|
|||||||||||||
|
Đi chơiBữa tiệc tháng kiêng 23 April, 2024Sáng ÁnhTôi có mang theo một bộ đồ vest. Chuyện này hi hữu, vì quần áo loại này đi đâu mang theo rất bất tiện vì phải xếp trong va li cẩn thận, đến nơi phải đưa hấp ủi cho thẳng hàng. Nhưng tôi sang Lebanon vào tháng Ramadan, thế nào cũng phải đi dự tiệc. Đây là tháng kiêng của đạo Hồi và ngày trở thành đêm, không được ăn uống nhưng nếu ngày trở thành đêm thì đêm trở thành ngày, và khi mặt trời xuống cũng như trước khi mặt trời lên là ăn uống tưng bừng. Nguồn gốc trong giáo lý của nó là tháng để ‘thiền’, để suy tư gì đó mặc niệm, và để từ thiện, nhưng trong thực hành ngày nay nó là một kiểu tháng hè hội, trẻ con được quà, người nghèo được bố thí, và là dịp để cho một thành phần xã hội xài tiền vung vít và phô trương đẳng cấp của mình. Đây là tháng rất tốn kém, kiểu đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết, và là một dịp vui, tuy không còn đúng với ý nghĩa nguyên thủy nhưng không phải là một cực hình như ta tưởng tượng. Vì lịch Hồi theo âm, chỉ có 360 ngày và không có tháng nhuận nên tháng Ramadan rơi vào lúc này lúc kia (nếu đối chiếu với Dương lịch). Tại các vùng nhiệt đới gần xích đạo thì năm nào, tháng nào cũng thế, có bất tiện là đối với khu vực ôn đới, có khi ngày rất dài hay ngược lại, mặt trời mọc vào lúc 10 giừ sáng và lặn lúc 14 giờ. Cũng bất tiện chỉ là ở những nơi không theo Hồi giáo, và xã hội ở nơi đó vẫn sinh hoạt bình thường. Tại những nơi dân chúng đa số Hồi thì nó là một tháng vui, tôi phải nói, vì nhiều người khi nghe nói đến, cứ tưởng cấm ăn cấm uống trong ngày là một hình phạt như đánh bằng roi. Chiều xuống, phố lên đèn trang điểm rực rỡ hơn thường lệ, và tôi phải mặc bộ đồ vest thẳng nếp đi dự tiệc. Điều này không thể tránh, nếu bạn có bạn bè, gia đình, quan hệ công việc tại một nơi đạo Hồi, trong tháng này bạn được mời 20 bận. Đây là Beirut, Lebanon, trong khu phố trung tâm. Thành phố này, trước và sau nội chiến (1975-1990) được coi là hoa lệ, giờ là một nơi ăn chơi đẳng cấp toàn cầu và quốc tế cho nên nhà hàng mỹ lệ thì không thiếu. Nó nằm bờ biển cho nên tháng này các bãi biển resort còn cho thuê lều lớn giăng hoa như là đám cưới, khách sạn nào cũng có thực đơn đặc biệt của tháng Ramadan. Nó đắt hơn so với ngày thường và thêm thắt bày biện, có hoa trên bàn và có nến lung linh, và có 2 bữa. Bữa ‘Iftar’ là bữa chính, khi mặt trời vừa xuống (trên biển Địa trung một màu xanh thẫm), người ta hay mời nhau vào bữa này. Bữa ‘Sohour’ là bữa thân mật hơn, dành cho gia đình hay tình nhân, khi mặt trời sắp sửa lên (trên biển Đại Trung còn đen ngòm). Các đền có báo hiệu, nhưng không rú còi như máy bay Mỹ đến mà có một anh mõ cầm kẻng đi trên phố. Anh mõ này đi trên phố cầm kẻng báo hiệu là đến giờ ăn rồi và trước khi trời sáng 1 tiếng, anh lại đi gõ để mọi người dậy, ăn thôi cho kịp. Nghe loong coong anh gõ nhắc nhở là ăn uống tự do. (Nói ngoài đề ăn uống này, ở Beirut một đêm trong tháng kiêng, thành phố nằm dưới pháo tập cả ngàn trái của Israel rung chuyển. Ai nấy nằm dưới hầm thin thít kinh khiếp. Pháo yên, và lúc trời gần sáng, chợt nghe tiếng gõ của anh mõ báo hiệu đến giấc ăn Sohour trên phố vắng. Sau tiếng kẻng này là đồng loạt đó đây vọng lên tiếng rú, tiếng gào, tiếng khóc của những gia đình có người thân bị thương hay thiệt mạng rồi rầm rập tiếng chân, tiếng gọi, tiếng xe của vệ binh đào bới cứu nạn và tải thương. Pháo Israel đêm đó lại tuân thủ hay tình cờ ngưng vào đúng ngay lúc đó…) Chủ mời ăn là một nhà kiến trúc nội thất. Khách của bà hôm đó là quan hệ làm ăn, không phải là trong giới kiến trúc hay mỹ thuật gì mà là dạng có nhà cửa cần trang trí hay sao đó. Các bà này ngồi xuống, không bỏ giỏ đầm để sau lưng trên ghế mà mỗi bà có một cái móc giỏ, dùng để kẹp lên bàn, nhãn Chanel, Dior. Đây là lần đầu tôi thấy phụ tùng phụ nữ này, bèn nảy ra ý định sản xuất loại móc máy chụp hình phía dưới bàn để khỏi đặt lên trên (“Cái móc này có chấm đỏ đề Leica đấy nhưng máy chụp thì là Panasonic, chị ạ”). Ai cũng diêm dúa mệnh phụ và cặp ngồi trước mặt tôi là một ông lớn tuổi nước da đen đi với một anh Lebanon rất xinh trai. Người Lebanon nước da trắng, và ông này là người nước ngoài, tướng công an Saudi nước da vùng Najd, tức là thuộc các tộc cầm quyền. Chuyện này ở Lebanon không có gì phải để ý, chẳng qua ông là tướng công an mà đồng tính ở Saudi thì thuộc tội (tử) hình, còn tất nhiên nếu là người Lebanon thì chẳng có gì để nói tới. Bữa Iftar này truyền thống, cơm Ả Rạp Lebanon (Lebanon, tại vì không có cái gì gọi là cơm Ả Rạp cả, rất nhiều khác biệt vùng miền). Nó có khoảng 20 món khai vị (mezze) đồ chua đồ ngọt đầy bàn như kim chi đủ loại khi đi ăn thịt nướng Hàn quốc. Trong thập niên 80, khi bạn đi uống ly café hay ly bia ở đây, quán cũng bày ra một đĩa be bé này như ở Tây gọi rượu thì cho thêm dĩa đậu phọng. Tả thì tôi không tả nổi vì rất lắm, có rau có cỏ, có phó mát, có thịt, có gan, có lòng hổ lốn hằm bà lằng. Phần nhì là món thịt, cũng 5-7 loại, mỗi thứ be bé và tới phần tráng miệng cũng thế, cả chục thứ bánh. Trong một bữa bình thường, ở nhà riêng chẳng hạn, thì cũng thế, nhưng khai vị là 5-7 món thôi, dùng chính là thịt thà thì 2-3 thứ, bánh tráng miệng cũng chỉ 2-3. Nói để hình dung dễ, thì một bữa tiệc mời cơm truyền thống ở Lebanon, giống như ta vào nhà hàng buffet vậy. Khác biệt là thay vì ta cầm đĩa đi chọn thì họ mang ra bày hết trên bàn trong các đĩa xinh xinh, ai ăn gì thì gắp, phục vụ phải để ý, cái nào được chuộng thì tiếp tế quân lương món đó thêm. Cả 3 giai đoạn đều như vậy, khai vị, món chính và tráng miệng. Bữa Iftar này cũng có thể là cơm Tây, cơm Pháp, không bắt buộc phải cơm Lebanon truyền thống. ‘Sáng ăn cơm sườn, chiều ăn nước tương’, chẳng có lệ. Trong tháng Ramadan, bà này mời tôi ăn ở đây cơm truyền thống, tối hôm sau đến lượt tôi tổ chức thì tôi có thể làm ở nhà hàng Chopsticks trên phố Hamra ăn cơm Tàu chẳng hạn, có 10 cô Philippines phục vụ, đặc điểm là mỗi cô đến từ một đảo khác nhau, là chuyện thường tình vì Philippines có đến 7.600 hòn đảo, và số sang đây làm phục vụ hay giúp việc nhà là khoảng 30.000 phụ nữ. Như vậy, trong 20 thực khách của cái bàn rất dài này, hôm trước hay hôm sau lại có người mở tiệc mời lại, và đi ăn nơi đây nơi kia mãi, không ai ghi sổ kế toán nhưng năm này năm kia trong cuộc đời thì cũng phải đến lượt mình tổ chức. Ông công an Saudi và tôi là người nước ngoài nên hẳn được miễn lễ và bình yên. Tại vì, vào mùa nhốn nháo này, phải đặt chỗ giữ trước, chứ không phải muốn đến ăn là được. Bữa ăn này có giúp vui, và truyền thống thì là…múa rốn. Hôm đó nghe đâu có đệ nhất lắc bụng của quốc gia, thì lại là một anh múa 6 múi.Tôi hỏi lại cho chắc, anh này được xem là nam múa rốn nổi tiếng nhất nước? Họ bảo, không, múa rốn nổi tiếng nhất nước kể cả phụ nữ luôn vì không ai múa giỏi bằng, cả nữ lẫn nam. Nhưng bình những chuyện này, tôi không có đủ trình độ nghệ thuật. Tôi chỉ thấy anh chạy qua chạy lại nhún nhảy như ballet, là thứ tôi lại càng mù tịt trong khi mọi người tấm tắc tán thưởng. Đợi mãi đến phần bánh ngọt cũng không có ai ra ca. Thăm thẳm chiều trôi, khuya nay anh đi rồi, sao trời đưa lối… (*) Cho nên tôi thất vọng. Điều an ủi tôi là thức ăn rất ngon. Lebanon có nhiều tật xấu, tính điển hình quốc gia là hay phô trương mà lại than vãn như một nhà thơ đã nói trong thập niên 60, đại để “Ta đứng đái ngoài đường, xong ta khóc nhờ Liên Hiệp Quốc can thiệp”. Nhưng thơ gì thì thơ, nói gì thì nói, Lebanon vẫn là nơi ăn gì cũng ngon. Trong tháng gọi là kiêng, khi mặt trời đã tắt hay chưa kịp lên, thì lại càng ngon nữa. (*) “Tạ từ trong đêm” của Trần Thiện Thanh 17. 12. 2019 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
|
|||||||||||
|