|
|||||||||||||
|
VănNgười Nobel đi qua đời tôi* 16 October, 2021Đỗ Kh.Mùa thu ở Thụy Sĩ rất đẹp, ít ra là khi nhìn qua những ô kính của trường bay Zurich. Tôi đi lên đi xuống, sau ngày 11. 9, ngay cả tại đây cũng không còn bày bán đặc sản địa phương là dao 5, 7 lưỡi loại bỏ túi Victorinox, Wenger. Dĩ nhiên là vẫn còn bày đồng hồ vì chưa ai dùng đồng hồ (dù là Thụy Sĩ) để cướp tàu. Bây giờ là cuối năm 2003, trong một góc một cô gái không một tấc sắt ngồi đọc Coetzee để giết (hay là để cướp) thì giờ. Mùa thu ở Tiệp cũng rất đẹp, nhất là khi nhìn qua những ô kính của phòng khánh tiết lâu đài Hradcany ở Praha. Tôi rà sát tường kín đáo, Đại hội Văn bút Quốc tế lần thứ gì đó đang khai mạc. Vừa ra đến được cửa hành lang, một ông nhà văn to lớn Serbia hay Hungary bỗng túm ngay tôi lại. Tưởng là vì tội trốn ra ngoài không nghe diễn văn (do Vaclav Havel đọc chứ chẳng phải vừa), nhưng ông nắm hai tay tôi là để chúc mừng. Thấy tôi ngỡ ngàng, ông giải thích “Giải Nobel! Chúc mừng giải Nobel!” Tôi càng ngỡ ngàng hơn, “Chúc mừng chủ tịch của bạn vừa đoạt giải!” Tôi không hết ngỡ ngàng, đó là vào năm Kenzaburo Oe (chủ tịch Văn bút Nhật bản) đăng đàn Thụy Điển. Mùa thu ở Pháp cũng không kém đâu hết, trở lại cuối 2003, tôi lái xe lên khu Madeleine ở Paris đưa một cô bạn tìm một quán cơm. Lòng vòng mấy cái phố một chiều, tôi đâm sầm vào trước cửa hàng Drouant. “À thì đây là chỗ ban giám khảo hàng năm công bố giải Goncourt”, tôi nói với cô. Năm nay phong thanh là Đới Tư Kiệt (Dai Sijie) vào chung kết, các nhà xuất bản thương lượng với nhau thế nào, anh lại được Femina. Cô bạn tối ngày hôm đó cũng là Hoa kiều Pháp nhưng chưa hề nghe nói đến Đới Tư Kiệt lần nào. Cô gốc Triều Châu, sinh ở Lào, Đới Tư Kiệt gốc Tứ Xuyên, sinh ở Trung quốc, người Hoa thì ở Pháp cũng có nhiều mà tại nguyên quán lại càng đông, làm sao biết hết được. Cô này lại không phải bạn văn mà là bạn cha cha, đúng ra là người thầy tôi đợi đến tuổi này mới có để được dìu dắt trên sàn nhảy (“Một, hai, ba, bốn/Hông cũng sóng sánh”) chứ thời tuổi trẻ tôi chỉ từng được tập thao diễn cơ bản (“Một, hai, ba, bốn/Một chai bia lớn”). Tôi thêm “Dai Sijie là người Hoa thứ nhì đoạt giải Femina Pháp ** sau Francois Cheng” nhưng ông Cheng cô cũng không biết nốt, Cheng cũng chẳng phải là Carlos Santana, Oye Como Va? Tôi biết Đới Tư Kiệt trong môi trường điện ảnh chứ không phải trong môi trường văn học. Lần đầu gặp, tuy trao đổi với nhau bằng tiếng Pháp anh gọi tôi bằng “tiên sinh” một vẻ rất là… Tàu. Có bận tôi đi dùng cơm với một cặp vợ chồng sản xuất nhỏ, chuyên làm những phim “nghệ thuật” (nghĩa là) và ít tốn kém. Họ đang thăm dò việc bấm máy một phim truyện Pháp ở Thái Lan (mùa thu ở Thái Lan cho phép tôi miễn khỏi nói đến) là nơi tôi có vài kinh nghiệm và hiểu biết trong ngành. Nhân dịp này tôi lợi dụng để khuyến mãi kịch bản phim của tôi đang (và giờ vẫn còn) thuộc loại năm cha ba sản xuất. Đới Tư Kiệt, từng đoạt giải Jean Vigo *** với cuốn phim đầu tay và cũng là nơi quen biết cả, cùng đi với tôi để hỗ trợ khi cần. Ông bà sản xuất này là những người trong mấy thập niên trước đã bỏ tiền dành dụm để làm phim chẳng ai xem của Arrabal nên câu chuyện cũng dễ trôi giữa những người đồng chí (cả). Được nửa bữa, họ tỏ vẻ tò mò về bàn tay cầm bút của tôi, thực ra là để nghi ngờ bàn tay cầm máy. Đới Tư Kiệt, từ đầu lầm lì, bèn thấy phải can thiệp. Anh buông một câu giết người (không dao Thụy sĩ): “Để ông bà biết, mấy nhà văn Á đông lưu vong chúng tôi, coi thì vậy, chứ… (anh quơ quơ đôi đũa), … đoạt giải Nobel lúc nào không hay!” Tất nhiên là tôi ngượng chín cả người (mặc dù tôi biết nhiều bạn văn trong trường hợp này có lẽ chỉ ngượng có… bảy, tám). Trong khi ông bà Tây này còn nghẹn cơm nuốt vào không nổi, tôi tìm chân của Đới Tư Kiệt dưới bàn định đá cho một cái đích đáng. Sau, đến khi tôi trách móc riêng rằng anh đã quá lời, Đới Tư Kiệt vẫn khẳng định một niềm tin sắt đá “Thì chẳng sắp sửa là gì, nhóm Tinh Tinh, Gao Xinjian…” (tôi định dịch là “mấy đứa Tinh Tinh, thằng Gao Xinjian…” nhưng tay lại chùn. Tôi chỉ có thể quả quyết là trong trường hợp này Đới Tư Kiệt không hề dùng chữ “tiên sinh” và với tôi thì anh đã đến mức có thể dịch là “ông, tôi”). Đó là lần đầu tôi nghe nói đến Cao Hành Kiện, một nhà văn Hoa kiều Pháp, có được một bản dịch 3000 bản bán mãi không hết nhờ một nhà xuất bản tí hon. Đới Tư Kiệt đề nghị “Hắn (giả, nghỉ, y, anh ấy, nó) ở Montreuil, tôi dẫn ông lại chơi”. Nhà văn Việt tầm cỡ thì tôi biết có bị nhiều, lẽ gì tôi lại đến chơi hay đi chơi với nhà văn Tàu ở một xó mà khó đường tàu điện, cho nên tôi lịch sự mà từ chối. Văn chương Trung Quốc tôi cũng chẳng rành sau “Kim Bình Mai”, “Hồng Lâu Mộng”, và nghe nói cái ông nhà văn trên là người từng dịch Beckett (hay phóng tác, hay chịu ảnh hưởng gì đó) thì tôi lại càng khiếp. Nhưng chỉ một năm hay 18 tháng sau câu chuyện này, nếu gặp lại vợ chồng nhà sản xuất nọ, tôi cũng hết còn bỉ mặt. Trước hết là người phát ngôn mạnh bạo trong bữa ăn đó, Đới Tư Kiệt tạm bỏ máy quay để cầm viết. Tiểu thuyết đầu của anh “Balzac và cô thợ may Trung Quốc” được viết thẳng bằng tiếng Pháp và bán chạy đến nỗi tràn ra cả sạp báo ở trường bay, nhà ga, hầm tàu điện. Anh được dăm ba giải nhỏ (“Giải của các hiệu sách”) nhưng vô địch trong năm về số bán, vài ba trăm ngàn bản bìa cứng, lên TV chương trình “Apostrophes”, lật tờ Paris Match thấy chụp ảnh với minh tinh ở đoạn đầu, lật tờ Elle thấy có hình một mình ở đoạn cuối. Anh tìm ra ngay sản xuất để chuyển thể tiểu thuyết của anh thành phim truyện mà không cần nhờ đến người bạn cũ của trường Điện ảnh Bắc kinh là cô (“con nhỏ”) Củng Lợi (Gong Li) thủ hộ một vai chào hàng. Kế đến là chuyện cả thế giới đều biết, nhưng có lẽ chấn động nhất là với: a. các nhà văn Việt Thực sự, tôi không hề có ý giễu cợt gì người mà tôi sớm chút nữa thì đã quen biết được, một cô bé lọ lem tôi tí nữa thì đã có cơ may để vỗ đùi, trước khi hoàng tử Thụy Điển đưa nàng về dinh. Tôi nghĩ giải Nobel nào cũng xứng đáng, tuy hẳn là có nhiều nhà văn xứng đáng mà không được Nobel (kể không thể xiết). Sau khi Cao Hành Kiện đoạt giải, tôi có đọc tập truyện ngắn của ông và (ở cương vị cá nhân của một người đọc có thấy thích), tuy Linh Sơn tôi không đủ kiên nhẫn (tôi chẳng phải phê bình). Nhưng cũng như mọi người, thấy sang thì tôi cũng muốn bắt quàng làm họ, viển vông là biết đâu sau khi nhà xuất bản tí hon nọ đã bán 1-2 triệu bản Linh Sơn bằng tiếng Pháp, tôi đến thăm ông này vẫn còn chưa trễ. Có thù tạc với tôi thì văn ông cũng chẳng kém đi, văn tôi cũng chẳng hay hơn chút nào, nhưng ít ra tôi còn mang ra để khoe với được ông này với cô bạn người Hoa khiêu vũ. Nhân dịp gặp nhà văn cũng Hoa kiều Pháp Mã Đức Thăng (Ma Desheng) tôi bèn ngỏ ý, vu vơ kiểu “Thế nào, dạo này Cao Hành Kiện ra sao?” Mã Đức Thăng từng là một công nhân đoạt thành tích lao động gương mẫu, xuất thân từ hàng Vệ binh đỏ. Sau đó anh bắt đầu lệch lạch tư tưởng và Tứ Nhân bang sụp đổ anh lại càng được dịp quá đà. Trong thập niên 80, anh ra nước ngoài và ở lại Pháp, tham gia nhóm Tinh Tinh của Ủy Kinh Sinh (Wei Jingshen). Tại cả Âu châu, Hoa kiều sàn nhảy như cô bạn tôi thì nhiều nhưng Hoa kiều văn nghệ thì không có mấy và là một giới thu hẹp, gần gũi trong quan hệ. Nhóm Tinh Tinh lại trội và Cao Hành Kiện tự coi mình là người thân của nhóm, có phần nép bóng của Ủy Kinh Sinh mà e thẹn, trong khi tìm sống bằng cách vơ vẩn vẽ tranh****. Tôi không được chứng kiến cái cảnh đã vĩnh viễn thuộc về quá khứ này, chỉ nghe kể lại, như nghe một cô diễn viên của trường điện ảnh Bắc Kinh cùng thời với Củng Lợi cho biết “Nó là đứa đầu tiên dám mặc quần cộc ra đường.” Đùi non của cái cô phát biểu trên tôi còn chưa được thấy (hôm đó cô mặc quần dài và không có…cởi), nói gì đến Củng Lợi, và Mã Đức Thăng trả lời tôi rằng là “Sau khi được giải, Cao Hành Kiện cắt điện thoại, đổi nhà rồi, không còn buồn nhìn mặt một ai; đừng nói đến thằng đó nữa!” Nói xấu người nổi tiếng đối với tôi cũng là một trò tiêu khiển nhưng tôi không có lẽ gì để nghi ngờ Mã Đức Thăng hay là cô diễn viên nọ. Trở lại mùa thu của Praha, đó cũng là năm và là nơi nhà văn người Bangladesh, Taslima Nasreen, xuất hiện với hào quang của một kẻ đang bị các nhà lãnh đạo tôn giáo giáng lệnh tử hình (vì “xúc phạm đạo Hồi”). Cô Nasreen chí ít là một phụ nữ Hồi quả cảm, thịt đẫy đà và nước da bánh mật, ăn mặc hở rốn và lòi mạng mỡ thường xuyên từ trước khi có phong trào này ở phương Tây, lại là bác sĩ sản phụ khoa (tức là có thể cho ta nhiều hiểu biết về đàn bà). Trước mắt tôi, như vậy là cô cái gì cũng được, chỉ phải cái nổi tiếng ồn ào nhưng khó khăn này tôi cũng có thể vượt qua nếu tôi nhờ ông nhà văn Serbia hay Hungary kia dẫn lại để giới thiệu (“Đây, anh này ông Oe có nhắn đến gặp cô để gửi lời chào”). Nhưng trước hết, tôi lân la trước đã với một ông nhà văn Bangladesh đồng hương của cô và đứng tuổi, trông rất có vẻ thủ lãnh (văn đàn) để tìm cách đưa đẩy. Khi nhắc đến Taslima Nasreen (đang đứng cách đó có vài mét) thì ông thở dài mà thốt lên lớn tiếng “Nhưng cô ta viết văn thì không được!” và hai ông đồng hương đứng cạnh cũng gục gặc tán thành! Để đến ba nhà văn cùng đồng ý một lúc thì chỉ có cách là vô cùng nổi tiếng hay/và đoạt một giải thế giới đều biết! Lần chót tôi gọi điện cho Đới Tư Kiệt, chỉ gặp máy nhắn nhưng biết đâu anh đang đi đâu làm bộ phim thứ 5 của anh. Còn Cao Hành Kiện, tôi không có số dây nói kín của ông nhưng nếu ông có gọi lại cho tôi thì có thể cũng chỉ gặp máy nhắn, biết đâu tôi còn đang bận đi (tập) nhảy đầm? 2003 * Ghi chú ** Giải Femina là một trong mấy giải đầu về văn học của Pháp với giải Goncourt, ra đời để “đền bù” tính cách kỳ thị phái nữ của Goncourt (cũng như Medicis ra đời để chống lại tính cách bảo thủ). Femina do một ban giám khảo phụ nữ tuyển, có “Femina Pháp” dành cho tác phẩm viết bằng tiếng Pháp và “Femina ngoại quốc” dành cho tác phẩm dịch. *** Giải điện ảnh dành cho những tác phẩm trẻ và hứa hẹn. **** Sau Nobel, tôi có đọc họ Cao là một họa sĩ thủy mạc nổi tiếng và những nét phẩy trên giấy bồi này đã thể hiện văn phong của ông. May là để mưu sinh Cao Hành Kiện không làm bánh bao chứ nếu không thì Bà Cả Cần chỉ có mà đóng cửa tiệm .
Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|