Chính trị

Afghanistan: thánh chiến thăng trầm không như màn ảnh bạc. 13 April, 2024

Sáng Ánh

Trên phim…

Đại úy Mitch Nelson leo lên ngựa, quất dây cương, hô tiến, và Biệt đội (ODA) 595 của Lực lương đặc biệt Mỹ do ông chỉ huy gồm 12 người râu phất phơ trước gió băng suối và súng bắn đì đoàng. Sau khi xâm nhập Afghanistan chỉ có 23 ngày họ toàn thắng Taliban và gỉải phóng thành phố lớn thứ ba của quốc gia này là Mazar i Sharif với nửa triệu dân cư! Họ mang an vui đến mọi nhà, các em bé gái được đến trường đi học và các em bé cả trai lẫn gái đều được lần đầu nếm kẹo sô cô la. Đó là năm 2001, và quốc gia này đi vào một kỷ nguyên phát triển hoan ca kèn trống, có cả karaoke vì trước đây Taliban cấm nghe nhạc. Đèn rạp bật lên.

Một áp phích của bộ phim truyện “Thập nhị dũng sĩ”, ảnh ở đây https://i2.wp.com/teaser-trailer.com/wp-content/uploads/12-Strong-New-Poster.jpg?ssl=1

Một áp phích của bộ phim truyện “Thập nhị dũng sĩ”, ảnh ở đây https://i2.wp.com/teaser-trailer.com/wp-content/uploads/12-Strong-New-Poster.jpg?ssl=1

Và ngoài đời

Tiếc thay, “Thập nhị dũng sĩ” (“12 Strong”, đạo diễn Nicolai Fuglsig, 2018) chỉ là một bộ phim hư cấu, đại úy Nelson là nhân vật phim dựa trên thành tích “thật” của một nhóm quân nhân Mỹ. Ta, khán giả, tức là quần chúng và dư luận thế giới xem phim, ghi nhận được ba điều. Đó là đeo một cây AK, để mọc râu xồm xoàm và dùng phương tiện rất rẻ tiền là ngựa, 12 lính Mỹ trong 23 ngày đã đánh bại khủng bố Taliban mà không chết một người. Lịch sử, tức là chuyện “thật” ngoài màn hình, thì có khác. Đó là:

– hỏa lực kinh hoàng của đệ nhất siêu cường với bom GBU-43 sức công phá 11 tấn, tương đương vũ khí nguyên tử nhẹ nhất
– liên kết với 60 nước đồng minh, trong số đó có 37 nước gửi quân sang tham chiến.
– 130.000 quân nước ngoài hiện diện vào lúc cao điểm cộng thêm 120.000 lính đánh thuê (được gọi là “nhân viên hợp đồng quốc phòng”).
– 3.800 quân nhân nước ngoài thiệt mạng, cộng với khoảng 1.700 lính đánh thuê Hoa Kỳ.
– Ngân sách cho cuộc chiến này lên đến 2065 tỉ USD.

Và nếu trên phim chỉ cần có 23 ngày để chiếm Afghanistan thì 20 năm sau vẫn không giữ được. Trong tháng 8 năm 2021 này, Hoa Kỳ rút hết toàn bộ, kể cả sứ quán. (À, lịch sử thì rất khác phim truyện, nhưng với một số khán giả toàn cầu thì ấn tượng về cuộc chiến này vẫn là “12 dũng sĩ”).

Kháng chiến đời đầu: chống vô thần

Nhắc lại, trong thập niên 1979-1989, Liên Xô can thiệp vào Afghanistan, vào lúc cao điểm có đến 115.000 binh sĩ. Chống lại Liên Xô và chánh quyền Afghanistan là các lực lượng Mujahid (Chiến sĩ của Đức tin) Hồi giáo và có cả một số nhỏ thuộc thành phần Cộng sản theo chủ nghĩa Mao; (nhắc lại là có cả phong trào Mao tại Afghanistan cầm súng chống Liên Xô).

Các phong trào kháng chiến này được Saudi và Hoa Kỳ trợ giúp qua ngả Pakistan, được tổng thống Reagan gọi là “Chiến sĩ Tự do” và dúi cho một nắm tên lửa phòng không. Đây là vũ khí thay đổi cuộc chiến vì đe dọa được trực thăng của Hồng quân. Một Osama bin Laden lúc đó còn tuyển mộ được mấy ngàn chí nguyện quân Hồi giáo quốc tế sang tận nơi tham chiến chống cộng sản vô thần.

Tổng thống Reagan tiếp các chiến sĩ thánh chiến Afghanistan tại Nhà Trắng năm 1985. Ông phát biểu “Các vị này là tương đương đạo đức của các Cha già Lập quốc Hoa kỳ”. Ảnh ở đây

Tổng thống Reagan tiếp các chiến sĩ thánh chiến Afghanistan tại Nhà Trắng năm 1985. Ông phát biểu “Các vị này là tương đương đạo đức của các Cha già Lập quốc Hoa kỳ”. Ảnh ở đây

Tóm tắt, trong nửa thời gian so với Mỹ tức là 10 năm, với nửa số quân so với Mỹ, Liên Xô tốn một quỹ (theo CIA) khoảng 1/5 của Hoa kỳ và mất 15.000 nhân mạng. Chiến tranh này ảnh hưởng mạnh đến Liên Xô và là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của nước này 2 năm về sau, tức 1991.

Sau khi Liên Xô rút về thì chánh quyền Najibullah còn tồn tại thêm được 3 năm nữa. Ngay cả sau khi cả Liên Xô đã sụp đổ, chính quyền Najibullah vẫn còn tồn tại và bác sĩ Najibullah (biệt danh là “Đồ tể thành Kabul”) còn tại vị lâu hơn Tổng bí thư Gorbachev được 5 tháng!

Thánh chiến đời sau: tự “chiến” lẫn nhau

Sang đến 1992-1996 là một giai đoạn hết sức hỗn loạn, các lực lượng kháng chiến choảng nhau chí chóe và phân chia, mâu thuẫn cực kỳ. Ngay tại thủ đô Kabul, bộ quốc phòng pháo kích sang phủ thủ tướng, các địa phương bị các sứ quân chia năm xẻ bảy sơn hà.

Mỗi một góc trời lại có một triều đình. Với địa hình trắc trở, Afghanistan có thể kể tới 7 dân tộc đông người, trong số đó tộc Pashto là chính nhưng chỉ chiếm có 42%. Về tôn giáo cũng có mâu thuẫn nốt, tuy tuyệt đại đa số (99,7%) cũng là Hồi nhưng 15% theo hệ phái Shia và 85% theo hệ phái Sunni.

Nếu 40 năm trước người ta gắn liền Việt Nam với chiến tranh thì 20 năm nay người ta gắn liền Hồi giáo với khủng bố. Tất nhiên Việt Nam không phải là chiến tranh mà còn là duyên dáng, là vẻ đẹp tiềm ẩn gì đó. Mới đây người viết này có gặp một bạn Syria dưới 30 tuổi. Bạn hỏi, à, Việt Nam, có phải là nước có cây cầu gì đó hình con rồng phải không? Hồi giáo cũng thế thôi, có thể là duyên dáng áo trùm, vẻ đẹp tiềm ẩn sau khăn che mạng, nhưng không có cây cầu hình con rồng.

Vì là niềm tin của ¼ nhân loại và có 1,8 tỉ tín đồ trên khắp thế giới nên khó mà qui được Hồi giáo về một thứ gì duy nhất. Trước hết, mâu thuẫn giữa Shia (13%) và Sunni (87%) là một mâu thuẫn căn bản và trầm trọng có ngay từ lúc kế vị thiên sứ đạo Hồi vào 14 thế kỷ trước. Shia theo thời gian và địa l‎ý lại còn phân chia ra nhiều nhánh, trong khi Sunni có 4 trường phái chính, mỗi trường phái này còn có nhiều ngành khác biệt. Hồi giáo có loại “khủng bố” và khắc nghiệt là chỉ từ vài ba thập niên nay thôi, là Hồi giáo thuộc trường phái Wahabi của Saudi, và giờ nếu ta có biết đến là nhờ tiền và quyền lực mềm của Saudi trong thế giới Hồi Sunni. Dĩ nhiên, khi nó chống Liên Xô trước đây thì nó mỹ miều trong mắt Mỹ, sau sự cố 11-9 thì nó thành xấu xa trong mắt Tây phương.

Trở lại Afghanistan năm 1992, khi các phe Mujahid đã tiến vào thủ đô. Sau khi hợp lực đánh Liên Xô và chánh quyền thân Liên Xô, tam thập lục phái này quay sang đánh nhau để giành giật quyền lực và chức vụ, lợi ích kinh tế và ảnh hưởng. Người dân trong những năm đó, đi 30 bước không yên, hết chúa này thì tướng cướp kia nhiễu. Saudi, UAE và Pakistan là đồng minh khu vực của Hoa Kỳ thành lập một phong trào gọi là Taliban (sinh viên Hồi giáo), gồm thành phần theo học tại các trường Hồi Pakistan do Saudi đài thọ. Lực lượng này là con đẻ của ISI (quân báo Pakistan) và tướng Pervez Musharraf (sau này tổng thống Pakistan). Vào nội chiến 1992-1996, trong số 25.000 quân Taliban có đến 8.000 là người Pakistan, cộng thêm với 20.000 quân Pakistan, tức là lực lượng Taliban gồm 17.000 người Afghanistan và 28.000 người Pakistan. Các sinh viên này, lý tưởng tôn giáo và dũng cảm (còn gọi là ‘cuồng tín’ tùy theo quan điểm), nghiêm khắc nhưng liêm khiết, chiếm thủ đô năm 1996 và kiểm soát 75% lãnh thổ. Tại đây họ áp dụng một chính sách tôn giáo còn khắt khe hơn cả chính chủ Saudi là kẻ đã nuôi dưỡng họ lớn khôn. Con hơn cha là nhà có phúc! Chánh quyền của họ chỉ được có 3 quốc gia trên thế giới công nhận là Pakistan, Saudi và UAE.

Thủ đô Kabul vào tháng 11.1996, sau khi Taliban chiến thắng được 2 tháng. Hoang tàn trên ảnh là từ nội chiến giữa tất cả các phe 1992-1996. Ảnh ở đây

Thủ đô Kabul vào tháng 11.1996, sau khi Taliban chiến thắng được 2 tháng. Hoang tàn trên ảnh là từ nội chiến giữa tất cả các phe 1992-1996. Ảnh ở đây

Thánh chiến lần ba: Al Qaeda quay xe

Phong trào Al Qaeda của Osama bin Laden vốn do Hoa Kỳ và Saudi lập ra với mấy ngàn chí nguyện quân Ả Rạp, Bắc Phi hay Trung Á, sau khi Liên Xô rút đi thì ‘nhàn cư vi bất thiện’. Mỹ tập cho chó dữ, hết trộm để nó cắn thì nó quay sang cắn chủ nó là Hoa Kỳ.

Afghanistan là nơi dung thân cuối cùng của bin Laden sau khi bị chủ coi là chó dại. Hoa Kỳ đòi phải giao bin Laden cho họ để họ chích thưốc cho chết. Đối với một văn hóa kỹ nghệ như Mỹ, thương mãi và vụ lợi để phát triển thì đồng tiền đi trước. Đối với một văn hóa bộ lạc như Pashto, đoàn kết để sống còn trong hoàn cảnh khó khăn sa mạc núi đồi thì cái nghĩa là trên hết. Taliban nhất định không trao trả hay trục xuất bin Laden là bạn, là khách họ che chở trong nhà. Điều này người Mỹ không thể hiểu. Tao cho mày một cái TV 21 phân anh. Tao cho mày thêm một cái đầu video. Mày mà không giao nó thì tao đánh! Mày biết tao là ai không? Tao là thằng ông nội, tao là siêu cường duy nhất trên thế giới. Liên minh chống khủng bố của Mỹ rủ thêm 60 nước tham gia cho bề thế phần chính nghĩa và xâm lăng Afghanistan, đuổi họ xách dép đứt quai về núi đá và đồi sỏi.

Tuy dung túng và che chở cho Al Qaeda nhưng ‘nhân sinh quan’ của Taliban rất là khác biệt. Các chiến binh Al Qaeda thi hành nghĩa vụ đoàn kết với người Hồi nghìn dậm, một số từng sinh sống tại Tây phương và từng trải nghiệm áp bức và kỳ thị tại những nơi đó, không hẳn trên vấn đề tôn giáo mà còn trên mặt dân tộc, màu da hay nhất là giai cấp xã hội. Đó là vì ai chẳng biết, cứ có nhiều tiền là vui vẻ thôi, bất kể màu gì hay tôn giáo gì. Do đó Al Qaeda không những chống Mỹ hay Nga hay cả Trung Quốc, tại Afghanistan hay đâu đó các nước đa số Hồi giáo bị xâm lược mà còn ngay tại Mỹ, Nga, Tây phương, hoặc Trung Quốc – bất kể, miễn là những nơi có thiểu số Hồi giáo cư ngụ.

Taliban ngược lại, là tư duy giáo làng, tầm nhìn ném không quá tầm đạn AK và đồi sỏi. Họ không cần biết đến thế giới bao la gì gì mà chỉ muốn duy trì tập tục ông cha và cuộc sống bộ lạc từ ngàn năm. Nếu người Nga hay người Mỹ, không đến những thung lũng này mà quấy rầy thì họ cũng không cần biết Tư bản hay Cộng sản là gì.

20 năm sau khi người Mỹ đến, nơi đây trở thành chiến địa lâu dài nhất của Hoa Kỳ và tổn phí lên 2065 tỉ. Dĩ nhiên tổn phí này không chỉ đổ xuống núi đá và đồi sỏi, nó đổ vào kỹ nghệ quốc phòng Mỹ chứ. Năm 2011, khi số binh sĩ Mỹ ở mức cao nhất là 99.800 người thì số nhân viên hợp đồng quốc phòng tức lính đánh thuê lên đến 117.227, gồm 34.765 người Mỹ và 82.462 người nước ngoài, khiến có câu đùa là trước đây Afghanistan là “mồ chôn đế quốc” nhưng với sự tư hữu hóa của chiến tranh thì trở thành “mồ chôn của nhân viên hợp đồng quốc phòng”!

Đến ngày kết thúc

Về mặt chính trị nội bộ Hoa Kỳ, nếu ông W. Bush (Cộng hòa) là người xâm lăng thì ông Obama (Dân chủ) là người tăng quân. Nếu ông Trump (Cộng hòa) là người thương thuyết rút quân thì ông Biden (Dân chủ) là người thực hành. Taliban cũng không cần biết ai Dân chủ, ai Cộng hòa hay ai có Cộng sản đi chăng nữa, họ chỉ muốn được yên và không phải đánh Tháp song sinh như Al Qaeda. Họ cũng không có ý thức hệ tầm “Quốc gia Hồi giáo” như ISIS-ISIL, là một phong trào mới nảy ra từ khi Mỹ xâm lăng Iraq và ngay tại Afghanistan gần đây cũng lăm le phát triển và cạnh tranh, tức là chống đối lại với Taliban.

Về mặt hợp tác kinh tế, năm 1997, lúc ông W. Bush còn làm thống đốc bang Texas, phái đoàn Taliban được công ty dầu khí Unocal mời sang Texas thăm viếng để nói chuyện đường ống dẫn dầu Trung Á. Nói qua, cựu tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, hay đặc sứ Hoa Kỳ và cựu “phó vương” Iraq, ông Zalmay Khalizad đều từng là nhân viên của công ty Unocal-Chevron chứ không phải nhân viên của hội nữ quyền bênh vực phụ nữ quốc tế nào. Vào lúc đó, 1997,Taliban lúc đó vui vẻ lắm và sẵn sàng hợp tác với Unocal cùng Hoa Kỳ. Tuy nhiên sau xảy ra sự cố 11.9 và như ta biết, siêu cường duy nhất còn lại của thế giới nghĩ là chỉ cần 12 dũng sĩ là ức hiếp được một giáo sĩ chột mắt chạy xe máy dầu hai thì (tức lãnh tụ Omar của Taliban).

Đặc sứ Mỹ Khalilzad và giáo sĩ Baradar ký kết thỏa thuận hòa bình tại Qatar vào ngày 29.2.2020. Ô Khalilzad là người gốc Afghanistan, từng giữ chức đại sứ tại Afghanistan và Iraq tức là vai trò “toàn quyền Mỹ” tại hai nơi này. Ông Baradar ở tù tại Pakistan từ 2010 nhưng 2018 được Mỹ xin Pakistan thả ra để đàm phán với Mỹ. Hiện ông là phó thủ tướng của chính quyền Taliban. Ảnh ở đây

Đặc sứ Mỹ Khalilzad và giáo sĩ Baradar ký kết thỏa thuận hòa bình tại Qatar vào ngày 29.2.2020. Ô Khalilzad là người gốc Afghanistan, từng giữ chức đại sứ tại Afghanistan và Iraq tức là vai trò “toàn quyền Mỹ” tại hai nơi này. Ông Baradar ở tù tại Pakistan từ 2010 nhưng 2018 được Mỹ xin Pakistan thả ra để đàm phán với Mỹ. Hiện ông là phó thủ tướng của chính quyền Taliban. Ảnh ở đây

Vậy là chính sách can thiệp 20 năm cùng 83 tỉ bỏ ra để xây dựng một quân đội trung ương bốc hơi bay mất trong vài tuần lễ. Hoa Kỳ dự tính là tổng thống Ghani sẽ còn tại vị được một năm sau khi Mỹ rút đi, hay là giằng co thương thuyết gì cũng được một tháng để bàn giao chuyển tiếp sau khi Mỹ đã rút hết. Nào ngờ dồn dập và Taliban tiến vào thủ đô hai tuần trước khi người Mỹ kịp rút đi gây ra cảnh náo loạn tại phi trường. Hoa Kỳ tức tốc đổ thêm 6.000 quân để lo việc triệt thoái an ninh và lớn tiếng đe dọa Taliban là nếu mày không để yên cho tao chạy tao sẽ đánh mày chết! Tao cấm mày đuổi theo! Cho tới ngày 16.8, sau khi tổng thống Biden lên tiếng, Taliban không dám bén mảng đến khu vực phi trường và chẳng hó hé mà ngồi yên uống trà tại dinh tổng thống.

Taliban vào dinh tổng thống tại Kabul ngày 15.9.2021. Ảnh ở đây

Taliban vào dinh tổng thống tại Kabul ngày 15.9.2021. Ảnh ở đây

Quân báo Hoa Kỳ, tình báo bộ ngoại giao, CIA không hề dự kiến được sự sụp đổ nhanh chóng và toàn diện này. Chính Taliban còn chưa dự kiến được thì sao tình báo Mỹ biết được chứ! Trách thế là oan, tuy ta có thể tưởng tượng cảnh tướng Lloyd Austin, bộ trưởng quốc phòng, khi ông sẽ phải ra điều trần trước Quốc hội. Năm 2015, lúc làm tư lịnh Chỉ huy Trung phần (Centcom), ông đã phải giải thích thành tích dùng 500 triệu USD để xây dựng một sư đoàn kháng chiến chống lại chính quyền Syria. Tướng Lloyd Austin cho biết ‘Sư đoàn’ này lúc đó còn quân số… 4 hay 5 người nhưng không liên lạc được! Ông không chơi Facebook nên không biết đó thôi chứ đại tá chỉ huy trưởng mới vừa lên đó post từ chức và chỉ việc dùng Messenger Inbox là chí ít tìm ra được một người tức đại tá sư trưởng đó!

Ngược lại, vào giờ này không ai biết tổng thống Afghanistan là Ashraf Ghani ở đâu, Uzbekistan hay Tajikistan hàng xóm. Ông ra đi, theo ông cho biết là để tránh đổ máu, có lẽ trước hết là tránh đổ máu của chính ông. Năm 1996, khi vào Kabul, Taliban thiến luôn cựu tổng thống Najibullah, kéo lê sau xe trên phố trước khi gia ân hành quyết và treo xác ngoài đường.

Nhưng 25 năm sau, có lẽ phong trào này bớt phần nào nghiêm khắc và sắt máu, để phần quá khích đó cho phong trào cạnh tranh là ISIS-ISIL. Hồi giáo khắt khe và bảo thủ của họ chắc là sẽ ở cấp Saudi thôi, là cấp 75 năm nay Tây phương chẳng những chấp nhận mà còn ôm chầm và hôn trên hai má. Theo lời hứa hẹn của Taliban thì “vương quốc” (Emirate) Hồi giáo Afghanistan sẽ bao gồm và hòa nhập tất cả các thành phần, vì Afghanistan là một quốc gia đa dân tộc, còn ảnh hưởng của phong trào Taliban chỉ giới hạn ở dân tộc Pashto. Nếu không muốn lâm vào nội chiến như trong thời gian họ cầm quyền trước đây (1996-2001) thì họ phải nhường nhịn các sứ quân địa phương của các dân tộc khác, để đất nước (mong thay) đi vào một giai đoạn ổn định và yên bình sau 42 năm chiến tranh liên tục, hết Nga rồi Mỹ.

07. 10. 2021

*

Bài đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối tuần

 

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả