|
|||||||||||||
|
Điện ảnhXem Ma’ Rosa: ta nên học theo hướng nào? 3 September, 2024Sáng ÁnhĐèn bật lên. Cử tọa trong rạp hát vỗ tay, đạo diễn bộ phim vừa mới chiếu xong đứng dậy cười chào. Mọi người đứng dậy theo, vẫn vỗ tay tiếp. Được 1 phút thì ông đỏ mặt. Sau 3 phút như vậy thì đạo diễn đỏ cả bộ râu mép con kiến. Đến phút thứ 5 tiếng vỗ tay chưa dứt thì ông xúc động đỏ hai mắt và bắt đầu long lanh lệ, đưa tay lên chùi. Lúc đó mọi người mới tha cho vì sợ ông vỡ òa lên khóc. Đó là vào buổi trình chiếu dự thi Cành cọ vàng ở LHP Cannes năm 2016 và bộ phim được tuyển là “Ma’ Rosa”. Đạo diễn Brillante Mendoza không phải là lần đầu đến chỗ này. 2008, bộ phim “Serbis” của ông đã từng được tuyển thi Palme d’Or. 2009, ông đoạt giải đạo diễn xuất sắc với bộ phim “Kinatay” cũng ở nơi này. Ông xúc động cũng chẳng phải vì đây là vinh dự đầu tiên của nền điện ảnh Philippines tại Cannes. Từng được tuyển Cành cọ vàng là bộ phim “Jaguar” của Lino Brocka năm 1980. Năm1984, “Bayan Ko” của Brocka lại được tuyển, nhưng trúng là tại London, giải British Film Institute (BFI, Viện Điện ảnh Anh). Các giải điện ảnh, như mọi thứ trên đời này, không vô tư 100% khách quan và 100% độc lập giáng xuống phim này phim kia từ trên chín tầng mây chớp bóng. Nó bị ảnh hưởng, bởi dư luận, bởi trào lưu này nọ nghệ thuật hay bởi thời thế chính trị đây kia. Trong thập niên 80, Philippines ở dưới thiết quân luật của chế độ độc tài Marcos và các bộ phim của Brocka lúc ấy phê bình chế độ này về mặt xã hội một cách rất giỏi. Năm 2016, ứng cử viên tổng thống Duterte là hiện tượng quốc tế, đòi bắn bỏ con buôn ma túy và vất xác xuống lấp vịnh Manila.“Ma’Rosa” đề cập vấn đề ma túy này một cách tài ba. Tại vì, trào lưu thì có đấy, thời sự thì cũng vậy, nhưng nếu không tài ba thì đừng hòng. Ma’ Rosa, nhân vật chính của truyện, là một thiếu phụ ngoài 40 tuổi và vòng eo 90 hay 100 centimét. Bà có 4 đứa con từ ngoài 20 đến trên 10 tuổi và một ông chồng vô tích sự. Việc làm ăn của bà là một gian tạp hóa ngay tại nhà. Để thu nhập thêm chút đỉnh, bà còn buôn thuốc đá ở trong xóm. Vào phim, ta thấy bà và con trai kế (18 tuổi) lên phố mua hàng sỉ mang về, đôi co tới 25 xu (100 VND) tiền thối lại. Về đến xóm, cậu con lớn thì không giúp em và mẹ xách hàng mà còn đang mải bạn ở hè. – Cái máy karaoke nhà mình sao lại ở đây? (trên hè) – Con cho các bạn thuê để kiếm tiền! – Mày nhớ mà đòi tiền chúng! Con gái lớn đi học về dắt bạn theo. Con gái bé thì phụ mẹ xếp hàng. Lối xóm thì bà khất tiền người này, đòi nợ người kia (“Con tôi sắp gửi tiền về”, Philippines là nước có rất nhiều lao động ngoài nước mà). Lên gác thì ông chồng bà đang chơi hàng đá, lấy lý là ăn mừng trước sinh nhật của ông vào ngày mai. Đoạn đầu phim này giới thiệu gia đình Ma’ Rosa và nhân vật này, một phụ nữ như trăm ngàn phụ nữ khác, tiểu thương vật vã với chồng con trong một xóm nhỏ lầy lội. Thanh niên giao hàng