Điện ảnh

DA 5 BLOODS: Khi Spike Lee chọn đường dễ dãi 16 May, 2024

Sáng Ánh

Khẩu Colt M1911A1 là súng ngắn phòng thân của quân đội Mỹ từ năm 1911. Thời Pháp thuộc, người Việt như ông ngoại tôi gọi là ‘Côn Đui’ từ tiếng Pháp ‘Colt Douze’. Sau 1945 và thời gian bị Đức chiếm đóng, quân đội viễn chinh Pháp được trang bị rất nhiều vũ khí của đồng minh Hoa Kỳ. Ca líp của súng này, ‘.45’ hay ‘0,45’ của 1 phân Anh (tức 2,54 cm), tương đương 11,43mm, và thế là người Pháp gọi là 12 (Douze) cho nó tròn. Người Mỹ gọi là ‘Colt 45’ cho nó ngắn, thay vì gọi là ‘Colt chấm 45’. Miền Nam, nơi nó phổ biến trong chiến tranh, cũng thế mà gọi là ‘Colt 45’ hay ‘Côn 45’ thay vì phải gọi là ‘Côn-Không-Phảy-45’ (0,45).

Đây là ca líp lớn, khi bắn thì người bắn giật ngược và người bị bắn cũng giật ngược luôn, té ngửa sõng xoài. Trong chiến tranh Philippines (Moro War) súng tự vệ cũ của quân đội Mỹ, ca líp .38, bắn trúng phiến loạn Moro 3 viên lủng ngực mà nó vẫn lao tới cầm mã tấu phang, sau đó nó chết thì mình cũng đã ăn chém rồi. Tiểu sử của ca líp này như vậy.

Khẩu súng này thuộc loại gọi là ‘Single Action’ hay kích đơn. Để nổ súng, xạ thủ phải dùng ngón cái hạ cơ bẩm phía sau súng trước khi bóp cò. Đây tương tự như súng ngắn Liên Xô Tokarev 1933 (K 54 Trung Quốc). Súng Colt 45 có 4 trạng thái (Condition). Khi sẵn sàng để sử dụng là Trạng thái 4: đạn lên nòng, chốt an toàn mở và cơ bẩm hạ sẵn, chỉ việc bóp cò. Chi tiết cơ bẩm này rất dễ nhận ra ở ngoài đời cũng như trong các phim hành động. Nếu cơ bẩm hạ thì cười nhạt, “chú chưa bắn anh đâu”, vì bắn chú còn phải hạ cơ bẩm thì bóp cò nó mới đoàng và anh mới ngã ngửa chết tốt.

 

Súng ngắn này muốn nổ phải 1/ hạ chốt an toàn 2/ lên cơ bẩm như trên hình. Chốt an toàn có hạ hay không, trong nòng có lên đạn thì trong phim hành động ta khó biết. Nhưng dùng loại súng này mà cơ bẩm lại hạ thì thấy ngay và biét là súng không sẵn sàng

Súng ngắn này muốn nổ phải 1/ hạ chốt an toàn 2/ lên cơ bẩm như trên hình. Chốt an toàn có hạ hay không, trong nòng có lên đạn thì trong phim hành động ta khó biết. Nhưng dùng loại súng này mà cơ bẩm lại hạ thì thấy ngay và biét là súng không sẵn sàng

Sở dĩ dài dòng như vậy vì nếu ta biết chi tiết này thì khi xem phim gặp phải ‘lỗi’ nó rất tức mắt, ta không còn tập trung vào câu chuyện trên hình. Không hạ cơ bẩm thì bắn ai đây! ‘Lỗi’ này thông suốt bộ phim “Da 5 Bloods” trong các xen hành động, vai cầm súng lăm lăm chĩa về phía địch mà cơ bẩm lại hạ! Dĩ nhiên đại đa số khán giả hay tuyệt đại đa số sẽ không để ý đến tiểu tiết đó. Một số lớn hơn, có lẽ khó chịu về chi tiết thấy loáng thoáng bộ đội Việt mang nón gì không biết nhưng không phải là nón bộ đội. Ở đây, sản xuất phim đã chịu khó che đây khiếm khuyết này bằng cách dùng cái che nón bộ đội của thập niên 60.

Bộ đội giải phóng trên hình này đội nón lá Thái và cả tai bèo Thái bé hơn nón là và nón tai bèo Việt Nam, tuy không phải cái gì cứ Thái là phải bé hơn Việt. Nói thêm nhân vật nữ du kích loáng thoáng trong phim như là ‘vớt’ được từ bộ phim Full Metal Jacket và mang ra dùng lại.

Bộ đội giải phóng trên hình này đội nón lá Thái và cả tai bèo Thái bé hơn nón là và nón tai bèo Việt Nam, tuy không phải cái gì cứ Thái là phải bé hơn Việt. Nói thêm nhân vật nữ du kích loáng thoáng trong phim như là ‘vớt’ được từ bộ phim Full Metal Jacket và mang ra dùng lại.

Đó là bởi vì phần lớn bộ phim này quay tại Chieng Mai ở Thái Lan.

Hầu như tất cả các cảnh nội đều quay ở Thái. Vào phim, cảnh trong bar Apocalypse Now là quay ở Thái với diễn viên quần chúng là người Thái. Có độc một cô quần chúng đứng nhảy là người Việt vì tôi biết bạn này, do cô cũng trong đoàn sản xuất phim này, tiện thì ra trước máy để múa may 1 giây! Đây cũng chẳng sao hết, Việt hay Thái gì thì trong hộp đêm cũng như nhau thôi.

Tại Việt Nam phim này chỉ quay các cảnh cần thiết, như đi bộ trên phố Nguyễn Huệ. Các cảnh khác như chiến tranh, rừng núi… đều quay ở Thái cho nên mới không có nón bộ đội. Các xe con trong phim đều khó thấy được tại Việt Nam, như xe “Jeep cảnh sát”, và tại Thái càng khó kiếm vì ở Thái tay lái ‘ngược’ bên phải, đạo cụ tìm ra xe tay lái bên trái không có nhiều lựa chọn mẫu mã.

Chi tiết khác là vàng. Thỏi 5 kg rất là nặng khi cầm lên, thì nặng… 5kg. Các thỏi ‘vàng’ trong phim như bằng nhôm thì phải chứ không bằng chì nếu không thì khó mà cầm vung vẩy như vậy được. Trong bộ phim lại có bảo “47.000 USD/1 kg, đây là 17 triệu”, thì phải là 377 kg, mỗi người vác phần mình là 75 kg?

Một chi tiết thú vị là khẩu súng của nhân vật do Jean Reno thủ vai. Đó là một khẩu Mauser P08 nòng dài của lính pháo binh, dạng sưu tập vào ngày nay. Nó rất hợp với vai này, đi đôi với bộ quần áo lanh màu trắng của chàng, và bắn trúng thì cũng chết người. Nhân vật Jean Reno giống như là giễu nhại vai Christian Marquand trong Apocalypse Now phiên bản 2 sau này. “Da 5 Bloods” có nhiều xen làm ta tự hỏi đây có phải là giễu nhại cố ‎‎ý?

Jean Reno (quần áo trắng) trong một cảnh phim.

Jean Reno (quần áo trắng) trong một cảnh phim.

Vai Hanoi Hannah của Ngô Thanh Vân như trong một bộ phim với Tokyo Rose thời Thế chiến, với ông công an hay bộ đội đứng phía sau, chỉ thiếu có râu mép kiểu Hít-le là thành quân phiệt Nhật. Các pha hành động cũng hoàn toàn cliché như trong các bộ phim thuộc thể loại gọi là Blackploitation (phim hành động của người da đen). Cả bộ phim này đày rẫy chi tiết cliché, kể thêm có đền bỏ hoang ở trong rừng mà game điện tử nào cũng có. Nó khiến không hiểu người xem nên khóc nhẹ hay cười lớn, coi đây là thủ thuật “pastiche” để châm biếm ?

Một cảnh trong phim

Một cảnh trong phim

Đề tài lính Mỹ da màu trong chiến tranh Việt Nam chưa hề được đề cập và rất đáng lưu tâm. Cuộc chiến xảy ra vào cùng lúc với phong trào bình đẳng và dân quyền tại Mỹ trong thập niên 60. Người da đen, so với tỷ lệ dân số, thì đóng góp vào chiến tranh và thiệt hại, hy sinh nhiều nhất. Đây cũng là cuộc chiến đầu tiên của Hoa Kỳ mà trắng với đen thực sự phục vụ hỗn hợp cùng chung một đơn vị. Nếu ta xem phim ngày nay về Đệ nhị Thế chiến mà thấy lính Mỹ trắng cạnh lính Mỹ đen là xạo ke. Đơn vị trắng đen hỗn hợp chỉ có từ lúc cuối chiến tranh Triều Tiên. Việc người da đen trong nước thì đòi bình quyền, tại Việt Nam thì làm mồi cho lửa đạn là chuyện nên được dựng thành phim để minh họa.

Đạo diễn Spike Lee là người có tầm để thực hiện việc cần làm này. Đáng tiếc là ông lại chọn con đường dễ dãi và mua vui mấy chục phút.

22. 06. 2020

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả