Chính trị

Ấn Độ: một câu chuyện ngu bắt đầu 23 April, 2024

Sáng Ánh
Một viên chức văn phòng đăng ký công dân quốc gia chụp ảnh một bé trai tại Guwahati, Assam. Ảnh từ trang này

Một viên chức văn phòng đăng ký công dân quốc gia chụp ảnh một bé trai tại Guwahati, Assam. Ảnh từ trang này

Quyết định của Ahmed lúc thất tình

Ahmed đứng ở đầu làng lúc trời sắp sáng. Anh chỉ có một cái tay nải đựngcái áo cái quần và miếng cơm vắt. Túi ngực áo có một cái khăn tay gói cẩn thận trong tờ báo cũ đề ngày 1944 chưa xa xưa mấy. Chiếc khăn tay này vào năm ngoái Fatima đã để lại bên bờ suối.

Ahmed nhìn những ngọn đồi Khasi cách có 30 cây số và lúc nào cũng như lất phất mưa bởi vì anh thất tình.Ahmed mồ côi cha, và nhờ chú dạm hỏi nhưng gia đình cô Fatima từ chối. Chú anh bảo, mày là tá điền sắp bị chủ đuổi, của cải chỉ có một đàn vịt trời mà cũng bắt tao đi nói, người ta cười nhục cả họ nhà mình. Thì “Inch Allah” (nhờ trời vậy), Ahmed ra đi, khi Đệ nhị thế chiến vừa chấm dứt.

Ahmed ra đến quốc lộ 2 nhưng không đi về hướng Nam, nơi có thị trấn Sylhet gần gũi mà đi về hướng Bắc, vòng vèo thung lũng con sông Jaflong, rồi vượt đồi, sau trăm kilômét thì đến Shillong. Quyết định này của anh sẽ có một hậu quả không ngờ.

Câu chuyện trên xảy ra vào năm 1945 tại một thôn nhỏ thuộc tỉnh Sylhet ở vùng Bengal của Ấn, thuộc đế quốc mênh mông Anh Quốc.Năm 1947, khi độc lập, Sylhet thuộc về phần ngày nay là Bangladesh, lúc đó gọi là Đông Hồi (thuộc Pakistan) nhưng Shillong lại thuộc về Ấn Độ. Ahmed thế là không trở về làng được nữa. Anh ở lại Shillon (Ấn Độ) lấy vợ sinh con, phụ nữ ở đâu mà chẳng có, trên phố lại rất nhiều.

Ahmed mất khi 49 tuổi. Sau khi ông chết, nhà lục ra cái khăn tay gói trong giấy báo 1944, vứt tờ báo đi và lấy cái khăn còn nguyên vẹn làm tã cho đứa cháu ngoại mới sanh năm 1972. Nó là con gái, và hôm nay (2019) bà Bisma, 47 tuổi, đang gặp phải vấn đề.

Một quyết định sai của chính quyền Modi?

Sau khi thắng cử vào tháng 5.2019, chính quyền Ấn của ông Modi, đảng quốc gia chủ nghĩa BJP mở chiến dịch làm sống lại “Sổ đăng k‎ý quốc tịch” (NRC, National Registry of Citizenship), có từ 1951 tại Bang Assam. Bang này, 31 triệu dân, có khoảng 10 triệu là Hồi giáo (34%). Chính quyền BJP cho rằng đây là dân nhập cư lậu sang Ấn Độ và tất cả ai không có tên trong sổ NRC tính đến ngày 24.3.1971 đều có thể xem là di dân bất hợp pháp. Ngày này, nhắc qua, là ngày Bangladesh (Đông Hồi) được thành lập khi ly khai Pakistan (Tây Hồi). Bà Bisma ở trong chuyện này, cháu nội của ông Ahmed (có giấy đề là Ahmad), sanh tại Shillong, Ấn Độ vào năm 1972. Giấy tờ hộ tịch của con gái, nhà không màng nên khai chậm trễ, trong các thứ giấy tờ này, tên bà chỗ thì đề Bisma, chỗ lại đề là Basma. Bà bị coi là dân nhập cư trái phép và đang đợi bị trục xuất về nguyên quán.

Em Riya Das, 10 tuổi, không được nhận quốc tịch mặc dù cả nhà em được nhận, khi em sinh ra, cha đi làm xa và mẹ em ở nhà không biết cách khai báo chính thức. Ảnh ở trang này

Em Riya Das, 10 tuổi, không được nhận quốc tịch mặc dù cả nhà em được nhận, khi em sinh ra, cha đi làm xa và mẹ em ở nhà không biết cách khai báo chính thức. Ảnh ở trang này

Nếu chỉ có mình bà Bisma thì chắc Bangladesh cũng nhận thôi. Nhưng đợt kiểm kê NRC này tại bang Assam vạch mặt được 2 triệu người chung hoàn cảnh là “ở lậu”! Bangladesh không nhận, nên chính quyền Ấn đang cấp tốc làm trại giam! Họ định giam 2 triệu người nam phụ lão ấu giấy tờ không hợp lệ ấy lại.Cái đó thì chưa ai hiểu sẽ thực hành thế nào, dồn họ vào các trại tập trung ở thung lũng dòng sông Jaflong rất đẹp hay lưng đồi Khasil lất phất mưa và giam tới bao giờ. Nhưng dọa là như vậy, một là đi, hai là ở tù.

Tây Bengal có người tự sát

Chiến dịch kiểm kê quốc tịch NRC này tiếp tục lan sang bang Tây Bengal kế cận.Tại đây, 91 triệu dân và 27% là người Hồi, có một triệu rưỡi lâm vào tình trạng cư trú bất hợp pháp, mặc dù có kẻ tam đại đã ở tại nơi này như bà Bisma/Basma ở trên.Tương tự, biện pháp đềra cũng là trục xuất, nếu không đâu nhận thì bắt giam, tất nhiên là già trẻ lớn bé bất kể và nhốt hết. Hiện thì chưa có thực hành, nhưng đe dọa này đã khiến nhiều người quẫn trí phải tự sát vì không thấy lối thoát. Chính quyền đe là NRC sẽ lan ra cả nước và như vậy sẽ “bắt được”cả chục triệu người để giam lại hay là tống đi.

Ngày 12.12.2019, Quốc Hội Ấn do đảng BJP kiểm soát đa số, vừa thông qua một đạo luật (CAB, Citizen Amendment Bill) cho tất cả những người trong trường hợp cư trú bất hợp pháp trên được nhập tịch Ấn vì lý do nhân đạo, trừ những người đạo Hồi !

Người Hồi, tuy không nói ra, nhưng là đối tượng của chiến dịch Ấn giáo chủ nghĩa này. Ấn Độ,1 tỉ 350 triệu dân, có 14% là Hồi giáo, tức 195 triệu. Về mặt này, Ấn Độ là nước Hồi giáo đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Indonesia (230 triệu), Pakistan (200 triệu), và trên Bangladesh (150 triệu). Số nhập cư bất hợp pháp tại Ấn không phải từ Anh Quốc sang mà chủ yếu là từ Afghanistan, Pakistan, Bangladesh, vì lý do này nọ, kể cả thất tình từ năm 1945. Về tôn giáo, họ chủ yếu là đạo Hồi. Như vậy, đánh ngụ cư bất hợp pháp là đánh người Hồi. Có chắc là thế không ?

Luật nói trên, mới thông qua nhưng chưa ban hành, lập tức gặp phản đối vì phân biệt, và vi hiến. Ấn Độ là một quốc gia đa tôn giáo và thế tục, không phải là quốc gia riêng của người Ấn giáo. Biểu tình chống đối ở địa phương, tức là Tây Bengal, bị đàn áp mạnh tay, và có 6 người chết. Mấy ngày nay chống đối lan ra thủ đô New Delhi, khiến công an xâm nhập các đại học và gây căm phẫn khi vung gậy bắn trái khói.

Sinh viên tại ĐH Jamia Millia Islamia tại New Delhi chống luật quốc tịch. Ảnh ở trang này

Sinh viên tại ĐH Jamia Millia Islamia tại New Delhi chống luật quốc tịch. Ảnh ở trang này

Đảng đối lập Congress dĩ nhiên cũng phản đối chính quyền, và mộtphụ nữ xuống đường ngồi chắn lối cổng India Gate tại thủ đô để phản đối. Bà Priyanka này cũng sinh năm 1972 như nhân vật Bisma mà tôi hư cấu ở trên. Priyankakhông bị coi là nhập cư trái phépvì có mặt tại Ấn (và trên đời)sau ngày 24.3.1971 của đạo luật.Bố bà là ông Rajiv cũng sinh ra tại Ấn. Bà nội của Priyanka là bà Indira, cũng sinh ra tại Ấn và tới ông cố nội bà là ông Jawaharlal cũng sinh ra tại Ấn luôn. Tam đại mới kể của bà đều làm thủ tướng, là họ nhà Gandhi/Nehru. Phần bà Priyanka Gandhi là gốc Ấn giáo đẳng cấp brahmin, nhưng giờ theo một trường phái đạo Phật

Các cuộc biểu tình này tự phát, đảng đối lập Congress chỉ chạy theo phong trào quần chúng chứ không phải do Congress đề xướng. Thành phần Hồi được sự ủng hộ của xã hội dân sự và những người ngoại đạo, vì nó đụng đến nền tảng thế tục và đoàn kết của quốc gia, Ấn Độ là một nước khổng lồ do hàng trăm sắc dân và ngôn ngữ, hàng chục tôn giáo làm nên và phân biệt trên căn bản tôn giáo sẽ có thể đưa đến phân biệt sắc tộc, ngôn ngữ vùng miền ngay trong khối Ấn giáo chẳng hạn, cho nên nếu có một Ấn Độ thì chỉ có thể “Ấn Độ là Một” chứ nếu 300 thì chẳng còn là Ấn Độ nữa.

Thủ hiến của bang Tây Bengal, bà Mamata Banerjeee, dẫn đầu đoàn biểu tình chống Luật quốc tịch. Ảnh từ trang này

Thủ hiến của bang Tây Bengal, bà Mamata Banerjeee, dẫn đầu đoàn biểu tình chống Luật quốc tịch. Ảnh từ trang này

Kashmir“mất mạng”

Tháng 8 vừa qua, chính quyền Ấn hủy chế độ đặc biệt của bang Kashmir, tức là điều 370 trong hiến pháp Ấn Độ. Bang Kashmir là một bang 7 triệu dân với 5 triệu người theo đạo Hồi. Qui chế đặc biệt của bang này là có hiến pháp riêng, luật lệ riêng và tự trị, ngoại trừ các phạm vi quốc phòng, thông tin và ngoại giao. Nếu nghe đây quen quen và ví von xa gần, thì qui chế của Kashmir đại để giống như qui chế của… Đặc khu hành chánh Hong Kong ở Trung Quốc.

Chính quyền trung ương Ấn Độ gửi thêm vài chục ngàn lính sang và có 600.000 quân đội tại bang 7 triệu dân này. Họra lệnh giới nghiêm các khu vực Hồi 24/24 trong nhiều tuần lễ, và đoạt luôn giải cắt internet và điện thoại di động trên thế giới, cho đến nay là 134 ngày. 250 nhà báo có đăng k‎ý tại bang này, muốn lên mạng chỉ thay phiên nhau dùng được tối đa 15 phút một người tại nơi có đặt 10 máy vi tính ở thành phố chính Srinigar. Gần như toàn bộ chính trị gia địa phương lãnh đạo bang, kể cả thành phần trước đây được coi là thân Ấn Độ (!), bị bắt giam theo luật không cần lý do hay xét xử, cho đến 2 năm. Phái đoàn đối lập của Quốc hội, do đại biểu Rahul Gandhi(tức là em trai của bà Priyanka, bố thủ tướng, bà nội thủ tướng và ông cố nội thủ tướng) dẫn đầu đến nơi tìm hiểu, không được ra khỏi trường bay và phải trở về. Tình trạng này hiện nay vẫn chưa giải quyết và chưa biết đi về đâu. Cả khu vực nằm trong tình trạng nội bất xuất và ngoại bất nhập Nhưng truyền thông thế giới chẳng ai muốn tìm hiểu rõ và Kashmir đâu có phải là Hong Kong.

Lực lượng an ninh tuần tiễu tại thành phố Srinagar, bang Kashmir dang bị khóa chặt chẽ. Ảnh ở trang này

Lực lượng an ninh tuần tiễu tại thành phố Srinagar, bang Kashmir dang bị khóa chặt chẽ. Ảnh ở trang này

*
Sang ngày 19.12 có thêm 3 người chết, mạng và di động bị cắt đây kia khoảng một chục nơi và quy định trị an số 144 được áp dụng, tức là cấm tụ họp trên 4 người. Sử gia hàng đầu Ấn Độ, giáo sư Ram Guha, bị bắt giữ trong khi truyền hình đang phỏng vấn ông và siêu sao Priyanka Chopra lên tiếng chống đối đạo luật, bốn Thủ hiến bang tuyên bố sẽ không thi hành luật này tại địa phương của họ. Luật CAB trên còn gặp chống đối tại bang Assam bởi thành phần địa phương không phải vì nó loại người Hồi ra mà vì nó cho nhập quốc tịch những người tạm cư theo các tôn giáo khác ! CAB như vậy gặp chống đối từ 2 mặt, vì nó không cho người Hồi nhập tịch là chính, nhưng lại cũng bị thành phần dân tộc thiểu số tại Assam chống vì nó cho người Ấn Giáo “nước ngoài ” (chủ yếu là từ Bangladesh) nhập tịch, trong khi họ chờ đợi chính quyền thực thi lời hứa là dùng luật kiểm kê NRC để tống khứ tất cả các thành phần tạm cư ra khỏi nước.

Chính quyền của thủ tướng Modi sau khi thắng cử đang mạnh tay áp dụng Ấn giáo chủ nghĩa trong sự thờ ơ cho tới giờ của các nước Tây phương và dư luận thế giới. Chuyện này chưa hết và cũng không ngừng ở đây vì quần chúng bắt đầu phản ứng trong cả nước, dẫn đầu là sinh viên đại học ở đó đây và khó thể tưởng tượng là chính quyền sẽ làm thế nào để giam giữ hàng triệu người được coi là ngụ cư bất hợp pháp sau khi kiểm kê quốc tịch. Đây cho thấy, trong khi có người muốn nhập lậu sang Anh sang Mỹ, để đổi đời thì cũng có những người chỉ muốn yên đời sau khi tam đại sinh sống ở một nơi như Ấn Độ mà cũng không được.

*
Chú thích:
Câu chuyện trên của ông Ahmed và bà cháu ngoại Bisma là do tôi hư cấu. Chuyện thật do tờ Guardian tường thuật là một anh Kamal 32 tuổi, thợ làm lò gạch tự sát và con trai anh lên 5 tuổi hỏi mẹ “Nếu giấy tờ yên ổn thì bố có trở về nhà không?”.

Bà Halimun Nesa, 32 tuổi, cùng với các con cho xem di ảnh của chồng bà đã tự sát vào hôm trước khi phải ra tòa xét xử quốc tịch. Ảnh từ trang này

Bà Halimun Nesa, 32 tuổi, cùng với các con cho xem di ảnh của chồng bà đã tự sát vào hôm trước khi phải ra tòa xét xử quốc tịch. Ảnh từ trang này

21. 12. 2019

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả