|
|||||||||||||
|
Chính trịSử-Địa dễ thuộc: Nên tin lời em bé ngây thơ? 3 September, 2024Đỗ Kh.Bài Sử-Địa lần này ta bắt đầu bằng kỹ thuật tuyên truyền các bên tham chiến. (Tất nhiên là các bên rồi vì mày biết tuyên truyền bộ tao không biết tuyên truyền chắc?). Đây là thứ trước giờ vẫn có nhưng ngại thay, vào thời đại số này, ngày càng tinh vi. Tuy nhiên chuyện đang xảy ra hiện nay (Nga-Ukrane) còn sớm quá, nên xin đơn cử một thí dụ 30 năm về trước, tức là tam thập nhi lập. Năm 1990, một hung thần thế giới râu ria rất oách vung tay hô tiến! Và quân của ông lăn bánh xâm lăng một nước láng giềng phương Nam. Hung thần đó là Saddam Hussein. 10 năm trước đó ông đã từng làm vậy, tức là xâm lăng một nước láng giềng nhưng ở phương Bắc. Việc này được cả thế giới vỗ tay hoan nghênh và hỗ trợ. Cả thế giới tức là Liên Xô và Mỹ thuộc hai khối đối lập, cả Tây Đức lẫn Đông Đức lúc đó chưa thống nhất, cả Nam Tư thuộc khối phi liên kết, và toàn khối Ả-Rạp (ngoại trừ Syria). Nước phương Bắc đó là Iran, vừa thay đổi chế độ và loạn to, quân đội quốc gia tan rã và chính quyền mới còn đang nghiêng ngả. Nhưng tuy có hậu thuẫn to tát, Saddam không đánh đổ được ba thày chùa quấn khăn. Kuwait láng giềng là một nước khi đó giúp ông trong chiến tranh với Iran, cho ông (Iraq) nợ 65 tỉ USD. Thay vì trả dần, Saddam nói, nợ nần gì, thôi quên đi. Kuwait bảo, tôi giúp ông, nhưng sao quên được, Saddam bèn đánh chiếm luôn Kuwait. Giờ trước khi ta lên án xâm lăng trắng trợn thì cũng phải biết lơ mơ về sử địa. Kuwait ở miền Nam Iraq, trong lịch sử 5 ngàn và 7 ngàn năm có lúc thuộc đế chế này đế chế kia. Thời hiện đại, cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20, giữa thế lực Thổ Ottoman đang giãy giụa và Anh quốc huy hoàng thì mảnh đấy này bị Saudi phía Tây giành giật và được người Anh rộng lượng giang rộng vòng tay hảo hán che chở và giao cho dòng họ al Sabbah. Họ này, vào năm 1990 là gia đình cai trị Kuwait. Ví von dễ hiểu, tuy chỉ là ví von thôi, Kuwait là một kiểu như Hà tiên chẳng hạn, khi thực dân Pháp đến thì che chở nhà Mạc, xé đất ra cho họ làm vương. Đây là một tiểu quốc rất là giàu, có lúc vào hàng giàu nhất thế giới tính theo bình quân. Tục truyền trong thập niên 60, bạn có thể thấy xe con Hoa Kỳ đỗ bỏ đó vì người Kuwait mua xe con chạy, cứ hết xăng là bỏ. Dĩ nhiên đây là chuyện tiếu lâm thôi, nhưng có thật là các cột điện thoại công cộng ở đó cho đến thập niên 70 không có máy tính tiền. Bạn chỉ việc nhấc lên và gọi thôi. Kuwait là nước rất sớm tìm cách “thoát dầu” và đầu tư lung tung vào chứng khoán. Năm 1980 nước này gặp nạn và thị trường chứng khoán phải đóng cửa. Tuy vẫn còn đủ ăn đủ tiêu nhưng không có quên nợ Iraq được. Quay lại chuyện cho Iraq vay tiên, Saddam thiếu nợ bèn đánh chiếm Kuwait vào năm 1990. Lần này ông gặp sự phản đối của khối Ả rạp và của Tây phương. Ngày 10.10.1990, một cô bé 15 tuổi người Kuwait mang tên (đặt) là Nayirah ra làm chứng (không có tuyên thệ) trước Thượng viện Hoa kỳ. Cô là nhân chứng nghẹn ngào của một tổ chức gọi là “Công dân cho một Kuwait Tự Do”. Mùa hè năm đó, Nayirah đang học ở Mỹ, về quê thăm nhà thì chiến tranh xảy ra. Em tình nguyện đến một nhà hộ sinh giúp đỡ thì chứng kiến cảnh quân Iraq vào đến bệnh viện, lấy các máy trợ thở trẻ sơ sinh gỡ điện ra để mang về Iraq, còn các trẻ sơ sinh đang nằm trong máy, 20 em hay 25 gì đó, bị họ vất ra ngoài xuống đất cho tắt thở chết. Chuyện này lên đến Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, được truyền thông nhai đi nhắc lại, Tổng thông Bush (cha) nói đến 10 lần, tổ chức Amnesty chấp nhận, và là thứ cơ bản để dư luận ủng hộ đánh Saddam độc ác. Tổng số trẻ em bị giết như vậy lúc đầu là 312, rồi 72, rồi 19. Bây giờ đã 31 năm, các bạn trung niên hiện nay có thể còn nhớ chuyện này và có thể một số vẫn còn tin. Nay mình xin phép cập nhật: Nayirah hiện ở đâu thì không biết nhưng chắc đã chồng con và 46 tuổi. Cuộc sống của cô giờ chắc cũng OK thôi. Trước Thượng viện Mỹ năm 1990 chỉ có một chi tiết mà mọi người không được biết, đó là tên họ của em Nayirah ngây thơ này. Họ của em là al Sabbah, tức là vương tộc cai trị Kuwait. Bố em lúc đó đang làm đại sứ Kuwait tại Mỹ! Nếu những chi tiết này được biết vào lúc đó thì nó mất phê ngay. Còn “Công dân cho một Kuwait Tự Do” khi ấy là một tổ chức do công ty PR Hill & Knowlton thành lập và giật giây. Chiến dịch PR này là chiến dịch đắt tiền nhất vào thời điểm đó, tốn 12 triệu USD, vì Kuwait dù bị quịt nợ, dù bị sập thị trường chứng khoán và dù bị Iraq chiếm đóng thì vẫn còn tiền cắc leng keng trong túi. Hill & Knowlton lấy 1 triệu USD để làm thăm dò dư luận và đưa ra kết luận đáng giá 1 triêu USD là nên bịa ra chuyện kinh dị trên. 1 triệu USD này là hoàn toàn đáng tiền kịch bản! Còn tại sao Nayirah lại được chọn để điều trần thay vì bất cứ một em người Kuwait nào khác? Lý do nêu ra khiến em giấu tên trước Thượng viện là “để cho gia đình em không bị quân chiếm đóng trả thù”. Nhưng nếu lộ ra tên thật của em thì có bỉ mặt không? Ai chẳng biết thế, nhưng mẹ em gắt “Giờ ông muốn con gái ông đóng vai nàng tiên cá trong lễ tựu trường hay ông muốn nó lên truyền hình thế giới?” và đại sứ bèn câm ngay, chẳng dám nói năng gì thêm. Về sau Amnesty tự kiểm điểm là sai lầm và bị lừa. Human Rights Watch và các tổ chức khác đồng thuận là không hề có chuyện Iraq lấy máy trợ thở trẻ sơ sinh mang về nước, dù là 1 cái, ở bất kỳ bệnh viện nào của Kuwait, và không có một trẻ sơ sinh nào qua đời vì chuyện này. Tuy vậy, trước khi đánh Iraq lần thứ nhì (2003), vẫn có truyền thông Mỹ định khơi lại chuyện này vì nó nghe vẫn mát tai. Nhưng 2003 có một lý do khác nghe còn bùi hơn, là Iraq có vũ khí sát hại tập thể. Thay vì một em gái 15 tuổi, ta có ngoại trưởng Colin Powell đưa bằng chứng ra trước Liên hiệp quốc. Ông này về sau bảo đó là vết nhơ trong sự nghiệp của ông. Phải như biết thế, thay vì diễn tuồng thế giới, Colin Powell diễn vai Thần đèn chẳng hạn trong một vở kịch tại trường cấp 1 cấp 2 của cháu nội hay cháu ngoại ông thì danh tiếng ông đã không bị vấy bẩn. Thế còn Saddam không bao giờ nói láo cả hay sao? Có chứ, và hài chứ chẳng phải bi như Kuwait hay là Mỹ. Ta còn nhớ các cuộc họp báo của bộ trưởng thông tin Iraq, nhất là cuộc họp báo chót của “Baghdad Bob” (al Sahhaf) khi quân Mỹ đã vào đến thủ đô. Trở lại 2022, thì nên nghe em bé nghẹn ngào hay là bộ trưởng nào? 11. 03. 2022 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|