Chính trị

Hezbollah: Nỗi lo thực sự của Israel? 2 April, 2024

Sáng Ánh

Đây là cửa hàng tạp hóa thứ ba mà tôi ghé. Nó ở gần trung tâm thành phố Beirut và chỉ cách trường American University of Beirut khoảng nửa cây số thôi, là chỗ xập xình hàng quán ngày đêm sinh viên ăn chơi. Nhưng đây là một khu dân cư đi ngủ sớm chứ không phải là phố đi bộ chớp nháy đèn. Tôi đi vào bên trong lấy mấy chai bia lạnh. Khi ra đến quày tính tiền, tôi nói với ông chủ tiệm là hai cửa hàng tôi mới ghé đều không có bia. Ông nhìn thẳng vào mắt tôi đanh thép và nói “Ở cửa hàng này, tôi bảo đảm là ông sẽ luôn luôn tìm thấy được bia rượu!”

Lực lượng tại Lebanon là Hezbollah ra đời sau biến cố 1982 là năm Israel xâm lăng đưa quân đến cổng thủ đô nước này để diệt các lực lượng kháng chiến Palestine lưu vong. Đây là một lực lượng chính trị và quân sự dựa trên người Hồi giáo Shia là khoảng 1/3 dân số của quốc gia nhỏ này (5,5 triệu dân). Nó có mặt ở những nơi có người Shia, miền nam giáp ranh với Israel và thung lũng nông nghiệp Bekaa, hay ngoại ô nam Beirut là Dahieh nơi người Shia lao động bình dân sinh sống.

Có một Trung Đông khác

Ngoại ô này hiện do Hezbollah kiểm soát nhưng cũng là đất tuyển mộ và dụng võ của hai phong trào khác từng đi trước. Đầu tiên là đảng Cộng sản, vì quần chúng của đảng là tầng lớp lao động thành thị. Thứ nhì là phong trào Amal (“Hy vọng”, nghĩa đen là “Phong trào của những người nghèo kém”). Amal dựa vào tôn giáo nhưng tính cách thế tục hơn Hezbollah.

Lebanon có 16 giáo phái được công nhận, và khu trung tâm tôi ngụ ở trên là một khu có người Hồi Sunni, người Ki tô, người Shia…, một số cửa tiệm, nhà hàng, do chịu ảnh hưởng của Hezbollah nên không bán rượu. Có thể đó là vì áp lực của Hezbollah hay vì lực chọn tôn giáo của chủ cửa hàng, nhưng một số khác thì vẫn bán. Câu chuyện chung sống này phổ biến, và một bận trong một bar thời thượng, cậu con tôi duỗi chân ra hỏi là ở đây có cocktail nào ngon thì anh phục vụ trả lời thành thật do anh đạo Hồi và không uống rượu nên anh không biết! Lúc vừa mới thành lập, Hezbollah rất nghiêm khắc, họ còn ra cả chỉ thị cấm phụ nữ mặc đồ tắm hở hang khoe ngực giả trên bãi gọi là “silicon beach” ở Beirut! Nhưng người ta đã bỏ tiền ra sửa ngực thì chẳng lẽ lại không khoe và thế là mấy ai vâng lời Hezbollah.

Năm 2008, tức là 25 năm sau khi phong trào Hezbollah được biết đến, thì con tôi tốt nghiệp phổ thông. Lễ được cử hành như mọi năm ở một khách sạn trung tâm và sau đó các bạn trẻ này, khoảng 100 người nam nữ tức 4 lớp 12 tốt nghiệp, kéo nhau đến một câu lạc bộ bãi biển để vui chơi qua đêm. Tại nơi đó là “open bar”, muốn uống nhiêu bia rượu thì uống và các em mặc đồ tắm đứng múa may ngay cả trên quày bar. Bãi này nằm ở trong khu vực kiểm soát của Hezbollah và lúc 5 giờ sáng, từng tốp xe Limousine chở các cô cậu say mèm này về nhà qua những phố vắng bình dân của ngoại ô nam thành phố. Thì tuần nào hay ngày nào chẳng thế, các bãi này ăn nhậu hát hò và xem người mẫu từ Ukraine sang trình diễn nội y. Đây là Lebanon chứ có phải Iran đâu!

Cảnh tượng quen thuộc ở một câu lạc bộ bãi biển tại Beirut. Ảnh: CNN

Hezbollah làm gì ở Lebanon

Beirut là một thành phố ăn chơi hàng đầu thế giới tuy Hezbollah có 15 ghế quốc hội/128 và thuộc đa số cầm quyền (85/128). Họ có 2 bộ trưởng trong chính phủ và quản lý nhiều địa phương.

Trước nội chiến 1975-1990 Lebanon từng mang danh là Thụy Sĩ của Cận đông. Ngày nay mất điện mất nước, hạ tầng xuống cấp và suy sụp, đường phố rác rưởi và nhếch nhác. Quay lại tiệc của các bạn trẻ, tự nhiên khách đến đây lạc vào một khu vực thấy sạch sẽ, an ninh và ngăn nắp! Đó không phải là Thụy Sĩ như ngày xưa trở lại mà là một khu vực quản lý bởi Hezbollah! Sau chiến tranh 2006 với Israel, Hezbollah dựng lại cầu đường và hạ tầng, xây lại các chung cư bị đánh sập, sửa chữa miễn phí các hộ bị hư hại như là một công ty bảo hiểm! Người của họ đến từng hộ điền mẫu cho nạn nhân khai báo và lo cho từng gia đình ăn ở trong khi chờ đợi họ phục hồi lại gia cư! Đây như là chuyện trong mơ hay nằm mơ cũng không thấy. Và nằm mơ cũng không thấy là chiến thắng của Hezbollah ở miền nam Lebanon năm đó.

Trong chiến tranh này, Israel dùng 20.000 phi vụ tấn công, tức là không kể các phi vụ tải thương, trinh sát, chuyển vận v.v… trên toàn lãnh thổ Lebanon trong 34 ngày. Đây so với 29.000 phi vụ của Liên minh Hoa kỳ đánh Iraq năm 2003 trong 21 ngày đầu. Về pháo binh, Israel bắn 170.000 trái tức hơn gấp đôi tổng số của chiến tranh 1973 khi họ đánh với Ai cập-Syria trong 19 ngày. Israel dốc 30.000 quân đánh 1.000 du kích Hezbollah và không tiến được quá 5-8 km. Làng Ayta Ash Shab cách biên giới có 1 km mà từ ngày đầu đến ngày cuối cuộc chiến, Israel dùng 4 lữ đoàn thay phiên nhau luân chiến đánh 60-70 du kích nhưng không chiếm được làng. Ngược lại, quân đội quốc gia Lebanon ở miền nam không bắn một phát súng. Tướng Daoud chỉ huy Marjayun mở căn cứ quân đội quốc gia mời quân Israel vào uống trà và bàn giao cho họ. Hezbollah trở thành anh hùng của cả nước.

Đó không phải là thành tích đầu của phong trào này. Năm 1982, Mỹ, Pháp và Ý có gửi sang Lebanon một lực lượng trị an quốc tế. Lực lượng này mất dần tính cách trung lập của nó và can thiệp vào nội bộ Lebanon. 1983, Hezbollah đánh bom sứ quán Mỹ ở Beirut chết 63 người rồi đánh căn cứ Thủy quân lục chiến Mỹ chết 241 cùng lúc với trại Nhảy dù Pháp chết 58. Pháp gửi sang một tàu sân bay gầm gừ. Mỹ gửi một hạm đội 50 tàu chiến có chiến hạm khủng New Jersey với hải pháo 460mm bắn long trời lở núi, cùng với 2 và rồi lên đến 4 tàu sân bay ! Sau đó, quân Mỹ được tái phố trí ngoài khơi và đi luôn về nước tái phối trí. Trong những sự cố này Hezbollah chỉ mất có mấy chiếc xe bom.

Như đã nói, Hezbollah hữu hiệu không phải là chỉ về mặt khủng bố hay quân sự. Tổ chức này về mặt xã hội có trường học, có nhà thương và gia đình tử sĩ của họ được chăm sóc cả đời từ con thơ vợ dại đến mẹ già. Về an ninh, Hezbollah ra lệnh không được ăn cắp xe máy nữa thì tệ nạn này ở Beirut hết, ngay cả ở những khu khác ở thành phố này vì ngoại ô phía nam là nơi xe được mang về cạo số sườn để bán lại. Tại các khu Hezbollah, bạn sẽ không thấy công an cảnh sát sắc phục mà chỉ vài thanh niên rỗi hơi. Khi có chuyện vặt vãnh, sẽ có một anh sơ mi trắng túi áo có bút xanh và bút đỏ xuất hiện để giải quyết. Nếu chuyện lớn thì súng ống ở đâu đầy phố ngay ở các vị trí chiến thuật đã định sẵn. Năm 2008, khi mâu thuẫn giữa chính quyền Lebanon và Hezbollah bùng nổ thì lực lượng này kiểm soát thủ đô trong 24 tiếng đồng hồ, vây tư dinh của thủ tướng và gọi quân đội quốc gia đến để uống trà trước khi họ bàn giao lại khu vực và rút đi. Đây là để cho thấy, ta muốn lấy đầu mi lúc nào thì lấy nhưng giờ ta tạm cho mi sống.

Những người ủng hộ Hezbollah tề tựu nghe bài phát biểu của lãnh tụ Hassan Nasrallah trong lễ rước ngày Ashura ở ngoại ô nam Beirut, Lebanon, tháng 8-2021. Ảnh: EPA

Uy tín giảm sút

Uy danh trên thế giới, chí ít là thế giới Hồi giáo, và ảnh hưởng nội địa của Hezbollah lên cao nhất trong thời gian đầu là sau chiến thắng 2006 của họ. Năm 2011 thì xảy ra nội chiến Syria. Phía muốn lật đổ chế độ Assad là “liên minh” Hoa Kỳ-Israel-Turkey-Saudi-UAE-Qatar… Phía giúp đỡ Assad là Nga-Iran. Syria là đường tiếp tế huyết mạch của Hezbollah về quân trang và vũ khí và khi Assad nghiêng ngả sắp ngã thì Hezbollah buộc phải gửi 8.000-12.000 quân sang can thiệp vào nội chiến. Việc này cho lực lượng kinh nghiệm tổ chức và điều động ở một mức cao hơn cũng như nhận thêm nhiều vũ khí nặng từ chính quyền Assad và Iran. Tuy nhiên, nó gây ra nhiều tổn thất về nhân mạng cho Hezbollah và tốn kém tiền bạc vì Hezbollah như đã kể, tận tình chăm sóc các thương binh và gia đình tử sĩ vô hạn định. Một quân nhân của họ chết đi tốn rất nhiều tiền chứ không phải chết bỏ.

Với người dân Lebanon nói chung thì Hezbollah trong việc này lại mất đi chính nghĩa. Bảo vệ lãnh thổ trước Israel là một chuyện đáng khen, còn bảo vệ chế độ Syria là một chuyện khác. Syria từng chiếm đóng Lebanon, và bị nhiều người coi là một dạng anh cả huênh hoang khó ưa, khác với Palestine là người bạn yếu đuối cần được giúp đỡ.

Sau sự cố ngày 7 tháng 10 năm 2023 tại Gaza thì không ai biết phản ứng của Hezbollah sẽ ra sao. Lãnh đạo Nasrallah trong 3 tuần không lên tiếng. Cho đến giờ, Hezbollah nói gì thì làm nấy, và Nasrallah nói gì thì làm nấy nhưng vấn đề là chưa thấy nói gì! Tại biên giới với Israel có pháo qua và ném bom lại nhưng các việc này một số là do các lực lượng Palestine đang đồn trú tại Lebanon. Lebanon vẫn chứa 250.000 tị nạn người Palestine với các tổ chức chính trị và vũ trang của họ. Phần lớn các cuộc đánh pháo còn lại là từ phía Hezbollah nhưng lúc đầu nhắm vào đồn bót và căn cứ của Israel trên phần đất đang tranh chấp giữa Israel và Lebanon và khoảng 220 km2. Đây có nghĩa là tôi pháo phần nhà tôi đang bị anh chiếm chứ tôi không pháo nhà anh chiếm của người Palestine. Trước tàn sát thường dân tại Gaza, Hezbollah bắt đầu bắn cảnh cáo sang các trấn dân cư Israel và cho thấy một số vũ khí mới của họ như tên lửa địa không Pantsir (SA 22) hay tên lửa tầm xa. Dĩ nhiên là so với tổ chức Hamas thì Hezbollah mạnh gấp 10, có khả năng đánh phá toàn bộ lãnh thổ Israel bằng tên lửa và sau kinh nghiệm Syria, có cả khả năng dùng bộ binh đánh tới Haifa là thành phố 300.000 dân cách biên giới 50 km.

Diễn từ ngày 3 tháng 11 năm 2023 của Nasrallah được mọi người hồi hộp chờ đợi. Ông có thể tuyên chiến với Israel khiến chiến sự bùng nổ ra trong khu vực, lôi kéo Iran vào và chí ít là tàn phá vùng Vịnh nếu Iran nhập cuộc. Đây nếu không kéo theo cả Mỹ thì cũng sẽ gây thêm khó khăn kinh tế cho toàn cầu, người tiêu dùng Âu châu chẳng hạn, đứng ngở ngẩn xếp hàng trước trạm xăng giá 5 USD/lít. Nhưng Nasrallah đã chọn con đường kềm chế. Theo ông, Hezbollah giúp Gaza bằng cách gây áp lực và giữ 1/3 quân Israel ở phía Bắc. Và quân ở phía Bắc thì không dùng để đánh được Hamas ở phía Nam. 250.000 dân cư Israel cũng hiện đang sơ tán khỏi biên giới 3 km gây nặng nề cho kinh tế. Hezbollah bắn thêm ở tầm tới xa hơn thì sẽ có một triệu người phải sơ tán. Hezbollah cũng vẫn cho quyền mình can thiệp bất cứ lúc nào nếu cảm thấy Israel vượt qua giới hạn. Giới hạn này là Israel chiếm đóng Gaza.

Tuy là số Một ở Lebanon về mặt quân sự nhưng về mặt chính trị thì Hezbollah chỉ nắm có 15% dân số như số 15/128 đại biểu quốc hội của họ phản ánh. Lebanon là một nước nhỏ, 5,5 triệu dân số và có thời từng vẻ vang. Trước nội chiến 1975-1990 đây có mức sống cao hơn Hong Kong hay Portugal nhưng gia cảnh giờ sa sút lắm. Hiện khủng hoảng tài chánh khiến trong 3 năm đồng tiền Lebanon mất giá khoảng 60 lần. Mỗi tài khoản bất kể có bao nhiêu chỉ có thể rút ra 400 usd trong một tháng. Người Syria tị nạn tại đây theo nghĩa đen chật cả đường, là 1,5 triệu hay cứ 4 người Lebanon thì có 1 người là dân tị nạn. Trong hoàn cảnh này, 85% người Lebanon còn lại không sẵn sàng để Hezbollah lôi kéo họ vào một cuộc chiến với Israel. Như vào năm 2006, Israel sẽ không đánh chỉ riêng du kích Hezbollah tại mặt trận hoặc tham mưu, tiếp vận, hậu cần… mà sẽ đánh toàn bộ hạ tầng, cầu đường, nước điện, nhà máy sản xuất. Người Lebanon ở cách biên giới 200 km cũng sẽ phải vén quần lội sông khi gặp người yêu chứ không phải qua cầu gió bay nữa vì sẽ không, ối a, còn một cây cầu nào nguyên vẹn. Khi Israel xâm lăng Lebanon và Hezbollah bảo vệ tổ quốc là anh hùng. Năm 2023, Israel hiếp đáp Gaza thì là chuyện khác.

*
Bài đã đăng trên TTCT 

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả