|
|||||||||||||
|
Chính trịVõ đài còn đó võ sĩ còn đây 13 January, 2021Một nghi thức đương nhiên Buổi họp vào lúc 1 giờ trưa ngày 7. 1. 2001 vào 20 năm trước thực ra chỉ là một nghi thức, xảy ra đều đặn mỗi 4 năm sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Trong buổi họp này, do phó tổng thống đương nhiệm đồng thời cũng là chủ tịch thượng nghị viện chủ tọa, lưỡng viện Hoa Kỳ điểm danh kết quả của các đại cử tri đoàn của 50 tiểu bang. Tổng thống Mỹ được bầu bởi cử tri đoàn này chứ không phải bởi phiếu phổ thông. Theo truyền thống, bầu cử diễn ra vào ngày thứ 3 đầu tháng 11. Các tiểu bang xác nhận cử tri của bang mình và gửi họ đến thủ đô. Tại đây, thủ tục cuối cùng là điểm danh và đăng kí phiếu của từng tiểu bang một. Tổng thống là người chiếm đa số và sẽ nhậm chức vào ngày 20. 1 sẽ đến. Bầu cử tổng thống năm 2000 không phải là một cuộc bầu cử bình thường. Nó gặp một số trục trặc khiến một số quốc gia được coi là kém phát triển hơn Hoa Kỳ về bầu cử tại châu Phi, châu Á hay Nam Mỹ được dịp cười nhạo trả thù. Ứng viên được nhiều phiếu phổ thông nhất trên toàn quốc (51 triệu phiếu) là ông Gore. Kém ông Gore 500.000 phiếu, ông W. Bush (con) lại là người thắng cử với 271 phiếu của đại cử tri trong khi ông Gore chỉ có 266. Bang quyết định trong cuộc bầu cử này là bang Florida với 25 đại cử tri. Nếu thắng bang này thì ông Gore sẽ được 291 phiếu và ông W. Bush chỉ có 246. Trong đêm kịch tính này, các đài đoán nhanh nhẩu là W. Bush hơn 100.000 phiếu. Ông Gore lịch sự nhận thua ngay. Gần sáng, lúc kết quả từ các khu vực Dân chủ được đếm thì ông Gore chỉ còn kém có 2000 phiếu. Ông bèn xin rút lời chúc mừng đối thủ lại. Ngày 8.1, kết quả là ông Bush thắng Florida ở mức 300 phiếu. Đây là một đường tơ kẽ tóc thôi cho nên phải đếm lại theo luật định. Sau khi đếm lại phiếu tại 4 quận ngày 26.11 thì kết quả là ông Gore thua 537 phiếu tại bang Florida, tức là 0,009% và thất cử tổng thống! Ông đi kiện tòa Tiểu bang, lên đến Tối cao Pháp viện của Florida, xin đếm lại toàn bang. Ngày 12.12, Tối cao Pháp viện của Liên bang, của toàn quốc, bác quyết định đếm lại với 5 phiếu chống 4. Nhờ 1 phiếu của Tối cao Pháp viện này, ông W. Bush được xác nhận là thắng cử. Trở lại trưa ngày 7.1 tại tòa nhà lưỡng viện. Khi xướng danh kết quả của bang Florida thì có khoảng 20 đại biểu hạ viện, phần lớn thuộc nhóm đại biểu da đen đảng Dân chủ, chống lại. Họ lùm xùm gây chuyện trong 20 phút và đại biểu Maxine Waters (Dân chủ, bang California) đòi biểu quyết mặc dù theo qui tắc là phải có 1 thượng nghị sĩ ủng hộ nhưng họ không có được 1 thượng nghị sĩ nào. Bà Waters nói lớn “Không cần biết!”. Chủ tọa buổi họp là Phó tổng thống (Dân chủ) Gore. Ông bảo “Nhưng đó là điều cần phải có theo qui tắc” và đếm tiếp. Nhóm đại biểu phản đối bỏ phòng họp đi ra. Gore tiếp tục chủ tọa và trước 3 giờ chiều kết thức bằng cách chúc mừng tân tổng thống W. Bush đã đánh bại ông. Chỉ có một người coi đó là không đương nhiên So với ngày 6. 1. 2021 thì chuyện 20 năm trước chẳng thấm thía gì cả. Lần này, ông Biden hơn ông Trump 7 triệu phiếu phổ thông. Phiếu cử tri đoàn Biden hơn Trump 74 phiếu, 306-232. Để lật ngược kết quả, ông Trump cần 38 phiếu của đại cử tri đoàn, tức là tại 3 bang hay là 4. Các luật sư của ông đi kiện 61 lần và thua 60 lần. Họ bị Tối cao Pháp viện bác đơn thưa hai lần trong khi Viện gồm 9 thẩm phán trong đó có 6 thẩm phán thuộc đảng Cộng hòa và 3 vị do chính ông Trump bổ nhiệm. Hy vọng “cuối cùng” của tổng thống thất cử là vào buổi lễ ngày 6.1. Bên trong ông có một tá thượng nghị sĩ ủng hộ và trên 100 đại biểu hạ viện. Dĩ nhiên, họ có đòi quyền biểu quyết cũng chỉ dây dưa thêm lắm chuyện chứ không đủ đa số để ngàn chặn kết quả. Người chủ tọa là Phó tổng thống Pence, giờ phải làm gì? Theo ông Trump thì Phó tổng thống chỉ cần can đảm đổ mẹ nó kết quả xuống cống chảy ra dòng Potomac là xong. Sau khi giật nước bỏ 81 triệu lá phiếu, Pence chỉ cần rửa tay bằng xà phòng và tuyên bố là Trump và chính ông thắng cử. Nhưng ông Pence chột dạ và thông báo trước là ông sẽ không làm chuyện đó vì hình như Hiến pháp không cho phép ông làm cái đó. Trump khích bác chục ngàn người biểu tình và họ dễ dàng tràn vào tòa nhà Quốc hội. Cuộc họp bị gián đoạn, Phó tổng thống Pence bỏ trốn với gia đình vì một số tìm ông để treo cổ về tội phản chúa. Xô xát khiến 5 người thiệt mạng trong đó có một cảnh sát bị đánh chết và một người biểu tình bị bắn tử thương. Thế giới xúc động vì đây như trong một bộ phim hư cấu nào đó hay cảnh tượng ở một đất nước nào đó hỗn loạn. Hai bộ trưởng chính phủ Trump từ chức để phản đối, một đặc sứ nguyên chánh văn phòng Tòa Nhà trắng và cố vấn phó An ninh Quốc gia. Trump bị một số đồng minh thân thiết như thượng nghị sĩ Lindsey Graham, cựu thống đốc Chris Christie tránh xa ra khiến ông phải lên án hành động do chính ông trước đây thầm chủ trương và vỗ về. Chuyện này có gây một số bất bình trong thành phần phò chúa nay bị ông bỏ rơi. Nhưng đó là số phận của mọi người từng cộng tác với ông Trump trước đây, từ tướng lãnh, bộ trưởng đến Phó tổng thống, nói gì một đám cực đoan tiên phong. Tổng thống Trump sau vụ bạo loạn này còn 2 tuần lễ tại chức cho đến ngày 20. 1. Ông cho biết là ông sẽ không hiện diện trong buổi lễ bàn giao. Đây được coi như một tín hiệu cho quần chúng của ông để vào ngày hôm đó đến thủ đô dấy loạn một lần nữa? Làm được gì trong thời gian còn lại? Việc ban hành thiết quân luật không thể xảy ra vì lẽ Hoa Kỳ không phải là Thái Lan. Ngay cả kế hoạch (nếu có) ngày 6. 1 là tràn vào lưỡng viện bắt các dân cử với phó tổng thống Pence làm con tin để hoãn cuộc tuyên bố chính thức kết quả cũng khó khả thi. Hoa Kỳ không phải là Nicaragua. Tổng thống là tư lịnh quân lực nhưng ông ra lệnh thì phải có người thi hành. Thí dụ việc sử dụng vũ khí nguyên tử phải hỏi ý kiến của cố vấn An ninh Quốc gia, bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân lực và Tư lịnh Lực lượng Chiến lược. Nó không phải đơn giản là bảo đại tá tùy viên mở cặp ra để cho tổng thống bấm mật mã và tiêu diệt Iran. Nói thêm, có tin cho rằng một số bộ trưởng nội các ở lại cũng như cố vấn An ninh O’ Brien là để canh giữ và ngàn cản không cho ông Trump làm càn trong những ngày cuối này. Điều dễ nhất và duy nhất mà ông có thể thực hiện trong giờ chót là ân xá trước cho gia đình ông và tìm cách tự ân xá cho bản thân. Chuyện này không ai hiểu là sẽ hoàn toàn có hiệu quả hay không nhưng phương thức từ chức vài giờ để phó tổng thống Pence lên thay thế và ân xá không còn khả thi nữa. Cho đến nay, 5 ngày sau khi phó tổng thống bị lùng đuổi trong tòa nhà Quốc hội, ông vẫn chưa nói chuyện hay gặp lại tổng thống Trump. Ngược lại, từ giờ đến 20.1, còn những biện pháp nào khả thi để “trừng phạt” tổng thống thất cử? Thứ Ba, 12.1, Hạ viện sẽ yêu cầu phó tổng thống Pence áp dụng tu chính án 25 để truất phế tổng thống. Tu chính án 25 này cần sự đồng thuận của phó tổng thống và đa số nội các, sau đó được Thượng nghị viện chuẩn y. Phó tổng thống Pence chưa cho biết là ông có thuận không và việc này rườm rà. Thứ Tư, 13.1, Hạ viện sẽ luận tội (impeach) tổng thống. Chuyện này nhanh chóng thôi vì đã có đa số thuận sẵn sàng phía Dân chủ, kỳ này mong có thêm một số phiếu Cộng hòa. Ông Trump sẽ trở thành tổng thống duy nhất trong lịch sử bị luận tội 2 lần. Tuy nhiên để kết án ông thì sẽ lôi thôi hơn, phải đưa lên Thựơng viện. Sớm nhất là vào ngày 20. 1 tức là ngày bàn giao. Như vậy, ông Trump đã ra đi, còn kết án làm gì? Bởi vì ông phạm tội nên phải kết án để thành tiền lệ. Hậu quả thiết thực duy nhất đối với ông Trump sẽ là ông không được ra tranh cử nữa cho bất cứ chức vụ gì Liên bang. Vẫn còn một võ đài Như vậy, ông Trump coi như bị xóa sổ bụi đời sau ngày 20. 1. 2021. Ông không còn chiêu gì khác và “bạo động cách mạng” nếu có xảy ra vào ngày hôm đó cũng chẳng thay đổi được chuyện gì. Nhưng dù không thắng được, ông Trump vẫn còn nắm 50 triệu cử tri Hoa Kỳ là những người tin là ông bị chèn ép và mất nhiệm kỳ nhì vì bầu cử gian lận. Nếu coi 50 triệu này là thành phần Trump cốt cán thì ảnh hưởng của ông Trump vẫn là khủng ở trong đảng Cộng hòa. Điều này giải thích dù ông có làm xằng chi nữa thì vẫn có cả trăm đại biểu Hạ viện ủng hộ vì năm 2022 họ phải đương đầu với cử tri. Phần thượng nghị sĩ Cộng hòa phải ra tranh cử trong 2 năm tới có 20 mạng bấp bênh. 2 năm là đến đít rồi và 2 năm nữa ông Trump sẽ còn sống và nếu bị mất lòng ông có thể hại đời họ như trở bàn tay. Bài viết đầu trong tập “Thần thoại” của nhà kí hiệu học, ông Roland Barthes là “Thế giới nơi đô vật” (1954). Trong bài này, tác giả phân tích môn gọi là thể thao “Catch” trong thập niên 50 ở Pháp. Ta có thể dùng nó để giải thích hiện tượng Trump tại Hoa Kỳ. Ông Trump tham gia và đầu tư tổ chức bộ môn này từ thập niên 80. Ông đạt chức “danh nhân” của hội Đô vật Giải trí Thế giới (WWE) vào năm 2013, 3 năm trước khi đắc cử tổng thống Mỹ! Đô vật giải trí là một bộ môn thể thao giả trí được bình dân ưa chuộng và mang về bộn bạc. Các lực sĩ thường nhảy sang truyền hình, điện ảnh nhưng có người vào chính trường thành công như Jesse Ventura, thống đốc bang Minnesota 1998. Phải nhắc, sô TV “The Apprentice” làm nên tên tuổi của Trump và mang về cho ông 427 triệu usd trong khi ông chỏng gọng với đầu tư nhà đất và sòng bài. Khổ giải trí truyền hình này cũng không xa khổ giải trí của bộ môn đô vật là mấy và là giàn phóng sự nghiệp chính trị của ông Trump với quần chúng, biến ông thành một siêu sao cả yêu lẫn ghét đậm đà. Ông Trump có thể ví như một lực sĩ đô vật Thiện Ác rành mạch và hiển nhiên đến mức lố bịch hay lố bịch đến mức hiển nhiên. Yêu và ghét nhân vật cũng thế, tức thời và cực kỳ, không thể thuộc vào phạm trù của lý trí. Barthes viết trong kết luận “Trên sàn đấu và ngay trong tận cùng của sự xấu xa tự nguyện, các đô vật vẫn là thượng đế, bởi vì họ, trong một vài khoảnh khắc, là chìa khóa mở ra Thiên nhiên, là cử chỉ thuần khiết cách biệt điều Thiện khỏi điều Ác và cho thấy hình ảnh của một Công lý mà ta rốt cuộc có thể thấu hiểu”. Đây là điều mà một chính trị gia chuyên nghiệp gật gà ngủ ngật như ông Biden không thể nào có được. Dù thất cử, dù bị luận tội, lên án, thì trong thời gian tới, ông Trump vẫn còn một võ đài và một quần chúng say đắm như thật với một trò đùa giả. Ý kiến - Thảo luậnÔng Pence được bảo vệ trong Capitol ở một nơi ‘bí mật’. Theo tài liệu AP biết được mới đây (10.4.2021) thì PTT gọi điện cho quyền bộ trưởng quốc phòng Miller lúc 16:08 đòi ông này gửi quân đội đến giải tỏa (‘clear’) Quốc hội. 2 bình luận trong “Võ đài còn đó võ sĩ còn đây”Leave a Reply
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|
Ông Pence chạy vòng vòng trong điện Capitol lúc nào nhỉ?