|
|||||||||||||
|
Chính trịBầu cử ở Pháp: Người có vợ đẹp rớt vòng sơ bộ. Ai sẽ đấu tiếp với Le Pen? 4 August, 2024Sáng ÁnhNước Pháp vào tháng Năm 2017 sẽ có bầu cử tổng thống mới. Tình hình chính trị tại Pháp hiện nay thì không được như thời tiết Paris vào tháng Năm, hoa cỏ nảy mầm tươi mát và nắng bắt đầu chiếu hếch những mặt bàn café mới được bày ra vỉa hè để tình nhân ngồi cầm tay nhau và phun khói thuốc lá. Nó u ám như là vào tháng Mười Một hay là tháng Tư của hàng năm, dở dở ương ương. Quốc gia này sắp hết một nhiệm kỳ Xã hội Dân chủ nhợt nhạt với một vị tổng thống được ví là chú lùn buồn ngủ (trong phim hoạt hình Bạch Tuyết), trong khi kinh tế lê dép giữa bầu không khí nặng nhọc của khủng hoảng chính trị tại EU. Nếu tại Nam Âu, cũng tình hình này sao thì cũng kích hoạt được một số phong trào tả phái mới, thì tại Bắc Âu, Trung Âu, nó dựng dậy các phong trào cực hữu cổ điển, bôi son trét phấn cho phù hợp với thời đại. Front National (FN, Mặt trận Quốc gia) là một phong trào cực hữu có mặt từ 50 năm nay. Thời Algeria giành độc lập, FN có quần chúng hô “Algeria là nước Pháp” ủng hộ. Khác với Đông Nam Á hay châu Phi phía dưới sa mạc Sahara và khác ngay với cả Morocco, Tunisia ngay cạnh, Algeria là một thuộc địa có nhiều người Pháp di dân và định cư. Khi mẫu quốc định “bỏ rơi”, người Pháp tại đây còn toan tính tuyên bố “độc lập” (khỏi nước Pháp), kiểu Nam Phi! Nhưng những thập niên đó, về mặt kinh tế lại là thời kỳ vàng son phát triển của nước Pháp. Xã hội tiêu thụ đang thành hình, dư ăn và dư mặc, chỉ thiếu nhân lực lao động. Người lao động nước ngoài phải mời chào, mở cửa nhập vào từ Bắc Phi, Phi châu, Turkey… còn không xuể . Nước Pháp đang cần họ nên một khi chuyện Algeria qua rồi, thì FN khó mà được lòng cử tri với lập luận kỳ thị và bài ngoại. FN chỉ được lòng cử tri cực hữu trong việc Pháp bỏ rơi Algeria. Một khi chuyện đó đã xong thì lập luận bài ngoại, bài người Ả rạp Bắc Phi không đắt khách vì đây là những người kỹ nghệ Pháp đang cần Đảng FN ngóc đầu lên được từ khi kinh tế trì trệ rồi khó khăn, khủng hoảng. Người nước ngoài không còn sang đây để làm hộ việc nặng và việc bẩn nữa, mà là sang đây để “hưởng phúc lợi xã hội” hay “giành việc” của người bản xứ. Mâu thuẫn của một EU vụt lớn sau khi khối Đông Âu sụp đổ, và hỗn loạn tại Trung Đông. Ông Jean Marie bị con gái là bà Marine Le Pen loại luôn khỏi đảng vì không thức thời. Cha không có hiểu, giờ ta không còn làm ăn cò con nữa với mấy khách lão lưu luyến Phát xít hay là Quốc xã, ta sắp nắm quyền đây. Bà mang FN lên tầm 30% cử tri hiện nay. Mặt khác, trong những thập niên qua, nước Pháp, cũng như Anh, như Ý v.v. không còn những lựa chọn rõ rệt về mô hình xã hội hay chính trị. Đảng Xã hội Pháp, khi lên cầm quyền, đã nuốt luôn phái tả và tiêu hóa ngon lành từ đảng Cộng sản đến phong trào Xanh, không bị nghẹn mà cũng không đau bụng. Phía hữu cổ điển, ngược lại cũng tiến dần về phía giữa và nay ta mai thì bạn thay phiên. Lựa chọn của cử tri trong các thập niên qua không phải là giữa hữu và tả nữa mà là giữa trung tả hay trung hữu, tóm lại là trung trung. Nếu đây là một thời điểm phát triển thì còn nói gì nữa, ta cứ thế trung trung mà vung vẩy tiến. Nhưng tiếc thay, đây lại là một thời điểm suy thoái và khó có thể cứ trung trung ở đấy hay là trung trung mà lùi mãi. Nếu ở Greece hay Spain, Portugal nẩy lên những phong trào tả mới thì tại Pháp, Hà Lan, Đức… lại lớn lên các phong trào tân hữu. Nói cách khác, lịch sử cũng như nấu bếp, bao giờ cũng có hai chọn lựa, nếu nhàn nhạt mà không nuốt vào nữa, thì hoặc ta bỏ muối hoặc ta bỏ đường. Nếu thể thức bầu cử tại Pháp cũng như ở Mỹ, nghĩa là một vòng, ai nhiều phiếu nhất thắng thì có thể FN lên cầm quyền với mức 30% hay là 35%. Nhưng ở Pháp, Đệ ngũ Cộng hòa từ 1958 là thể thức bầu cử hai vòng. Vòng đầu không hạn chế số ứng cử viên, và vòng nhì chỉ còn lại 2 ứng viên đứng đầu, thi nhau mặc cả và thương thuyết với các ứng viên về 3 về 4 về 5 bị bỏ lại. Thí dụ bầu cử tổng thống hồi 2002, vòng đầu kết quả như sau: Chirac (hữu cổ điển): 19,88% Số phiếu còn lại được chia cho trung tả, trung hữu, trung tả hữu, trung hữu hữu, cực tả, cực tả tả, cực hữu hữu v.v. muôn màu. Vòng nhì năm ấy, chỉ còn lại 2 người đầu. Bất ngờ trong cuộc bầu cử ấy là ứng viên đảng Xã hội và đương kim thủ tướng Jospin lọt đài và thay vì là một cuộc chạy đua giữa (dầu gì cũng) tả và (dầu gì cũng) hữu thì lại là một cuộc đua giữa hữu (nhưng “cộng hòa”) và cực hữu (phát xít). Kết quả là ông Chirac đại thắng như chưa từng thấy trong một cuộc bầu cử tự do và dân chủ, nhìn con số 82,21% cứ tưởng ông là nhà độc tài ở nước nào đâu. Le Pen thì thua đậm với 17,79% vì đây là giới hạn của giới cử tri này, hú hồn. Đến 2017 thì có lẽ là mô hình này được lặp lại và vòng 2 sẽ là giữa một ứng viên của phái hữu cổ điển và bà Le Pen. Giới hạn của cử tri cực hữu, tuy được bà nâng niu lên cấp nhưng đến giờ vẫn ở mức 30-35%. Nói cách khác, mặc cho tỵ nạn tràn lan, mặc cho Hồi giáo khủng bố, mặc cho Anh quốc rã hàng thì kết quả đoán được là ứng viên phe hữu cổ điển sẽ thắng với 70-65%. Nhưng ứng viên “phe hữu cố điển” đó là ai? Năm nay là lần đầu đảng Républicains (hữu cổ điển) có sơ cử nội bộ, cũng trong 2 vòng. Vòng 1 đảng này cũng một lô 7 mạng tranh tài trong đó có 3 người đáng kể là cựu tổng thống Sarkozy tái xuất giang hồ, cựu thủ tướng Juppé và cựu thủ tướng Fillon. Sarkozy đại diện cho đường lối của ông, múa may tân-tự do (neo liberal). Juppé đại diện cho phe hữu chín chắn, ờ thì xưa rồi Diễm ơi nhưng trước giờ chí ít ta vẫn biết là mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ. Fillon, tương đối vô danh kiểu thân hào tỉnh lẻ nhưng quyết liệt hô thay đổi, đòi mang nước Pháp trở về thời kỳ… Thatcher! Dư luận và thăm dò cho thấy Sarkozy và Juppé sát nút ở mức 30-35%, Fillon lẽo đẽo đằng sau với 17-25%. Kết quả tuần trước chẳng ai ngờ được, là Fillon 44,08%, Juppé 28,56% và Sarkozy bị loại với 20,67%. Ông này, một là mọi người đã chán, hai là ông chạy theo bà Le Pen trên lập trường bài ngoại, bài Hồi thì ông khác ở chỗ nào? Thể thức sơ cử này, tuy là nội bộ đảng nhưng ai cũng tham gia được, chỉ cần “nhận” đảng thì được đầu phiếu. Một số lớn cử tri (có thể lên đến 15%) được cho là từ phe tả “xâm nhập” quyết bầu lên Juppé vì đó là ứng viên phe hữu khá nhất mà họ có thể chấp nhận làm tổng thống và ngăn chặn được Sarkozy là người họ ghét thậm tệ. Nếu vậy thì họ thành công về việc này, nhưng cử tri hữu đã dồn phiếu cho một khuôn mặt đổi mới (Thatcher là… đổi mới đối với nước Pháp, cũ người mới ta) là Fillon, từng bị Sarkozy gọi là “cộng tác viên” (hiểu là “trợ lí”) cũ của ta đây. Việc bất ngờ này khiến phái tả phân vân. Chưa biết đảng Xã hội sơ cử sẽ ra sao, và Hollande có tranh tài sơ cử đảng hay nằm nhà ngủ gật nhưng ứng viên của đảng này có thể đánh bại một Fillon ở vòng đầu trong khi với Juppé là phần thua đã nắm trước. Ông Fillon có đòi đuổi nửa triệu nhân viên nhà nước, tăng giờ lao động trở lại 39 tiếng, tư hữu hóa loạn kiểu Phu nhân Thép ngày nào thì phái Xã hội mới có đường trở lại với một chương trình rạch ròi khác biệt? * * Fillon thắng lớn với 66.5% – 33,5%. Trong số bỏ phiếu cho ông Fillon không rõ là bao nhiêu cử tri phe tả và xã hội “xâm nhập”, nhưng như đã nói, ở vòng đầu con số này ước lượng là lên đến 15%. Chiến thắng của Fillon mở ra một lối mới cho bầu cử tổng thống 5. 2017. Giờ thì phe tả có một cơ hội mở và cử tri ở vòng đầu có thể lựa chọn giữa hai xã hội. Thứ nhất là nước Pháp như trước đây, với những giá trị cổ điển và truyền thống của nửa thế kỷ qua, với luật an sinh và lao động chặt chẽ, với nhà nước quản lí và ảnh hưởng một khu vực lớn quốc doanh. Đây là mô hình của đảng Xã hội (và tương tự, với đôi chút khác biệt, cũng là mô hình ứng viên phe hữu Juppé muốn duy trì). Lựa chọn thứ nhì, là một thay đổi tân-tự do ra mặt và công khai nước đại như ông Fillon chủ trương. Thật sự thì tư duy tân-tự do này đã có mặt từ 30 năm nay, dưới các chế độ dù hữu hay tả, ở mức độ thập thò hay là rón rén, có rõ rệt nhất là dưới thời đại ngắn ngủi Sarkozy. Nhưng nay Fillon mới là người điềm nhiên đề nghị, và được sự ủng hộ nhất định của một số quần chúng như ta thấy vào hôm Chủ nhật này. Đề nghị sa thải 500.000 công chức dù tả hay hữu thì cũng có chí ít là … 500.000 người chống nhưng số còn lại có lẽ giờ chấp nhận là nước Pháp đã đi đến một mức độ ngân sách thâm thủng, quá tải và phúc lợi an sinh khiến kinh tế trì trệ và đã tân tự do thì tân tự do hẳn, đừng có nửa mùa. Cử tri ở vòng 1 tháng Năm tới sẽ quyết định giữa hai lựa chọn trên. Vòng 2 sẽ là lựa chọn giữa những giá trị nhân vị của cộng hòa và cực đoan tân hữu của bà Le Pen. Đến giờ, Le Pen vẫn ở mức 30-35% và vòng 2 năm tới, dù là ứng viên Fillon hay là ứng viên Xã hội cũng sẽ được toàn thể số phiếu còn lại, nghĩa là 65-70%. Như vậy thì trong thời gian 15 năm, giữa 2002 và 2017, bà Le Pen sẽ tăng được gia sản do cha để lại lên gấp hai, từ khoảng 18% trước kia của ông lên đến 35%. Bà cũng sẽ về đầu ở vòng 1 với số 30-35% này nhưng việc FN lên cầm quyền tại Pháp trong năm tới vẫn là một điều ngoài tầm tay. 27. 11. 2016 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|