|
|||||||||||||
|
Sử-ĐịaSử-Địa dễ thuộc: Người “Da đen” trắng Ba Lan trên đảo Haiti 31 July, 2024Sáng ÁnhSaint Domingue: đảo nhỏ nuôi “mẫu quốc” Khi Columbus “tìm ra” châu Mỹ năm 1492, ông không đặt chân lên lục địa mà là một hòn đảo được đặt tên Hispaniola. Đảo này đổi tên thành Saint Domingue và trong 145 năm (1659-1804) là thuộc địa trù phú nhất của Pháp. Cuối thế kỷ 18, Saint Domingue xuất khẩu 60% café của cả thế giới và 40% số đường tiêu thụ tại Pháp và Anh. Cảng Bordeaux tại Pháp rực rỡ nhờ trao đổi với thuộc địa này và buôn bán đường mía “nuôi” trực tiếp 1 triệu dân Pháp trên tổng số 25 triệu. Mỗi năm 600 tàu hàng qua lại giữa Bordeaux và Saint Domingue khiến số hàng trao đổi cao gần bằng tổng số trao đổi giữa 13 thuộc địa Hoa Kỳ và mẫu quốc Anh. Thế mang đường mía sang Pháp khi về thì khi đi các tàu buôn này mang gì? Họ xuất áo đầm và nước hoa, rượu đỏ, giỏ xách “Tiền Louis Vuitton” đã đành nhưng chính là dụng cụ sản xuất nông nghiệp, đồ dùng cần thiết cho kỹ nghệ khai thác mía. Và không thể thiếu cho việc khai thác này là nhân công, tức là nô lệ da đen từ 3 khu vực chính Phi châu (ngày nay Congo, Benin và Nigeria). Năm 1787 có 20.000 nô lệ được Pháp xuất sang Saint Domingue. Đây là một nhu cầu cấp bách vì dân số nô lệ 425.000 trên đảo mỗi năm mất đi 10.000-20.000 người do bệnh sốt rét sốt vàng. Có lúc số tử vong nô lệ mới nhập là 50% trong năm đầu đặt chân (đặt gông) lên đảo. Vì thế mới xuống là các chủ khai thác nhân công tận tình ngay, mày chỉ sống được có 2 năm thôi, đời mày ngắn hơn là một thế hệ IPhone. Xa “trung ương” ắt có vần vũ Năm 1685 vua Louis 14 Pháp tức “Đức vua Mặt trời” có ban hành Bộ luật đen (Code Noir) về cách đối xử với nô lệ: ngày lễ công giáo và chủ nhật được nghỉ; nếu có vợ chồng con cái thì chủ phải mua cả gia đình; cho ăn cho mặc đầy đủ; không có quyền cưỡng dâm hay giết nô lệ; không được tra tấn; trừng trị roi vọt thì phải theo tục ở mẫu quốc đối với thường dân Pháp. Nhưng các thuộc địa thì ở xa và ánh sáng mặt trời không soi đến Saint Domingue, bộ Luật này là trò cười cho các chủ đồn điền. Đến 1789 thì ở Pháp xảy ra cách mạng và có Tuyên ngôn nhân quyền. Năm 1791 nô lệ tại Saint Domingue vùng lên, vào lúc đầu chỉ đòi đối xử tử tế và công bằng chứ chưa nói đến chuyện bãi bỏ chế độ nô lệ. Da đen là một chuyện, một nước da đen nào đó ở châu Phi, thí dụ Ethiopia, độc lập có vua gì gì đi thì cũng được. Nhưng nô lệ là chuyện khác. Nô lệ có một giá trị kinh tế nhất định nên mới phải xuất phải nhập khó nhọc như vầy. Mày là nô lệ của tao, giờ mày nổi loạn thì ai làm đồn điền đốn mía đây? Thời điểm đó, loạn Saint Domingue đe dọa cả khu vực Carib thuộc Anh hay thuộc Tây Ban Nha, đe dọa chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ và kinh tế thế giới. Nếu thế kỷ 20 Tây phương không thể mất nguồn tài nguyên dầu hỏa chẳng hạn thì thế kỷ 18 họ không thể để mất nguồn nhân lực khai thác đường mía hay vải gòn. Chính nhờ lợi nhuận từ các đồn điền này tích lũy sang thế kỷ 19 mới có được Cách mạng Kỹ nghệ và các nhà máy và Tư bản thành hình như ta biết ngày nay. Quay lạin năm 1791, mẫu quốc lúc đó rối ren nhưng ở đảo còn rối ren hơn. Các chủ nô lệ da trắng đòi Saint Domingue độc lập, tức là tách ra khỏi Pháp, để cho họ được trực tiếp cai trị đảo. Thành phần nô lệ lúc đầu lại ủng hộ chế độ quân chủ ở mẫu quốc để mẫu quốc còn kiểm soát các chủ đồn điền (như theo Bộ luật đen). Tình hình ở Pháp thay đổi và Cộng hòa ra đời. Cách mạng gửi ủy viên trung ương sang thuộc địa nhưng các ủy viên này bị chính quyền da trắng địa phương bất tuân. Tại Saint Domingue các thế lực nước ngoài như Anh quốc và Tây Ban Nha ngấm nghé hòng can thiệp. Tháng 2.1794 nước Pháp bãi bỏ chế độ nô lệ và tin này tháng 5 về đến Saint Domingue. Chiến tranh trên đảo tiếp tục với 5-7 bên đen, trắng và trong, ngoài. Tính toán sai của Bonaparte Từ 1799 tướng Bonaparte (tức Napoléon) nắm quyền ở Pháp và Cách mạng Pháp đi vào thời kỳ phản động. Ông này đòi tái lập chế độ nô lệ và 1802 gửi chính xác là 31.131 quân dưới quyền của em rể ông là tướng Charles Leclerc sang dẹp loạn Saint Domingue. Tướng nô lệ da đen là Toussaint Louverture thì có khoảng 16.000 quân trang bị kém cỏi. 2 đánh 1 là một tỉ số thuận lợi cho người Pháp. Âu châu lúc đó là vô địch thế giới và quân Pháp là vô địch Âu châu. Năm 1860 chẳng hạn, 10.000 quân Anh-Pháp tại trận Bát Lí Kiều đánh 50.000 quân Thanh cho tơi tả, liên quân Anh Pháp chỉ chết 5 người (!) và chiếm phá Bắc Kinh! Nhưng nhà quân sự tầm lịch sử thế giới là Napoléon đã tính nhầm trong việc tái chiếm Saint Domingue vì sơ xuất khinh địch. Quân Pháp long nhong vất vả mà không dẹp được loạn nô lệ. Dịch sốt vàng lại còn tai hại hơn mũi tên hòn đạn, khiến Pháp mất trong chiến dịch này 24.000 quân và 20 tướng lãnh, đa số là do dịch bệnh trong đó có tư lệnh Leclerc. Lê dương Ba Lan: sang đến nơi thì nghĩ lại Đáng nói là trong số quân Pháp có hai bán lữ đoàn Lê dương Ba Lan gồm quân dưới quyền thiếu tướng Jablonowski. Ba Lan lúc đó bị chia cắt và o ép bởi Nga-Đức và Áo nên một số quân chiến đấu cho độc lập nước nhà sang đầu Pháp và được Pháp dùng. Tướng Jablonowski có đặc điểm là lai da đen và là tướng da đen đầu tiên của nước này. Jablonowski được theo học võ bị tại Pháp cùng khóa với Napoléon, giờ ông được bạn học chỉ định sang Saint Domingue đẹp lọan da đen hay đúng hơn là, dẹp loạn nô lệ. Tướng Jablonowski cũng chết bệnh, 5300 quân thì chết mất 4000 và chỉ còn có 700 sống sót trở về Pháp. 4000 cộng với 700 là 4700. Vậy 600 người còn lại (trên số 5300 lúc đầu) thì ở đâu? Một dúm vài chục chạy sang các đảo Caríb khác, và 100 sang Mỹ. 400 hay 500 người ở lại Saint Domingue tức là Haiti sau này. Theo Haiti thì quân Ba Lan khi sang tới nơi, đa số bỏ ngũ Pháp để theo kháng chiến độc lập của đảo. Lý do là vì họ cũng là nạn nhân của đàn áp và dưới ách người ngoài nên ủng hộ người nô lệ đồng cảnh ngộ bị bạc đãi. Theo sử Tây thì không ai nói tới họ và cho là chỉ có một số nhỏ đã bất mãn trước với nước Pháp. Có ghi chép là nếu không đầu hàng giặc thì quân Ba Lan cũng lắm lúc bất tuân Pháp, từ chối hành quyết tập thể dân chúng hoặc tù binh. (Nói qua là vào thời điểm đó tướng Pháp Rochambeau (tư lịnh thay thế Leclerc chết bệnh) đã nghĩ ra vũ khí hủy diệt tập thể! Ông nhốt 1000 người vào hầm tàu và dùng khói độc của chất sulphur để giết hết gọn gàng thay vì phải cột bao cát vào cổ và đẩy từng người xuống biển nó mất thì giờ và còn mỏi cả tay.) “Mọi trắng của châu Âu” Lãnh tụ Saint Domingue sau giải phóng thành công là Dessalines và ông phong cho thành phần 400-500 người Ba Lan này tước “Da đen”. Ông tuyên dương họ là “Mọi trắng của châu Âu” và “Mọi trắng” ở đây là một cụm từ trân trọng chứ không phải là khinh miệt. Họ vào quốc tịch Haiti tức là tên độc lập của Saint Domingue. Các quân nhân này sống đây kia phân tán nhưng một số thành lập ngôi làng Cazales cách thủ đô 30km. Đây từ chữ Kay (nhà) và tên Ba Lan của một bạn Zalewski hợp lại, Kay-Zalewski. Hơn 200 năm sau và khoảng 9-10 đời, tại đây vẫn có người màu mắt nhạt và tóc duỗi. Năm 1983, khi thăm Haiti, Đức Giáo hoàng John Paul 2 (gốc Ba Lan) có đề cập chuyện những người Ba Lan trên giúp Haiti giành độc lập và mời làng Cazales cử đại diện đến dự thánh lễ. Năm 2015, đoàn hát Opera Ba Lan có làng này để trình diễn một vở kịch cho công chúng như một hình thức nối kết lại với hậu duệ của người Ba Lan tại Haiti. Rất tiếc là vì không có văn bản ghi chép rành rọt nên việc hàng ngàn Lê dương Ba Lan bỏ ngũ Pháp để trở thành “Da đen” được Tây phương coi là huyền thoại truyền miệng của kháng chiến Saint Domingue. Sử Pháp thì không đả động đến chuyện này sau khi cuối 1803 Pháp rút hết 7000 quân còn sống sót. Chiến tranh độc lập Haiti là lần đầu người nô lệ nổi loạn thành công và lập quốc. Đây là lần đầu trong thời cận đại một lực lượng da màu đánh bại một siêu cường thế giới, và cũng là lần đầu một số lớn quân da trắng bỏ theo da màu! Nửa thế kỷ sau, trong chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Mexico cũng có một trường hợp tương tự. Lính Mỹ gốc Ireland là người Công giáo bị o ép và kỳ thị trong quân đội Hoa Kỳ bỏ theo Mexico đồng đạo, và thành lập tiểu đoàn Saint Patrick-San Patricio. 15. 08. 2023 * Sử Địa dễ thuộc:
Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
|
|||||||||||
|