|
|||||||||||||
|
Sử-ĐịaĐịa lý dễ thuộc: Bánh bao đến từ đâu, từ Ai Cập? 17 April, 2024Sáng ÁnhĐây là lược dịch tóm tắt và thêm thắt của tác giả (SA) về bài viết trên tạp chí Foreign Policy tháng 9.2016 của Ricardo Lewis, Đại học Hợp Phì tỉnh An Huy, Trung Quốc. * Ngoặt qua rồi ngoặt lại Ta hay nghe chuyện 5000 năm văn hiến của Trung Hoa nhưng thực ra khái niệm vẻ vang lâu đời này là một khái niệm mới có đầu thế kỷ 20, vào năm 1903 thôi. Lúc đó Trung Quốc do nhà Thanh gốc Mãn Châu cai trị chứ không phải là một triều đại Hán. Trong cuối thế kỷ trước đó, nhà Thanh này lại đang xuống dốc, bị người Âu ép uổng đủ điều, ức hiếp nhục nhã. Tinh thần quốc gia của người Hán Trung Hoa vào lúc đó cần tự nâng cao trong khi đang bị khi rẻ những hai lớp. Lớp đầu bởi “rợ” Mãn phương Bắc đang đè đầu họ từ 1644. Lớp thứ nhì là chính triều đại này cũng bị Tây phương rẻ rúng và cỡi cổ. Trong bối cảnh đó, cái tư tưởng “ta đã có 5000 năm văn hiến” này phát triển trong tư duy của tầng lớp sĩ phu gốc Hán, chứ trước thì cũng chẳng mấy ai quan tâm và vỗ ngực nào Hạ nào Thương. Vào thời điểm đó, Tây phương là cha, là ông nội của thiên hạ. Trong Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhì (1860), phía Anh Pháp có 10.000 lính, bảo vệ Bắc Kinh là 50.000 quân Thanh dưới quyền Sengge Rinchen (Tăng Các Lâm Thấm), kiện tướng đã cầm gươm dẹp giặc Đại bình. Tại Bát Lí Kiều ông này tung 20.000 kỵ binh Mông Cổ là lực lượng ưu tú nhất của chế độ, loại quân đã làm thế giới run sợ mấy thế kỷ trước. Nhưng đó là chuyện mấy thế kỷ trước. Kết quả trận này, quân Thanh 1200 thương vong và có chết thằng Tây nào không? 5 thằng! Anh chết 2 và Pháp chết 3, kể thêm bị thương, u đầu này, sứt trán này, là 47 người nữa! Bắc Kinh thất thủ, lính Tây vào đốt phá Viên Minh Viên tan tành. Không ai chối cãi chuyện văn minh nhân loại, tức là chữ viết, nông nghiệp và chăn nuôi, đầu tiên xuất phát từ khu vực Lưỡng Hà. Nhưng nó từ đó mà phát tán ra đây kia và cách nào mà đến Trung Hoa thì chưa ai dám chắc. Trong bối cảnh sính Tây của Cách mạng Tân Hợi (1911), thanh niên cắt đuôi sam và phụ nữ thôi bó cẳng thì giả thuyết văn minh Trung Hoa cũng chung một gốc đó mà ra nghe rất gợi cảm. Giả thiết này đã có từ cuối thế kỷ 19 và gọi là Sino-Babylonism, từ một công trình của nhà nghiêm cứu Pháp Albert Terrien de Lacouperie (1892). Theo vị này, Kinh Dịch cũng xuất phát từ chữ viết đinh của Mesopotamia và “Hoàng Đế” là một vua mang tên Nakhunte (Nấc Hoàng Đế?) từ Trung Đông mang theo dân đến khu vực Hoàng Hà vào khoảng 2300 năm trước Công Nguyên. Bây giờ nghe thế thì ta cười nhưng công trình này hồi đó được dịch ra tiếng Hoa và có ảnh hưởng lớn tại Nhật, là nước lúc đó đến cái khuy quần của Tây cũng đặt lên bàn thờ tổ (vì thấy nó tiện lợi hơn nhiều cách quấn vải quanh bụng võ sĩ đạo cho khỏi tuột). Một chí sĩ chống Thanh lưu vong tại Nhật là Lưu Sư Bồi năm 1903 đã làm và phổ biến lịch Hoàng Đế, là lịch bắt đầu từ 2711 trước Công nguyên. Nguồn gốc “5000 năm văn hiến” được biết đến rộng rãi là như vậy và trước Lưu Sư Bồi không có ai dùng lịch này. Trong “Tam dân chủ nghĩa” (1924), chính Tôn Dật Tiên cũng cho rằng “văn minh Trung hoa phát triển vì di dân từ một nơi khác đến thung lũng này đã có sẵn một trình độ văn minh rất cao”. Như vậy, thuyết nguồn gốc Babylone này phục vụ tư tưởng phò Hán chống Thanh, phục vu cách mạng/cách tân, quốc gia chủ nghĩa và sính Tây vào thời điểm đầu thế kỷ 20. Trong những thập niên tiếp theo, việc sùng bái Tây phương bắt đầu lốm đốm điểm thêm tư tưởng bài đế và đả thực. Cộng với những đào xới mới trong thập niên 1920 và 1930, người ta không coi văn minh Trung Hoa là nối dõi hay bắt nguồn trực tiếp từ Lưỡng Hà nữa mà là một pha trộn và trao đổi dần dà qua ngả con đường tơ lụa. Đến 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc lại lái học thuật về một hướng khác. Đó là hướng cực kỳ quốc gia và đối chọi với Tây phương. Nguồn gốc văn minh Trung Hoa được xác định “quặt ngược lại” là phát triển tại chỗ, chẳng từ đâu đến và chẳng cần ai cả, ta lâu đời là đã tự mình ta. Xuất hiện người Hyksos Năm 1995, Trung Quốc đua đòi theo gương Ai cập về mặt Niên đại học và huy động một quỹ lớn về mặt này. Cho tới giờ, các niên đại không được chính xác như các triều Ai Cập và một nghiên cứu sinh bộ môn hóa học địa chất là Tôn Vệ Đông, năm 1996, khi đo bức xạ của các cổ vật tại Âm kinh đô của nhà Thương, thấy nó giống xuất xứ từ Ai Cập, tức là cùng một chất đồng từ những mỏ châu Phi. Thày hướng dẫn luận án tiến sĩ của Tôn không cho anh trình vấn đề này vào lúc đó. 20 năm sau, khi đã thành một giáo sư tiếng tăm trong lãnh vực này, Tôn mới đề cập trở lại. Theo ông, Sử kí Tư Mã Thiên nói đến một con sông chảy về phía Bắc, và trên thế giới chỉ có một con sông như vậy, ấy là sông Nile! Năm 2016, ông đăng trên mạng một bài viết về nguồn gốc Ai Cập của văn minh Trung Hoa gây xôn xao. Tóm tắt là dưới triều đại 12 của Ai Cập (thế kỷ 18 trước Công nguyên) dân tộc Hyksos khi bị trục xuất đã sang định cư tận Trung Quốc bằng thuyền và sau đó phát minh ra bánh bao với lại mì hoành thánh tại khu vực sông Hoàng! Vậy người Hyksos là ai? Đây là một dân tộc gốc semitic khu Levant (Syria-Lebanon-Palestine) và là tổ tiên của người Phoenicia, người Ả Rập và người Do Thái. Họ từ Tây Á sang Ai Cập (là Bắc Phi) định cư và buôn bán lập nghiệp. Người ta cho rằng người Hyksos đã mang ngựa và xe sang Ai cập vì ngựa phải có người thuần chứ và xe thì cũng phải có người phát minh ra trước Vinfast chứ. Chuyện như thế này. Một anh Hyksos đi buôn khi trời nắng và vác nặng trên vai bỗng thấy một con ngựa đi qua. Anh lân la làm quen và hỏi nó ăn gì. Nó bảo nó ăn cỏ khiến anh thích quá, thế nào có tốn chi và anh bèn dụ dỗ nó cho anh cỡi. Được một đoạn nó bảo, mình anh cỡi thì dễ rồi nhưng anh lại mang theo hàng thì ta phải có cách. Anh hỏi cách gì? Nó bảo cột vào sau để nó kéo, gọi là cái xe. Sau một đoạn thì ngựa ngưng lại bảo xe này thiếu một cái gì đó. Là thiếu bánh xe! Họ bèn làm bánh xe và bon bon vào Ai Cập, trẻ con bu lại trầm trồ. Anh Hyksos bảo xe này đi trước Bentley 8 năm và Honda 26 năm, chạy bằng năng lượng cỏ! Từ đó Ai Cập mới có xe và có mã. Sau khoảng hai thế kỷ định cư thì người Hyksos bị Ai Cập đuổi đi. Huyền thoại người Do bị trục xuất khỏi Ai Cập trong Cựu ước có lẽ dựa vào sự việc trục xuất người Hyksos này. Nói qua, vào lúc đó chưa có người Do và chưa có Cựu ước, là tập sách từ thế kỷ 8-7 trước Công nguyên cho đến thế kỷ thứ nhất. Lúc đó người Hyksos đã có kỹ thuật thuyền bè để buôn bán Địa Trung hải nên giáo sư Tôn bèn đưa ra giả thuyết là họ dùng thuyền sang Trung Hoa! Đọc tới đây ta cũng có thể cười nhưng nó cũng chẳng kém nghiêm túc hơn giả thuyết Thần Nông với lại Hoàng Đế, với lại niên đại năm nay (2021) là 4732 theo lịch của họ Lưu. Điều ta có thể kết luận được về học thuật, giả thuyết này còn có nhiều mảng tối. Phần sáng tí ti của nó có thể dùng để kể nhiều câu chuyện khác nhau, có thể gây cảm nhận trái chiều, kẻ thấy xuôi tai, người thấy nghịch nhĩ. Nhưng ở tình trạng của học thuật hiện nay, có lẽ tạm thời các chuyên gia đồng ý như sau: văn minh thời đại đồ đồng từ Trung Đông đến Trung Hoa phải qua nhiều chặng và mất nhiều thế kỷ, dùng đường bộ là con đường về sau gọi là tơ lụa; nó được địa phương bổ sung, thêm thớt và nâng cấp, kiểu nếu người Hyksos mang Xa và Mã đến thì Trung Hoa thêm Pháo cho thành Xe-Pháo-Mã, Babylone mang Tướng-Sĩ sang Ấn Độ thì Ấn Độ thêm Tượng. 23. 12. 2021 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
|
|||||||||||
|