đá chạy xe máy tới. Anh này giao hàng ghi sổ. Phương tiện sản xuất của phim rất đơn giản, theo nhận xét của người viết thôi, vì không có thông tin chính xác. Bộ phim có lẽ tốn 200.000 USD trở lại. Phim quay bằng máy số loại nhỏ, cầm tay tên gimbal (bộ phận chống rung khi động máy), đầu kính chỉnh nét tự động. Rất ít sử dụng đèn chiếu và sử dụng rất khéo, kiểu bóng trong nhà 60 watt thì ta thay bằng bóng 200 watt. Ánh sáng có sẵn về đêm ở bên ngoài được xung công vào cảnh, thí dụ tụ tập diễn viên quần chúng thì ta dùng cột đèn hay đèn rọi từ nhà trong hắt ra. Diễn viên quần chúng cũng hạn chế, kiểu quay “trộm” như quay phim tài liệu. Vì máy nhỏ cầm tay trên cột chống rung nên theo diễn viên rất là uyển chuyển, trong mọi không gian chật hẹp mà không cần dùng đến phim trường. Toàn bộ phim quay bằng cảnh “thật” nên rất ít tốn kém, về phương tiện cũng như về thời gian. Toàn bộ phim rất “động”, phù hợp với không khí lúc nhúc ở khu vực ổ chuột bình dân, hình lem nhem ướt như là không khí của mùa mưa trong chuyện (quay phim là Odissey Flores). Âm thanh và cả nhạc đi kèm (của Teresa Barrozo) là rì rào của con phố, phù hợp và không lộ liễuthôi thúc hay nhắc nhở, chỉ chập chờn. Ma’ Rosa bị cảnh sát ập vào nhà lục xét, bắt hai vợ chồng mang về đồn. Bằng chứng rành rành, họ đòi 4.000 USD để thả và xí xóa.Đây là một số tiền lớn, không tưởng, với gia đình bà. Ma’ Rosa chỉ còn cách là cộng tác, bằng cách lừa người giao hàng đá cho cảnh sát bắt. Anh này lọt ổ do Ma’ Rosa giăng, bị cảnh sát nghiệp vụ cho một trận và tịch thu 2.000 USD anh đang mang trên người. Xếp của anhbuôn ma túy này là một thiếu tá cảnh sát nào đó nên cảnh sát đồn không động tới, bắt anhgọi vợ đến nộp thêm 2.000. Chị này chạy được 1.000 và cảnh sát cho vợ chồng Ma’ Rosa gặp các con, làm sao thì làm, mang 1.000 còn lại đến thì được thả, nếu không thì khởi tố. Cậu con cả thì khiêng cái TV đi rao bán trong xóm. Hai cô con gái dắt díu nhau đi mượn tiền bạn bè và họ hàng, năn nỉ cả bà cô, tức là người em dâu có xich mích với mẹ để xin xỏ. Bà cô mắng cho một mách, đáng đời con mẹ của chúng mày, nhưng khi hai cháu đi thì bà lại giúi cho một nắm tiền “Đây, chúng mày về mà tống vào trong họng mẹ của mày hộ tao!” Cậu con kế 18 tuổi thì gặp một ông trung niên, khách quen của cậu để vào khách sạn, xong việc ái tình rồi lại gắng đòi thêm ông một chút tiền làm quà. Họ trở về đồn năn nỉ là chỉ kiếm được có 920 USD. Nhưng cảnh sát không có kì kèo thêm bớt, đã nói 1.000 là 1.000, không cần để phúc cho con. Cô con gái lúc đó mới đòi lại cái di động cô bị cảnh sát cướp hôm qua, nói họ đã lấy cái điện thoại thì trừ đi cho 80! “Con bé này lắm chuyện thật! Tao trả đây, nhưng cái di động dỏm của mày làm gì đáng 80!” Vậy là mấy đứa con và ông chồng ở lại đồn làm tin, Ma’ Rosa mang cái di động của con gái đi cầm và kiếm thêm 80 USD để nộp. Bà kiếm đủ được con số này thì phim hết chuyện. Đèn bật lên và cử tọa ở Cannes đứng dậy mà vỗ tay tới 5 hay 7 phút. Bộ phim này chỉ có Tây (và Philippines) nó xem. Cảnh chót trước khi đèn bật và phim hết chuyện là Ma’ Rosa còn dư mấy đồng bạc, bèn dừng lại và mua một xiên cá viên ăn. Trước mặt bà là cảnh gia đình bố mẹ con cái một xe tạp hóa rong đóng xe lại để về nhà. Lúc đó người phụ nữ này – người lầm lì và gắt gỏng chỉ vừa đủ, văng tục chỉ vừa đủ, cái gì cũng chỉ vừa đủ để mà còn sống, như đức tính cần kiệm của bà – mới dư thừa để có được một giọt nước mắt. Cái ngấn lệ lúc cuối phim này mang lại cho Jaclyn José giải diễn xuất ở Cannes. * Trong bộ phim, anh con lớn, khi biết được là bố mẹ bị bắt vì lời khai của một thiếu niên thân quen trong xóm, đuổi theo em này đánh và mắng “đồ phản phúc” chứ không lấy dao Thái mà đâm và cảnh hành động này cũng chẳng có gì võ thuật. Kịch bản đã thế, đạo diễn lại không biết lợi dụng tình tiết để tấu bi: một cảnh săn bắt xe máy lao qua…cống rãnh; một cảnh kiếm hiệp có côn nhị khúc và mã tấu; một cảnh nóng có trinh nữ bị tốc váy. Thoại thì nhợt nhạt, cần phải biên tập lại như sau “Ta phải chiếm cho bằng được tấm thân ngà ngọc này”.Nhạc phim thì không ai để ý, lúc tráng cũng như lúc bi và kết thúc không có hậu. Người cha đáng lý phải để nói câu cuối cùng khi ông được thả “Từ giờ, ngay cả vào ngày sinh nhật, tôi cũng sẽ không chơi hàng đá nữa, có tí lãi mà tôi lại ăn mất của vợ con!” Cậu con trai đáng lẽ phải ôm cha và bảo “Không, cha đừng hy sinh như thế, cứ tiếp tục chơi thuốc lúc tuổi già!” Cô con gái lúc đó mở ra một bao thư ra và rạng rỡ thông báo vói cả nhà “Con mới nhận được học bổng mấy tỷ của Harvard!” Nhạc phừng phừng, đèn bật lên, và cử tọa Cannes đứng dậy vỗ tay dài gấp đôi, là 12 phút. Một bộ phim như Ma’ Rosa hoàn toàn có thể thực hiện được tại Việt Nam. Nó có sẵn cảnh mùa mưa và xóm nhỏ lầy lội, cửa hàng tạp hóa bằng lỗ mũi, gác lửng mái tôn và con buôn ngáo đá cũng có nữa. Về mặt thiết bị,phim Việt cao cấp hơn nhiều, máy quay thì phải Alexa, đầu kính phải đồng bộ Arri, Zeiss. Về mặt kinh phí nó có thể vượt trội Ma’ Rosa và những bộ phim Philippines vào dạng này (“Kubrador” cuả Jeffrey Jeturian, “Midnight Dancer” của Mel Chionglo) những gấp 3 hay gấp 7. Nhưng tại sao lại không có? Không phải là vì không có được nhưng có để làm gì, và để ai xem? Kỹ nghệ điện ảnh Philippines mỗi năm thực hiện 150-200 phim truyện và được quần chúng trong nước ủng hộ phim nhà. Con số doanh thu của cả kỹ nghệ này vào 2013 là 166 triệu USD. Từ 2010, nhiều bộ phim quốc nội vượt mức doanh thu 4 triệu USD. Kỷ lục doanh thu hiện là 15 triệu USD. Tất nhiên đây là những bộ phim hoành tráng lịch sử (“General Herrera”), tình cảm bi hài mới ăn khách như vậy, chứ không phải là những bộ phim xã hội. Nhưng có quần chúng khán giả nuôi được kỹ nghệ điện ảnh thì mới có nảy ra nền điện ảnh xã hội hay là nghệ thuật. Ngành này dựa vào hệ thống phân phối đã sẵn có, dựa vào đội ngũ chuyên viên kỹ thuật đã sẵn có và đội ngũ diễn viên đã sẵn có để đến với một số khán giả khiêm tốn hơn. Jeturian làm phim truyền hình, phim tấu hài. Jaclyn José diễn đủ thứ vai ăn khách chứ chẳng riêng gì cao sang phim nghệ thuật. Gina Pareno trước khi vòng eo lỏng lẻo 100cm từng là nữ hoàng có bộ ngực hỏa diệm trong thập niên 70. Trước và sau ống kính, họ dùng kinh nghiệm và tài năng để phục vụ những tác phẩm và những vai diễn rất là khác biệt. Nói cách khác, là những bộ phim tấu hài ăn khách, những bộ phim lãng mạn sướt mướt v.v… lại là anh nuôi chị nuôi của những bộ phim nghệ thuật hay xã hội. Nếu không có đại gia hột soàn, hay vương đảo nào ở đâu đó, thì làm sao có Lý Nhã Kỳ để được làm công chúa con nuôi hay em nuôi lấp lánh? Ta có thể nghĩ là khán giả Việt không chấp nhận vòng eo 98 mà chỉ trả tiền xem vòng eo 56, đại loại thế. Showbiz là nó phải thế, nhưng Philippines là một quốc gia showbiz phát triển cực kỳ. Điều đó không cấm Lav Diaz được Beo gấm Locarno, Sư tử vàng Venice hay Gấu bạc Berlin, không cản được Sam Ellis đoạt giải Sundance. Mà, trong tất cả những bộ phim này, không hề thấy một cái túi đầm Hermes nào hết, không hề thấy một cảnh đá song phi. Vậy vấn đề là khán giả tẩy chay phim “chân”? Họ bỏ tiền và bỏ thì giờ ra là để giải trí, để quên đi cuộc sống mệt nhọcchứ phim “chân” thì họ chỉ cần ngồi ở nhà nhìn vách cũng thấy nó bẩn không kém. Việc gì mà phải xem bà hàng xóm mông xệ trên hình, trong khi cái họ muốn nhìn là dáng đứng siêu sao? Hay là tại vì kỹ nghệ phim thích ru câu hò chiều xuống chân trời tím cho khán giả đong đưa võng ở trong rạp? Bắt đầu là quả trứng hay là con gà? Phim định hướng khán giả hay là khán giả định hướng phim? Ai làm hỏng ai, ta chẳng biết và không có giải đáp. Điều chắc chắn, Phi là một nước trong khu vực, tầm phát triển chỉ hơn ta một tí và có những điều kiện vật chất thấp kém tương đương, thế mà đất nước này lại có một nền điện ảnh được công nhận là xuất sắc hơn ta nhiều. Nó đáp ứng được đòi hỏi nghệ thuật này kia của những liên hoan quốc tế để mà nở mặt nở mày trên thảm đỏ thay vì nở mông nở ngực. Chẳng những thế, nó còn đáp ứng được nhu cầu điện ảnh đa dạng của quần chúng ở trong nước. Có lẽ, khán giả Philippines nhận ra là trong những bộ phim tả chân chủ nghĩa này, chính họ là siêu sao và chính họ là minh tinh chứ chẳng phải nào ai khác. Nó không sôi động – sôi động như vậy cũng đủ rồi. Nó cũng chẳng mỹ nhân siêu sắc và anh hùng cực tài cứu cả quả đất hay là nhân loại mà ở trong tầm tay với, tầm tay phải và tầm tay trái. Như vậy, muốn học tập thì điện ảnh của ta nên học tập gương nào? Ta nên thực hiện một bộ phim như là “Ma’ Rosa” hay ta nên thử làm một bộ phim như là “Avengers”? Ta, trước hết, nên chân thật đã. * Bài đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần 19. 06. 2019 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
|
|||||||||||
|