|
|||||||||||||
|
Điện ảnhBa ngày Tết ôm một vòng eo (phần 1): Đâu khác gì 42 năm trước 4 August, 2024Sáng ÁnhNăm 1974 tôi có đi xem một phim Việt, tại Việt nam, và dĩ nhiên vào thời đó là ở rạp, hình như là rạp Đại Nam ở Sài Gòn. Tôi đi với một bạn gái mới quen, cũng là người Việt. “Tứ quái Sài Gòn” khi ấy là một bộ phim hài, do La Thoại Tân đạo diễn và thủ vai chánh với một dàn siêu sao thời ấy, vừa có Kim Cương vừa có Thẩm Thúy Hằng, vừa có Tùng Lâm vừa có Khả Năng, Thanh Việt. Hình ảnh là Trần Đình Mưu và đạo diễn Lê Hoàng Hoa phân cảnh, có lẽ ông đứng vai tư vấn cho La Thoại Tân về mặt kỹ thuật. Nói tóm lại đây là sản phẩm tinh hoa của điện ảnh miền Nam vào thời đó. Bộ phim này, vào lần đó tại rạp, tôi xem đứt quãng và mất 3 hay 4 đoạn. Lớn lên ở nước ngoài, và tuy nhìn qua thấy có vẻ phong sương xứ… Pháp, nhưng mới về nước nên tôi ngây ngô phần ứng xử và gặp cảnh ngộ nhận về văn hóa. Khi cúi xuống về phía cô bạn định nhón mấy đồng mắt me chấm muối ớt vừa mua ngoài cổng rạp thì cô bất ngờ vin luôn cổ “Lần đầu ta ghé môi hôn/ Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang” (Trần Dạ Từ) át cả phần âm thanh của bộ phim do Nguyên Linh-Nguyên Vũ phụ trách. Thủa ấy, phụ nữ đã nhận lời đi xem hát với bạn trai mới thì phim gì bất kể, ngồi cạnh nhau trong phòng tối không phải là để sau đó ra quán cùng ngồi trao đổi và nhận định, phê bình tác phẩm điện ảnh. Cũng như rủ nhau vào phòng trọ không phải là để luận về “Hố thẳm của tư tưởng” của Phạm Công Thiện mà để “Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất” (Hàn Mặc Tử) vào giờ nghỉ trưa. Trở lại chủ đề của chúng ta, đối với một bộ phận không nhỏ của khán giả trẻ tuổi trong thập niên 70 có lẽ điện ảnh Việt chỉ là một cái cớ nhấp nháy trên màn hình, muốn quay, muốn dựng, muốn đạo, muốn diễn ra sao thì cũng được tất, điều quan trọng là muối ớt me chua đồng tiền. Tết năm nay, tôi phải mất ba buổi và bảy lần để xem “Vòng eo 56”, cũng kiểu đứt quãng, nhưng lần này ôm là tôi ôm máy tính và thở là thở dài chứ không phải là thở hít hà hổn hển. “Vòng eo 56” cũng là một lựa chọn tình cờ, sau khi tìm không ra trên mạng “Vệ sĩ , tiểu thư và thằng khờ” hay trọn bộ “Tía tôi là cao thủ”. Nói thật, “Vòng eo 56”, tôi không xem hết và dừng lại ở phút 55, trước khi vai nam chính “Hưng” xuất hiện, một phần vì “sự thật về chuyện đại gia tặng nhà tặng xe tặng quà” tôi không quan tâm trên lãnh vực thuần túy điện ảnh, và tuy không xem đến hết nhưng tạm coi là đủ (như vậy là có bất công với đoàn làm phim và các diễn viên. Tôi xin lỗi các bạn này và trong bài sẽ chỉ đề cập những phần tôi đã xem). * Tôi là người rất sợ chiều cao, ở đây không phải là sợ “chiều cao lí tưởng 1m70” mà là vertigo. Đây là cái ngất ngây khi đứng ở trên tầng chót của một tòa nhà, hay trước một vực thẳm để nhìn xuống dưới và tưởng tượng ra là mình sẽ ngã xuống, tay chân vùng vẫy. Ngay phút đầu của phim: Tôi đã chóng mặt. Tôi nhớ ngay hình ảnh các em tại Tứ Xuyên, Trung quốc, mỗi ngày đi học phải leo thang chơi vơi xuống núi, khiến ta phải vừa đau xót vừa sợ cho các em. Này, nó rơi một cái thì chỉ có chết, cheo leo thế này đừng có nói bị thương. Và xem tiếp “Vòng eo 56” thì bộ phim hụt chân rơi thật, rơi khủng khiếp khiến phải nhắm tít mắt lại và người xem rú lên ghê rợn Trước hết, hình ảnh (mở đầu cũng như sau đó) cho ta biết quay phim (Nguyễn Nam-Lê Hữu Hoàng Nam), đêm cũng như ngày, ngoại cảnh cũng như nội, là hai môn đệ trung thành của trường phái hội họa Phục Hưng, họ cầm máy quay Arri Alexa như là Vermeer cầm bút lông. Đã qua rồi thời kỳ “mặt trắng ăn tiền” của điện ảnh Việt, tranh tối tranh sáng thế này nó mới lờ mờ là nghệ thuật cao cấp. Tưởng tượng: Bạn ánh sáng (Nguyễn Ngọc Giàu): Làm ơn đánh cái đèn trên trán của Minh Triệu (vai ác Tuyến), vẹt một đường đèn ngược xuống trên chân trái của nàng. Đó! Như vậy! Đạo diễn (nói với Minh Triệu): Em cúi cái cằm xuống một tí thôi, đấy, và đá Trinh thì đá nhẹ nhẹ nhé, không thì nó mất khuôn ánh sáng ở ngay đùi! Đó là về mặt hình ảnh, tất nhiên là đẳng cấp lủng lẳng rồi, như túi đầm Birkin. Nhưng phần tiền đề ngay sau đó, cuộc “thi hoa hậu” của các trẻ em xóm Cầu, thật sự không qua được phần tiền đề trẻ em đá bóng của “Tứ quái Sài Gòn” 42 năm về trước, phải lại đau xót mà nhận xét như vậy. Nói tổng quát về điện ảnh (55 phút đầu, sau thì tôi không biết), Vũ Ngọc Đãng không qua được tiền bối La Thoại Tân. Điện ảnh là một nghệ thuật hợp tác nhiều khâu, là công trình của hàng trăm người và có lẽ nó đòi hỏi một truyền thống cục bộ. Không phải chỉ nhờ mấy cha đánh đèn đẳng cấp mà nó trở thành trăn trở trong túp lều hay băn khoăn nơi bờ ruộng. Một lần nữa, những cảnh đồng quê 2016 này không nhích lên khỏi được những cảnh đồng quê 1974, hay là khác biệt của nó chỉ dừng lại ở mức (ví von) đạo cụ túi đầm của Thẩm Thúy Hằng so với Ngọc Trinh. Cũng đường làng, ruộng lúa lao xao. Khác nhau là ở màu sắc tinh vi hơn và khuôn hình “đại vĩ tuyến” thay vì khuôn hình 1:85 (thủa phim nhựa, muốn quay khuôn hình đại vĩ tuyến phải dùng khổ phim 70mm (thay vì 35mm) và máy Panavision, rất tốn phí, và ở Việt nam không có phim, không có máy cũng như không có bộ phận in tráng khổ phim này. Ngày nay, kỹ thuật số, muốn dùng khung rộng này rất dễ, bạn chỉ cần gắn thêm đầu kính anamorphic hoặc cắt thẳng trên khung. Về màu sắc cũng thế, fim nhựa đã tráng rất khó chỉnh màu và tốn phí, còn phim số muốn màu gì chẳng được, như trên điện thoại thông minh của bạn mà thôi). Tóm lại, về cơ bản thì trình vẫn thế, trở lại thí dụ Tứ Xuyên ở trên, cầu trang gỗ đã được thay bằng cầu thang sắt, nhưng nhìn vẫn thấy chóng mặt hết hồn. Dở ở chỗ… như sân khấu Ta có thể lấy thí dụ một nền điện ảnh ở 1 quốc gia đang phát triển, như Iran. Bộ phim “Quả bong bóng trắng” (1995) của Jafar Panahi (chẳng hạn) về mặt phương tiện sản xuất eo hẹp hơn nhiều. Kịch bản thì “làm đếch có gì gây cấn” (nói kiểu vai Tuyến), một đứa bé đánh mất đồng tiền mẹ cho để mua con cá vàng vào dịp Tết. Về diễn xuất thì bé Iran này xuất sắc hết ý, nhưng ngược lại trong “Vòng eo 56” ở ngay đoạn đầu cũng có một em xuất sắc không kém, ở vai quần chúng nhìn cuộc thi hoa hậu của trẻ con: Ủa tại sao mày hông đi thi, Bích? Nếu bộ phim tiếp tục về em Bích này, tại sao em không thích v.v… thì biết đâu đã chẳng hay bằng phim trên của Panahi? Nhưng đây không phải là lựa chọn lần này của Vũ Ngọc Đãng, và khác với tổ quay Việt, tổ quay của bộ phim Iran rõ ràng là chưa từng xem qua “The Duellist” (1977) của Ridley Scott nên không thấy có cảnh nào lù mù, đúng là không biết gì về nghệ thuật sơn dầu Phục Hưng. Chẳng thua về kịch tính của kịch bản, “Vòng eo 56” cũng chẳng kém phần thoại. Thực ra thì nghe cũng được, đọc lên cũng được . “Cứu tôi với! Á hự!” thì biên thoại Iran cũng không thể biên khác. Vậy là kém phần diễn xuất? Ngọc Trinh diễn vai… Ngọc Trinh cũng không đến nỗi tệ, chắc là nhờ nhập vai rất tốt. Công Ninh (vai ba Trinh) gục gặc cũng đáng thương, không phải là tồi. Minh Triệu xuất sắc được một câu (cho đến phút 55) là “Tao thách mày đó!”, rất đạt nếu không nói là rất đắt! Nhưng nói chung, cách diễn vẫn là quy ước của sân khấu chứ không phải của điện ảnh và áp đặt của quy ước của sân khấu lên màn hình khiến thoại rất nhiều chỗ trở thành thô kệch và thừa thãi. Ông Vermeer mà các bạn quay phim của ta ngưỡng mộ, ngày xưa vẽ tranh không có thoại, và không có động đậy. Giờ thì có khác rồi nhưng mình nghĩ, trong căn nhà lá ban đêm, ba Trinh có lẽ chỉ cần chong mắt lên (1 giây/24 khung), nhắm mắt lại (12 khung) và mở mắt ra trở lại (8 khung, cắt) chứ không cần ông phải giải thích vì sao ông không muốn con lên Sài Gòn. Điện ảnh có ngôn ngữ của nó và đó không phải là ngôn ngữ sân khấu hay ngôn ngữ văn học. Để diễn tả một tâm trạng, vai diễn Trinh chẳng hạn, có thể xuống ruộng mà vén quần lên đến bẹn (như Silvana Mangano trong “Bitter Rice”, 1949 của Giuseppe de Santis). Cô đá lăn tăn mấy cọng mạ (cận), máy đưa chậm lên gương mặt sau khi dừng ở… đùi. Cô đưa mắt nhìn về phía các bạn nữ đang lom khom và mỉm cười nhè nhẹ. Bỗng một đám mây mặc quần (“Tôi không phải đàn ông/ Tôi là một đám mây mặc quần” – Maiakovsky) đi qua, nụ cười của Trinh trở thành một tiếng hắt. Cảnh trên muốn nói: Trinh thấy hạnh phúc và quyến luyến làng Cầu này nhưng cô sẽ phải quyết định đi xa nó. Đây là ngôn ngữ điện ảnh. Ngôn ngữ sân khấu là phải có thoại, Trinh phải nói ra với bạn là “Em chỉ muốn sinh sống tại đây bên các bạn và cha mẹ, cuộc sống ở đây êm đềm lắm, nhưng em phải lên Sài Gòn, nơi cuộc sống rất là phức tạp, để kiếm tiền giúp ba má”. (Còn tiếp: “Dở ở phần âm thanh”) 05. 02. 2016 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
|
|||||||||||
|