|
|||||||||||||
|
Chính trịGuyana: một cái tên, ba chủ nhân, liên miên tranh chấp 5 February, 2024Đỗ Kh.Ngày 3 tháng 12 năm 2023, Venezuela mở một cuộc trưng cầu toàn quốc về chủ quyền của Venezuela trên khu vực Essequibo là nơi tranh chấp lãnh thổ với Guyana láng giềng từ 1895. Đây là một vùng dất mênh mông 160.000 km2 (1/2 diện tích của Việt Nam) nhưng vắng người, lác đác 125.000 dân cư. Tất nhiên kết quả trưng cầu trên là 95% thuận, tuy số cử tri tham gia trưng cầu rất thấp. Kết quả của trưng cầu có thể dùng để lấy lại lãnh thổ này bằng võ lực vì ý dân là ý trời, cả nước đã đồng tình. Tương quan lại rất chênh lệch và thuận lợi cho Venezuela, 28 triệu dân, trong khi Guyana là một tiểu quốc 800.000 người. Hoa Kỳ bèn lên tiếng bênh Guyana và Brazil đằng hắng… GUYANA = vùng đất sông nước Về lịch sử, tên gọi Guyana trong khu vực này trước đây để chỉ Guyana thuộc Anh, Guyana thuộc Pháp và Guyana thuộc Hà Lan (ngày nay đổi thành Suriname). Khi châu Mỹ bắt đầu được “khám phá” và khai thác vào thế kỷ 16 thì hai thế lực hàng hải vào lúc đó là Spain và Portugal chia nhau ngay vùng sở hữu bằng Hiệp ước Tordesillas. Venezuela (ngày nay) trở lên là thuộc Spain, Brazil (ngày nay) trở xuống là thuộc Portugal. Việc phân chia này là đại khái vì lúc đó về mặt địa lý chưa ai biết rõ rệt là vùng đất đó ra sao. Nhờ sự mù mờ này, chẳng rõ của Portugal hay của Spain, các nước châu Âu đến muộn mới chen vào giữa được khu vực gọi là Guyana. Pháp lấy 1 miếng, Hà Lan 1 miếng và Anh 1 miếng. Ngay cả Thụy Điển cũng có lúc bon chen nhưng bị đuổi đi và Danmark chỉ bám được vài hòn đảo Caríb gần đó. Như vậy, Guyana (thổ ngữ địa phương có nghĩa là “vùng đất sông nước”) là nơi 3 nước thực dân dậy muộn là Anh, Pháp và Hà Lan chen được 3 chân vào khu vực ở giữa Spain và Portugal. Hai đế quốc đi đầu này trong những thế kỷ sau mất dần ảnh hưởng trên thế giới (ngoại trừ thế giới của bóng đá) và Venezuela độc lập năm 1811, Brazil độc lập năm 1822. Guyana thuộc Pháp vẫn còn là thuộc địa của Pháp cho đến nay; phần thuộc Anh độc lập năm 1966; và Suriname tức phần Guyana thuộc Hà Lan độc lập vào năm 1975. Cuộc tranh giành mỏ vàng Essequibo Tranh chấp giữa Venezuela độc lập và Guyana thuộc Anh, tức là tranh chấp lãnh thổ Essequibo giữa Venezuela và Anh quốc đã có từ 1895. Đó là một phần bởi vì lãnh thổ này có mỏ vàng được khai thác từ 1876. Vào lúc đó đây là tranh chấp giữa một nước nhỏ là Venezuela với đệ nhất siêu cường thế giới là nước Anh. Chuyện tranh chấp này được đưa ra một tòa án quốc tế tại Pháp để phân xử. Trong 5 tòa thì 2 là người Anh và 2 là người Mỹ, 1 người “trung lập” ở giữa là người Nga. Tại sao có 2 người Mỹ mà không phải là 2 người Venezuela? Lúc đó Venezuela đã cắt quan hệ ngoại giao với Anh quốc và không buồn nhìn mặt nữa. Hoa Kỳ đại diện cho quyền lợi của Venezuela vì từ 1850 trở đi Hoa Kỳ áp dụng cái họ gọi là “Chính sách Monroe”. Chính sách này xem mọi chuyện ở tất cả châu Mỹ là việc của Hoa Kỳ và không cho ai khác tức châu Âu, can thiệp vào vì đây là vườn nhà của Mỹ. Như vậy 1899 tại Paris, Hoa Kỳ là thế lực bảo vệ Venezuela để đòi lại lãnh thổ Essequibo từ tay nước Anh. Mỹ lúc đó làm nhiệm vụ “anh Hai châu Mỹ” và bênh thằng em. Thế Essiquibo thuộc Venezuela hay là thuộc Anh? Đi vào tỉ mỉ thì tranh cãi là về đường ranh của nhà thám hiểm Schomburgk, ai thấy trước và đặt chân đến đâu. Tòa trên phán với tỷ số 3-2 là Essequibo thuộc về Anh. Sau này phát hiện là vị thẩm phán Nga bị Anh gây áp lực và mua chuộc nên Venezuela không chấp nhận. Năm 1962 Venezuela đi thưa trở lại và 5 tháng sau khi Guyana độc lập 1966, Venezuela chiếm đảo Ankoko trên con sông giữa hai nước. Lúc đó là bởi vì Guyana không còn thuộc Anh quốc nữa vì đã độc lập cho nên võ lực tất là nghiêng về phần Venezuela. Chính quyền độc lập của Guyana lúc đó phản đế và cấp tiến. Thủ tướng Forbes Burnham của Guyana năm 1968 thực hiện việc cải cách và trao 52.000 km2 đất tại Rupununi thuộc Essequibo cho thổ dân địa phương. Các địa chủ đồn điền khu đó bèn nổi dậy chống trung ương với sự ủng hộ của Venezuela. Họ đòi ly khai nhưng nổi dậy võ trang này thất bại và giai đoạn 1970-1982 là giai đoạn tạm yên sau khi có hiệp ước 12 năm giữa hai bên. Dầu càng nhiều, đánh nhau càng to Nếu Guyana trong thế kỷ 19 có mỏ vàng thì đầu thế kỷ 21 trên thềm lục địa phát hiện ra là có dầu hỏa. Năm 2011 Guyana đòi tăng thềm lục địa ra 370 km và năm 2015 ký hợp đồng khai thác dầu với công ty Hoa Kỳ Exxon. Tổng sản lượng của Guyana từ 2006 đến 2023 tăng 9 lần và dự tính đến 2028 sẽ tăng là gấp 16 so với 2006. Với dân số chỉ có 800.000, Guyana đang trên đà trở thành tiểu quốc dầu hỏa với tổng sản lượng bình quân đuổi theo Qatar, UAE hay là Brunei. Essequibo trở thành giá trị tiềm năng với việc khai thác thềm lục địa của lãnh thổ chứ chẳng còn phải ba cái đồn điền mía đường hay sông nước rừng già mênh mang. Trên việc đòi chủ quyền này dĩ nhiên là cả Venezuela đoàn kết, chính quyền Maduro và đối lập Gaido cũng cùng thuận một lòng. Về mặt khác, chình quyền Venezuela từ bảo thủ trở thành cấp tiến và có một đường lối độc lập từ thời Chavez trở đi (2002). Việc này dẫn tới chính sách trừng phạt và cô lập bởi Hoa Kỳ khiến tình trạng kinh tế của Venezuela hiện nay cực kỳ bết bát. Năm 2024 sẽ có bầu cử mới và đây là dịp để ông Maduro kêu gọi đòi lại lãnh thổ Essequibo không phải là từ Guyana láng giềng nữa mà từ tay công ty Mỹ Exxon. Việc này năm 1957 đã suýt có tiền lệ khi tổng thống Venezuela là Perez Jimenez đang gặp khó khăn nội bộ. Ông toan tính tái chiếm Essequibo nhưng chưa ra ngô ra khoai gì thì đã bị quân đội đảo chánh và lật đổ ông. Lá bài ái quốc của chính quyền Argentina năm 1982 cũng thế, chế độ quân phiệt lúc đó nếu thắng quân Anh và lấy lại Falklands từ thực dân 10.000 dặm thì đã khác. Chuyện 3 Guyana ở Nam Mỹ này cũng như chuyện 3 Guinéa ở Phi châu (ta sẽ nói ở bài khác) hay 20 quốc gia Ả rạp ở Trung Đông… là hệ quả của tranh chấp và chia chác giữa các đế quốc thực dân lớn nhỏ. Cũng như tại sao có Iraq và Palestine thuộc Anh mà lại cũng có Lebanon và Syria thuộc Pháp ? Tại vì có Anh và có Pháp là 2 chứ Ả rạp thì chỉ có 1. Essequibo ngày hôm nay cũng thế, và không phải là tranh chấp duy nhất về lãnh thổ của Guyana. Ở phía nam, tại biên giới với Suriname tức Guyana Hà Lan, Guyana cũng có vấn đề với làng giềng này dọc sông Courantyne và tranh chấp 15.600 km2. Tại sao lại có Guyana Anh và Guyana Hà Lan? Tại vì có Anh và có Hà Lan. Tại sao lại có cả Guyana Pháp? Đó là bởi vì có Pháp! May mà Thụy Điển không chen được vào chứ không đã có 4 Guyana! Các nước châu Âu thi nhau xâu xé khu vực này, mỗi người một mảnh thì nó sao lành lặn được và tất nhiên là để lại hậu quả cho đến ngày nay. Sang thế kỷ 21, một khi các thực dân này ra đi thì chỉ còn ảnh hưởng là của Hoa Kỳ. Nếu trước Venezuela tranh chấp với Anh quốc thì ngày nay tranh chấp này là với Mỹ. Essequibo này, lúc trước đây chỉ có sông sâu và cá sấu nên không có nước mắt và giành giật. Chỉ từ khi có vàng và ngày nay có dầu hỏa thì mới nảy sinh ra vấn đề. CHÚ THÊM Nhân cái tên na ná, xin đố bạn đọc là trên thế giới này có bao nhiêu “Guinéa”? (“Guinéa” chứ không phải “Guyana” nhé.) Tại sao lại lắm Guinéa thế? Conakry trước kia thuộc Pháp, Bissau thuộc Portugal và Xích đạo thuộc Spain. Thế còn Guinéa thứ tư là ở đâu? Nó không ở châu Phi mà là cách đó 18.000 km. Một “nhà thám hiểm” (tức thực dân) Spain thấy ở vùng Nam Thái Bình dương đó có người da cũng đen nên bèn gọi đất này là Papoua Tân Guinéa! Một Guniéa nữa tuy không phải là một quốc gia nhưng lại được biết đến nhiều nhất và hết sức thông dụng. Nó được dùng để chỉ đợn vị tiền vàng của đế quốc Anh: 1 Guinéa bằng 21 Shilling. Như vậy Guinéa Anh không phải là một quốc gia nhưng lại là mạnh nhất, mạnh hơn Guinéa Pháp, Guinéa Portugal hay là Guinéa Spain. Điều quan trọng là vàng, và vì vàng mà Tây Phi đã bị đô hộ và khai thác tài nguyên bởi các đế quốc thực dân Âu châu. Họ đen (nghĩa nguyên thủy của từ Guinéa), và họ có vàng. Biên giới các quốc gia này ngày nay là từ cuộc tranh giành ảnh hường của các nước Âu châu và cả Phi châu, cho đến nay vẫn có vấn đề từ những biên giới do thực dân để lại. * Nguồn: Bài đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|