|
|||||||||||||
|
Gia đìnhBác đít giơ rồi 13 May, 2021Ông khách vồn vã xấn vào tận trong nhà mà không đợi ai mời. Ông xoa ngay đầu tôi, cháu lớn đấy à, ra dáng anh cả, mặt sáng đẹp trai như thế này, chắc là học giỏi lắm! Hai đứa em tôi đứng sau lưng, không biết phải phản ứng thế nào, tròn xoe hai mắt. Đẹp trai thì vào tuổi đó tôi chưa quan tâm vì đời chưa trang điểm. Còn học giỏi thì bác này, chú này nói thế nào, trong cặp tôi còn giấu sổ điểm chưa dám đưa cho bố mẹ ký. Ông gạt tôi sang một bên, xăm xăm tiến vào, theo ông có vài khách nữa là nam là nữ, ai cũng cười toét, trừ mấy đệ tử đi theo ôm lẵng hoa, két rượu, gói quà. Họ tràn qua tuyến của anh em chúng tôi, phá vỡ tuyến của mấy chị giúp việc để chiếm luôn phòng khách lúc mẹ tôi vừa mới ló đầu ra. Vị tướng tiền phong của nhóm đột kích này nói sang sảng, tôi còn nhớ, vì khách đến nhà ít có ai lại nói to như người dẫn chương trình Thúy Nga. Ông cười rất lớn, “Chúng em đến chúc mừng anh làm bộ trưởng!” và quà xanh đỏ trong nháy mắt được chuyển vào đã chật đầy phòng. Mẹ tôi đứng nhìn họ bối rối, có lẽ bà cũng chưa nhận ra họ là ai. Mới bữa trưa nay, bố tôi về nhà mặt mày đầy lo lắng. Ông bà thì thầm với nhau và lúc ăn xong, trước khi ông trở lại bàn giấy, tôi nghe ông bảo kiểu nửa bực dọc, nửa sợ hãi lại vừa tìm cách tự trấn an là “Làm bộ trưởng thì lấy gì mà sống!” Đây là một câu thành thực, lúc đó làm tư bố tôi không thiếu thốn và thu nhập hẳn gấp mười. Đồng lương chính thức của công chức hay quân đội tại miền Nam rất buồn cười, cách xa với thực tế của đời sống. Hầu như không ai nuôi nổi gia đình nếu trông cậy vào đồng lương nhà nước*. Ông cũng như bà, rất sợ dây dưa vào quyền lực và ngay lúc đó chắc đã quyết định tìm cách để khéo từ. Việc bố tôi có được gọi đến cũng là thường tình, vì quân đội nắm quyền nhưng cũng phải nhờ đến các chuyên gia trong lãnh vực tuy các vị này không biết bắn súng. Năm 1955, khi mới ở Pháp về, bố tôi thoạt đầu là công chức, cố vấn Bộ Kinh tế và được chỉ định cùng với các ông Nguyễn Tấn Trung và Nguyễn Cao Thăng thành lập Phòng Thương mãi Sàigòn**. Nghe thì chức to, nhưng lúc đầu mua một cái xe gắn máy cũ, ông cả tin nên mẹ tôi vẫn mắng, cố vấn kinh tế gì mà hôm nay thợ chữa thay cái bu-gi, hôm sau nó đòi thay sợi xích. Ông vẫn thích giai đoạn cán bộ cấp cao đầy khó khăn này: khi trời nắng và xe hỏng là được uống một ly nước mía! Sau đó, vì đồng lương nhà nước ít ỏi, ông mới nhảy ra ngoài làm luật sư và tậu luôn xe con bỏ mui lái mỗi tuần đến Thanh Thế mua phó mát Camembert. Tôi vẫn phục đám khách thính hơi ngày hôm đó. Sáng bố tôi vừa biết chuyện, trưa còn bàn với vợ phân vân thì chiều họ đã sắm quà mang đến hân hoan! Sau đó thì không bao giờ tôi thấy họ trở lại nhà nữa, và nếu có đến thì chắc chỉ để đòi lại quà! Đó là vào dạo Âu Trường Thanh làm Bộ trưởng Kinh tế miền Nam, khoảng 1965. Giờ thì tôi không nhớ là chuyện này xảy ra trước hay sau, tức là bố tôi được chỉ định trước ông Thanh hay là để thay thế ông này. Ông Thanh là người đã thi hành chính sách cho nhập xe máy Nhật ào ạt miễn thuế, khiến Sài Gòn từ lưa thưa Vélosolex, Mobylette xanh, Mobylette đỏ… trở thành hòn ngọc Honda. Nếu là nhận chức trước Âu Trường Thanh thì bố tôi đã là người cầm tiền Mỹ tạo ra phồn vinh giả tạo (giả tạo gì mà đầy đường) để trả thù thằng thợ chữa xe máy Sachs ngày nào! “Hữu sản hóa dân nghèo” (xe Lambretta ba bánh) là khẩu hiệu của thời 1965-1967, tuy Nguyễn Cao Kỳ làm thủ tướng nhưng Nguyễn Văn Thiệu làm quốc trưởng và nội các cũng phải có phân chia cho các phe. * Lý do bố tôi được gọi đến là vì ông có khả năng chuyên môn và có học vị, tuy tôi vẫn nghe ông nói là “mấy thằng học được ba chữ ở nước ngoài thì biết cái đếch gì mà về nước lãnh đạo này nọ”***, ý là tự nói về thằng mình thôi qua kinh nghiệm ngớ ngẩn của giai đoạn lãnh đạo kinh tế mới nói tới. Lý do thứ nhì là vì ông vô hại, không phe phái và chẳng hiểm nguy cho ai. Nhưng lý do ông được mời chủ yếu là vì ông là em của bác Phúc tôi. Bác tôi mất sớm năm 1948 và tôi không được biết bác, toàn nghe qua chuyện kể thời xưa nên bác đối với tôi là một thứ cổ tích huyền thoại ở “ngoài Bắc” xa xăm. Bác hơn bố hai tuổi và tính tình trái ngược, từ bé đã có máu lãnh đạo cho đến chuyện nghịch ngợm của trai trẻ. Một sáng học sinh đã 15, 17 ra sông tắm sớm, đến 10 giờ phải về, bỗng thấy bác tụt quần. Vào thời đó, dù là đàn ông, dám tụt quần phải có bản lãnh, người Việt ta rất ngại những chuyện phô trương này, có thách cũng chẳng mấy ai dám làm. Các bạn đang tắm sông không hiểu, bác bảo phải đi lên hết, đít giơ rồi và bác chổng mông ra. “Đít giơ” đây là “dix heures” hay mười giờ bằng tiếng Pháp, chúng bay ơi! Quậy phá gì thì bác lãnh đạo, lớn lên thì trở thành đầu têu nghiêm nghị. Theo cô Sơn tôi kể, thì bác trông cô bắt học bài, còn lấy thước đánh vào tay. Bố tôi thì ngược lại, toàn rủ cô đi chơi, có bận còn đến lớp thưa thày là nhà có việc cần phải cho cô về sớm rồi anh em đi leo núi! Trong hai anh em, bác tôi là người năng nổ trách nhiệm còn bố là người vô tư thôi. Năm 1945, bố tôi nắm chức vụ đầu tiên ở trong đời. Ông đang học năm chót trường Luật và được bầu làm tổng thư ký sinh viên Đông Dương tại Hà Nội. Năm đó sinh viên xuống đường biểu tình chống Pháp sôi sục nhưng bố tôi chỉ là con rối của người anh, sinh viên năm thứ 5 trường Thuốc và hoạt động bí mật trong Đại Việt. Phần cách mạng của bố tôi là thế này. Những năm đó, đảng nhờ Tưởng bên Trung Quốc in tiền Đông Dương giả, mệnh giá lớn. Bố có cả một cái cặp trong phòng và nhiệm vụ là đi tiêu vung vãi giấy giả đổi lấy tiền thật về cho tổ chức. Tổ chức khéo chọn người, vì bố tôi công tử gia thế chẳng ai nghi ngờ cả. Đãi mọi người ăn chơi, móc giấy con bò ra là nhà hàng thối lại tiền ngay, không đưa lên soi ngược đèn, ngược nắng. Nhưng tại sao bác Phúc tôi lại không làm việc đó? Vì bác còn phải âm mưu gì đó chuyện lớn và không thể để bác bị phát hiện bởi những thứ vớ vẩn thế này. Sau khi Việt Minh kiểm soát Hà Nội, bác Phúc mới lộ diện ra tay. Dẫn mấy chục anh em kéo về Sơn Tây, trong đoàn xe chỉ có hai khẩu súng dài và một khẩu súng ngắn. Bác để xe án đường, đeo súng ngắn đi vào tỉnh, có hai anh súng dài đi theo. Gặp quân đồn trú, bác oai vệ bảo: lực lượng Đại Việt đến tiếp thu Sơn Tây, các anh bàn giao ngay! Bác lấy tỉnh không một phát súng ngắn hay dài nhưng cũng chẳng giữ được, liên minh Quốc-Cộng chống Pháp lâm vào chia rẽ và chống đối, bác bị bắn đổ ruột phải chạy về làng dưỡng thương. Cô tôi giả vờ mỗi ngày đi ra đồng ở Ngọc Cục để đưa cơm lén lút. Chẳng rõ thế nào, nhưng theo cô là một người em họ theo Việt Minh, thằng gì đó “tính nó hay cười và hiền như con gái”, lại dẫn công an vây bắt khiến bác phải bỏ chạy, về sau mất xác ở đâu chẳng có ai nhận diện. Bố tôi năm đó bị bắt và đưa đi giam ở trại Đầm Đùn. Bố tôi thoát ra khỏi trại là nhờ người nhà của ông Trường Chinh (là người cùng làng Hành Thiện) can thiệp dấm dúi. Bà này từng mang ơn của ông nội tôi, một cái ơn tiền bạc mà cả nhà đã quên nhưng bà thì còn nhớ. Bà lúc đó có con rể là trưởng công an tỉnh Thanh. Con ruột nói nó còn không nghe, chứ con rể hẳn là không dám cãi mẹ vợ rồi, phu nhân mỗi tối cằn nhằn là khỏi ngủ, người phờ phạc làm sao phục vụ cho cách mạng được! Bố tôi được Việt Minh thả nhưng ra khỏi tù lại bị các đồng chí của bác Phúc làm phiền. Đối với họ, bố là thành phần nòng cốt đảng cần đến, trong lúc kẻ thì đi sang Hong Kong mời Bảo Đại về, người thì lo thành lập quân đội, trường võ bị Tông. Bố tôi không có người anh còn ở cạnh để cầm thước gõ vào tay, bèn chuồn sang Pháp gọi là đi học tiếp. Nhưng mãi đến sau này, cái nhãn Đại Việt đã đóng vào trán ông không xóa được. Năm 1969, khi đưa tôi sang Pháp, ông có gặp ở đó bà Nguyễn Phước Đại (Thượng nghị sĩ miền Nam), lúc đó trong phái đoàn Hòa Đàm Paris****. Bà Đại than thở “Anh là người của Thiệu giờ lên, chứ tôi phe Kỳ giờ xuống quá!” khiến bố tôi bật cười. Ông Thiệu lúc trai tráng từng trong Đại Việt, nên có hướng tin dùng họ trong những việc nhặt nhãnh. Bố tôi được gọi đến thì cũng vâng dạ lấy lệ chứ không bị Thiệu coi là chống lại ông ta thì khổ biết mấy! Bà Đại là người miền Nam chân chất, tuy là phụ nữ hiếm hoi tiến sĩ tại Spain (thường thì ai cũng lấy bằng ở Pháp vào thủa đó) nhưng rất ngây thơ. Xin lỗi vong linh bà để kể lại chuyện vui sau. Một bận bà thấy bố có một cái đồng hồ vàng Longines (cái này tôi còn giữ nhưng đang lo là mất vì không biết để ở đâu rồi). Bà khen, phát âm kiểu Pháp là “Lông-gin”. Kiểu Spain thì là “Lông-khi-nét-xơ” nhưng bố tôi chữa bà, chị phát âm sai rồi, phải nói giọng Anh, đây là đồng hồ “Lông-zai-sơ” mới đúng. Bà không suy nghĩ kiểu mách qué Bắc Kỳ đểu, kể ngay với người thứ ba là “Anh có thấy cái Lông-zai-sơ của anh An chưa, đẹp lắm!” Bà nội tôi không có ai xác tín thì không bao giờ nhận là con mình – tức bác Phúc – đã chết mà tin là còn sống đâu đó tại miền Bắc, hay là Trung Quốc cũng nên. “Nó thoát sang Tàu”! Bà tôi mất trước ngày thống nhất đất nước nên đến khi qua đời vẫn giữ niềm tin này. Lúc bé, nghe bà mà tôi tưởng tượng ly kỳ là bác Phúc tôi đi theo Tưởng ở Quảng, hai tay hai khẩu Hạp tử pháo***** và hụt chuyến tàu di tản chạy sang Đài Loan, bèn ở lại lấy vợ Hàng Châu nước da trắng muốt như một câu thơ Đường, ngồi dẩm xà Ô Long lẩm bẩm sẽ có ngày “Ngộ hui Duê Nản”(ta về cố quốc). Nhưng ngoài bà và tôi ra, cả nhà ai cũng biết là thời tao loạn ấy, số phận biệt tăm của bác cũng như bao người. Bác Phúc và bố tôi, hai anh em cận tuổi, tất nhiên là phải gần gũi. Bố tôi thường hay nhớ đến anh mà ngậm ngùi vào lúc lớn tuổi. Đồng hồ của bác Phúc Đít giơ rồi thì đồng hồ của bố tôi là lòi Lông-zai-sơ. * Chú thích * Lương nhà nước hay quân đội rất thấp. Một bạn tôi làm thợ hàn (1974), có tay nghề, kiếm có khi 100.000 DVN/tháng. Vào quân đội lương bạn là binh nhì 15.000 DVN, nếu sĩ quan cấp úy cũng chỉ 25.000 hay 30. Vợ của các người này đều phải đi làm hay buôn bán thêm nếu chồng không chấm mút hay không được chấm mút trong chức vụ. Ông Thiệu làm tổng thống, ông Khiêm làm thủ tướng, nếu trông cậy vào đồng lương thì không đủ sống cho nên cả hai bà đều phải đi buôn lậu. **Ông Nguyễn Tấn Trung sau thành TGĐ Air Vietnam và có kỳ tích là vừa là xui gia tổng thống Thiệu, vừa là xui gia của thủ tướng Khiêm. Năm 1975, đúng ra theo hiến pháp thì ông Thiệu không được ra ứng cử sau hai nhiệm kỳ nhưng ông đang tìm cách đổi luật khiến tướng Khiêm đang thấp thỏm ngồi đợi chỗ đâm ra giận dỗi. Ông Nguyễn Cao Thăng là nhà bào chế dược phẩm rất nhiều tiền, và được ông Thiệu dùng để “liên lạc” với Quốc hội, tức là đấm tiền mua chuộc các đại biểu, gặp dân biểu là thọc ngay một tay vào túi. ***Câu này bố tôi hay nói, không phải ở nhà, mà có khi tại bàn tiệc, trước quần hào các bạn đều bằng cấp nước ngoài và tinh hoa của dân tộc. Lúc bé, tôi nghe không vào cái giọng khinh bạc này, vì ai từng đáp tàu điện ngầm ở Paris tôi đều thán phục là trí thức. Nếu tiến sĩ văn chương hay sử học gì thì không nói, cứ việc về nước viết sách hay giảng dạy. Sau này ra nước ngoài rồi tôi mới hiểu câu nói của bố. Một người như ông, ngồi nặn ra một luận án nào dễ viết, về đến nước được ném lên đầu Bộ Kinh tế, chẳng hiểu mô tê gì về hiện tình sau 9 năm chiến tranh, đất nước chia cắt, thực dân bỏ đi không để bí kíp cẩm nang lại thì sao không hốt hoảng mà ta thán như vậy. Nếu tự tin vỗ ngực thì lại càng bỏ mẹ nhân dân, lãnh đạo cái quái gì mấy thằng này! ****Tôi nhầm bà Đại với bà Nguyễn Thị Vui, sau khi viết bài này có bạn chỉ ra. Gặp ở Paris là luật sư Nguyễn Thị Vui, không phải luật sư Nguyễn Phước Đại. Như chuyện đồng hồ “Lông-dái-sơ” là bà Đại. *****Súng ngắn Mauser C96, còn gọi là pạc hoọc hay pháo hạp, súng hộp, vì nạp đạn vào một cái hộp trước bá và bao bảo vệ là một cái hộp gỗ khác, có thể dùng làm bá tựa bả vai để bắn xa. Phim Tàu nào thảo khấu cũng có súng này, bá súng lại hay gắn tua hay gắn cờ be bé mùa mè để trang điểm như là bá kiếm. Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|