưng ta có thể biết hơn về bà Shirin Ebadi trong 20 năm qua.

Ebadi là một nữ thẩm phán dưới thời quân chủ và sau trở thành luật sư đấu tranh nhân quyền, nổi tiếng dưới thời tổng thống cải cách Mohammad Khatami (1997-2005). Chủ nghĩa của bà được biết đến sau khi bà được giải chính là chủ nghĩa quốc gia Ba Tư của nhiều người Iran thôi. Lập trường này, tức lập trường của bà, là chống can thiệp của Hoa Kỳ năm 1953 khi họ lật đổ chính quyền dân cử của thủ tướng Mossadegh và mang vua Iran đã bỏ chạy sang Italy trở về nước. Bà cũng chống can thiệp của nước ngoài vào nội bộ Iran vì những vấn đề của Iran là để cho người Iran tự giải quyết với nhau. Bà ủng hộ Cách mạng Hồi giáo khi họ lật đổ quân chủ. Theo bà, Hồi giáo thích nghi với bình đẳng và dân chủ và không trói buộc phụ nữ. Vẫn theo bà, Iran có quyền theo đuổi vũ khí nguyên tử nhưng đó có những rủi ro (động đất, Fukushima). Về Israel, bà từng lên án họ gây ra tội ác chiến tranh và kêu gọi tảy chay. Bà Ebadi là một người quốc gia Iran phản thực và phản đế, tin là Hồi giáo ôn hòa. Bà muốn có cuộc trưng cầu về chế độ thần quyền và mất tin tưởng (2018) là nó có thể tự cải tạo. Nói tóm lại, có thể người ta hối hận đã lỡ cho bà Nobel?

Bà Shirin Ebadi nhận giải Nobel Hòa bình từ Ole Danbolt Mjøs, Chủ tịch hội đồng Nobel . Ảnh chụp ngày 10. 12. 2003. Hình từ trang này 

Phần bà Mohammadi thì ta chưa biết gì ngoài thành tích tù tội của bà. Bà chưa có diễn từ nhận giải nhưng dựa trên đàn chị đi trước là bà Ebadi thì bà chống chế độ thần quyền và đòi hỏi bình quyền dân chủ không có nghĩa là theo Tây phương như là họ mong muốn. Nếu muốn vậy thì họ nên trao giải cho thái tử Pahlavi vì ông là quân chủ lưu vong! Nhưng ngay cả ông này ngày nay cũng không yêu thương Tây phương hết mực như cha ông ngày nào. 44 năm sau khi bị lật đổ, ông hiểu là nếu có cơ hội nào trở lại ngai vàng thì trước tiên ông phải là vua của người Iran chứ không phải là trước tiên là tay sai của Hoa Kỳ.

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả