Tiêu điểm

Sàigòn thứ Bảy (bản tự phóng tác) 19 December, 2024

Đỗ Kh.

.

GIỚI THIỆU PHÓNG TÁC:

10 năm sau khi tiểu thuyết Sàigòn thứ Bảy xuất bản bằng tiếng Pháp, tôi tự phóng tác sang tiếng Việt. Đây có nghĩa là vẫn phải theo cấu trúc đã có rồi, đầu ở đằng đầu và đuôi ở đằng đuôi. Nhưng phóng tác thì tô đậm hơn nếu thích cho lòe loẹt luôn hoặc giảm tông xuống chỗ nào ngày nay nghe nó chói.

Ghét nhân vật nào là giết luôn, cho mày té xe gắn máy, còn ai mà giờ đây thấy lưu luyến thì cho lượn qua lượn lại tay cầm tà áo mắt đưa tình.

Nói vậy, chứ 24 chương của tiểu thuyết này, mới hoàn tất có chương đầu thôi

*

CHƯƠNG 1:

Hai mươi ba giờ

Hùng nói

– Chưa gì mà đã sắp giới nghiêm rồi, thế là xong mẹ nó một ngày

– Một ngày thứ bảy, Dũng bảo

Người lính Nghĩa quân ngồi trong góc chái nhìn họ như theo dõi từng câu chữ. Chẳng hiểu anh thích thú gì, nhưng như đang coi hát, là khán giả ngồi bệt dưới đất trong bóng tối, và Hùng với Dũng là diễn viên ở trên ghế của bàn ăn dưới bóng đèn điện câu. Người lính mặc cái áo trận không có bảng tên, đi đôi dép nhựa, đầu tóc bù xù kiểu cán binh Việt cộng vừa mới chui lên từ địa đạo. Anh chắc chỉ mới trong ngoài 20 thôi, và thật ra là cùng một lứa với Hùng và Dũng, nhưng thuộc dạng vô danh trong cuốn sổ cuộc đời, ai lật ra cũng không nhìn thấy, ai dẫm lên cũng không cần xin lỗi.

Bên cạnh anh ngồi chồm hổm với đầu gối lên ngang đến hai bên mặt là một thiếu phụ. Đây có nghĩa là chị chân dài và lưng ngắn nhe. Chị tóc búi, có lẽ xa gần 30 và một dáng người cứng rắn. Chị mặc một cái áo màu nhạt bằng vải mỏng cho đoán được cái nịt ngực ở bên dưới. Cái áo bà ba 3 túi thuộc loại cài bằng nút bấm nhưng một bên túi dưới, chắc là túi đựng tiền hay túi đựng giấy tờ, được cẩn thận cài bằng một cái kim băng. Chị ta chắc là thân nhân, là chị Ba hay dì Tư, chứ không phải là vợ của cậu lính đầu bù, nhưng biết đâu được ở đời. Chị ta có thể là một bà góa vớ được một anh trai tân. Con mắt chị bất động như con mắt của hiệp sĩ mù nghe gió kiếm và có nhìn gì cũng như không thấy. Tất nhiên là chị không có kiếm rồi, và chị cũng chẳng mù, đây đâu phải phim võ hiệp Nhật bản. Hai người ngồi cạnh nhau dưới đất này như là có thuật tàng hình. Tuy thù lù nhưng họ lọt thỏn ở trong cái góc quán. Cái quán thì nhỏ và ta có thể va vào họ khi ra vào hay là cử động chi đó, ngồi xuống đứng dậy. Nhưng va vào vì là ta không thấy, và họ giỏi ngụy trang. Họ thuộc luôn vào phần tường ván và họ thuộc hẳn phần sàn. Họ ngồi bất động trong tranh tối lù mù và im lặng. Chỉ có đôi mắt của cậu Nghĩa quân thao láo và đảo qua đảo lại như là một cái võng kẽo kẹt.

Từ xa, từ ngoại vi, ta bắt đầu nghe được tiếng ầm ì của trọng pháo. Đây là kiểu bắn cấm đoán về phía một mục tiêu nào vu vơ chứ không phải là trận đánh. Nó có lẽ cbắt đầu từ sớm khuya cơ, nhưng tới lúc bớt tiếng xe giao thông, tiếng truyền hình hay tiếng ầu ơ vọng cổ, tiếng cãi nhau trong gia đình mắng chồng chửi vợ, thì mới đoán ra được tiếng pháo.

Ầm ì nhẹ. Một em trai giọng 13 hay 15 như đang lớn và nỗi buồn tuổi trẻ, từ phía bên trong xóm đột nhiên hét lớn “Après toi!” Khi cái ngân vang của em tắt lịm thì mới đoán ra được cái ì ầm tiếp theo của 155 ly bắn đâu đó ai mà biết được và chẳng ai để ý, về phía chiến khu C hay là về phía Rừng Sác.

“Après toi!” em lại hét, hẳn vì đó là phần duy nhất của ca từ mà em thể hiện được bằng tiếng Pháp. Lần này thì giọng ca của em bị đứt quãng bởi tiếng máy thanh lịch và bình bịch của chiếc Vespa màu nhạt. Nó từ phía chân cầu đi tới. Người tình có râu mép cầm tay lái, và Cathy ngồi đằng sau ông ôm cái eo hờ, cặp đùi trắng muốt và hai chân cô một bên để thõng đong đưa. Cái áo đầm cô mặc rất ngắn, sao mà ví được với cặp giò được tức là cặp giò nó dài. Nó dài và cô không mang quần lót.

– Bậy nào! Làm gì có chuyện đó, anh cảnh sát nói, khi lúc nãy chiếc Vespa xuống dốc cầu và mới đi qua khỏi. Váy nó tốc lên đến tận đít, làm gì mà không có mặc quần lót! Anh chống tay vào chiếc jeep Tuần cảnh

– Thì tao thấy nguyên cái đít tao mới nói, anh Quân cảnh gác chân lên thành cầu

– Tại sao đã mặc váy mini lại không có quần lót, chuyện này vô lý, mày giải thích cho tao đi!

– Tại mày không thấy thì mày nghĩ là không có chuyện đó. Tao không có lý giải, nhưng tao thấy là nó ở truồng thõng hai cái chân!

Giờ ta giật thước phim ngược lại để coi cho kỹ. Chiếc xe chạy đến đầu cầu, ở cái dốc lên. Người tình thì ta thấy rõ ràng rồi, anh nhìn thẳng phía trước và coi như là một đại ca trong phim hình sự Hong Kong. Anh mặc áo Montagu màu sập gụ đỏ hình như là tim tím vì vải Montagu long lanh và rất khó nói màu gì , thì vậy mới là Montagu. Cathy ôm eo anh nhưng mắt nhìn xa cách, cô ôm cái túi xách tay trên bụng, dạng hippy bằng vải kiểu Ấn độ như là của một nhà tu khất thực. Vậy đố các bạn là nhà sư khất thực có mặc quần lót không? Nhà sư thì dễ rồi, là hẳn có, nhưng còn Cathy thì ta chưa giải quyết được câu chuyện.

Đèn đường yếu và cô ngồi trên xe đi ngang. Yên xe xẫm và nếu cô cởi truồng hay có mặc quần lót màu đậm thì cũng vậy hay ta có thể nói là ta thấy nguyên chùm lông. Mà cô mặc quần lót màu lợt tương phản thì cũng thế, ta có thể nói ta thấy cái mu trắng hay là ta tưởng tượng.

Trên dốc cầu vào khúc đi lên thì có hai người chứng. Đó là một con bé dẫn một người hát rong mù. Con bé 10 tuổi thì đang ngồi tiểu quay lưng lại phía đường, khỏi nói tới nó đi. Người hát rong mù thì đang đứng đợi con bé nó đái xong nhưng ông mù thật hay mù giả thì cũng đeo cặp kiếng Ray ban Wayfarer và coi ngơ ngác. Ông hếch mũi lên trời để ngửi sương đêm hay để tránh mùi dầu cặn. Coi như ông mù thiệt thì thấy gì đây, có chăng là ông nghe tiếng xe Vespa này và nhận ra chiếc loại 180 phân khối, không phải là chiếc nhỏ loại 50. Tua nhanh lên để trở về chỗ cũ thì lúc xe xuống dốc cầu bên kia, anh Cảnh sát và anh Quân cảnh ở hai vị trí đối diện nhau và cách 10 hay 15 mét. Như vậy, một anh có thể thấy mông trắng hếu mà hô là cởi truồng và anh đứng bên kia thấy đen xì lông một nhúm mà hô là có mặc quần lót màu sẫm. Người thứ 3 của toán Tuần cảnh thì ở hẳn phía dưới chân cầu chỗ khúc quẹo vào đường ngang. Anh gần như là núp và họ bố trí như vậy là cái kiểu kiểm tra phục kích. Mới nhú đầu lên khỏi dốc cầu thì sẽ gặp anh Cảnh sát. Anh sẽ huý‎t còi và chỉ tay ra hiệu cho kẻ khả nghi ngưng lại. Xe này sẽ phải đậu tấp vô ngang xe Jeep có anh Quân cảnh thứ nhất. Nếu mà bỏ chạy xuống dốc để cắt cua vô đường ngang để tẩu thoát thì sẽ gặp anh Quân cảnh thứ nhì đã đứng sẵn để chặn lối. Anh này vì thế không tận mắt sự việc vừa mới xảy ra. Cô gái trên yên sau không mặc quần lót hư thực thế nào thì sao biết. Anh đứng ở xa và hai anh kia cũng không vời anh lên mà cho ý kiến, có hay là không. Giờ mà bàn tới lui là ta có thể làm luôn bộ phim truyện La sanh môn.

Bảy Viễn đứng trước cửa quán cháo lòng cởi trần nhưng ông không cởi truồng và ông có quần xà lỏn. Ông ưỡn ngực ra làm như hóng cái mát hiếm hoi của ban đêm. Tuy lớn tuổi, ông vẫn còn vạm vỡ. Vai ông có xâm trên làn da nhẫy bóng cái hình đoán ra là mỏ neo và cây kiếm, hàng chữ lờ mờ « Commando de Marine », tức là hải kích Pháp thời thuộc địa. Chiếc Vespa đi ngang ông, đi ngang quán và dừng lại trước con hẻm cách đó vài chục mét. Từ con ngõ này mấy em Nhân dân tự vệ lếch thếch súng ống đi ra đường cái để gác khuya phiên gác đêm xuân.

– Anh khỏi đưa em vô tới nhà, Cathy nói thừa thãi, Người tình nào có ý đưa cô vào đến tận nơi đâu và cô biết vậy.
Cô tụt mông xuống khỏi yên xe, cái áo bó của cô khiến cô kéo phải kéo xuống vuốt lại cho ngay ngắn.

– Mấy bữa nữa, anh sẽ ghé cửa tiệm, Người tình hếch cầm lên trả lời

Đây là một cái hẹn bâng quơ, không có ngày giờ chính xác và một lời hứa cho nó có, kiểu như trời mưa thì anh sẽ đến thăm, và trời nắng thì cũng có thể. Anh vòng đầu xe và không ngó lại. Anh đang gấp.

Các em Tự vệ thì ngó kỹ từ phía sau cái mông cô lật bật. Các em có thì giờ thâu đêm mà. Họ khác anh, họ đâu có vợ đang đợi ở nhà cách đây 3 km. Cathy đi giày gót cao, cô nhìn mặt ngõ bấp bênh và cẩn thận chọn mỗi chỗ cô đặt chân xuống uyển chuyển khiến cô đi như là múa trong con hẻm. Quần lót có hay không, nhìn cặp đùi cô di chuyển cũng mát cả một vùng nhiệt đới. Các cậu này đợi đến lúc cô đi khuất vào bên trong.

Chiếc xe Vespa chạy ngược lại ngang quán cháo lòng qua và Tuyết buông thõng một câu:

– Con đĩ ngựa này giờ mới về nhà!

Tuyết ngồi ở bàn ngoài của quán. Cô nói như chỉ để cho mình cô nghe. Bảy Viễn có nghe hay là không vì ông đang dứng cạnh mơ màng, nhưng ông không có phản ứng gì. Tuyết mặc đồ bộ bông thẳng có nếp như là mới ủi và Tuyết 17 tuổi. Tuyết 17 tuổi xinh. Con gái nào 17 tuổi mà không xinh xắn, nhất là vào lúc 11 giờ đêm rồi. Tay Tuyết tay cầm một tấm hình như chăm chú nhìn trìu mến

– Hình gì vậy, Dũng hỏi

– Đưa cho coi được không, Hùng nói

Cô đưa ra ngay như để khoe và từ nãy giờ chỉ đợi có vậy.

Trên hình là một anh khóa sinh đồ trận trước cổng trại quân trường Đồng Đế với cái mái chữ V của kiến trúc « Streamline Modern » thời thập niên 60. Đằng hình sau có đề hàng chữ viết tay : Lưu niệm khóa 10A-1972 « Yên thế »

– Tưởng hình em chụp… kiểu chớ, Hùng cười đưa trả lại

– Hình người yêu của em, Tuyết nói, ảnh là Thiếu úy ở miền xa. – « Kẻ ở miền xa », Dũng nói, còn em tên gì ?

– Em tên Tuyết

– Người đi ngàn dặm gọi buồn
Em nằm băng giá cửa…hồn tái tê
Người đi sao mãi chưa về
Tuyết trong… hồn thấy tứ bề vắng anh!

– Bộ anh… là nhà thơ sao ? Tuyết tròn con mắt

– Anh là nhà thơ, Dũng nói, chứ còn sao nữa. Còn anh này, Dũng chỉ vào bạn, anh này nhạc sĩ. Tụi anh sẽ làm bài cho em hát. Nhạc Trần Hùng, lời Lê Dũng và ca sĩ Tuyết Băng trình bày! Quần chúng vỗ tay đi chứ, Dũng nhìn vào người lính đang giương mắt ra theo dõi tấn tuồng này.

Người lính Nghĩa quân đưa tay lên vỗ và Tuyết cười khúc khích.

.

Tiếng ầm ì giờ rõ rệt hơn khi tiếng động của thành phố càng thêm lắng xuống. Các con xóm lụp xụp này mới mọc lên tại Sài gòn trong thập niên 60 thôi, thứ nhất là vì nhu cầu an ninh. Chiến tranh mang người vào thành phố tìm chỗ trú và các xóm mới lớn nhỏ thành hình tại nơi nào trống. Chúng cắt dọc ngang các đường cái với nhà chệt mái tôn lụp xụp mang số« xẹc », xẹc ngang và xẹc dọc: 145 xẹc 15 xẹc thêm 37 tức là 145/15/37. Sau đó thì phát triển kinh tế đến cùng với bom đạn và đây kia trong những con hẻm đó khấm khá lên nhà gạch lầu đúc bê tông, có lan can bằng xi măng ra đứng tựa ở trên và lối ra vào ở dưới có cổng sắt kéo.

Chiếc xe Vespa của Người tình 3 cây số nữa thì đến một con hẻm cũng đại loại như vậy tuy lớn hơn. Đây là đường đắp tương đối tốt và có thể qua lại cả bằng xe con. Anh về căn nhà nơi vợ anh và các con đã nằm yên giấc. Vào lúc đó thì đâu cũng vắng cả, trên con đường chỉ còn lác đác vài xe hàng rong đẩy về gấp, vài nhà có hiên chăng mùng trải chiếu ra trước cửa nằm và Người tình vuốt râu mép. Anh vuốt râu mép để cho có thêm tự tin, chứ không ai để râu mép làm gì. Nếu vợ anh còn thức và hỏi, « Anh đã ăn chưa », thì anh sẽ gắt « Ăn cái gì, làm đã xong hết việc đâu » và đi vào tắm ! Người tình chạy chậm lại như để suy nghĩ thêm. Anh sắp về đến.

Chiếc Vespa qua một căn nhà còn mở lớn cái cửa sắt. Nó mở toang như là phanh ngực hay như là mời mọc. Đèn các nhà chung quanh đã heo hắt nhưng trong phòng khách này còn các bóng néon xanh lét, có bao nhiêu là bật hết. Trước cửa và ngược sáng, mấy người lính ngồi binh xập sám uể oải, một em bé vừa theo dõi canh bạc vừa ngủ gật. Giữa buồng bày trên hai giá gỗ là một cái quan tài phủ quốc kỳ. Ta vào đến năm thứ 30 của cuộc chiến rồi, và chuyện bình thường thôi, chứ chẳng lẽ chiến tranh lại không có người chết trận.

 

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả