|
|||||||||||||
|
Điện ảnhQuả bong bóng trắng (bài 1): Một ví dụ về điện ảnh trung thực thì hay 4 July, 2024Sáng Ánh“Quả bong bóng trắng” (“The White Balloon”) là bộ phim đã đưa đạo diễn người Iran Jafar Panahi đến quần chúng quốc tế khi đoạt giải “Máy quay Vàng” tại Liên hoan phim Cannes năm 1995. Giải này dành cho các phim đầu tay và đây là phim đầu do ông thực hiện, sau nhiều năm trong nghề và làm phó cho đạo diễn Abbas Kiarostami. Sự nghiệp đạo diễn của Panahi sau đó phát triển với “Tấm gương” (“The Mirror”, 1997, Beo vàng tại Locarno), cũng đề tài về trẻ em. Tuy thành công với “Vòng tròn” (“The Circle”, 2000, Sư tử vàng tại Venice) nhưng ông gặp khó khăn về mặt chính trị. Đề tài của bộ phim này là ngày đầu của 4 thiếu nữ từ một trại cải tạo nhân phẩm được trở về nhà. “ “Vàng màu đỏ thắm” (“Crimson Gold”, 2004) cũng gặp khó khăn với chính quyên vì kể 48 tiếng của một anh giao pizza bị tâm thần và đánh cướp một tiệm kim hoàn. “Việt vị” (“Offside”, 2006, Gấu bạc tại Berlin) lại chạm lần nữa đề tài phụ nữ trong xã hội thần quyền Iran: một nhóm thiếu nữ giả trai để đi xem trận bóng đá giải thế giới, vì tại đây cấm phụ nữ đi xem thể thao. Những khó khăn nầy khiến Panahi phải đội tên, quay chui và dùng phương tiện video nhẹ cho bộ phim “Việt vị”. Quay phim lậu và chuyển lậu ra nước ngoài này khiến Panahi phải vào tù và lãnh án 6 năm, cấm làm phim 20 năm. Khi bị giam tại gia hồi 2011, ông thực hiện bộ phim tài liệu “Đây không phải là một phim” (“This is not a film”)… ngay trong nhà ông với kinh phí 3200 USD. Phim sau đó của ông, “Taxi Tehran” (2015), cũng không phải là một phim. Panahi chỉ lái taxi lòng vòng thủ đô, dùng máy quay GoPro và điện thoại gắn trên xe nhưng “Taxi” đoạt giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin. Sự cấm đoán của chính quyền đã khiến các phim của Panahi không dự giải Oscar được vì thiếu tiêu chuẩn dự thi là phải trình chiếu một tuần tại một rạp ở trong nước. Tuy nhiên, những cấm đoán này cũng giúp phần làm nên tên tuổi của đạo diễn trên thế giới, nghĩa là tại chủ yếu Tây phương, trong bối cảnh phần lớn dư luận không ưa hay là lên án chủ nghĩa thần quyền tại Iran, thứ nhất là về mặt cấm đoán với phụ nữ. Nói thế (phong trào chống thần quyền) không phải để phủ nhận thực tài của Panahi như ta thấy trong 2 phim đầu, là 2 phim không có vấn đề gì về mặt này. “Quả bong bóng trắng” kể lại 1 giờ 28 trước năm mới Iran và chấm dứt khi sang năm mới (tại đây năm mới bắt đầu là vào buổi chiều chứ không phải nửa đêm). Trong tất cả các phim của Panahi, thời gian của cả câu chuyện kể xảy ra trong vài giờ, trong vài ngày và trong trường hợp này, “Quả bong bóng trắng”, thời gian của phim là thời gian thật của chuyện kể (88 phút). Iran là một nước phát triển tầm trung, có mức sống nhích hơn Thái Lan và gấp 3 lần Việt Nam hiện nay. Tại đây, văn minh có mặt từ 9000 năm và quốc gia này thành hình năm 635 trước Công nguyên, huy hoàng thế giới và làm cho Âu châu khiếp sợ vào thời Hy lạp và là Đệ nhất siêu cường vào thủa ấy. Tuy điện ảnh Iran… ít tuổi hơn nhưng cũng có một truyền thống và hiện là một nền điện ảnh tầm quốc tế. Điều này một mình Panahi không làm được, mà phải có “hội”, những tên tuổi như Kiarostami, Mahjidi, Mohsen Makhmalbaf và con gái ông, Samira… Ngành điện ảnh nghệ thuật này song hành với một nền điện ảnh thương mãi (khoảng 100 phim được sản xuất mỗi năm) và tuy bị chính quyền giới hạn, vẫn có một số lượng quần chúng địa phương nuôi dưỡng. “Đợt sóng mới” điện ảnh Iran tuy xuất hiện từ giữa thập niên 60 nhưng lạ lùng lại thăng hoa trong hoàn cảnh khắc nghiệt của Cách mạng Hồi giáo Thần quyền. Nhưng nếu nó chỉ có “nghệ thuật” không thì cũng không thể mình nó mà tồn tại nổi để mà được tuyên dương trong các Liên hoan phim quốc tế. Điện ảnh, trước hết là một nghệ thuật quần chúng, chẳng có đại gia nào sưu tập đại tác phẩm phim treo trên màn hình trong đại sảnh và xem riêng với đại phu nhân. Điện ảnh lại là một nghệ thuật hợp tác và một nghệ thuật tập hợp, nếu không có đoàn, không có chuyên viên được đào tạo và nuôi sống với các phim thương mãi thì cũng khó lòng, tuy với hai phim chót của ông như đã nói, Panahi đã chứng minh được điều ngược lại. Nhân vật chính trong phim “Quả bong bóng trắng” là một em bé gái lên 7 tuổi (ăn gian chăng) nhưng xem chỉ lên 5 và mang tên Razieh (Aida Mohammadkhani). Phim bắt đầu 1 tiếng 28 phút trước “giao thừa” (tại Iran là vào đúng giờ xuân phân chứ không phải nửa đêm). Razieh theo mẹ từ chợ về nhà để dọn dẹp. Bố em (cả phim không thấy mặt, chỉ nghe tiếng) thì đang tắm để sửa soạn đi đón bà nội, giục con trai 10 tuổi là Ali (Mohsen Kafili) chạy đi mua thuốc gội đầu. Vào dịp Tết Nowruz, người Iran hay bày một con cá vàng trong lọ. (Nói thêm đây là tục lệ, Tết 2016, tổng thống Rouhani thuộc chiều hướng bán cải cách, tức là vừa đổi mới vừa run, chụp ảnh chúc Tết với một quả cam trong bồn cá để khỏi làm hại một sinh vật vô hại và vô tội là cá vàng. Những con này thường bị thiệt mạng sau 13 ngày Tết ở trong lọ bày bàn). Nhà Razieh đã có sẵn một bể cá vàng, đến hàng xóm còn sang xin cá. Nhưng Razieh chê là cá nhà ốm yếu, ít đuôi và không đẹp, nhất định đòi mẹ 100 toman (12.000 DVN) để mua một con cá em có thấy ở cửa hàng (“Nó to kia, và có tới mấy cái đuôi rất đẹp chứ đâu như cá của nhà mình”). Người mẹ thì chỉ có 500 toman (60.000 VND) dành để mừng tuổi cho trẻ con nhà khác (“Đây để có ai cho tiền chúng mày thì tao phải mừng lại cho con của họ, còn cá vàng gì mà đến 100 đồng!”) Nhưng Razieh mua chuộc đứa anh bằng một quả bong bóng để anh kỳ nèo mẹ và bà phải chấp thuận. Không có tiền lẻ, bà đưa con tờ 500. Razieh vội chạy ra cửa hàng nhưng trên đường em dừng lại xem một trò xiếc rắn và bị họ lấy 500 của em để đùa rắn trước khi trả lại. Em đến cửa hàng bán cá vàng thì phát hiện ra là tờ giấy đã rơi đâu mất. một bà khách (người thiểu số Armenia) dắt em đi tìm tiền thì thấy tờ giấy rơi vào một cái hầm trước một cửa tiệm. Bên cạnh là một nhà thợ may, nơi ông chủ đang bận cãi nhau với một khách trẻ ăn diện về một cái sơ-mi (“Cái đầu của anh bé thì anh lại trách là cổ áo tôi may nó to! Anh đi chữa cái đầu của anh lại chứ tôi không có hơi đâu mà chữa lại cái cổ áo!”). Hầm tờ giấy rơi vào lại không phải của cửa hàng ông mà là của tiệm hàng xóm đã đóng sớm. Ali (đứa anh) sau khi không cách nào dùng gậy thọc tờ giấy ra được, đành đi tìm chủ tiệm này. Một người lính trẻ lang thang trên phố đến bắt chuyện với Razieh. Anh có hai đứa em gái cùng tuổi nhưng nghỉ phép 7 ngày anh không về quê thăm được và chỉ đi quanh quẩn trước khi trở về trại vì anh không có tiền mua quà và tiền xe về quê anh Hà Tĩnh (vé xe 36.000 VND). Một em bé Afghanistan bán bóng dạo bèn giúp họ nhưng phải đi mua 250 VND kẹo cao su để dính vào đầu sào treo bong bóng. Lấy được tiền ra thì chủ tiệm đến mở khóa, bảo “Thế này mà cũng phiền tao vào lúc sắp giao thừa”. Ali và em gái mua được con cá vàng mới chạy vội về nhà, giao thừa đến và mọi người vội vã, trên phố chỉ còn em Afghanistan tỵ nạn bán bong bóng dạo. Cốt của kịch bản phim tựa như phim Pháp “Ngày hội” (“The Big Day”, 1949) của Jacques Tati trong đó một người đưa thư ở làng vào ngày hội cứ lẩn quẩn mãi mà không xong được việc. 88 phút này cho thấy xã hội Iran qua một góc phố. Bà mẹ không chìu con gái út nhưng con trai trưởng xin thì lại cho tiền là vấn đề nam nữ. Năm 1995 chiến tranh với Iraq đã chấm dứt nhưng hình ảnh người lính nhắc là Iran vẫn còn bị đe dọa (cho đến ngày nay chưa hết). Ngoài ra chiến tranh tại Afghanistan khiến Iran có nhiều người tỵ nạn (em bé bán bóng). Em này gương mặt Á đông nhìn là biết tỵ nạn gốc Hazara (Mông Cổ). Một điều mà đọc phụ đề không cảm nhận được là cách phát âm tiếng Farsi (Ba Tư) theo vùng miền. Đạo diễn Panahi đã cất công chọn diễn viên từ khắp nơi đất nước và gia đình em Razieh cũng là một gia đình ngụ cư. Trẻ giúp việc cho ông thợ may cũng về quê xa ăn Tết. Bà cụ giúp em Razieh là một người Armenia (như ở ta, người Hoa). Họ phản ánh một xã hội đa dạng. Khác với dân cùng một làng thuần Pháp “sau lũy tre” trong “Ngày hội” của Tati, họ là những người sống cạnh nhau nhưng khác biệt về nguồn gốc, điển hình là em bé bán bong bóng. Cái tựa phim nhấn mạnh điều này vì xem cả phim không thấy một bong bóng trắng ở đâu. Quả bong bóng mà em Razieh hối lộ cho anh để được việc là một quả bóng xanh. Chỉ cuối phim ta mới thấy quả bong bóng trắng, là quả cuối cùng còn lại và không bán được trên cây sào của em tỵ nạn người Hazara. Với một kịch bản như thế thì phim hay ở chỗ nào? Xin xem phân tích tiếp ở bài 2 29. 03. 2017 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
|
|||||||||||
|