|
|||||||||||||
|
Chính trịUkraine phần 2: Lòng kẻ có quyền thường thay đổi. Lòng kẻ ngây thơ mãi một màu cam. 26 August, 2024Sáng ÁnhMặc dù Ukraine là một quốc gia lâu đời với một lịch sử, một dân tộc và một ngôn ngữ cá biệt, biên giới hiện nay là thừa tự từ thời Xô-viết. Các cuộc bầu cử hậu Liên Xô cho thấy, Ukraine là một quốc gia chia hai, chênh vênh giữa Đông và Tây, Sở và Tề. Một nửa, là thành phần kỹ nghệ miền Đông, giàu có hơn nhờ tài nguyên, nhà máy và quan hệ kinh tế mật thiết với Nga. Số người Ukraine lao động tại Nga và đi về qua lại rất cao, trên thế giới chỉ kém lại qua giữa biên giới Mexico và Mỹ. Quan hệ này không phải chỉ về kinh tế mà còn về văn hóa và dân tộc. 17% (8 triệu rưỡi) người mang quốc tịch Ukraine tự nhận là gốc Nga. Cả khu vực Crimea với đa số dân cư là người Nga, chỉ được sát nhập vào Ukraine từ năm 1954 dưới thời Liên Xô và lúc đó chỉ là một thủ tục hành chánh vì thuộc Ukraine hay thuộc Nga cũng là Liên Xô cả. Đến khi Liên Xô tan vỡ thì khu vực này trở thành thuộc quốc gia Ukraine, cho nên mấy ngày nay có thấy họ phất cờ Nga cũng chẳng có gì là lạ, vì “đơn giản tôi là Mari-Nga”. Không nên kết tội đám Crimea là phản quốc Ukraine bán nước, vì theo quan điểm của họ, thì theo Ukraine này mới là bán nước và phản quốc Nga? Hoặc, nếu Ukraine hung hăng dân tộc và không dung thứ họ nữa, họ cũng có thể tranh đấu đòi tách ra ở riêng, tự trị, tự quyết hay thành lập quốc gia Crimea chẳng hạn, tất nhiên là với hậu thuẫn của Nga, như trường hợp các tiểu quốc gia Nam-Ossetia, Abkhazia (trước thuộc Georgia) hay là Transnistria (trước thuộc Moldova). Đây là các trường hợp được cho là do bàn tay của Nga nhúng vào phá hoại đoàn kết quốc gia. Một trường hợp khác, nhắc qua, lại được cho là nhờ sự can thiệp của Tây phương để giải thoát các dân tộc Bosnia, Croatia, Slovenia, Macedonia khỏi ách của Nam Tư cũ và Serbia. Tại Kosovo, Quân đội Giải phóng Kosovo (KLA), đang từ một tổ chức được Anh, Mỹ, Pháp xếp vào hàng khủng bố, tự dưng trở thành đồng minh được không lực NATO yểm trợ với lý do “nhân đạo” như trong bài hát (của Phạm Đình Chương): “Anh đi chiến dịch xa vời/ Lòng súng nhân đạo ớ ơ ờ… cứu người lầm than”! Đối với Tây phương, vũ lực của NATO là giải phóng và “nhân đạo”, còn vũ lực của Nga là chèn ép và xâm lăng, hai cái khác nhau nhiều và nào ví được. Nói tiếp, nửa kia còn lại của Ukraine, cũng tương đương về con số, là thành phần nông dân miền Tây và thủ đô Kiev với giai cấp trung lưu thành hình sau thời Xô viết. Thành phần này mơ màng một viễn tượng Âu châu, vào khối Euro và đi thăm Disney ở Pháp. Gương tày liếp là của Bosnia, sau khi trải qua cuộc chiến ly khai khỏi Nam Tư và trở thành “Tây Âu”, tình trạng kinh tế chẳng mấy gì sáng sủa hơn và món nợ nước ngoài tăng đâu đó 10 lần! Nhưng tính chất quyến rũ của giấc mơ nằm ngay ở chỗ là nó… không thực tế, và ít ai cưỡng lại được. Tất nhiên, trong giấc mơ này của miền Tây Ukraine hiện nay, không có ý kiến của lao động Portugal hay là Hy Lạp đang khốn đốn. Nói qua, nhưng không phải ngoài đề, là Athens cũng có biểu tình dữ dội lắm, mà hình như là biểu tình chống Liên minh Âu châu thì phải. Thì ra, “cái vòng danh lợi cỏn con, kẻ hòng ra khỏi người mong bước vào”! Mà mới bước vào như Romania chẳng hạn thì không khỏi bị dè bỉu và coi như là hủi, tao nhận mày vào đấy, nhưng mà đứng xa xa kẻo nặng mùi tao chịu không nổi. Trong nửa thứ hai này, trí thức mộng mơ thì không nói, cũng tốt thôi vì mộng mơ là nhiệm vụ cao cả của người trí thức. Nhưng nguy hiểm là thành phần chủ nghĩa dân tộc Ukraine cực đoan, khoảng 5-10% của cả nước. Đây là thành phần xung kích trên quảng trường Maidan, nếu đạo Hồi thì đã đáng được gọi là Taliban, nhưng giờ thì được gọi là chiến sĩ của dân chủ. Cũng như thời Afghanistan theo Liên Xô và đàn bà váy ngắn còn được qua lại tại Kabul thì tổng thống Mỹ Ronald Reagan gọi đám kháng chiến Hồi giáo trùm khăn ở đây là “chiến sĩ tự do”! Đến đây thì có bạn cho là tôi nói quá, nhưng nếu Taliban phá tượng Phật ở Bamyan vì Thích Ca không phải đạo Hồi, thì ở Lvov cũng có lật tượng Pushkin vì ông làm thơ này không phải Ukraine. Trớ trêu thay, thành phần quốc gia cực đoan Ukraine nằm ở cực Tây đã đành, lại là khu vực chỉ mới sát nhập vào Ukraine sau hiệp ước Ribbentrop-Molotov (1939) giữa Nga và Đức để chia cắt Ba Lan! Nếu không có hiệp ước này thì chắc giờ họ đang nổi loạn đòi tách ra khỏi Ba Lan để gia nhập Ukraine theo Nga? Nhưng rồi lòng người thay đổi. Ông Yanukovich là một lãnh đạo tồi vì đầu óc ông thực tiễn, không biết lãng mạn. Cử tri của ông, bè phái của ông là ở miền Đông làm ăn với Nga chứ không phải với Liên minh Âu châu (EU). Gặp lúc khó khăn kinh tế, kinh viện của Nga là 9 tỉ tiền tươi, giảm giá khí đốt 30% thì ông nhận chứ không nghe theo lời đường mật “có ngựa Truy phong, có quân dưới trướng” của châu Âu. Châu Âu thì tiền đâu, chỉ được cái mã, nhưng cái mã mới chết người. Quyết định của Yanukovich có tốt hơn cho Ukraine thì không biết, nhưng trước hết quả này là có lợi cho bè phái doanh gia của ông và hẳn là cá nhân ông được một nắm dúi vào túi (còn phải trang hoàng tư dinh nữa chứ). Ngoài việc tồi về thẩm mỹ (xem tư dinh của ông), Yanukovich còn tồi về lãnh đạo quần chúng vì ông không biết đánh giá đúng mức giấc mơ. Giấc mơ thì không có giá! Và tóm lại là ông này thiếu thơ mộng, ôm chặt cái anh Nga thô lậu chỉ vì một nắm gạo và bát nước mắm, thay vì bỏ theo chàng Hàn Quốc thư sinh để mong đợi cái ngày được uống café Starbucks ở Gangnam. Mười năm trước, tôi có biết một cô bạn người Ukraine. Cô có học và có sắc, đại để người mẫu tóc vàng, chân dài đến cái bằng thạc sĩ văn chương. Cô phấn khởi với Cách mạng Cam và nhiệt tình tham gia, vì trước đó cô chỉ thấy có một tương lai: hoặc giáo viên 80 USD/tháng, hoặc là xuất ngoại lấy chồng Hy Lạp. Chồng Hy Lạp đây là chồng nông dân và bị phụ nữ bản xứ chê, chứ không phải là để chàng đọc cổ thi Homer còn em ngâm tân thi Seferis. Cô thuộc thành phần xã hội dân sự kể trên, hoạt động và lý tưởng, có lẽ là thành phần thua thiệt nhất trong cuộc tranh giành giữa những thế lực nuớc ngoài Đông và Tây của thập niên vừa qua, và thua thiệt nhất trong cuộc tranh giành quyền lực của những nhóm lợi ích tư bản ở trong nước. Chẳng hiểu là cô đã lấy chồng Đài Loan rồi, xin lỗi Hy Lạp chứ, hoặc đi buôn đường dài ở Trung Á nước Nga, nhưng tôi đoán cô giờ này là giáo viên, xuống đường trong những ngày hừng hực mới đây. Đã bị lợi dụng một lần thì xá gì, thêm một bận nữa cho nó bõ; còn tương lai cô và tương lai Ukriane ra sao thì ai nào biết. Em ơi, giờ này em ở đâu? 10. 03. 2014 Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
|
|
|||||||||||
|