Nhiếp ảnh

Buổi sáng Đại Khâu 12 April, 2021

Bài và ảnh: Đỗ Kh.

Anh thiếu úy Quân Cảnh rít hơi chót, vất điếu thuốc xuống và bóp cò khẩu Colt 45. Mỗi viên làm anh choáng váng phải chửi thầm vì súng giật rất mạnh, hết 7 viên anh phải thay băng đạn mà băng đạn thì anh chỉ có 2 cái. Như vậy, hành quyết xong 14 người thì anh lại phải nghỉ để nạp đạn từng viên vào lại 2 băng.

Trong khi tìm lại ảnh, vô tình thấy mấy tấm ảnh tôi chụp năm 2008 tại một mỏ coban cũ của Nhật ở Khánh Sơn (Gyeonsan) cạnh Đại Khâu (Daegu), Hàn Quốc.

Thành viên đội tìm hài cốt

Đại Khâu là một thành phố lớn ở Đông Nam, không xa cảng Phú Sơn và hiện 2,5 triệu dân cư.

Đầu tháng 7. 1950 cho đến tháng 10. 1950, an ninh Hàn Quốc (Quân Cảnh) mang đến đây, một hầm mỏ cũ của Nhật và đã thôi khai thác từ lâu này, 3.000-7.000 người tình nghi thân Cộng sản, giết vất xác xuống mỏ rồi lấp lại. Năm 2002, một cơn bão mới làm lộ huyệt tập thể này ra.

2005-2010 Hàn Quốc thành lập Ủy ban Hòa giải và Sự thật (TRCK) điều tra các cuộc thảm sát thường dân, khoảng 250 vụ giết tập thể, kết luận ít nhất là có 100.000 nạn nhân, ước tính có thể 200.000.

Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Hàn Quốc (Truth and Reconciliation Commission, Korea, TRCK) được thành lập năm 2005 để điều tra các vụ giết chóc trong lịch sử từ 1910 (bắt đầu thời kỳ Nhật thuộc) đến 1993 (bắt đầu thời kỳ dân chủ với tổng thống Kim Vịnh Tam). Đây là một ủy ban nhà nước, có 240 nhân viên và quỹ hàng năm 19 triệu. Mùa hè 2008, khi tôi đến thăm mỏ coban Khánh Sơn, nhóm đào xới có 6-7 người, do một phó giáo sư Sử học dẫn đầu với một nghiên cứu sinh và còn lại là các em sinh viên trẻ được trả lương trong kỳ hè. Việc của nhóm là tiếp tục tiến sâu và trong mỏ và thu nhặt các xương nạn nhân.

Người áo sọc ở hình dưới là cựu thượng sĩ nhất Lý Thái Tuấn (Lee Tae Joon). Năm 1966 ông tình nguyện sang Việt Nam tham chiến thì bị từ chối vì lý lịch thân Cộng. Người anh họ của ông, lúc còn thiếu niên bị bắt mang đi 1950 và có lẽ bị giết ở chốn này. Ông Tuấn 2008 đã về hưu và hàng ngày đến tham gia vào việc đào bới. Ông là chủ tịch của hội gia đình nạn nhân ở địa phương.

Thượng sĩ nhất Lý Thái Tuấn là một người tính tình cương trực và 58 năm sau sự việc người anh họ của ông bị thủ tiêu ông vẫn còn tức giận khi nói đến. Người anh này ở cùng làng cùng xóm, lúc đó là một thiếu niên khi ông Tuấn mới lên mươi tuổi. Đây ông đứng ở lối vào cũ của mỏ coban.

Lúc tôi trong hầm, ông nhặt từ trong bùn ra một vật dài, cầm đập cái bốp và bảo xương ống quyển rồi lắc đầu nói, không phải, vất xuống bùn trở lại.

Trưa hôm đó tôi ăn với các bạn này, là cơm và kim chi với mực luộc rất là cay.

Xương cốt nạn nhân được mang ra rửa và phân loại. Kho lúc đó là một căn nhà tiền chế lớn, các thùng xương chất lên đến tận nóc khiến không còn chỗ đi. Trên hình này cũng là chỗ buổi trưa trải báo ra dưới đất ngồi dùng bữa.

Các nạn nhân mặc quần áo mùa hè và ngày đó chưa có dép nhựa nên quần áo họ đã bị phân hóa hết. Tại mỏ Khánh Sơn cũng chỉ tìm thấy vài vật như cặp kính mà thôi, không thấy vòng nhẫn hay đồng hồ vì có lẽ đã bị tước trước khi hành quyết. Số lớn là nông dân là đeo kính cũng hiếm. Đây là đầu đạn súng ngắn Colt .45, viên trên đây lúc phát hiện vẫn còn nằm trong sọ của nạn nhân. Các đầu đạn tuy vẫn còn đó nhưng rất khó thấy trong bùn đất.

Cảnh dưới mỏ, ở bên trong. Nhân viên xúc đất cả ngày để tìm hài cốt. Như là quặng vậy, có lúc chẳng thấy gì, có lúc tìm được cả nhóm vài chục mạng liền. Đại Khâu có nhiều mồ tập thể, một số là ở phía ngoài, có những rãnh dài để giết xong đẩy xác xuống và lấp lại. Cơn bão 2002 đã khiến phát hiện ra các mồ đó. Tại mỏ Khánh Sơn là nạn nhân được mang đến, giết và vất xuống, sau rốt cả mỏ được lấp lại nên việc tìm kiếm các có khó khăn hơn.

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả