Văn

Nước mắt nhuộm bãi Thượng Hoàn 30 March, 2021

Ký của Đỗ Kh.

Ảnh minh họa không liên quan: Đây là một nhà cắm trại cũ lất lây trên phố Kemer, bờ biển Turkey. Trong 8-9 tháng có khách của mùa du lịch, nó dùng để chứa một hai nhân viên lao động ở quê lên, và bỏ không trong mùa đông.

Con tàu từ đường băng quay trở lại bến.

Sau lưng cách tôi vài hàng ghế nhốn nháo, kẻ đứng dậy người ngồi xuống, tôi nghe không rõ họ nói gì. Chỉ có lúc mới lên tàu, một bạn Việt ngay hàng ghế sau năn nỉ một bạn người Hoa khác cho đổi chỗ ngồi cạnh cửa sổ bằng cách chỉ trỏ gì đó và bạn này đồng ‎‎‎ý đứng dậy nhường.

Bạn Việt phân bua bẽn lẽn với mọi người “Em mới đi lần đầu, em muốn nhìn quang cảnh từ trên cao”. Bạn Hong Kong có lẽ tưởng là anh kia còn lưu luyến quê hương nên chẳng tiếc gì một chỗ dựa vai thành tàu trong có một tiếng rưỡi và cười rất lịch sự (đây là lần đầu tôi thấy người Hong Kong cười nói lịch sự). Nhưng từ độ cao nào đi chăng nữa thì Nội Bài cũng không với mắt được đến Thanh Hóa.

Nhưng tàu không bay lên mà quay đầu trên đường băng để trở lại bến, trưởng cơ lên máy bảo không có chuyện gì, một hành khách để quên sổ thông hành.

Lúc ở quày đăng ký, tôi đã để ý đến các bạn này. Qua khỏi khu vực kiểm tra, tôi hướng dẫn một nhóm ngơ ngác tìm cổng cất cánh vì chúng tôi đi cùng một chuyến. “ Các chú đi Hong Kong phải không?” tôi hỏi để xác nhận thì một bạn phát ngôn nhân đại diện cho cả nhóm lên tiếng “Không, chúng em đi Angola ạ!”. Tôi kiểm thẻ lên tàu của các bạn thì Hong Kong chỉ là chặng đầu, còn Luanda còn vài bận đổi chuyến tít mù.

“Con đang đợi cất cánh, còn đến một tiếng nữa”! Một em ngoài 20 lực lưỡng oang oang di động trên ghế đợi đạt trước cổng lên tàu. “Ăn cái gì, ở đây có bán phở mà đắt lắm, thôi con nhịn đói lên tàu!”

Em gác cả hai chân lên ghế trước mặt, cười nhạt như trong phim hình sự và cãi bướng với bu. Em tắt cuộc điện thì 5 phút sau mẹ em lại gọi. “Con đã bảo là không ăn đâu, đắt lắm!” Mẹ em chắc ở đầu kia cuống quít. Con trai bà lần đầu rời nước, có khi là lần đầu rời tỉnh rời làng hay rời nhà rời mẹ, đi vào nơi thăm thẳm chiều trôi. Em làm gì tôi không biết, nhưng tự tạo cho mình một cái dáng đâm thuê để gắt với mẹ “Ở đây không có bán xôi! Đói thì chịu! Lát nữa lên tàu họ cho ăn thôi!”

Bên cạnh em này, một anh nhắn vợ “Thôi, nó đòi thì cho nó vào ngủ với mẹ, nhưng một tối nay thôi nhé, chứ chị em nó phải ngủ chung với nhau, sao lại cứ đòi vào giường bố mẹ, không có được!”. Anh đang ở xa nhà và sắp đi xa hơn nữa, những chân trời tím ngắt tận đâu đâu, hợp đồng bao nhiêu năm tháng tôi không biết, chẳng hiểu đứa con anh sẽ tuân thủ luật này được đến khi nào. Ngày hai hay ngày ba, chị em nó tối sẽ lên giường mẹ chẳng chịu ra. Bố không có nhà.

Một anh khác bên cạnh hớn hở khoe với bà nhà “Anh ăn rồi, cái bánh kẹp thịt Mỹ gọi là… gì gì ấy, những 70 ngàn!” Anh tả món khoai tây chiên chẳng có mùi vị gì và phải chấm với sốt cà chua ra sao.

Các bạn còn lại trầm tư nhìn chăm chăm vào “Chị Cả”, một cô mặc áo của công ty lao động, xem cô này động tĩnh thế nào, hễ nhúc nhích đứng lên ngồi xuống là họ đi theo.

Toán xuất khẩu lao động này một chục mười hai, chục mười ba hay chục mười lăm, trong đó có vài ba bạn nữ, vào tuổi đã có gia đình. Một bạn nam, khoảng 40, người rất bé nhưng rắn chắc, ăn mặc chững chạc nhưng chân đi dép, da ngăm nắng và không có cả điện thoại di động ngồi xa xa mọi người tuy mắt vẫn theo dõi nhất cử nhất động.

Tôi đứng dậy, lại gần anh hỏi bắt chuyện “Em cũng đi Angola hả?”

Anh không nói gì, chỉ ngoan ngoãn gật đầu vâng.

Tôi đi ăn phở, thì đắt lắm, đúng như bạn “Rebel Without a Cause” nói với mẹ trên di động, và lại còn rất dở. Cô phục vụ xun xoe ‎yes sir một, ‎‎yes sir hai, quay lưng lại bảo ngay với anh đồng nghiệp

“Bố mày đi nhậu ở đâu về gớm thật người toàn là mùi bia!”

“Bố nào?” anh đồng nghiệp phục vụ hỏi.

“Thì bố này chứ ai!” cô hướng ngay vào mặt tôi mà trả lời.

Có lẽ cô nghĩ tôi Hàn Quốc hay Trung Quốc gì đó và nồng nặc là chai Ken cô mới mang ra cho tôi, tôi mới nhấp được có một hớp.

“Tại sao lại gọi anh bằng bố, khi em biết anh yêu…”

Tôi lẳng lặng mà nhai mấy miếng thịt lõm bõm trong tô cạnh bánh phở nhão nhoét.

“Em, tôi chúc em ngày mai, hoa gấm ngọc ngà luôn vây quanh cả cuộc đời”…. Lấy phải thằng bố nào nghiện thật cho mà biết, tối nó về nhà mửa ở trên giường.

Tôi trở lại cổng, các bạn cũng tắt di động, giã từ gia đình trên máy để trật tự lên tàu. Thưa cha thưa vợ thưa chồng, thưa con còn bồng bố đi Phi châu. Chăn đám lao động này tương đối dễ, kể cả “Tay dao ngang tàng” vì nói gì thì họ cũng răm rắp nghe theo. Em ngang tàng kia là ngang tàng với mẹ ở quê, chứ lên tàu là em cột giây lưng ghế theo yêu cầu, đợi cho phép mới dám cởi.

Sự cố mất thông hành khiến tàu trở lại bến thì một lát sau tôi mới rõ. Chị Cả đứng lên mắng xối xả vào mặt nạn nhân “Thông hành đi ra nước ngoài là quan trọng lắm, phải dính lấy vào người như cái củ chuối, không có nó đuổi về chứ đùa được đấy! Ôm lấy vào người cho chặt, hiểu chưa?” Và nạn nhân, hay là thủ phạm gây ra sự cố chậm trễ, chỉ biết có phân trần “Nhưng đây là lần đầu đi thì sao mà biết được?” Lần đầu mà, anh lấm lét nhắc lại nhắc đi. “Lần đầu lại càng không được mất, phải giữ như là trinh tiết!”, Chị Cả mắng tiếp, khiến mọi người cười ồ. Anh kia đỏ mặt như nữ sinh trường Quốc Học trời mưa bị đứt giây thun tụt cả quần.

Tàu đến Hong Kong và vừa chạm đường băng là mọi người đồng loạt bật di động. Một bạn nhanh nhẩu báo to ngay với cả toán “Sóng Viettel nó sang cả đến tận đây này, còn mạnh hơn là ở Hà Nội! Ở đây 4 gạch mà ở Hà Nội chỉ có 3!” Nhưng bạn đọc tiếp tin nhắn trên máy và cảnh giác “Nó đòi tiền đắt lắm, một phút những bao nhiều, chớ có gọi về nhà!” Mọi người tiu ngỉu không ai báo với gia đình là bến Cảng Thơm họ đã an toàn đạt đến.

Tôi thấy hơi lo cho các bạn đồng hương này, định bụng ra khỏi tàu sẽ nhìn bảng điện tử mà hướng dẫn cho họ khỏi đi lạc. Đây là lo xa, vì Hàng không Công ty đã quen việc này rồi. Ngay ngoài cửa đã có hai cô đợi toán này sẵn để lùa họ vào một góc, đếm từng người. Tôi cũng bị bắt lây, chìa vào mặt tôi bảng danh sách ghi sẵn khiến tôi phải giải thích. Tôi không có tên trong bảng này. Thật không, các cô kiểm tra rồi mới chịu cho tôi đi. Hẳn là họ từng gặp cảnh mất thẻ lên tàu hay rơi mất hộ chiếu, lỡ tàu vì đi lạc và nghe thông báo thì không hiểu v.v… Thông báo phi trường thì bố ai mà nghe và bố ai mà hiểu, kể cả “bố” của cô phục vụ tiệm phở mới nói đến. Cho nên các nhân viên đợi Chị Cả ra và cùng họ điểm danh và đếm lại bằng ấy đầu người. Chuyến chuyển tiếp của toán lao động này là Johannesbourg, Nam Phi.

Anh “Người Việt thầm lặng” lúc nãy, dáng đen đủi, giống như một anh Nghĩa quân miền Nam thủa nào trong ký ức, ôm súng lặng lẽ nhìn đơn vị chủ lực ồn ào di chuyển đi qua, giờ cũng ra trình diện tốp nhân viên.

Ba lô anh đeo trên lưng, có tờ giấy trắng dán băng keo bốn phía và đề tên họ rõ ràng nắn nót viết tay

TRẦN THỦY
Xã Sơn châu
Huyện Hương sơn
Tỉnh Hà tĩnh
Nước Việt Nam

Tôi cũng vội, chẳng biết giờ tàu biển đi thẳng từ Xích Lư Giác sang Macau còn hoạt động không. Chuyến chót đi thẳng từ sân bay sang bến Áo Môn là khoảng 5 giờ hay 6 giờ chiều. Bắt kịp chuyến này rất tiện là vì khách không phải làm thủ tục nhập Hong Kong rồi vào tận trong phố. Ở đó lại phải làm thủ tục xuất để đi sang Macau tại Tín Đức Trung Tâm (Shun Tak Centre) ở bãi Thượng Hoàn (Sheung Wan) nước mắt nhuộm chứ không phải máu nhuộm bãi Thượng Hải. Tôi lăm lăm đi.

Thôi chào thầm bạn Trần Thủy. Chúc Thủy và anh chị em một mùa lao động ở Phi châu gặt hái thành công.

*
Bài viết 6.2015, có biên tập lại

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả