|
|||||||||||||
|
Gia đìnhTay đao thành Sài Côn 18 April, 2021Con có tìm ra được một việc cho ông, bố tôi bảo. Nó rất nhàn mà lại kiếm được nhiều tiền. Ông ngoại tôi ngưng pha trà và vểnh một tai. Cụ mới ngoài 60 vào cái thủa đó, rất tráng kiện và chẳng có gì bệnh tật. Từ khi vào Nam, cụ chẳng có việc gì làm. Ngay cả trước đó, những năm về tề và dinh tê Hải Phòng, cụ cũng chẳng có việc gì hết. Trước đó nữa, vào những năm tản cư sơ tán thì đã đành rồi, cụ nhàn rỗi và không làm gì, ai nấy lo sống còn thôi và lo chạy giặc Tây. Còn trước nữa, thủa thanh bình xa xưa, thì cụ lại vẫn không có việc. Không có việc làm kể từ khi cụ sanh ra. Ông ngoại tôi là người có số cả đời nhàn. Cha của cụ, tức là cha của ông ngoại tôi, là địa chủ ở Hải Dương và học trường Hậu bổ nhưng không ra làm quan. Hậu bổ là trường do Pháp thành lập (1903) để huấn luyện các cử nhân theo con đường quan lại nửa tây nửa ta và là một cải cách nửa vời của nhà nước Bảo hộ. Tú tài và ấm sinh cũng được tuyển vào, nhưng phải qua kỳ thi sát hạch. Tôi không nghe nói ông cố ngoại có cử nhân hay tú tài, nên chắc cụ vào trường bằng ngạch ấm sinh. Ấm sinh là vị chẳng đỗ đạt gì nhưng có bố làm quan, cái này không phải dễ đâu, đời cha ăn mặn nên đời con mới có chút muối. Ông ngoại của ông ngoại tôi làm Tri phủ cho nên bố của ông ngoại tôi mới được thi vào trường Hậu bổ. Nhưng cụ cố con này hẳn là không cần làm quan chi cho mệt, và ở nhà coi ruộng, đủ xài rồi. Ông ngoại tôi cũng chẳng học vị gì nhưng thừa hưởng tài sản của cha, lấy con gái của quan Tuần phủ tỉnh. Bà về nhà chồng tay hòm chìa khóa và sổ sách, quán xuyến mọi chuyện. Ông chỉ có việc cưỡi ngựa đi săn vịt. Lúc bé tôi có hỏi ông là ông đi săn bằng súng gì, thì ông nói đó là khẩu Chapuis hai nòng của Pháp và tôi biết vậy. Lúc đó tôi hay quan tâm đến súng ống nhưng tôi đời Mỹ, giỏi thì biết đến Beretta, Browning và chưa hề nghe nói đến súng Chapuis. Về sau lớn lên tôi mới biết khẩu súng này. Ngày nay (2019) ở tại Mỹ, một cây Chapuis mới và cơ bản, không màu mè chạm trổ, giá là 17.000 USD, và có cây lên đến 88.000 USD. Mua một cây Chapuis cũ, cũng hôm nay, giá chót là 5.000 USD, cho tới 8 ngàn hay 7 ngàn. Giá trị của nó vào năm 1930 bên bờ sông Hồng tương đối và tuyệt đối thế nào thì tôi không biết, nhưng ngày nay, đứa cháu ngoại của cụ ở Cali, là tôi, thì không có tiền mua khẩu súng ấy! Tôi chỉ có một cây súng ‘bơm’ lạch cạch nhãn Mossberg giá 200 USD thôi và bắn trúng thì cũng chết vậy, chẳng những chết vịt mà còn chết cả người. Nhưng về mặt đạn ghém đạn chài này, như thế thì gia cảnh nhà tôi là phú quí thụt lùi. Năm 1927, từ khi Viện Dân biểu Bắc Kỳ được thành lập và cho đến khi nó giải tán vào 1946, ông ngoại tôi và cả người em trai ông là thành viên của viện này. Thủa ấy được bỏ phiếu, tức là cử tri, phải hội đủ điều kiện thuế má, là lý toét, xã xệ gì đó rất nhiêu khê. Nhưng ông ngoại tôi cũng chẳng tranh cử gì hết, kiểu phải hô hào vận động, đứng ngoài đường cái phát tờ rơi cho trương tuần đi ngang. Bà ngoại tôi kể lại, một sáng có người đến báo là ông trở thành nghị viên! Và cái chức từ đó gắn liền với cái tên của cụ nghị Miện. Như vậy, chắc ông tôi thuộc thành phần kỳ hào được chính quyền bổ nhiệm vào viện, tức là thành phần chiếm một phần tư số ghế đương nhiên và không qua bầu bán. Cái việc cụ phải làm là mỗi năm lên Hà Nội vài bận, hát cô đầu tom chát ở Khâm Thiên sau khi nghe bài “Con ve và cái kiến” do cụ Nguyễn Văn Vĩnh là viện trưởng đọc tại trụ sở Viện trên phố Hàng Bông. Ở đơn vị, tức là tại quê nhà, ông ngoại tôi làm tiên chỉ ngồi ăn thủ lợn của mấy làng. Năm 2007, khi tôi về thăm Thanh Hà thì phố huyện đang được xây cất lại. Trên con lộ, vẫn còn cái chợ cũ là công trình của ông ngoại tôi, bên các dãy nhà phố thủa trước ông cho hàng quán thuê và lúc đó đang đập phá. Nhưng đó tôi cũng không cho là một lao động ra hồn và chính đáng. Cho nên cái việc bố tôi mới nói đến sẽ là công việc đầu tiên của cụ ở trong đời. Khi vào Nam, lếch thếch xuống tàu há mõm, ông bà ngoại tôi chỉ có hai bàn tay trắng. Ruộng đất thì đâu có mang đi theo được, và của cải thì đã phát tán, tiêu dùng trong 9 năm tiêu thổ kháng chiến gì gì. Ông bà chỉ mang theo mấy cái chén cũ, bán dần để tiêu xài, và một cái ống điếu để hút thuốc qua ngày, đến giờ tôi còn giữ ở Mỹ. Thế hệ sau, tức là bố mẹ tôi, còn có khả năng để đáp ứng với hoàn cảnh mới trong Nam và nhanh chóng thành công. Nhưng đời ông bà tôi, mới ngoài 50 hay 60, dưới vĩ tuyến thứ 17 thì kể như là bỏ, đừng nói đến nữa. Ông ngoại tôi không phải là người nhiều cay đắng hay căm hận gì đời. Tình cảnh của cụ vào lúc đó có giống với thành phần H.O. sang Mỹ sau này. Thày thì không ai mượn, mà thợ thì chẳng có sức vào lúc đã bạc một phần đầu. Tuy nó cũng tương đương đại loại, nhưng chẳng bao giờ tôi nghe thấy cụ thở than. Thì cuộc sống, trừ một hai năm đầu lạ lõng, cũng vẫn bề thế vậy, nhà lầu bê tông và quạt máy, nước lạnh nước nóng ; nhưng từ bé tôi đã cảm là bản thân cụ, vết giày kỵ mã và vó ngựa đã in trên khắp nẻo đường và ao hồ khi đoàng đoàng đuổi vịt oai phong, giờ nhất nhất chuyện gì cũng phải nhờ cậy vào các con ; và như thế là, ở phần riêng, cụ cũng có nỗi niềm. Vậy cho nên khi nghe nói là có việc kiếm ra tiền, ông ngoại tôi chú ý đến ngay. Bố tôi nói là việc tòa án. Đồng lương cố định mỗi tháng là bấy nhiêu đồng, nghe cũng được. Chẳng phải làm gì hết mà chỉ ngồi đó, nghe cũng thích. Dăm thì mười họa, mấy tháng mới một bận có công tác, thì được hưởng thêm phụ cấp đặc biệt nghe cao ngất đến đỗi phải ngạc nhiên. Đến khi cần thi hành công tác này, thì cũng chẳng động tay động chân gì, vì đây là vị trí sếp, có các phụ tá lo liệu hết, mình chỉ cần long trọng mà hiện diện. Ông ngoại tôi sáng mắt, vậy là lý tưởng! Bố tôi tiếp, họ tuyển là một người đứng tuổi rồi, đứng đắn và lương thiện, có đủ uy tín, để đứng ra chấp hành lệnh của tòa án thôi. Chứ việc này cũng chẳng cần phải lăn tăn nghĩ ngợi hay là suy xét cho nó mệt óc. Ông ngoại bảo, cậu nói thế thì tôi hoàn toàn phù hợp! Bố tôi nói, ông mà nhận thì mừng quá, họ cũng cần một người như ông mà tìm mãi chưa ra. Bắt đầu làm được ngay vì người tiền nhiệm đã xin hưu. Thế là việc gì vậy? Ông tôi khấp khởi hỏi. Đó là chức đao phủ chánh của bộ Tư pháp, là người mang trách nhiệm dùng máy chém theo lệnh của tòa án! Đùa bố vợ thế này, thì tuy tôi không được chứng kiến, nhưng tôi nghĩ thế nào bố tôi cũng bị vợ mắng cho một trận, nhiều khi bà còn để bụng đến 5-10-15-20 năm sau. Bố tôi nảy ra chuyện đùa này vì lúc đó có nhu cầu tìm người vào chức vụ đó thật. Trước đó lại tình cờ, ông ngoại tôi đi chơi đâu trên phố, bị kẻ cắp lấy mắt ví. Cụ về nhà căm giận, đòi xử tử móc túi với lại giật dây chuyền để xã hội trở thành an bình như Nghiêu Thuấn. Luật pháp thì cần phải nghiêm minh và khắt khe không nhân nhượng với trộm cắp! Bố tôi cười, bảo, nó móc túi mà cụ đòi xử tử, nó ăn cướp thì chắc phải tạm tộc chu di! Bố tôi là luật sư. Ông sống nhờ vào việc bênh vực các kẻ phạm tội. Khi mới vào nghề, ông được chỉ định làm luật sư cãi thí cho một phạm nhân. Đây là thân chủ đầu tiên của ông. Anh này bị kết tội gì, tội phiến loạn chính trị hay tội giết người thì tôi không biết. Bố tôi theo thói quen nghề nghiệp, rất là kín đáo phần công việc ngay cả trong gia đình. Ông biện hộ hết sức bình sinh và sức bình sinh của ông thế nào mà anh ta lãnh nguyên cái máy chém! Là luật sư của đương sự, ông phải cầm tay tiễn anh ra pháp trường và chứng kiến cảnh hành hình. Việc này gây ấn tượng để đời cho ông và 60 năm trước đây, bố tôi đã là người chống lại việc có án xử tử trong bộ Hình. Ông cho là nặng án nhất, chỉ nên là tù chung thân. Không đổi được luật, thì ông đổi ngành. Từ đó về sau, chuyện Hình Luật trong tác nghiệp, tránh được là ông tránh, sau khi chứng kiến tận mắt cảnh thân chủ đầu tiên mất cái đầu. Đó là rung động đầu đời của nghề Luật, và là một rung động rơi đầu ra khỏi cổ áo. Tất nhiên là ông ngoại của tôi không nộp đơn xin làm đao phủ. Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
|
|||||||||||
|