|
|||||||||||||
|
Sử-ĐịaSử-Địa dễ thuộc: Chiến dịch Kitona – 5 ngày, 5 năm, và 5 triệu 3 May, 2024Sáng ÁnhKitona là một chiến dịch do tướng Rwanda là James Karabere đề xướng và chỉ huy. Đây có thể coi là thành công xuất sắc về mặt chiến thuật, xuất sắc vô song luôn! Năm 1998, Rwanda quyết định lật đổ chính quyền Kabila tại Congo (do họ từng dựng lên mới có năm trước chứ đâu). Rwanda là một nước bé (13 triệu dân, 26.000 km2) và Congo là một nước lớn láng giềng (104 triệu dân và 2,3 triệu km2) nhưng cực kỳ hỗn loạn. Goma là một thành phố tầm trung của Congo với 0.5 triệu dân. Rwanda dùng hai toán biệt kích HCU (High Command Unit) để chiếm phi trường Goma. Ngay việc này đã là một kỳ tích quân sự vì biệt kích nước này đổ bộ chiếm trường bay nước kia! Nhưng tại sao HCU Rwanda lại chiếm trường bay Goma của Congo? Tại vì ở đó có 2 chiếc máy bay hành khách dân sự Boeing 727 đang ở bãi, cùng với 2 máy bay dân sự vân tải Boeing 707 và 1 vận tải dân sự DC8. Rwanda chiếm Goma là vì họ không có sẵn máy bay. Thế họ có phi công không? Cũng không luôn! Biệt kích HCU phải vào phố bắt cóc cho đủ 5 phi hành đoàn này đang nghỉ đêm tại khách sạn Nyira. Giờ đây là một khó khăn khác vì chiếm trường bay là một chuyện, giữa đêm đi chơi trên đất địch bắt cóc 5 phi hành đoàn thì Kinh Kha cũng thất kinh. Lập tức các phi hành đoàn cùng phi cơ bị trưng dụng để chuyển quân lính và quân trang đến Kitona cách đó 1900 km. Một đặc tính của Boeing 727 là cửa hậu được dùng làm cầu thang cho nên khi đáp xuống Kitona, các biệt kích HCU có thể xuống khỏi tàu khi nó vẫn chưa ngưng hẳn để tiến chiếm phi trường Kitona. Trong 2 ngày, Rwanda chuyển được 4 tiểu đoàn gồm 3000 người cùng quân trang và vũ khí từ Goma đến Kitona tức là 1900 km bằng cách sử dụng phương tiện trưng dụng này 8 bận, trong khi bảo đảm được an ninh ở hai đầu, đầu Goma cũng như đầu Kitona. Tại Kitona có một số quân nhân Congo thuộc chế độ cũ đang bị Kabila giam cải tạo. Họ được thả và chiêu, dụ tuy chuyện này không dễ như ta nghĩ. Rwanda năm ngoái là lực lượng giúp Kabila bắt họ nhé, giờ lại là lực lượng thả họ ra nên họ có phân vân. Thành phần chế độ Kabila tại Kitona thì ngược lại, mới năm ngoái còn đồng minh với Rwanda, với Rwanda cũng là quen biết, thế mà giờ lại là địch, thêm tướng Karabere của Rwanda xuất hiện mang theo mấy túi tiền. Mang tiền thì là bạn chứ nào phải là thù? Lập tức ông mộ thêm được 2000 lính địa phương Congo tại chỗ. Ngay trong phi trường Kitona có một kho chiến xa nhẹ T59-T62 và để cất vũ khí nặng. Karabere đã lo sẵn đâu đó, gửi một pháo đội đi đầu và chuyên gia sửa chữa để khắc phục các vũ khí tồn kho. Vậy là những vũ khí Congo mà không dùng thì Karabere lại sử dụng được. Quân Rwanda một mặt chiếm cảng Muanda phía biển, một mặt tiến về thủ đô Kinshasa cách trên 300km. Ngày thứ 8 họ chiếm đập thủy điện Inga và tắt nước tắt điện khiến thủ đô bấn loạn. Số lính Congo theo lực lượng Rwanda lúc đó đã lên đến 15.000 người dọc theo chiều tiến (và chiều rải tiền). Chính quyền Kabila tại thủ đô phải kêu gọi quần chúng và phát súng cho dân nhưng tự vệ thành này chỉ có được 1000 người. Theo dự tính của tướng Karabere thì lật đổ chế độ chỉ trong 10 ngày nhưng ông tính sai mấy bữa và cuối cùng cần đến 2 tuần. Trong thời gian đó, Zimbabwe quyết định can thiệp giúp Kabila. Họ đến dinh tổng thống di tản ông này về Lumbubashi cách đó 1600 km và đưa quân qua tham chiến chặn đường Rwanda. Tôi không có ý ca tụng Karabere. Ông này là phạm nhân chiến tranh bị Tòa án Quốc tế điều tra vì vấy máu gián tiếp lẫn trực tiếp cả trăm ngàn mạng. Riêng lệnh cúp điện Kinshasa của ông đã khiến tất cả các bệnh viện ngưng hoạt động và thí dụ chết bao nhiêu em bé sơ sinh nằm lồng. Nhưng về mặt quân sự khó có ai bì được: – Không có máy bay quân sự thì chiếm phi trường địch lấy máy bay dân sự – Không có người lái thì bắt phi công đó chứ tìm đâu – Không có tăng, có súng nặng thì phi trường Kitona nó tồn kho sẵn – Thiếu lính thì thả tù của nó ra và đấm thêm tí tiền Và chỉ thế thì nếu Zimbabwe không can thiệp, một nước 13 triệu dân có thể khuynh đảo một nước 104 triệu. Kế hoạch 10 ngày trên vì trễ 5 ngày mà Zimbabwe có thì giờ để can thiệp và cứu Kabila. 5 ngày đó trở thành một cuộc chiến “châu Phi” kéo dài 5 năm và làm chết 5 triệu người. Từ 1998-2003 có đến 9 nước gần xa tham chiến theo bên này bên nọ. Kế hoạch của tướng Karabere thực ra thất bại vì nó không đạt được mục đích chiếm thủ đô của Congo, lật đổ chính quyền Kabila để dựng lên một chính quyền mới phù hợp với quyền lợi của Rwanda và dễ bảo. Nó không thành công nhưng giờ này (1.2003) Congo lại vẫn loạn do ảnh hưởng của Rwanda gây ra. James Karabere lên làm bộ trưởng quốc phòng Rwanda cho đến 2018 nhưng bị coi là thất sủng khi tổng thống Kagame cho ông về làm cố vấn an ninh quốc gia, tức là dạng thầy dùi không trực tiếp cầm quân. 04. 01. 2023 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
|
|||||||||||
|